| Hotline: 0983.970.780

Đi tìm giống lúa 'át chủ bài' xuất khẩu gạo Việt Nam

[Kỳ 2] Lộc Trời 28 đăng quang

Thứ Tư 14/07/2021 , 21:36 (GMT+7)

Thực ra, trước khi ST25 đạt giải gạo ngon nhất thế giới hồi năm ngoái thì đã có 1 loại gạo 'Made in Vietnam' từng đạt giải tại đấu trường gạo quốc tế.

Lộc Trời 28 đoạt giải Nhất Hội nghị thương mại Gạo đại lục lần thứ 5 tại Trung Quốc.

Lộc Trời 28 đoạt giải Nhất Hội nghị thương mại Gạo đại lục lần thứ 5 tại Trung Quốc.

Tại Hội nghị thương mại Gạo đại lục lần thứ 5 giữa các nhà kinh doanh gạo Trung Quốc và Hiệp hội gạo Năm Châu diễn ra tại tỉnh Quảng Đông vào tháng 11/2018, gạo Lộc Trời 28 đã chính thức đăng quang- vượt qua gạo Hom Mali nổi tiếng của Thái Lan và gạo ST24 cũng của Việt Nam, đạt giải nhất về gạo thơm.

Việc vinh danh giải nhất Lộc Trời 28 đã đưa tầm vóc thương hiệu gạo Hạt Ngọc Trời – thương hiệu gạo cao cấp của Tập đoàn Lộc Trời lên một tầm cao mới, trở thành một trong những loại gạo ngon nhất thế giới. Nhưng mãi đến tháng 5/2021, gần 3 năm sau ngày được vinh danh, sự kiện này mới được công bố tới công chúng. Vì sao vậy?

Cùng nhìn lại chặng đường phát triển của giống lúa Lộc Trời 28, để hiểu thêm về sức mạnh lúa gạo Việt Nam và quy trình kỳ công mà các nhà khoa học nông nghiệp Việt Nam đã kiên trì thực hiện trong nhiều năm trời.

Chủ trương “tăng chất” lúa gạo Việt Nam và câu chuyện Lộc Trời 1 – “viên gạch” đầu tiên

Ngày 15/8/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định 107/2018/NĐ- CP về kinh doanh xuất khẩu gạo, nhằm hoàn thiện cơ chế điều hành và quản lý hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo phù hợp với diễn biến tình hình thị trường, tạo thuận lợi cho thương nhân tham gia xuất khẩu gạo, tham gia sâu vào chuỗi giá trị gạo toàn cầu.

Theo đó, xác định lúa gạo chỉ có con đường phát triển duy nhất là nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị và cơ cấu lại sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường. Đây là yêu cầu cấp bách nhằm tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, nâng cao giá trị hạt gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế. Đây là Nghị định tạo nhiều thuận lợi cho việc sản xuất, kinh doanh gạo và phản ánh được nhịp đập của thị trường lúa gạo.

Trong 10 năm trở lại đây, nhu cầu phát triển giống lúa thơm gia tăng ở cả thị trường nội địa lẫn xuất khẩu. Tại vùng trồng lúa trọng điểm ÐBSCL, tỷ lệ sản xuất giống lúa thơm, đặc sản tăng từ 11,37% (năm 2015) lên 17,5% (năm 2018); lúa chất lượng cao tăng từ 39,78% lên 41,0%; lúa chất lượng trung bình giảm từ 29% xuống 26,5%; lúa nếp giảm từ 8,59% xuống 6,0%.

Giống lúa Lộc Trời 28 gieo cấy khá phổ biến tại các tỉnh phía Nam.

Giống lúa Lộc Trời 28 gieo cấy khá phổ biến tại các tỉnh phía Nam.

Sự dịch chuyển nhanh sang gạo chất lượng cao, đặc biệt là gạo thơm cao cấp xuất phát từ nhu cầu ăn ngon của người tiêu dùng, đồng thời có sự thay đổi lớn trong tư duy người trồng lúa, là chấp nhận thay thế các giống lúa thường, năng suất cao sang các giống lúa năng suất thấp hơn nhưng chất lượng gạo cao hơn.

