| Hotline: 0983.970.780

Kỹ thuật thâm canh giống dứa Queen theo VietGAP

Thứ Ba 16/07/2024 , 09:00 (GMT+7)

Queen là một trong 3 giống dứa có năng suất, chất lượng cao đang được trồng phổ biến ở nước ta hiện nay.

Là cây trồng dễ canh tác, ít bị sâu bệnh hại, nhưng để sản xuất dứa VietGAP đạt hiệu quả cao (bao gồm giống dứa Queen), nhà nông vẫn cần thực hiện đồng bộ các biện pháp kỹ thuật dưới đây:

Mô hình trồng dứa Queen ở xã Mường Mươn, Mường Chà (Điện Biên). Ảnh: Hải Tiến.

Mô hình trồng dứa Queen ở xã Mường Mươn, Mường Chà (Điện Biên). Ảnh: Hải Tiến.

1. Cây giống

Cây dứa giống được trồng bằng nhân giống vô tính - tách chồi từ cây mẹ sau thu hoạch nên phải chọn giống từ những vườn dứa đầu dòng, có tiềm năng năng suất đạt từ 40 - 55 tấn quả tươi/ha/chu kỳ sản xuất (16 - 18 tháng). Chỉ chọn những chồi nách khoẻ mạnh, sạch sâu bệnh, có kích thước và trọng lượng tương đương, đỉnh sinh trưởng còn nguyên vẹn.

Cần phân loại chồi để trồng thích hợp theo mùa. Chồi loại 1 có trọng lượng 250 - 300gr/chồi, loại 2 từ 200 - 250gr/chồi. Trong đó, vụ xuân hè (tháng 2 - 4) trồng chồi loại 1; vụ hè thu (tháng 8 - 9) trồng chồi loại 2. Chồi dứa trước khi trồng phải cắt bỏ những lá khô ở gốc, sau nhúng ngập 1/3 chồi (từ phía gốc) vào dung dịch thuốc bảo vệ thực vật Pyrinex, Basudin hoặc Oncol để phòng trừ rệp và tuyến trùng hại rễ.

2. Đất trồng

Đất trồng phù hợp cho cây dứa là đất đồi vàng, đỏ hoặc nâu trên phiến thạch hoặc phù sa cổ, có tầng canh tác dày > 30cm, giàu mùn, độ pH từ 4,5 - 5,5, độ dốc khoảng 5 - 100. Chú ý, không trồng dứa ở nơi hợp thủy vì dễ xảy ra úng ngập cục bộ khi có mưa lớn kéo dài gây chết dứa hoặc rửa trôi cây theo dòng nước.

3. Phân bón

Lượng phân bón cho 1ha dứa/chu kỳ sản xuất gồm: 1.000kg vôi bột, 5.000kg phân hữu cơ vi sinh, 2.000kg phân lân nung chảy, 1.200kg đạm urê, 1.700kg kaliclorua. Bón kết hợp với làm đất 100% lượng vôi bột. Bón vào rạch luống trước trồng 100% số phân hữu cơ vi sinh, 100% số phân lân nung chảy và 700kg urê + 700kg kali. Bón thúc lần 1 (sau trồng 3 tháng) 100kg đạm urê + 300kg kali. Bón thúc lần 2 (sau trồng 9 tháng) 200kg đạm urê + 400kg kali. Thúc lần 3 (lần cuối) bón hết số phân còn lại (200kg đạm urê + 300kg kali) khi vườn dứa ra hoa được 2 tháng.

Cán bộ khuyến nông vùng Tây Bắc thăm cánh đồng sản xuất dứa Queen của xã Na Sang, huyện Mường Chà, Điện Biên. Ảnh: Hải Tiến.

Cán bộ khuyến nông vùng Tây Bắc thăm cánh đồng sản xuất dứa Queen của xã Na Sang, huyện Mường Chà, Điện Biên. Ảnh: Hải Tiến.

4. Làm đất trồng dứa

Rải đều vôi bột lên mặt ruộng trước khi làm đất rồi dùng máy làm nhỏ đất, san phẳng và lên luống rộng 1,5m - 1,6m, cao 0,25m, rãnh luống rộng 0,4m - 0,5m, sau rạch 4 hàng cách nhau 0,4m dọc trên luống và bón lót đúng lượng phân nêu trên, kết hợp dùng màng nilon bao mặt luống, dùng đất chặn kỹ màng nilon không để mưa và gió làm bay, lật.

Trồng dứa: Dùng dầm hoặc cuốc nhỏ đào hốc so le nanh sấu, đặt chồi dứa trồng thẳng đứng, vun đất vào gốc và nén chặt, không được để đất rơi vào nõn dứa. Mật độ trồng 60.000 chồi giống/ha, cây cách cây 30 - 33cm, hàng cách hàng 40cm, luống cách luống 40 - 50cm.

5. Chăm sóc

Sau trồng khoảng 10 - 15 ngày, kiểm tra dựng lại những cây dứa bị nghiêng ngả, trồng dặm những cây bị chết bằng chồi giống cùng loại, nhổ sạch cỏ dại ruộng suốt thời kỳ dứa sinh trưởng và phát triển, tuyệt đối không để cỏ mọc chùm lấn át lên cây dứa. Đồng thời cắt, tỉa bỏ các chồi ngọn, chồi cuống để cây tập trung dinh dưỡng nuôi quả, giúp tăng năng suất, chất lượng, tăng hiệu quả sản xuất.

6. Phòng trừ sâu bệnh

Cây dứa có bộ lá dày, bản lá hẹp và dày nên có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, trên đất mới trồng dứa hầu như không bị sâu bệnh phát sinh gây hại. Với những vườn trồng dứa liên tục nhiều năm, cần theo dõi phòng trừ những đối tượng sâu bệnh hại chính như: Bệnh thối nõn, dùng các thuốc Mancozeb phun 3 - 4 lần cách nhau 10 ngày, mỗi lần phun 800 - 1000 lít/ha; bệnh hại rễ, dùng Texphophat rải vào ruộng trước khi trồng dứa, liều lượng 60kg/ha; sâu non phát sinh gây hại vào tháng 7 và 8, để phòng trừ, bón 9kg Mocap 20C/ha vào quanh gốc dứa.

Luân canh dứa với cây màu khác, kết hợp gom dọn triệt để cây dứa và tàn dư thực vật sau thu hoạch rồi đào hố chôn sâu dưới ruộng hoặc nghiền nhỏ để xử lý với chế phẩm vi sinh làm phân bón sẽ giúp giảm thiểu căn bản các loại sâu bệnh hại trên dứa.

7. Kỹ thuật rải vụ thu hoạch dứa

Cây dứa thường ra hoa, quả và chín tập trung trong thời gian ngắn. Để giảm áp lực tiêu thụ, cần hạn chế dứa ra trái chính vụ bằng cách túm gọn tất cả các lá dứa, vuốt cho thắng đứng, dùng 2 dây lạt mềm bó chặt các lá dứa lại với nhau sao cho ánh sáng không lọt vào nõn cây dứa. Lưu ý, với cây dứa non nên buộc lá vào tháng 9; với dứa mới trồng (tháng 8 - 9) bằng chồi loại 1, buộc lá ngay sau khi kết thúc mùa vụ trồng.

Xử lý dứa bằng Ethyrel khi dứa trồng được 10 - 12 tháng tuổi, tuỳ theo loại chồi dứa, thời vụ trồng và chế độ chăm sóc, khi cây đạt từ 28 - 30 lá thì tiến hành xử lý ngay. Cách xử lý: Hoà tan 10cc chế phẩm Điều Hoa Bảo (Ethyrel) với 5 lít nước sạch và 10gr đạm urê, sau đó rót đầy dung dịch thuốc vào từng nõn dứa. Tốt nhất nên xử lý dứa khi trời còn mát mẻ (5 - 9 giờ sáng hoặc 3 - 6 giờ chiều). Sau xử lý dứa dưới 2 giờ mà trời có mưa to thì phải tiến hành xử lý lại theo cách nêu trên.

8. Thu hoạch

Dứa cho chế biến đồ hộp và chế biến lạnh thu hái khi ruột quả chín vàng từ 1 - 2 hàng mắt; dùng chế biến cô đặc thu hoạch khi quả chín toàn phần (1/3 vỏ quả có màu vàng trở lên); thu hoạch cho vận chuyển đi xa bán ăn tươi khi vỏ quả chuyển màu vàng 1 - 2 hàng mắt dứa.

9. Chăm sóc cây lấy chồi giống

Sau thu hoạch khoảng 60 ngày, tách lấy những chồi nách đủ tiêu chuẩn để trồng, nên tách làm 2 lần, mỗi lần lấy 1 - 2 chồi/cây, không nên lấy chồi già hoặc chồi quá nhỏ để làm giống.

Bằng những giải pháp kỹ thuật nêu trên, nhiều nhà nông trồng dứa ở Sơn La và Điện Biên cho năng suất 45 - 50 tấn quả/ha, giá trị thu hoạch 300 - 350 triệu đồng/ha canh tác/năm, lợi nhuận thu về 200 - 250 triệu đồng/ha/năm.

Xem thêm
Đàn ngựa bạch của người hùng cứu trạm bơm Cống Bún

Bắc Giang Ít người biết, cha con ở Bắc Giang cứu trạm bơm Cống Bún trong trận bão Yagi hôm nào đang sở hữu đàn ngựa bạch có nguồn gốc từ Mông Cổ…

Thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ động vật dịp Tết Ất Tỵ

Thời gian qua, các phương tiện thông tin truyền thông liên tục phản ánh về việc phát hiện các cơ sở giết mổ trong quá trình hoạt động vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

Nông dân lo lắng vì giá lúa đông xuân sớm giảm mạnh

ĐBSCL Hiện một số nơi tại ĐBSCL đang vào vụ thu hoạch lúa đông xuân sớm nhưng giá lúa giảm từ 2.000 - 2.400 đồng/kg so với cùng kỳ.

Bình luận mới nhất