| Hotline: 0983.970.780

Náo nức mùa thu hoạch cây dược liệu

Thứ Tư 19/01/2022 , 07:03 (GMT+7)

LÀO CAI Bà con vùng cao huyện Bắc Hà (Lào Cai) đang náo nức thu hoạch sản phẩm cây dược liệu. Vụ này, cây dược liệu được mùa lớn, được tổ chức thu mua bài bản.

Được mùa, cây dược liệu củ to, mã đẹp

Những ngày này, nông dân các xã trọng điểm vùng trồng cây dược liệu của huyện Bắc Hà (Lào Cai) như Tả Van Chư, Bản Phố, Lùng Phình, Hoàng Thu Phố... đang khẩn trương thu hoạch củ các loại cây dược liệu như Đương Quy, Cát Cánh để cung ứng cho Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện sơ chế, bán cho các công ty dược liệu trong nước.

Rộn ràng mùa vui thu hoạch cây dược liệu. Ảnh: Khuất Linh.

Rộn ràng mùa vui thu hoạch cây dược liệu. Ảnh: Khuất Linh.

Năm qua, do thời tiết diễn biến thuận lợi, cây dược liệu sinh trưởng và phát triển tốt, cho củ to, mẫu mã đẹp, trữ lượng củ tươi dự kiến tăng cao hơn so với mọi năm, tuy nhiên do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thu hoạch cũng như giá bán của các sản phẩm củ tươi.

Tại xã vùng cao Tả Văn Chư, một trong những vùng trọng điểm trồng cây dược liệu lớn nhất của huyện Bắc Hà, đến thời điểm này, bà con người Mông địa phương đã thu hoạch được trên 80% diện tích. Ông Bùi Trọng Nam, Chủ tịch UBND xã Tả Văn Chư cho biết: Toàn xã Tả Văn Chư đang có 65ha cây dược liệu Cát Cánh đến kỳ cho thu hoạch củ. Năm nay do thời tiết ủng hộ nên trữ lượng củ tươi dự kiến tăng cao hơn mọi năm, ước đạt trên 300 tấn. Đây là con số khá lớn.

Tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên giá bán sản phẩm có thấp hơn so với năm trước. Cụ thể, 1kg củ tươi Cát Cánh năm trước được Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện thu mua 25 nghìn đồng/kg thì năm nay chỉ được 20 nghìn đồng/kg. Còn Đương Quy chỉ được 12.000 - 13.000 đồng/kg (năm trước là 20.000 đồng/kg).

Ông Bùi Trọng Nam đánh giá: Với giá bán như vậy, nông dân có giảm đi một phần lợi nhuận so với mọi năm. Tuy nhiên, xét về tổng quan hiệu quả kinh tế, cây dược liệu vẫn cho bà con thu nhập cao hơn so với các loại cây lương thực truyền thống như ngô, sắn... trước đây nhiều lần. 

Không khí hồ hởi trên những cánh đồng trồng cây dược liệu ở cao nguyên Bắc Hà. Ảnh: Khuất Linh.

Không khí hồ hởi trên những cánh đồng trồng cây dược liệu ở cao nguyên Bắc Hà. Ảnh: Khuất Linh.

Mặt khác năm nay, do năng suất, chất lượng củ tươi cây dược liệu cao và tốt hơn mọi năm nên thu nhập của bà con vẫn rất cao. Hiện nay, chính quyền xã Tả Văn Chư đang phối hợp tích cực cùng Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện triển khai tổ chức thu hoạch củ cây dược liệu cho bà con theo hình thức cuốn chiếu, thu hoạch hết thôn này mới chuyển sang thôn khác. Bà con chỉ cần thu hoạch củ, chuyển đến nơi thuận lợi sẽ có xe của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đến tận nơi thu mua.

Gia đình anh Tráng A Củi ở thôn Tẩn Chư trồng hơn 5 kg giống cây dược liệu Cát Cánh. Anh cho biết hiện gia đình đã thu hoạch xong toàn bộ diện tích, được cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện về tận nơi thu mua với giá 20 nghìn đồng/kg. So với vụ trước, củ dược liệu năm nay to hơn, mẫu mã đẹp hơn do thời tiết ủng hộ, có thể nói là được mùa, gia đình thu được trên 2,5 tấn củ tươi, mang về nguồn thu trên 50 triệu đồng.

"Dù giá năm nay ít nhiều giảm so với năm trước, song vẫn cao hơn nhiều lần so với cấy lúa, trồng ngô nên chắc chắn vụ tới gia đình tôi vẫn tiếp tục mở rộng trồng cây dược liệu quý này", anh Tráng A Củi phấn khởi.

Mùa thu tiền tỉ

Vụ này, gia đình ông Tráng A Hùng thôn Lả Gì Thàng (xã Tả Van Chư) trồng trên 5.000m2 cây dược liệu Cát Cánh. Ông cho biết: Hiện, gia đình đang chuẩn bị các điều kiện cần thiết, chỉ chờ đến khi cán bộ khuyến nông xã thông báo lịch thu hoạch tại thôn, sẽ khẩn trương huy động anh em đổi công cho nhau để thu hoạch ngay cho kịp tiến độ.

Vụ thu hoạch này, tuy giá bán có thấp hơn năm trước, chỉ được 20.000 đồng/kg củ tươi Cát Cánh nhưng gia đình ông vẫn rất phấn khởi vì nguồn thu rất khá. Đặc biệt, việc tiêu thụ củ cây dược liệu vẫn trôi chảy là điều rất mừng, bởi trước đó, gia đình rất lo lắng việc tiêu thụ sản phẩm sẽ khó khăn do dịch Covid-19.

Bà con rửa sạch sản phẩm trước khi cung ứng cho Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện. Ảnh: Khuất Linh.

Bà con rửa sạch sản phẩm trước khi cung ứng cho Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện. Ảnh: Khuất Linh.

Vụ thu hoạch trước, nông dân xã Tả Văn Chư trồng trên 31,3ha cây dược liệu, thu được trên 154 tấn củ tươi Đương Quy và Cát Cánh, mang về tổng thu trên 4 tỷ đồng. Năm nay, dự kiến nếu việc tiêu thụ tiếp tục diễn ra thuận lợi trong thời gian tới, toàn xã sẽ thu về trên dưới 6 tỷ đồng.

Đây là nguồn thu đáng mơ ước của đồng bào vùng cao nơi đây và càng minh chứng thêm hiệu quả kinh tế mang lại từ cây dược liệu. Lộ trình tới, xã Tả Văn Chư tiếp tục xác định cây dược liệu là cây trồng chủ lực, mũi nhọn của xã giúp bà con xóa nghèo, vươn lên làm giàu.

Do vậy, UBND xã sẽ tiếp tục phổ biến cho bà con đăng ký nhu cầu trồng mới của vụ tới, đồng thời chỉ đạo với những diện tích trồng đã quá 3 năm (khoảng trên 20ha) sẽ chuyển sang trồng các cây trồng ngắn ngày khác như đậu tương, lạc… để luân canh, cải tạo đất.

Xã Tả Van Chư cũng sẽ tiếp tục vận động các hộ dân có quỹ đất phù hợp chuyển đổi sang trồng cây dược liệu Cát Cánh. Tính đến nay, theo thống kê sơ bộ đã có nhiều hộ dân mạnh dạn đăng ký trồng mới trong năm 2022. 

Liên kết tiêu thụ, tiếp tục mở rộng diện tích

Bà Nguyễn Thị Huê, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bắc Hà cho biết: Niên vụ 2020 - 2021, nông dân Bắc Hà trồng 107 ha cây dược liệu, chủ yếu với 2 loại chính là Đương Quy và Cát Cánh.

Xe của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tới các bản thu mua sản phẩm cây dược liệu. Ảnh: Khuất Linh.

Xe của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tới các bản thu mua sản phẩm cây dược liệu. Ảnh: Khuất Linh.

Hiện nay bà con các xã đang phối hợp tích cực cùng cán bộ của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tiến hành thu hoạch lần lượt trên tất cả các cánh đồng. Lũy kế đến giữa tháng 15/12/2021 đã thu được tổng 302 tấn củ tươi, đang tiến hành sơ chế (rửa, sấy) tại xưởng ở xã Lùng Phình. Giá cả thu mua đã thống nhất với UBND các xã và các hộ dân, cụ thể, giá Đương Quy giao động từ 12.000 - 13.000 đồng/kg; giá cát cánh 20.000 đồng/kg.

Niên vụ này, với tổng diện tích 107ha cây dược liệu, sản lượng ước đạt khoảng 107 tấn khô, sẽ mang về cho nông dân Bắc Hà trên 12 tỷ đồng. Trong đó, Đương Quy 10 tấn khô/10ha, Cát Cánh 94 tấn khô/94ha. Với cây Đẳng Sâm, nông dân đã thu hoạch xong được 18 tấn tươi (sơ chế được 3 tấn khô) và đã tiêu thụ hết.

Hiện nay Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bắc Hà vẫn thường xuyên liên hệ với các công ty tiêu thụ dược liệu, phấn đấu tiêu thụ hết 100% sản phẩm từ cây dược liệu cho nông dân. Cụ thể, đã ký hợp đồng với Công ty Nam dược và Công ty Nam Hà thu mua cát cánh khô với số lượng 37 tấn. Hiện đã xuất cho Công ty Nam Dược và Công ty Nam Hà 17,5 tấn củ khô.

Với số lượng sản phẩm cây dược liệu còn lại chưa có hợp đồng chính thức, Trung tâm sẽ tiến hành sấy khô, lưu kho và liên hệ tiếp với các công ty dược trong nước có nhu cầu để bán trong năm tới.

Huyện Bắc Hà tiếp tục xác định phát triển vùng dược liệu theo hướng bền vững. Niên vụ trồng mới 2021 - 2022 phấn đấu trồng mới 100ha với 5 loài cây chính: Actiso 3ha, Đương Quy 30ha, Cát Cánh 63ha, Đan Sâm 3ha, Đẳng Sâm 1ha.

Đến nay, diện tích nông dân đã đăng ký thực hiện được trên 38ha. Trong đó cây Atiso 3,3ha trồng tại xã Na Hối. Các cây dược liệu khác, nông dân các xã đã đăng ký được trên 35ha gồm: Tả Van Chư 21ha, Lùng Phình 10ha, Bản Phố 2ha, Bản Già 2ha. Hiện tại một số diện tích bà con địa phương đang triển khai làm đất, lên luống.

Việc trồng mới cây dược liệu sẽ được cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng để tránh các đợt rét đậm, rét hại khắc nghiệt đầu mùa đông, giúp cây trồng đảm bảo tỷ lệ nảy mầm tốt nhất.

Xem thêm
Người mở đầu cho nông nghiệp công nghệ cao ở Thụy Lâm

Ông Nguyễn Đình Chung (xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, TP Hà Nội) năm nay đã gần 70 tuổi nhưng cử chỉ, phong thái còn nhanh nhẹn và giọng nói vẫn mạnh mẽ.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Cú hích cho nông nghiệp công nghệ cao ở Mộc Châu

SƠN LA Chuyên gia của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) đánh giá cao sự cầu tiến của các hộ trong dự án ‘Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai’.