| Hotline: 0983.970.780

Lung Leng - Nơi ghi dấu tiền nhân

Thứ Tư 06/05/2020 , 08:58 (GMT+7)

Vùng đất ấy, cách đây hàng vạn năm, vào khoảng thời kỳ đồ Đá cũ, từng được tổ tiên người Việt chọn để định cư. Dấu tích còn sót lại nằm sâu dưới lòng đất.

Đường vào thôn Lung Leng. Ảnh: Phúc Lập.

Đường vào thôn Lung Leng. Ảnh: Phúc Lập.

Đó là di chỉ khảo cổ Lung Leng, nằm ở hữu ngạn dòng Krông Pô Cô, trong vùng bán ngập lòng hồ thủy điện Yaly, thuộc xã Sa Bình, huyện Sa Thầy, Kon Tum.

Nay, vùng đất này đã đổi thay hoàn toàn, dấu tích xưa đã chìm dưới mặt nước, đâu đó chỉ còn tiếng rì rào của cây rừng, của những gợn sóng mặt hồ mênh mông, lăn nhẹ vào bãi cỏ…Chủ nhân của vùng đất này ngày nay là đồng bào thiểu số J’rai.

Chuyện từ “mớ” ve chai

Trong cái nắng rát bỏng tháng 4 của vùng Tây Nguyên vốn từ lâu đã không còn “xanh” cây rừng như xưa, tôi theo chân anh bạn đồng nghiệp địa phương đến làng Lung Leng.

So với cách đây chục năm, thì bây giờ việc đi đến ngôi làng xa tít này dễ như bỡn. Vì gần như toàn bộ đường giao thông liên huyện, xã đã được bê tông hoá, nhựa hóa. Chỉ những đường thôn nhỏ còn là đất đỏ. Lung Leng co địa thế rất vững chãi khi dựa lưng vào dãy núi hình con voi đang phủ phục. Mặt hướng ra dòng sông Pô Kô hung vĩ.

Ông A Glong, năm nay 74 tuổi, là một trong những cư dân sinh ra và lớn lên ngay trên mãnh đất mà phía dưới là di chỉ khảo cổ đồ sộ nhất Tây Nguyên. Ông và nhiều người khác, đã ở đây từ thời ông cha, buộc phải dời đi để nhường chỗ cho thủy điện Yaly. Đó cũng là lúc dòng nước mênh mông nhấn chìm mọi thứ, kể cả vùng đất tiền nhân cư ngụ từ vạn năm trước.

Ông A Glong, một trong những 'chủ nhân' vùng đất Lung Leng xưa. Ảnh: Phúc Lập.

Ông A Glong, một trong những "chủ nhân" vùng đất Lung Leng xưa. Ảnh: Phúc Lập.

Trước năm 1993, khi chưa có thuỷ điện Yaly, làng Lung Leng vốn là rừng thưa, đất dai cằn cỗi, nhưng lại có nhiều vàng cám, nên dân đào vàng từ khắp nơi trong cả nước kéo đến tìm vận may.

Một ngày cuối tháng 8/1999, ông chủ quán ăn trong bãi vàng Lung Leng tên Kim khệ nệ đưa một thùng giấy to, bên trong chứa đầy những món đồ mà theo ông là đồ cổ, đến bán cho Bảo tàng tỉnh Kon Tum. Ông cho biết, những món đồ này là do dân đào vàng mang ra quán ông bán hoặc đổi lấy đồ ăn, thuốc lá.

Khi khui chiếc thùng giấy ra, những cán bộ của bảo tàng tỉnh Kon Tum tròn mắt, không tin vào mắt mình. Trước mắt họ là hàng trăm món đồ mà chỉ nhìn qua cũng có thể ước đoán nó hàng ngàn năm tuổi. Đó là rìu đá có vai, bôn hình răng trâu, hạt chuỗi, đá khoan lỗ, mảnh gốm trang trí...

Bằng con mắt nghề nghiệp, những người tiếp nhận thùng đồ nhìn ra ngay đây là những cổ vật có giá trị cực lớn về mặt lịch sử và giới khảo cổ học.

Một góc thủy điện Yaly, nơi 'nhấn chìm' di tích tiền sử Lung Leng. Ảnh: Phúc Lập.

