| Hotline: 0983.970.780

Làm gì để ngành tôm tăng sức cạnh tranh? [Bài 3]:Tôm sinh thái: Đa lợi ích

Thứ Năm 25/05/2023 , 09:12 (GMT+7)

ĐBSCL Các mô hình tôm - lúa, tôm rừng đang chứng minh được hiệu quả cả về kinh tế và môi trường, trở thành xu hướng phát triển mới tại một số địa phương vùng ĐBSCL.

Mô hình tôm - lúa diễn ra mạnh mẽ

Từ năm 2000, khi Nghị quyết số 09/2000/NĐ-CP của Chính phủ cho phép chuyển đổi những vùng đất đang sản xuất lúa, muối và vùng đầm lầy ven biển hoạt động kém hiệu quả chuyển sang nuôi tôm. Từ đây, công cuộc chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản phát triển mạnh ở khu vực ĐBSCL.

Năm 2022, diện tích tôm - lúa vùng ĐBSCL đạt gần 190 nghìn ha, với sản lượng khoảng 120 nghìn tấn, tập trung chủ yếu tại các tỉnh Kiên Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Bến Tre và Trà Vinh. Ảnh: Kim Anh.

Năm 2022, diện tích tôm - lúa vùng ĐBSCL đạt gần 190 nghìn ha, với sản lượng khoảng 120 nghìn tấn, tập trung chủ yếu tại các tỉnh Kiên Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Bến Tre và Trà Vinh. Ảnh: Kim Anh.

Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT), tổng diện tích chuyển đổi sang nuôi trồng thuỷ sản ở vùng ĐBSCL giai đoạn 2000 - 2005 là gần 311 nghìn ha, chiếm đến trên 82% diện tích chuyển đổi của cả nước. Từ đây mô hình tôm - lúa phát triển rất nhanh, khởi đầu là phương thức quảng canh truyền thống tiến đến phương thức nuôi quảng canh cải tiến.

Vào năm 2010, tại Hội nghị phát triển nuôi tôm - lúa, Bộ NN-PTNT đồng thời xác định, mô hình tôm - lúa là mô hình nuôi tôm thuận tự nhiên mang tính bền vững, có hiệu quả kinh tế và hạn chế rủi ro, dịch bệnh, thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) so với các mô hình nuôi trồng thuỷ sản khác. Vì vậy, Bộ NN-PTNT đã định hướng phát triển và mở rộng mô hình nuôi tôm - lúa là ưu tiên cho nghề nuôi tôm bền vững của vùng ĐBSCL.

Bài liên quan

Với lợi thế về điều kiện tự nhiên, mô hình nuôi tôm - lúa có thể nuôi 2 vụ (một vụ tôm và một vụ lúa), hiệu quả kinh tế cao trung bình từ 60 - 70 triệu đồng/ha/năm. Đến năm 2022, trong tổng số 747 nghìn ha nuôi tôm thương phẩm trên cả nước, diện tích tôm - lúa vùng ĐBSCL đạt gần 190 nghìn ha, với sản lượng khoảng 120 nghìn tấn, tập trung chủ yếu tại các tỉnh Kiên Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Bến Tre và Trà Vinh.

Vừa qua, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF Việt Nam), Quỹ khí hậu và phát triển Hà Lan (DFCD) và Công ty TNHH Xã hội Minh Phú đã triển khai Dự án "Đầu tư sản xuất tôm - lúa có trách nhiệm tại vùng ĐBSCL" nhằm tăng khả năng thích ứng với BĐKH. Trong đó, lúa và tôm nước ngọt được nuôi kết hợp trong mùa mưa, tôm sú nước lợ sẽ được nuôi trong mùa khô, với các kỹ thuật trồng lúa theo tiêu chuẩn hữu cơ, nuôi tôm theo tiêu chuẩn ASC, tăng cường trao đổi nước, giám sát bồi lắng phù sa cho đồng ruộng, hạn chế dịch bệnh, duy trì cảnh quan, tạo ra sản phẩm chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế, cải thiện thu nhập và tiếp cận tài chính xanh để phát triển sản xuất bền vững.

Dự án đã triển khai 3 mô hình thí điểm trên quy mô 110ha, tại các tỉnh Cà Mau, Trà Vinh, Bến Tre từ năm 2022. Theo kết quả đánh giá tại mô hình điểm ở xã Trí Lực, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau, lợi nhuận từ mô hình tôm - lúa đạt gần 99 triệu đồng/ha. Trong đó, sản xuất lúa theo hướng hữu cơ đạt năng suất bình quân 4,5 tấn/ha, năng suất tôm bình quân đạt 350 kg/ha.

