| Hotline: 0983.970.780

Kỳ án 'báu vật triệu đô' làng Phụ Chính: Báu vật của ai?

Thứ Sáu 08/05/2015 , 09:15 (GMT+7)

Vì sao 2,5m3 gỗ sưa lại bị bắt? Vì sao 20,5 tỷ đồng của cộng đồng lại bị phong tỏa? 5 năm, người Phụ Chính cần mẫn đi hỏi hết nơi này đến nơi khác nhưng vẫn chưa nhận được câu trả lời đích đáng./ Cả làng mất ngủ vì hai gốc sưa hơn 150 tỷ đồng

Kể từ ngày diễn ra thương vụ gỗ sưa 20,5 tỷ đồng đến nay vừa tròn 5 năm. Suốt 5 năm trời đi đòi công lý, tập hợp đủ loại văn bản giấy tờ khẳng định quyền sở hữu hai gốc sưa cổ trước đền Đức Thánh Nhì, nhưng những quyết định khó hiểu từ phía các cơ quan chức năng khiến dân làng Phụ Chính nhiều phen bổ ngửa.


Gốc sưa tiền tỷ trước đền Đức Thánh Nhì

Tất cả đều nói của dân, trừ UBND TP Hà Nội

Cạnh mật thất trong nhà văn hóa thôn Phụ Chính có một cái hòm tập hợp đủ loại giấy tờ, văn bản liên quan đến hai gốc sưa cổ. Những bậc tại thượng trong làng thường xuyên cắt cử nhau canh giữ, bởi đó là tất cả chứng cứ pháp lý bảo vệ "báu vật của làng".

Phải có đủ mặt cả ba người uy tín nhất làng gồm ông Vũ Viết Binh, ông Vũ Văn Xuyện và ông Đinh Công Thường người Phụ Chính mới đồng ý cung cấp tài liệu cho chúng tôi. Đó là kinh nghiệm xương máu bởi các cụ trong làng nói rằng, có nhiều kẻ, không biết là tai mắt của ai cứ lân la tìm hiểu hành động của các cụ rồi bắn tin cho chủ, các cụ đi đâu cũng gặp cản trở, gây khó dễ.

Nằm bên bờ sông Đáy, chỉ cách trung tâm TP Hà Nội chừng 50km, trong làng có nhiều bậc cao niên, trưởng các dòng họ từng là công chức Nhà nước nên có lẽ vì thế mà người Phụ Chính rất trọng pháp. Công lớn, việc nhỏ liên quan đến hai gốc sưa cổ họ đều tìm hiểu rất kỹ càng.

Ông Binh, ông Xuyện, ông Thường thay nhau kể: Trước khi cộng đồng dân cư Phụ Chính quyết định bán một phần cành sưa trước cổng đền Đức Thánh Nhì thì Hội Người cao tuổi của thôn đã tuyển chọn những người trí thức nhất làng cử đi tìm hiểu các thủ tục pháp lý.

Văn bản đầu tiên mà đội ngũ trí thức của làng tiếp cận được là Thông tư 3419 ngày 12/12/2007 của Bộ NN-PTNT về việc khai thác, vận chuyển cất giữ gỗ rừng trồng nhóm 1A.

Thấy có nhiều quy định giống với hai gốc sưa của làng, cao niên Phụ Chính họp bàn trắng một đêm, từng người đọc hết một lượt văn bản của Bộ NN-PTNT, cuối cùng đi đến thống nhất bán được vì trong thông tư nêu rõ: “Trường hợp tổ chức, cộng đồng, hộ gia đình, cá nhân tự bỏ vốn đầu tư cây trồng trong vườn, trồng phân tán thì chủ lâm sản tự quyết định việc khai thác. Cây do dân trồng, chăm sóc thì dân được quyền khai thác, sử dụng và do cộng đồng dân cư quyết định".