Ngay từ những năm 2004, với mục tiêu hoàn thiện chuỗi giá trị nông nghiệp, Công ty cổ phần Bảo vệ Thực vật An Giang (AGPPS), tiền thân của Tập đoàn Lộc Trời, đã ấp ủ ý tưởng chọn tạo giống lúa thơm chất lượng cao cung ứng cho bà con nông dân. Nhưng mãi đến 2013, sau 9 năm nghiên cứu, AGPPS mới có giống lúa mới mang tên mình là AGPPS 103 với nhãn hiệu Hạt Ngọc Trời Thiên Long, đặc tính thơm ngon, năng suất cao hơn giống đối chứng cao sản phổ biến vào thời điểm đó.

Năm 2015, Hạt Ngọc Trời Thiên Long đã được Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Định Thành - DTARC (nay thuộc Viện Nghiên cứu Nông nghiệp Lộc Trời) bảo vệ trước Hội đồng công nhận giống của Cục Trồng trọt cho phép công nhận sản xuất thử. Không dừng lại ở thành quả đó, nhãn hiệu này tiếp tục được Tập đoàn Lộc Trời chọn để tham gia đấu xảo gạo ngon thế giới và lần đầu tiên gạo Việt Nam đạt top 3 thế giới.

Hạt Ngọc Trời Thiên Long mang lại ấn tượng đặc biệt cho các nước nhập khẩu trên thế giới, rằng Việt Nam không chỉ đứng hạng nhì về sản lượng gạo xuất khẩu, mà còn góp phần nâng dần giá trị, thương hiệu hạt gạo Việt Nam. Vào năm 2016, Lộc Trời được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận giống lúa Lộc Trời 1, chính là giống AGPPS 103 năm xưa.

Từ ý tưởng phôi thai đến giải thưởng danh giá cho ngành lúa gạo Việt Nam

Từ sự thành công truyền cảm hứng của Lộc Trời 1, các giống lúa thơm lần lượt nối tiếp được doanh nghiệp này phát triển rộng trong sản xuất mang tên giống lúa mùa Bắc Đẩu, Lộc Trời 18, Lộc Trời 183 ở vùng phèn mặn, vùng thâm canh và các tỉnh phía Bắc.

Giống lúa Lộc Trời 28 đưa vào sản xuất, được bà con nông dân rất ưa chuộng

Giống lúa Lộc Trời 28 đưa vào sản xuất, được bà con nông dân rất ưa chuộng

Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Lộc Trời, chia sẻ: “Mơ ước giá gạo xuất khẩu ngang tầm 1.000 USD/tấn như giá gạo Basmati nổi tiếng, Ban lãnh đạo tập đoàn đã gởi gắm đội ngũ nghiên cứu của DTARC khát vọng vươn tới “mục tiêu đỉnh” đó từ những năm 2014. Các hệ thống đồng ruộng, nhà lưới, phòng thí nghiệm, con người đều được trang bị đầy đủ, thậm chí nguồn gen lúa, gạo lứt cũng được mang về từ khắp nơi để làm vật liệu bố mẹ lai tạo giống, chia sẻ nguồn vật liệu mạng lưới giống IRRI, tạo khí thế động viên anh em nghiên cứu chọn giống. Giống lúa Lộc Trời 28 được hình thành trong bối cảnh như vậy”.

TS. Bùi Thị Dương Khuyều, nhà nghiên cứu giống lúa thuộc Viện Nghiên cứu Nông nghiệp Lộc Trời, đại diện bộ phận nghiên cứu của tập đoàn, kể lại: “Chúng tôi đã chọn lai tạo Lộc Trời 28, từ tổ hợp lai Lộc Trời 1/Basmati (mẹ: Lộc Trời 1, bố: Basmati) trong vụ Đông Xuân 2014 - 2015 tại DTARC, sau gần hai năm tập đoàn thành lập trung tâm nghiên cứu.

Trong đó, giống bố là dòng Basmati được mang về từ Ấn Độ, có ưu điểm là gạo rất đẹp, nhưng nhược điểm là hơi cứng cơm, mặt cơm vỡ, dạng cây yếu và năng suất thấp, vì vậy cần tìm giống mẹ để lai tạo theo đúng mục tiêu. Trong suốt 10 vụ chọn lọc phả hệ (hơn 3 năm), tiêu chí cơm nở dài như Basmati và vị cơm thơm mềm dẻo như Lộc Trời 1 đã hướng cho đội ngũ nghiên cứu chọn những ứng viên tiềm năng trong số hơn 2.000 cá thể tạo ra ».

Giống lúa Lộc Trời 28 góp phần nâng cao giá trị hạt gạo Việt

Giống lúa Lộc Trời 28 góp phần nâng cao giá trị hạt gạo Việt

Năm 2018, dù chỉ được sản xuất tại vùng nguyên liệu Lộc Trời khoảng vài hecta, nhưng chất lượng cơm, gạo được đánh giá rất cao nên Lộc Trời 28 – với nhãn hiệu Hạt Ngọc Trời Thiên Vương đã được chọn để tham gia đấu xảo gạo tại Hội nghị thương mại Gạo đại lục lần thứ 5.

Kết quả, gạo Lộc Trời 28 đã vượt qua gạo Hom Mali nổi tiếng của Thái Lan và gạo ST24, đạt giải nhất về gạo thơm. Đây cũng là loại gạo Việt Nam lần đầu tiên thế giới thắng giải tuyệt đối trong hội nghị giới kinh doanh lúa gạo chuyên nghiệp, là cột mốc đánh dấu niềm tin lớn lao biến khát vọng nâng cao chất lượng gạo Việt Nam trở thành hiện thực trên cơ sở khoa học của một tập thể.

Tuy nhiên, Tập đoàn Lộc Trời đã không công bố ngay giải thưởng này. Vì sao vậy?

Không phải đạt giải là được công nhận lưu hành

Theo Luật Trồng Trọt, việc công nhận lưu hành giống cây trồng mới phải trải qua các bước nghiêm ngặt với các tiêu chí khắt khe của công tác khảo nghiệm giống lúa mới do đơn vị chức năng chỉ định.

Ngay sau khi đạt giải năm 2018, các nhà khoa học thuộc Trung tâm Nghiên cứu DTARC - Tập đoàn Lộc Trời quyết định không công bố giải thưởng, mà bắt tay vào việc đưa giống Lộc Trời 28 ra sản xuất trên diện rộng, tuân thủ đúng lộ trình công nhận giống theo Luật Trồng trọt.

Từ năm 2019, Lộc Trời 28 được trồng lần lượt tại các tỉnh An Giang, Cần Thơ trong điều kiện xin phép sản xuất ở vùng nguyên liệu cam kết đầu ra, đánh giá thích nghi trong phạm vi khảo nghiệm tại các tỉnh Kiên Giang, Tây Ninh, Đăk Lăk với diện tích 15 ha, đến năm 2021 lên đến hơn 1.000 ha. Giống Lộc Trời 28 đã được đánh giá khảo nghiệm giá trị canh tác và sử dụng (VCU), tính khác biệt, đồng nhất và ổn định (DUS) theo qui chuẩn của Cục Trồng Trọt.

 Theo kết quả khảo nghiệm VCU và sản xuất, giống lúa Lộc Trời 28 có thời gian sinh trưởng ngắn 95- 100 ngày, kháng tốt bệnh đạo ôn (cấp 1), năng suất trung bình tại 4 tỉnh ĐBSCL và 1 tỉnh Đông Nam bộ đạt 4,82 - 6,07 tấn/ha, tương đương đối chứng Nàng Hoa 9, cao hơn các đối chứng ST24 (16 - 17,6%) và cao hơn VD20 (18,1 - 30,3%).

Về phẩm chất, gạo Lộc Trời 28 có tỷ lệ thu hồi khá cao (50,2 - 62,5%); hạt gạo thon dài, mảnh, trong, không bạc bụng và có độ trắng tốt; mặt cơm rất đẹp nở theo chiều dài của dạng cơm Basmati, cơm ngon mềm dẻo và thơm; điểm cảm quan cơm phân loại cấp tốt đạt 18,6/20 điểm.

Đến nay, Lộc Trời 28 cùng hai sản phẩm “anh em ruột” khác thuộc “gia đình Lộc Trời” tiếp tục đạt các thành tích: Trở thành 1 trong 5 sản phẩm được bình chọn 5 sao của chương trình OCOP An Giang năm 2020 (sản phẩm gắn liền với tỉnh theo chuỗi giá trị).

Sau gần 3 năm, trải qua đánh giá DUS, giống lúa Lộc Trời 28 nhận được quyết định bảo hộ giống cây trồng theo quyết định số 90 ngày 29/04/2021 của Cục Trồng trọt, khẳng định tập đoàn đã sở hữu năng lực nghiên cứu giống lúa mới đủ sức đáp ứng chuỗi lúa gạo khép kín.