Từ kết quả đó, dự án đang tiếp tục triển khai nhân rộng mô hình tại tỉnh Bạc Liêu, hướng tới năm 2030 kết nối với các doanh nghiệp để nhân rộng mô hình ra 40.000 ha. Các mô hình nuôi tôm thuận tự nhiên này được kỳ vọng sẽ thành công và nhân rộng, góp phần nâng cao trách nhiệm của cộng đồng trong sản xuất và bảo vệ môi trường, cải thiện thu nhập cho người dân. Bên cạnh đó là mở rộng thị trường xuất khẩu mặt hàng tôm và lúa chứng nhận quốc tế. Đặc biệt qua các mô hình người dân, doanh nghiệp có thể tiếp cận được gói vay ưu đãi từ Ngân hàng Phát triển Hà Lan (FMO) để đầu tư các dự án tài chính xanh.

Thu hoạch tôm càng xanh nuôi trong ruộng lúa ở huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau. Ảnh: Kim Anh.

Thu hoạch tôm càng xanh nuôi trong ruộng lúa ở huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau. Ảnh: Kim Anh.

Theo kết quả đánh giá của Nhóm tư vấn độc lập từ dự án, nút thắt lớn trong chuỗi cung tôm - lúa đang ảnh hưởng trực tiếp đến tính bền vững của mô hình này, đó là vấn đề kiểm soát nguồn nước cấp.

Nguồn nước cấp vào ruộng tôm - lúa hiện mới chỉ kiểm soát thụ động dựa trên kết quả quan trắc tại chỗ, lịch lấy nước theo triều cường, đóng cống kênh cấp vào ruộng. Vì thế vấn đề kiểm soát nguồn nước chưa triệt để, không ngăn chặn hiệu quả mầm bệnh lây lan theo nguồn nước. Giải pháp cho vấn đề này là quan trắc nguồn nước cấp và đầu tư xây dựng kênh cấp nước riêng.

Do đó, khi nhân rộng mô hình, Nhóm tư vấn cho rằng, các địa phương vùng ĐBSCL cần chú ý lựa chọn địa điểm đã có kênh cấp và thoát nước riêng biệt hoặc có sự cam kết của chính quyền địa phương trong việc đầu tư xây dựng kênh cấp nước song song với quá trình triển khai dự án tôm - lúa.

Vào tháng 10/2022, Tổ chức chứng nhận quốc tế toàn cầu độc lập trong quản lý và giám sát hàng hóa (Control Union) đã trao Chứng nhận đạt chuẩn ASC Group cho gần vùng trồng lúa xen canh nuôi tôm sú với quy mô 600ha của xã Trí Lực. Đây là mô hình tôm - lúa đạt chứng nhận ASC Group đầu tiên tại Việt Nam và thế giới. Một lần nữa khẳng định hiệu quả, tạo vé thông hành để tôm sú Cà Mau có mặt ở các thị trường khó tính trên thế giới, nâng cao giá trị và thu nhập bền vững cho nông dân.

Đưa con tôm về môi trường rừng tự nhiên

Mô hình tôm sinh thái thuận tự nhiên cũng là hướng đi bền vững đang được nhiều địa phương ven biển vùng ĐBSCL đẩy mạnh đầu tư. Và tất nhiên khi nói đến mô hình này không thể không nhắc đến tỉnh Cà Mau, địa phương đang chiếm giữ diện tích tôm sinh thái lớn nhất cả nhất.

Cà Mau là địa phương chiếm diện tích nuôi tôm sinh thái lớn nhất cả nước. Ảnh: Văn Vũ.

Cà Mau là địa phương chiếm diện tích nuôi tôm sinh thái lớn nhất cả nước. Ảnh: Văn Vũ.

Đối tượng chính trong mô hình tôm sinh thái là tôm sú được nuôi dưới tán rừng ngập mặn, còn được gọi với cái tên dân giã hơn là tôm rừng. Vùng nuôi tôm sinh thái phải có diện tích rừng chiếm trên 50%, tôm phát triển tự nhiên dưới tán rừng và tận dụng được nguồn thức ăn sẵn có từ hệ sinh thái rừng.

Tuy năng suất của loại hình nuôi tôm thuận tự nhiên này không cao so với các phương pháp nuôi tôm khác, nhưng giúp nông dân tiết kiệm chi phí, ổn định, bền vững. Đặc biệt là đóng góp quan trọng vào công tác bảo vệ và quản lý rừng.

Bài liên quan

Hiện toàn tỉnh Cà Mau có khoảng 80.000 ha tôm rừng và khoảng 20.000 ha được cấp chứng nhận sinh thái từ các tổ chức quốc tế: Naturland, EU Organic, BIO Suise, Canada ORG… tỉnh Cà Mau phấn đấu đến năm 2025, toàn bộ diện tích tôm rừng trên địa bàn sẽ được cấp chứng nhận tôm sinh thái.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau, hiện nay con tôm sản xuất theo mô hình sinh thái của tỉnh đã có mặt ở nhiều quốc gia như: Australia, Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc… Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp đã có sự đầu tư bài bản để xây dựng và phát triển thị trường cho con tôm sinh thái.