Sau quyết định mang tính bước ngoặt ấy, làng Phụ Chính làm lễ tế trời đất trước khi tiến hành các thủ tục xin phép cấp xã và kiểm lâm địa bàn. Rất nhanh chóng, UBND xã Hòa Chính trực tiếp xác nhận nguồn gốc lâm sản và kết luận "được khai thác tận thu từ cây trồng phân tán theo văn bản của Bộ NN-PTNT".

Còn Hạt Kiểm lâm huyện Chương Mỹ tổ chức “đóng búa” cho số gỗ sưa ngay tại sân đình "xác nhận tính hợp pháp của số gỗ sưa được khai thác từ cây do cộng đồng thôn quản lý". Cả làng ngày ấy hệt như có hội. Bố cáo về việc số gỗ sưa được bán treo dán khắp đường làng ngõ xóm, loa truyền thanh đọc ra rả lời kêu gọi những tổ chức cá nhân có nhu cầu đến mua. Vậy mà ai ngờ...

Tất cả các văn bản của Bộ NN-PTNT, số giấy tờ xác nhận của UBND xã Hòa Chính, Hạt Kiểm lâm huyện Chương Mỹ bây giờ vẫn được người làng canh giữ cẩn thận. Sau sự kiện 2,5m3 gỗ sưa vừa bán ra khỏi làng bị bắt năm 2010, văn bản giấy tờ lại càng nhiều. Trong chiếc rương cũ kỹ, số văn bản có khi dày đến cả gang tay, nhưng hi vọng về giá trị pháp lý cứ ngày một nhỏ dần.

5 năm trời đi khiếu nại, kết quả mà cộng đồng dân cư Phụ Chính nhận được tựa như cảm giác nếm trái đắng khi Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã chỉ đạo Công an TP bàn giao số gỗ sưa trên cho UBND huyện Chương Mỹ để bán đấu giá theo quy định của pháp luật. Số tiền bán đấu giá thu được nộp ngân sách của huyện. Đó là 5 năm trời oan uổng, bởi vì những nguyện vọng của dân làng bị gạt bỏ một cách cực kỳ khó hiểu.

Ông Binh nói rằng “chúng tôi sẽ kiện”. Ông có lý, người làng có lý. Bởi nếu nhìn vào những kết luận của các cơ quan liên quan trong vụ việc này thì sự việc xem chừng rất rõ ràng nhưng không hiểu sao UBND TP Hà Nội vẫn quyết định bán đấu giá 2,5m3 gỗ sưa để nộp ngân sách.

Đầu tiên là những kết luận của CA TP Hà Nội. Sau khi CA huyện Chương Mỹ tạm giữ 1,9 tấn gỗ sưa, ngày 5/5/2011 CA TP Hà Nội đã có văn bản gửi Tổng cục Lâm nghiệp xin ý kiến về việc xác định nguồn gốc số gỗ sưa trên và Tổng cục Lâm nghiệp cũng có câu trả lời rằng: “Hai cây gỗ sưa trong khuôn viên chùa thôn Phụ Chính là cây trồng phân tán, do cộng đồng thôn Phụ Chính quản lý, chăm sóc bảo vệ thì việc khai thác, sử dụng gỗ sưa do cộng đồng thôn này tự quyết định, báo cáo UBND xã Hòa Chính kiểm tra xác nhận”.

Trả lời của Tổng cục Lâm nghiệp cũng hệt như căn cơ trong Thông tư 3419 của Bộ NN-PTNT mà người làng Phụ Chính từng tìm hiểu trước khi tổ chức bán 2,5m3 gỗ sưa. Rõ ràng, theo cơ quan chuyên môn về lâm nghiệp thì số gỗ trên thuộc quyền sở hữu của cộng đồng dân cư Phụ Chính. Đó là thành quả của cha ông họ để lại cho dân làng.

Mặt khác, việc “chưa có cá nhân nào được hưởng lợi từ số tiền mua, bán 2,5m3 gỗ sưa” nên cơ quan CSĐT đã phải ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự sau 3 năm điều tra... Ngoài ra, trong quá trình xử lý vụ việc, UBND TP Hà Nội cũng đã có văn bản gửi Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật (Bộ Tư pháp).