Cũng thời gian này, Lộc Trời 28 đã được nhân rộng ở các vùng nguyên liệu chuyên canh lúa thơm, được thí điểm canh tác theo qui trình lúa gạo bền vững quốc tế (SRP) và trở thành sản phẩm “độc nhất vô nhị”: vừa ngon nhất, vừa đạt 100 điểm hoàn hảo theo tiêu chí sản xuất bền vững SRP trong vụ Đông Xuân 2020.

Hạt lúa và hạt gạo Lộc Trời 28.

Hạt lúa và hạt gạo Lộc Trời 28.

Qua các mùa vụ gieo trồng, nông dân luôn phấn khởi bởi Lộc Trời 28 đạt được lợi nhuận cao hơn so với các giống lúa khác, đồng thời tự hào vì mình đã canh tác giống lúa cho hạt gạo ngon mà họ từng ao ước.

Với nền tảng cốt lõi là kiến thức về nông nghiệp trong gần 30 năm tích lũy, năng lực quy hoạch vùng trồng lúa và tổ chức sản xuất quy mô lớn, mối quan hệ bền chặt và uy tín với hàng trăm ngàn hộ nông dân tại Việt Nam, với tầm nhìn trở thành đơn vị hàng đầu khu vực về dịch vụ nông nghiệp, Tập đoàn Lộc Trời đang từng bước đưa Lộc Trời 28 hướng tới canh tác hữu cơ, nhằm nâng cao hơn nữa giá trị giống lúa quý này, mang lại cho người tiêu dùng trong nước và thế giới thêm một sản phẩm chất lượng cao, an toàn cho sức khỏe mang thương hiệu hạt gạo Việt Nam.

Về quan điểm tuân thủ Luật Trồng trọt trong nghiên cứu, phát triển và sản xuất giống, lý giải cho quyết định trì hoãn công bố Giải thưởng Gạo ngon nhất thế giới năm 2018 và chưa tiến hành phân phối giống Lộc Trời 28 trên diện rộng, ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng giám đốc Tập đoàn Lộc Trời chia sẻ: Do chuyển tiếp với Luật Trồng trọt mới, thông tư hướng dẫn quy chuẩn tiêu chuẩn về giống cây trồng theo Nghị định số 94/2019/NĐ-CP của Chính phủ đang xem soát, vì vậy Tập đoàn Lộc Trời chờ Cục Trồng trọt công nhận lưu hành giống cho vùng ĐBSCL và Đông Nam bộ dù giống đã được đánh giá tốt, đạt yêu cầu về chất lượng, năng suất, sâu bệnh và tính thích nghi cũng như khả năng chấp nhận thị trường của giống.

Chỉ khi có được quyết định công nhận lưu hành giống theo Luật Trồng trọt thì giống Lộc Trời 28 mới có đủ cơ sở pháp lý để được nhà nước quản lý chất lượng giống cũng như chất lượng gạo đồng nhất; tránh những rủi ro về chất lượng, tôn vinh được giá trị và chất lượng của loại gạo ngon được thế giới vinh danh.

Xem thêm
Hỗ trợ dê, cừu giống cho hộ liên kết chăn nuôi

NINH THUẬN Năm 2024, 260 con dê và 300 con cừu giống (ngân sách nhà nước hỗ trợ 60%) sẽ được bàn giao cho 42 hộ tham gia liên kết tại huyện Ninh Hải và Ninh Phước

ILRI tạo ra nhiều ứng viên vacxin ASFV

Với phương pháp chỉnh sửa nhanh CRISPR/Cas9, Viện Nghiên cứu Chăn nuôi Quốc tế (ILRI) đã tạo ra nhiều ứng viên vacxin ASFV hứa hẹn các đặc tính về an toàn và hiệu quả.

Những 'vệ sĩ tí hon' bảo vệ vườn cam ở Cao Phong

HÒA BÌNH Đang len lỏi trong vườn cam của Hợp tác xã 3T Nông sản Cao Phong, tôi bỗng cảm thấy nhột nhột trên cổ, cộm cộm trên lưng, ram ráp ở trên tay…

Giới thiệu nhiều vật tư, công nghệ, thiết bị cơ giới hóa nông nghiệp

TP.HCM Ngày 13/11, tại TP.HCM đã khai mạc Triển lãm quốc tế Sản phẩm, thiết bị, vật tư và phân bón nông nghiệp (Growtech 2024).