Đến với tỉnh Trà Vinh, nhờ điều kiện 3 vùng sinh thái mặn, lợ, ngọt tự nhiên, tỉnh đã hình thành vùng nuôi tôm quy mô lớn tại các huyện Cầu Ngang, Trà Cú, Châu Thành, Duyên Hải và thị xã Duyên Hải. Trong đó, huyện Duyên Hải có diện tích nuôi tôm hằng năm khoảng 8.500 ha và gần 80% diện tích này là các mô hình nuôi thủy sản dưới tán rừng. Với nguồn lực hỗ trợ từ Dự án "Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững vùng ĐBSCL (MD-ICRSL)", huyện Duyên Hải đã lựa chọn 22 hộ dân mô hình nuôi tôm dưới tán rừng.

Kết quả sau 3 tháng nuôi, năng suất tôm bình quân khoảng 0,7 tấn/ha, lợi nhuận đạt gần 74 triệu đồng/ha, cao hơn so với sản xuất truyền thống gần 40 triệu đồng. Theo bà con nông dân, so sánh về hiệu quả giữa nuôi tôm thâm canh và mô hình tôm rừng, tỷ lệ lợi nhuận từ mô hình tôm rừng đạt trên 90%, còn phương pháp nuôi thâm canh mật độ cao chỉ đạt khoảng 30%.

Với kỹ thuật nuôi thuận tự nhiên, tôm sinh thái là hướng phát triển sản xuất bền vững cho bà con nông dân. Ảnh: Văn Vũ.

Với kỹ thuật nuôi thuận tự nhiên, tôm sinh thái là hướng phát triển sản xuất bền vững cho bà con nông dân. Ảnh: Văn Vũ.

Ông Nguyễn Quốc Anh, ở xã Long Vĩnh, huyện Duyên Hải lần đầu tiên tiếp cận với phương pháp nuôi tôm dưới tán rừng bộc bạch, giai đoạn nuôi tôm truyền thống, khi tôm được 20 ngày tuổi tỷ lệ chết rất nhiều do dịch bệnh gây ra, cuối vụ thu hoạch tỷ lệ sống chỉ còn khoảng 10-15%.

Chuyển sang nuôi mô hình tôm rừng, ông Quốc Anh đánh giá, nhờ nguồn nước và thức ăn tự nhiên, con tôm khỏe, hạn chế dịch bệnh, tỷ lệ thành công cũng được cải thiện đáng kể.

Một lợi thế nữa mà ông Quốc Anh nhận thấy từ mô hình này là nông dân có thể chủ động được thời gian thu hoạch tôm, tôm đạt kích cỡ loại I, khoảng 10 con/kg sẽ được tuyển chọn thu hoạch dần, tôm được các đại lý thu mua với mức giá cao hơn khoảng 20% so với tôm nuôi theo phương pháp thâm canh.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Trà Vinh, trong năm 2023, ngành nông nghiệp tỉnh khuyến khích nông dân ở các huyện vùng ven biển giữ vững và phát triển các mô hình sản xuất tôm rừng, với diện tích khoảng 5.700 ha.

Theo quyết định số 3550/QĐ-BNN-TCTS ngày 2/8/2021 phê duyệt Đề án phát triển Nuôi trồng thủy sản bền vững vùng ĐBSCL đến năm 2030, tổng diện tích lúa tôm toàn vùng ĐBSCL đến năm 2030 đạt 250.000 ha.

Kết quả tham vấn một số doanh nghiệp chế biến xuất khẩu tôm gần đây cho thấy, hầu hết doanh nghiệp quan tâm đến sản phẩm tôm hữu cơ, sinh thái được chứng nhận do nhu cầu tốt tại các thị trường nhập khẩu.

Xem thêm
Nuôi nhuyễn thể có thể là mũi nhọn lớn thứ 3 sau tôm, cá tra

Người tiêu dùng trong nước và trên thế giới ngày càng nhận thấy nhuyễn thể hai mảnh vỏ là thực phẩm giàu protein, ít béo…, đặc biệt việc nuôi trồng bền vững với môi trường.

Nghiệp đoàn Nghề cá: Điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi

Từ nhu cầu thực tiễn, Nghiệp đoàn Nghề cá ra đời là nhu cầu cấp thiết và trở thành điểm tựa vững chắc giúp ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ giữ đà tăng trưởng trong năm 2025

Theo Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân, Việt Nam có nhiều ưu điểm vượt trội về năng lực sản xuất các sản phẩm thủy sản so với các quốc gia cạnh tranh khác.

Cứu ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ rơi xuống biển

Quảng Trị Ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ đi hái rau mứt không may trượt chân, rơi xuống biển đã được thuyền viên tàu cá Bình Định và tổ tự quản đưa lên bờ an toàn.