Một góc thủy điện Yaly, nơi "nhấn chìm" di tích tiền sử Lung Leng. Ảnh: Phúc Lập.

Sau khi mua lại thùng đồ, ngay hôm sau, gần như toàn bộ lực lượng cán bộ nghiệp vụ của Bảo tàng tỉnh Kon Tum đã xuyên rừng tìm vào bãi vàng nằm cách làng Lung Leng vài cây số.

Đến nơi, mọi người như không tin vào mắt mình: giữa bãi vàng đào nham nhở, một tầng văn hóa cổ hiện ra nằm cách mặt đất gần 1m.

Trên vách các hố vàng, xuất hiện vô số mảnh gốm, có chỗ gốm ken dày đến 30cm, rải rác gần đó còn có những chum, lọ, đế bát, mảnh rìu.

Các di vật sau đó được cấp tốc gửi ra Hà Nội để xác định niên đại tuyệt đối bằng phương pháp carbon phóng xạ C14. Ngay sau đó, những chuyên gia hàng đầu của Việt Nam về khảo cổ đã bay vào Kon Tum...

Dấu son Tây Nguyên

Ông Nguyễn Minh Thuận, Chủ tịch UBND xã Sa Bình nhớ lại: “Thời điểm khai quật di chỉ Lung Leng, tôi đang làm Bí thư xã đoàn nên cũng tham gia khai quật.

Hàng chục lều được dựng lên, hàng nghàn người được thuê, được huy động đến, cả người dân, học sinh, sinh viên, làm việc miệt mài, chạy đua với nước lũ dưới sự hướng dẫn của các nhà khảo cổ học.

Đất Lung Leng rầm rập người qua lại...Trên một diện tích hơn 1ha, các nhà khảo cổ đã đào được trên 4.000 công cụ đá, hàng vạn mảnh gốm, 40 mộ, 20 bếp, lò nung, chuỗi đá, rìu, chân đèn, bát... được xác định là vết tích văn hóa từ thời đại đá cũ (cách nay 20.000-30.000 năm) đến hậu kỳ đá mới và sơ kỳ kim khí (3.000-4.000 năm).

Mộ vò tìm thấy tại di tích tiền sử Lung Leng. Ảnh: Bảo tàng tỉnh Kon Tum.

Mộ vò tìm thấy tại di tích tiền sử Lung Leng. Ảnh: Bảo tàng tỉnh Kon Tum.

Căn cứ vào những gì đã khai quật và xác định niên đại, các nhà khoa học đã dựng lại một bức tranh toàn cảnh về người tiền sử Việt Nam thuộc nhiều giai đoạn khác nhau: sớm nhất là lớp cư dân hậu kỳ đá cũ, vết tích được tìm thấy trong các công cụ được chế tác từ đá cuội ghè đẽo.

Tiếp theo là cư dân hậu kỳ đá mới, sơ kỳ kim khí với những công cụ đá mài toàn thân rất sắc nét, hoàn mỹ như chân đèn, rìu, bàn mài.

Đặc biệt, các nhà khảo cổ đã tìm thấy những viên cuội tròn dẹt, được đục lỗ và chế tác đến độ hoàn mỹ nhất của thời kỳ đó mà có ý kiến cho rằng dùng để tra trục gỗ làm cây nghiền hạt trên bàn đá (vì cũng đã tìm thấy bàn nghiền với kích thước lớn, có vết nghiền lõm lòng máng) hoặc buộc dây và ném khi đi săn...ngoài ra, sự có mặt của khuôn đúc rìu cho thấy, hoạt động luyện kim có mặt rất sớm tại đây.

Hai trong số hàng vạn cổ vật được chế tác tinh xảo bằng đá, gốm, tìm thấy tại di chỉ khảo cổ Lung Leng. Ảnh: Bảo tàng tỉnh Kon Tum.
Hai trong số hàng vạn cổ vật được chế tác tinh xảo bằng đá, gốm, tìm thấy tại di chỉ khảo cổ Lung Leng. Ảnh: Bảo tàng tỉnh Kon Tum.

Hai trong số hàng vạn cổ vật được chế tác tinh xảo bằng đá, gốm, tìm thấy tại di chỉ khảo cổ Lung Leng. Ảnh: Bảo tàng tỉnh Kon Tum.

Các vật dụng tìm thấy tại Lung Leng cho thấy, cư dân tiền sử nơi đây không chỉ đạt trình độ cao về kỹ thuật chế tác công cụ đá tinh xảo biết kỹ thuật luyện kim, mà còn là những thợ giỏi chế tác gốm.

Biết cách pha chế đất sét với cát, bã thực vật và nắm kỹ thuật đắp lò nung gốm... để chế tác từng loại vật dụng sinh hoạt thích hợp như chén, bát, chân đèn, đồ trang sức... với nhiều kích thước, nghệ thuật khác nhau.

Đối với người tiền sử, đồ gốm không chỉ là vật dụng trong sinh hoạt, mà còn là nơi gửi gắm tâm linh thông qua việc chôn theo đồ tùy táng, tư duy về số lẻ qua các di vật tìm thấy ở trong mộ…

Việc tìm thấy dọi xe chỉ bằng đất nung tại Lung Leng là minh chứng cho hoạt động xe sợi dệt vải ngay từ giai đoạn bước vào thời kỳ văn minh...

Người tiền sử ở Lung Leng đã có một tổ chức xã hội nhất định, kinh tế mang tính hỗn hợp, bao gồm săn bắt, hái lượm, chế tác công cụ, trao đổi sản phẩm và bước đầu đã biết trồng trọt. Việc phát hiện di chỉ Lung Leng đã khiến các nhà nghiên cứu khảo cổ học phải thay đổi những nhận định trước đây cho rằng Tây Nguyên là vùng đất nghèo, là “vùng trắng” về khảo cổ tiền sử.

Theo các chuyên gia khảo cổ học Việt Nam, Lung Leng là một minh chứng “Việt Nam là nơi chứng kiến quá trình hình thành con người từ thuở hồng hoang, là một vùng đất sớm nảy sinh nền kinh tế nông nghiệp, chế tác công cụ và là một trong những trung tâm luyện kim và hình thành quốc gia cổ đại sớm nhất khu vực Đông Nam Á!”

Hôm nay, Lung Leng đã thay đổi hoàn toàn, không còn dấu tích người xưa. Bởi toàn bộ di chỉ giờ nằm trong vùng bán ngập thủy điện Yaly, mỗi năm có 6 tháng chìm dưới nước, 6 tháng còn lại nước rút, thì cây mai dương, loài cây dại đầy gai mà cả trâu bò cũng ngán, phủ kín.

“Nhiều đoàn khách đến đây, muốn chúng tôi dẫn đến tham quan Lung Leng, nhưng ai váo được nữa, mùa ngập chẳng thấy gì, lúc nước cạn thì cây mai dương mọc kín rồi. không ai vào được cả. Chỉ đứng mà nhìn từ xa thôi”, ông AGlong nói.

Trở về trong cái nắng dịu buổi chiều dọc sông Pô Kô, gió rì rào làm hơi nước từ mặt hồ tỏa lên mát rượi. Nghe như đâu đó từ lòng hồ tiếng vọng của tiền nhân.

"Thôn Lung Leng hiện có 258 hộ với trên 1.140 nhân khẩu, 100% là người đồng bào J’rai. Họ sinh sống chủ yếu bằng nghề nông và đánh bắt thủy sản. Ngoài việc trồng các loại cây lương thực chính như lúa, ngô, rau các loại… người dân đã biết chuyển đổi trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như mì, cà phê, cao su… chăn nuôi gia súc, gia cầm cũng phát triển với hàng ngàn con trâu, bò, heo…đời sống của người dân được nâng cao, không có trẻ em thất học, nhiều em học đến cao đẳng, đại học”, ông Nguyễn Minh Thuận, Chủ tịch UBND xã Sa Bình.

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Trang bị kỹ năng tận dụng phụ phẩm nông nghiệp cho nông dân

Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh vừa tổ chức lớp tập huấn về 'Quy trình sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng từ phụ phẩm nông nghiệp địa phương'.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xúc tiến, quảng bá, kết nối du lịch Đồng bằng sông Cửu Long

Đồng bằng sông Cửu Long từ lâu đã nổi tiếng là vùng đất bình yên của những người dân chất phác, thân thiện với phong cảnh thiên nhiên hữu tình, thơ mộng.