| Hotline: 0983.970.780

Kon Tum ký sự: [Bài IV] Ám ảnh ma rừng - rừng ma

Thứ Sáu 21/08/2020 , 09:10 (GMT+7)

Chuyện “con ma rừng” từng là nỗi ám ảnh bao đời của hầu hết tộc người thiểu số Tây Nguyên. Còn rừng ma là nơi mà bất cứ ai bước vào cũng nổi da gà.

Rừng ma ở làng Le nay vẫn còn, nhưng các hủ tục đã được xoá bỏ, người dân không còn sợ con ma rừng nữa. Ảnh: Phúc Lập.

Rừng ma ở làng Le nay vẫn còn, nhưng các hủ tục đã được xoá bỏ, người dân không còn sợ con ma rừng nữa. Ảnh: Phúc Lập.

Cô gái đẹp bị ma rừng bắt đi rồi

Đêm xuống, thung lũng Mo Rai, vùng đất của người Rơ Măm chìm trong bóng đêm. Nếu tắt nốt bóng đèn, thì ngoài tiếng của thiên nhiên, là gió rít ngoài bìa rừng, là tiếng côn trùng, tiếng muông thú đi ăn đêm, gọi bầy… tịnh không con tiếng gì khác. Không gian chìm trong huyền bí.

Nghĩ đến những câu chuyện về những bóng ma lẩn khuất trong rừng thuở xưa, bất chợt, tôi thu mình trong chiếc áo khoác, như sợ ánh mắt vô hình đâu đó trong màn đêm.

Xa xưa, người Rơ Măm chỉ sống quanh quẩn lưng chừng đỉnh Chư Mom Ray. Vì họ quan niệm ở trên cao là gần với trời, thần linh linh thiêng. Còn phía dưới là thế giới của cõi âm, của ma, nên không bao giờ xuống chân núi.

Họ sống du canh du cư, săn bắt, hái lượm, “ăn sống, uống tươi”, người chết chôn chung, ốm đau tại Yàng, áo khố làm bằng vỏ cây. Có lẽ vì vậy mà đói khổ, bệnh tật đã cướp đi sinh mạng của rất nhiều người.

Nhắc đến bậnh tật, nhiều người Rơ Măm cao niên còn nhớ, nhiều chục năm trước, từng có trận dịch bệnh khiến cả trăm người chết. Đây cũng là nguyên nhân khiến trong vòng vài chục năm, số lượng người Rơ Măm chỉ luôn duy trì từ 50 đến hơn 100. Mãi đến khi ánh sáng văn minh soi rọi, tổng số người Rơ Măm mới tăng lên mỗi năm, và bây giờ đã lên đến khoảng 470 người.

Già làng làng A Blong bảo, nhờ có bộ đội, có những cán bộ giỏi giang mà vùng đất Mo Rai bây giờ đã ngập tràn ánh sáng văn minh, nhất là người Rơ Măm ở làng Le, không còn những hủ tục như xưa nữa. Nhưng cách đây chừng 15 năm thôi, con ma rừng từng là một trong những thứ mà người Rơ Măm sợ nhất.

Già làng A Blong nhớ lại những ám ảnh hủ tục ngày xưa. Ảnh: Phúc Lập.

Già làng A Blong nhớ lại những ám ảnh hủ tục ngày xưa. Ảnh: Phúc Lập.

Già làng A Blong kể: “Khoảng 10 năm trước, có một cô gái trẻ rất đẹp trong làng bỗng nhiên biến mất. Sự việc lan ra nhanh chóng, dân làng bắt đầu xì xào do cô gái đi lạc vào rừng ma nên đã bị con ma rừng bắt đi.

Từ đó, đàn bà con gái trong làng không ai dám vào rừng hay đi một mình lên rẫy, tất cả đều đóng cửa ở nhà hoặc tụ tập bàn về chuyện cô gái mất tích.

Người Rơ Măm nói riêng và đồng bao thiểu số Tây Nguyên nói chung, vốn suy nghĩ đơn giản, dễ tin. Chính vì thế, câu chuyện cô gái bị ma rừng bắt đi càng ly kỳ hơn, đáng sợ hơn khi được thêm bớt nhiều chi tiết.

Cuối cùng, câu chuyện trở thành “con ma rừng” là một người đàn ông, chết trước ngày cưới vài hôm vì bệnh. Anh ta cô đơn nên thường tìm bắt những cô gái trẻ, xinh đẹp, có khuôn mặt giống giống vợ chưa cưới của anh về làm bầu bạn.