Ngày 3/10/2014 cơ quan của Bộ Tư pháp có văn bản phúc đáp TP Hà Nội: Vụ việc không có dấu hiệu vi phạm hành chính, không xác định được hành vi vi phạm hành chính với đầy đủ các yêu tố cấu thành như: Hành vi khách quan, chủ thể thực hiện hành vi vi phạm, lỗi, văn bản quy phạm pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và điều khoản cụ thể của văn bản quy phạm pháp luật đó có quy định hành vi vi phạm hành chính phù hợp với các yếu tố nêu trên để áp dụng đối với hành vi cụ thể của vụ việc.

Bao giờ rửa được tiếng oan?

Thực ra, với những thông báo kết quả xác minh từ phía các cơ quan liên quan, UBND TP Hà Nội cũng từng có những quyết định được xem là thỏa đáng. Đó là thời điểm cơ quan này có văn bản thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh về vụ việc thôn Phụ Chính bán 2,5m3 gỗ sưa là “rõ ràng, đúng pháp luật.

Về cơ bản, thủ tục thông qua việc khai thác tại thôn, thủ tục kiểm tra, xác nhận của UBND xã, thủ tục xác nhận của cơ quan kiểm lâm và thủ tục mua bán, vận chuyển số gỗ sưa, cành cây sưa từ 2 cây sưa trong khuôn viên chùa Phụ Chính là đúng quy định của pháp luật hiện hành".

Cứ tưởng sau khi có thông báo ý kiến chỉ đạo của ông Phó Chủ tịch TP Hà Nội thì dân Phụ Chính sẽ được rửa sạch tiếng oan. Nhưng không. Toàn bộ số gỗ vẫn đang bị "tạm giữ". 20,5 tỷ đồng vẫn bị phong tỏa. Những bậc cao niên trong làng vẫn bị những kẻ gai miệng nhắc đến hai từ “sưa tặc” mỗi khi giáp mặt. Đó thực sự là một nỗi đau khó có thể nuốt trôi.

BQL gỗ sưa làng Phụ Chính bây giờ chỉ còn có 21 người. Cụ Nguyễn Văn Du, một trong những bậc hương thân phụ lão uy tín nhất trong ban quản lý đã phải mang cả tiếng oan “sưa tặc” xuống mồ. Cụ Du mất năm ngoái. Trước lúc mất, cụ chỉ trăn trối với con cháu một điều: Cố gắng cùng với dân làng đòi lại quyền lợi chính đáng, rửa tiếng oan cho thầy.

Tôi đi một vòng quanh làng, ghé nhà các cụ cao niên trong BQL. Gần đất xa trời hết cả rồi. Vậy mà ngày ngày họ vẫn đang dùng chút sức cuối đời vừa bảo vệ hai gốc sưa vừa đi đòi công lý, và chờ rửa sạch tiếng oan. Nhưng xem ra với những cách hành xử như UBND TP Hà Nội hiện nay thì ước vọng cuối đời của những bậc cao niên làng Phụ Chính xem chừng khó mà hi vọng.

Hễ có người đến làng các cụ đều gửi một bức tâm thư gồm 5 điều mong mỏi của dân làng: 1. Đề nghị xét dừng văn bản số 86 của UBND TP Hà Nội. 2. Thanh tra vụ việc để kết luận đúng sai. 3. Tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của cộng đồng dân cư thôn Phụ Chính. 4. Trả tiền mua bán 2,5m3 gỗ sưa cho cộng đồng dân cư để trả nợ tiền xây dựng đền chùa và các công trình phúc lợi. 5. Cho phép cộng đồng bán số gỗ sưa bị kẻ gian cắt trộm đêm 28/10/2012.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

42 mẫu cà phê vào chung kết cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam

42 mẫu cà phê, gồm 24 mẫu cà phê robusta và 18 mẫu arabica lọt vào vòng chung kết cuộc thi cà phê đặc sản Việt Nam 2024.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm