| Hotline: 0983.970.780

‘Chìa khóa’ ứng phó biến đổi khí hậu ĐBSCL

[Kỳ 3] Xây dựng chuỗi rau an toàn công nghệ cao

Thứ Tư 26/05/2021 , 11:30 (GMT+7)

Với mục tiêu khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai, nâng cao giá trị sản xuất, tăng thu nhập, người dân Long An đã ứng dụng công nghệ vào sản xuất rau màu...

Hợp tác xã tiên phong 

Trước đây, người dân ở xã Long Khê, huyện Cần Đước (Long An) chủ yếu trồng rau theo phương thức truyền thống, nhỏ lẻ, không tập trung đồng bộ, từ đó năng suất không cao, tốn công chăm sóc, lợi nhuận thấp, thậm chí còn bị thua lỗ.

Với mong muốn mở ra hướng đi mới cho người dân trồng rau, tháng 8/2017, HTX Rau an toàn Mười Hai được thành lập. Để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, HTX Rau an toàn Mười Hai đã vận động thành viên ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) vào sản xuất: Xây dựng hệ thống nhà lưới, péc tưới tự động điều khiển từ xa thông qua remote hoặc phần mềm liên kết với sim điện thoại. Sử dụng phân bón vi sinh, giảm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật,...

Vườn rau ứng dụng công nghệ cao của HTX Rau an toàn Mười Hai. Ảnh. Trần Trung.

Vườn rau ứng dụng công nghệ cao của HTX Rau an toàn Mười Hai. Ảnh. Trần Trung.

“Tính trên 1.000 m2, vốn đầu tư cho nhà lưới và péc tưới tự động khoảng 25 triệu đồng, còn lại chi phí đầu tư ban đầu giữa trồng rau theo kinh nghiệm truyền thống và ƯDCNC là ngang nhau. Tuy nhiên, năng suất rau trồng theo kiểu truyền thống chỉ đạt 1,5-1,8 tấn/vụ, mỗi năm làm được 3 vụ thì, rau ƯDCNC sẽ đạt từ 2-2,2 tấn/vụ, mỗi năm làm được ít nhất 6 vụ.

Bên cạnh đó, rau ƯDCNC còn đảm bảo các tiêu chí rau an toàn, vì lẽ đó từ ngày thành lập HTX đến nay, có hàng chục doanh nghiệp đến tìm hiểu việc sản xuất rau và bao tiêu sản phẩm với giá bán cũng cao hơn từ 1.000-2.000 đồng/kg, từ đó, lợi nhuận của người trồng rau cao hơn”, ông Lê Văn Giấy, Giám đốc HTX Rau an toàn Mười Hai chia sẻ.

Thành viên HTX Rau an toàn Mười Hai say mê trồng rau sạch. Ảnh. Trần Trung.

Thành viên HTX Rau an toàn Mười Hai say mê trồng rau sạch. Ảnh. Trần Trung.

Tại cánh đồng rau màu của HTX, nhiều nông dân say mê trồng rau sạch theo công nghệ cao. Ông Lê Công Thụ, một trong 30 thành viên của HTX Rau an toàn Mười Hai cho biết, gia đình ông có 7 công đất. Nhiều năm trước, ông chủ yếu sản xuất theo kinh nghiệm nên năng suất rau đạt thấp. Chưa kể nhiều khi sắp thu hoạch, gặp thời tiết xấu, mưa nhiều, rau bị úng là coi như mất trắng một vụ. “Từ khi vào HTX, sản xuất theo quy trình ƯDCNC, nhờ hệ thống péc tưới tự động, tôi không mất nhiều công lao động, năng suất rau tăng rõ rệt, vụ nào tôi cũng có lời từ 50 đến 70 triệu đồng”, ông Thụ phấn khởi nói.

Hệ thống tưới tự động được cải tiến góp phần giảm thiểu nhân công. Ảnh. Trần Trung.

Hệ thống tưới tự động được cải tiến góp phần giảm thiểu nhân công. Ảnh. Trần Trung.

Hệ thống nhà màng được 100% thành viên HTX sử dụng nhằm ngăn ngừa côn trùng phá hoại và thời tiết xấu. Ảnh. Trần Trung.

Hệ thống nhà màng được 100% thành viên HTX sử dụng nhằm ngăn ngừa côn trùng phá hoại và thời tiết xấu. Ảnh. Trần Trung.

Ông Nguyễn Hồng Chương, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cần Đước  cho biết, hiện diện tích rau màu trên địa bàn duy trì ổn định khoảng 680 ha. Nông dân từng bước cải tiến quy trình sản xuất theo hướng ƯDCNC, an toàn thực phẩm.

Hiện nay, huyện Cần Đước triển khai 2 mô hình trình diễn nhà lưới kết hợp hệ thống tưới tiết kiệm với gần 500 ha ƯDCNC trong sản xuất rau, đạt hơn 70% kế hoạch. Trong năm 2020, huyện Cần Đước xây dựng 3 mô hình điểm, diện tích 0,2 ha/mô hình tại 3 xã Tân Trạch, Mỹ lệ, Phước Vân. Đồng thời, tổ chức nhân rộng mô hình với hơn 200 ha, tập trung tại các xã Long Khê,  Long Trạch, Long Hòa, Phước Vân, Tân Trạch, Mỹ Lệ… bước đầu các mô hình đạt kết quả khả quan.

Hướng đi tất yếu vì dân ủng hộ

Theo thống kê của Sở NN&PTNT tỉnh Long An, đến nay, toàn tỉnh có gần 2.100 ha (chủ yếu ở Cần Giuộc và Cần Đước) đã ƯDCNC trong sản xuất rau, đạt 104,6% kế hoạch. Trong đó, tỉnh, huyện thực hiện hơn 1.478 ha, với các nội dung: Vùng sản xuất sử dụng giống sạch bệnh, năng suất cao và chất lượng tốt; sử dụng phân hữu cơ vi sinh; sử dụng thuốc trừ sâu sinh học, bảo vệ môi trường, giữ cân bằng hệ sinh thái; ứng dụng hệ thống tưới tự động, tiết kiệm; sản xuất trong nhà lưới để hạn chế ảnh hưởng của thời tiết và dịch hại, đạt tiêu chuẩn rau an toàn tiến tới đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP, sản xuất theo chuỗi,...

Thương lái đến tận vườn thu mua rau sạch. Ảnh: Trần Trung.

Thương lái đến tận vườn thu mua rau sạch. Ảnh: Trần Trung.

Ông Nguyễn Thanh Truyền, Giám đốc Sở NN&PTNT Long An cho biết thêm, việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất rau như: sử dụng phân hữu cơ sinh học, trồng rau trong nhà lưới, nhà màng giúp cây rau phát triển tốt; ít sâu, bệnh, giảm được lượng phân vô cơ sử dụng từ 10-40 kg/ha, giảm số lần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Đặc biệt, năng suất rau  tăng 5-20%, lợi nhuận cao hơn từ 2-5 triệu đồng/1.000m2 so với trồng theo phương pháp truyền thống.

Ngoài ra, đến nay, tỉnh đã xây dựng được 8 chuỗi rau an toàn tại vùng sản xuất rau ƯDCNC (HTX Rau an toàn Phước Hòa, Phước Hiệp, Tân Hiệp, Phước Thịnh, Thuận Giàu, Rau an toàn Mười Hai, HTX Mekong, HTX Khôi Nguyên). Rau được tiêu thụ chủ yếu tại các siêu thị, chợ đầu mối, bếp ăn tập thể, công ty, doanh nghiệp tại TP.HCM và Long An; đồng thời, nhân rộng và phát triển các mô hình chuỗi rau an toàn đã xây dựng như HTX Phước Hòa, huyện Cần Đước; HTX Tân Hiệp, huyện Đức Hòa; HTX Phước Thịnh, huyện Cần Giuộc.

Lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Long An thăm và làm việc với các HTX rau ứng dụng công nghệ cao. Ảnh: Tư liệu.

Lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Long An thăm và làm việc với các HTX rau ứng dụng công nghệ cao. Ảnh: Tư liệu.

Trong xây dựng vùng sản xuất rau an toàn, đạt chứng nhận VietGAP đã có 23 HTX, tổ hợp tác, doanh nghiệp được chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 114,11 ha, sản lượng khoảng 10.800 tấn/năm gồm các sản phẩm rau, củ, quả. Xây dựng mô hình trồng rau ăn lá và rau ăn trái sử dụng cây con từ vườn ươm, hệ thống sản xuất thủy canh cũng là những điểm mới trong sản xuất rau của tỉnh. Tuy mới triển khai, thực hiện nhưng mô hình này cho kết quả rất khả quan, giúp sản xuất cây con cung ứng cho nhu cầu trồng rau của người dân tại địa phương và phục vụ mô hình trồng rau thủy canh, có tỷ lệ sống cao, thời gian sinh trưởng ngắn hơn trồng theo phương pháp truyền thống.

“Nhìn chung, việc triển khai ƯDCNC trong sản xuất rau hiện nay được người dân đồng tình ủng hộ. Người dân đã tự nhân rộng gần 615 ha, nhất là tại vùng trồng rau của tỉnh (Cần Đước, Cần Giuộc) vì vừa hạn chế sâu, bệnh, vừa tăng năng suất và đáp ứng yêu cầu thị trường, đây là hướng đi tất yếu đối với rau màu nói riêng và các sản phẩm nông nghiệp chủ lực khác của địa phương như thanh long, lúa, tôm, bò thịt... nói chung ”, Giám đốc Sở NN&PTNT Long An Nguyễn Thanh Truyền nhấn mạnh.

Xem thêm
Mừng, lo vụ hoa tết

TP.HCM Trải qua vụ hoa khó khăn do thời tiết bất thuận, đến ngày xuất bán, nông dân các làng hoa ở TP.HCM lại thấp thỏm vì khách đến mua hàng nhưng thiếu xe vận chuyển.

Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Agribank Tây Nam bộ tặng quà Tết cho các hoàn cảnh khó khăn

ĐBSCL Các chi nhánh Agribank khu vực Tây Nam bộ đang tích cực trao những phần quà Tết thiết thực, ý nghĩa đến tận tay các hoàn cảnh khó khăn trước thềm năm mới.

Bình luận mới nhất