Rồi lại có câu chuyện khác, rằng do cô gái này đã vào rừng ma, mạo phạm người chết nên bị ma rừng bắt về trừng phạt. Sau ngày cô gái ấy được làm ma, cứ thấy đàn bà, con gái đi ngang qua bìa rừng gần nghĩa địa của làng là nó theo bắt về làm bạn. Câu chuyện một đồn mười, mười đồn trăm, lan nhanh như ngọn gió rừng”.

Chuyện “con ma rừng” ngàn đời nay vẫn là nỗi ám ảnh đối với đồng bào thiểu số Tây Nguyên. Với người Rơ Măm, nơi yên nghỉ của những người đã khuất là chốn linh thiêng, sau khi an táng, nếu ngôi mộ nào mà bị sụt lún hoặc bỗng dưng bị đào xới bất thường thì đó chính là do “con ma rừng” làm.

Người làng Le trong lễ hội mừng lúa mới. Ảnh: Đình Du.

Người làng Le trong lễ hội mừng lúa mới. Ảnh: Đình Du.

Còn ông A Ren, lại kể cho tôi nghe câu chuyện về một thanh niên dám “mạo phạm” người chết trong rừng và sau đó gánh hậu quả: “Ngày đó, có một thanh niên trong làng, tính tình cứng đầu, thường làm những chuyện khác người, cậu ta không tin có ma rừng, nên một mình vào “rừng ma” của người Rơ Măm, cậu thấy một ngôi mộ bị bật nắp, nên tò mò lại xem.

Sau hôm ấy, chàng trai lăn bệnh, mấy ngày sau thì chết. Người vợ sau đó cũng lăn ra bệnh, đứa con trong bụng sinh ra không bình thường. Mặc dù sau đó cô vợ hết bệnh, nhưng cứ điên điên dại dại.

Rồi một thời gian sau, trâu, dê, heo trong làng cứ đột nhiên lăn ra chết không rõ nguyên nhân. Già làng phải tức tốc họp dân làng để bàn bạc.

Mọi người đều cho rằng, do chàng trai kia vào rừng ma, làm điều không phải, nên bị con ma rừng theo về hại chết, kéo theo cả dân làng vạ lây. Cuối cùng, mọi người thống nhất tìm một nơi ở mới”.

Ma rừng trốn vào rừng rồi

Ông A Rói, người có công đầu giúp dân làng Le định canh định cư, từ bỏ các hủ tục, ổn định đời sống tinh thần. Ảnh: Phúc Lập.

Ông A Rói, người có công đầu giúp dân làng Le định canh định cư, từ bỏ các hủ tục, ổn định đời sống tinh thần. Ảnh: Phúc Lập.

Nói về câu chuyện ma rừng, ông A Rói, Bí thư Chi bộ thôn làng Le, tâm sự: “Tôi là người theo cách mạng, được học hành, nên hiểu chuyện. Thực ra chẳng có con ma rừng nào cả.

Chuyện cô gái mất tích, sau đó một thời gian, người ta tìm thấy xác cô trong bụi cây ven suối trong tình trạng lõa thể với nhiều vết thương trên người.

Sau đó công an vào cuộc điều tra. Kết quả, không có con ma rừng nào bắt cả, mà do anh người yêu cũ giết chết cô. 2 người này trước kia từng “thề non hẹn biển” với nhau và cùng xin vào làm công nhân tại nông trường cao su trong xã Mo Rai.

Sau một thời gian thì cuộc tình của họ chấm dứt khi cô gái xe duyên với người đàn ông khác. Chàng trai này ban đầu cũng an phận, nhưng rồi một lần tình cờ gặp cô gái một mình ngoài suối, và 2 người nói chuyện với nhau. Lúc này, tình cũ trỗi dậy, anh chàng không kìm chế được bản thân nên đã ép cô gái. Sau đó, anh ta lo lắng sự việc bại lộ nên đã giết cô gái, giấu xác vào bụi cây”.

Ông A Rói cho biết, bóng tối hủ tục đã lùi xa, nhưng nó từng làm ông nhiều con trăng ăn không ngon ngủ không yên. Ông trầm ngâm: “Hồi đó, mỗi khi có một chiếc quan tài bị bật nắp, người làng lại đồn do “con ma rừng” đói nên cạy ra ăn thịt người chết.

Nếu ai vào rừng ma thấy quan tài bật nắp thì con ma rừng sẽ theo người này về làng. Rồi người đó trước sau gì cũng chết, dân làng cũng vạ lây thôi. Cuối cùng, cả làng lại bỏ đi tìm nơi ở mới”.

Ngày nay, những đứa trẻ lờ làng Le đều được đến lớp học, nhiều em học lên cấp 3 và cao hơn nữa.

Ngày nay, những đứa trẻ lờ làng Le đều được đến lớp học, nhiều em học lên cấp 3 và cao hơn nữa.

“Còn chuyện chàng trai vào rừng ma, bị bắt, A Rói có biết không?”, tôi hỏi. Ông trầm ngâm giây lát rồi phân tích: “Ai mà chẳng biết. Chẳng có con ma nào theo bắt anh ta cả. Ngày xưa, khi có ai chết, người Rơ Măm khiêng vào rừng, làm quan tài đặt trên mặt đất, đưa người chết vào, đậy nắp là xong. Sau đó làm một ngôi nhà nhỏ che chiếc quan tài lại, gọi là nhà mồ.

Chưa kể, ngày xưa còn hủ tục người chết chôn chung. Đó là khi người nhà chết, mang vào rừng, bật nắp quan tài lên, đặt người sau lên người trước, ngay cả khi người trước chưa kịp phân huỷ, đáng sợ lắm. Như vậy làm sao không bệnh dịch?

Do phần nắp trên quan tài chỉ đặt lên chứ không chốt bằng đinh gỗ, lại để trên mặt đất nên thường bị các loại thú rừng đến phá. Vì thế mới có chuyện nhiều quan tài bị bật nắp.

Chàng trai bị “ma rừng” bắt thực ra có thể do anh ta vào rừng, đúng lúc có người chết chưa lâu, chưa phân huỷ hết, quan tài bị thú rừng đến phá, làm bật nắp, anh ta hít phải khí độc nên về bệnh mà chết thôi”.

Cách đây hơn chục năm, hình ảnh con bò không bao giờ xuất hiện ở làng Le vì liên quan đến lời nguyền. Nay nhiều gia đình ổn định kinh tế nhờ nuôi bò. Ảnh: Phúc Lập.

Cách đây hơn chục năm, hình ảnh con bò không bao giờ xuất hiện ở làng Le vì liên quan đến lời nguyền. Nay nhiều gia đình ổn định kinh tế nhờ nuôi bò. Ảnh: Phúc Lập.

Ngày nay, cuộc sống của đồng bào Rơ Măm đã hoàn toàn thay đổi, bóng đen hủ tục đã lùi vào rừng sâu, con ma rừng cũng không còn dám về làng quấy phá nữa. Ấy là bởi có ánh sáng văn minh, và người có công soi rọi đầu tiên chính là ông A Rói, đã kiên trì vận động người dân theo mình xuống núi, lập làng, định canh định cư.

“Những hủ tục như ăn sống uống tươi, người chết chôn chung… đồng bào bỏ rồi. Bây giờ mỗi khi lễ hội, tôi nói vui: “Con ma rừng trốn vào rừng sâu rồi” là bà con lại cười, vui lắm”, ông A Rói nói.

“Xã Mo Rai có 7 làng đồng bào thiểu số, hiện nay người dân tất cả các làng đều thay đổi nhận thức rất nhiều. Cuộc sống du canh, du cư, chặt, đốt, chọc, tỉa, ăn sống, uống tươi, hay người chết chôn chung đã không còn. Bà con biết làm đủ loại hình kinh tế, nên đời sống cả vật chất lẫn tinh thần ngày càng ổn định hơn. Các gia đình đều nỗ lực chăm lo đến việc học của con cái và ngày càng có nhiều em học cấp 3, cao đẳng, đại học”, ông H Rach Lao, Chủ tịch UBND xã Mo Rai.

Xem thêm
Hà Giang có 10 Sở thực hiện hợp nhất

Ngày 17/12, UBND tỉnh Hà Giang đã tổ chức Hội nghị triển khai, xây dựng phương án sắp xếp các cơ quan, đơn vị trực thuộc UBND tỉnh này.

Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao là cuộc cách mạng lớn

An Giang có trên 300 nghìn nông dân trực tiếp sản xuất lúa và 229 hợp tác xã đang đóng vai trò quan trọng trong việc tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao.

Sau đợt mưa lớn, hồ thủy lợi ở Khánh Hòa đã tích được 84% dung tích

Nhờ đợt mưa lớn vừa qua, các hồ thủy lợi ở tỉnh Khánh Hòa đã tích được 84% dung tích thiết kế, đảm bảo 100% diện tích kế hoạch sản xuất vụ đông xuân.