| Hotline: 0983.970.780

'Lạc là thép, là gang, lạc sang nước bạn, lạc mang máy về'

Thứ Năm 21/03/2024 , 08:37 (GMT+7)

NGHỆ AN Từ xưa, lạc sen Nghệ An đã nổi tiếng khắp cả nước về diện tích gieo trồng nhiều, chất lượng tốt, ăn thơm ngon, được khách hàng trong và ngoài nước rất ưa chuộng.

Nói đến đặc sản Nghệ An, không thể không nhắc tới sản phẩm lạc sen xứ Nghệ.

Lạc sen Nghệ An là giống cây trồng bản địa có từ thời xa xưa và nó được gieo trồng ở tất cả các huyện, thành, thị trong tỉnh với diện tích lên tới 24 – 26 ngàn ha vào những năm 80 của thế kỷ trước. Sau đó, do có hệ thống thuỷ lợi được mở rộng, nguồn nước tưới dồi dào và một phần do áp lực về nhu cầu cần sản xuất lương thực, chủ yếu là lúa… nên nhiều địa phương ở vùng đồng bằng như Đô Lương, Nam Đàn, Nghi Lộc đã chuyển từ trồng lạc sang gieo cấy lúa.

Lạc sen là sản phẩm nông sản nổi tiếng của Nghệ An. Ảnh: Trân Châu.

Lạc sen là sản phẩm nông sản nổi tiếng của Nghệ An. Ảnh: Trân Châu.

Đến năm 2010, diện tích lạc toàn tỉnh còn lại gần 20.000ha và những năm gần đây một số diện tích gieo trồng lạc ở các huyện Nghi Lộc, Nam Đàn, thành phố Vinh… phải ngừng sản xuất để lấy đất xây dựng các khu công nghiệp tập trung. Vì vậy, diện tích gieo trồng lạc hiện tại ở Nghệ An chỉ còn lại 12 – 13 ngàn ha, tập trung chủ yếu ở huyện Diễn Châu 3.000ha/hăm, Nghi Lộc 2.400ha/năm, Nam Đàn 1.600ha/năm...

Diễn Châu là địa phương được mệnh danh là “thủ phủ” lạc của Nghệ An. Tại huyện này, có những xã sản xuất và nguồn thu nhập chủ yếu nhờ vào cây lạc như xã Diễn Trung gieo trồng 445ha, Diễn Thịnh 430ha, Diễn Hùng 220ha, Diễn Thành 180ha… Cây lạc ở đây được gieo trồng bằng giống lạc sen, mỗi năm gieo trồng 2 vụ, vụ xuân là vụ chính, vụ đông gieo trồng vừa để nhân giữ giống cho sản xuất vụ xuân, cung cấp giống cho các địa phương trong và ngoài tỉnh có nhu cầu, vừa lấy sản phẩm lạc tươi non để bán ra thị trường tự do làm lạc luộc cho các quán hàng, khu nghỉ dưỡng, nơi vui chơi…

Ưu thế đặc biệt và hiếm có ở giống lạc sen Nghệ An mà các giống lạc khác khó cạnh tranh chính là giống lạc này vốn dĩ là giống bản địa, gieo trồng được cả hai vụ (xuân, hè thu hoặc thu đông), thời gian sinh trưởng ngắn (vụ xuân 115 – 120 ngày, vụ hè thu hay thu đông 90 – 95 ngày), chống chịu nắng nóng, hạn hán, giá rét rất tốt.

Trước đây, mỗi năm Nghệ An thu về từ 650 – 700 ngàn tấn lạc vỏ, khoảng 420 – 450 ngàn tấn lạc nhân. Ảnh: Trân Châu.

Trước đây, mỗi năm Nghệ An thu về từ 650 – 700 ngàn tấn lạc vỏ, khoảng 420 – 450 ngàn tấn lạc nhân. Ảnh: Trân Châu.

Đặc biệt, giống lạc sen Nghệ An thuộc giống lạc chất lượng cao. Kết quả nghiên cứu và phân tích chất lượng hạt lạc sen Nghệ An của Viện Nông nghiệp và Tài nguyên (thuộc trường Đại học Vinh) cho thấy hàm lượng chất béo đạt gần 45,8%, protein gần 28%, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu ra thị trường quốc tế. Đồng thời, giống lạc này còn có hương vị thơm ngon rất đặc trưng, củ to, vỏ mỏng, năng suất cao (bình quân 26 – 28 tạ/ha, cao 34 – 36 tạ/ha, thấp 23 – 24 tạ/ha), tỉ lệ lạc nhân (thành lạc) đạt từ 70 – 72%.

Trước đây, mỗi năm Nghệ An thu về từ 650 – 700 ngàn tấn lạc vỏ, khoảng 420 – 450 ngàn tấn lạc nhân, vừa để tiêu dùng, vừa để chế biến dầu lạc và phần lớn là xuất khẩu đi các nước Liên Xô ngày xưa (bây giờ là Liên bang Nga), Trung Quốc, Indonesia… Ngày ấy, lạc là sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Nghệ An để đổi lấy các loại máy móc, phân bón hoá học, thép xây dựng… Vì vậy, người dân Nghệ An có câu ví “lạc là thép, là gang, lạc sang nước bạn, lạc mang máy về”.

Sản phẩm hạt lạc sen ở Nghệ An hiện nay cũng vậy, phần lớn được xuất khẩu ra thị trường các nước như Trung Quốc, Indonesia, Nhật Bản, Singapore… và một phần còn lại được doanh nghiệp, các HTX và một số bà con nông dân thu mua về để ép lấy dầu, nấu kẹo lạc bán ra thị trường.

Ông Nguyễn Sỹ Thắng - chủ doanh nghiệp chế biến lạc ở huyện Diễn Châu chia sẻ: "Ước mơ lớn nhất của tôi bây giờ là khôi phục thương hiệu giống lạc sen Nghệ An. Giống lạc sen Nghệ An có thể nói là một đặc sản riêng của xứ Nghệ. Giống lạc này quý lắm, vừa ngon, vừa thơm, vừa bùi, vừa béo, dễ gieo trồng, ngắn ngày, năng suất cao, đầu tư không nhiều, đất trồng lạc càng lâu càng tốt…".

Cây lạc sen đã giúp người dân nhiều địa phương ở Nghệ An có cuộc sống ấm no. Ảnh: Trân Châu.

Cây lạc sen đã giúp người dân nhiều địa phương ở Nghệ An có cuộc sống ấm no. Ảnh: Trân Châu.

Từ suy nghĩ đó, anh Thắng đã quyết tâm xây dựng thương hiệu lạc nhân của giống lạc sen thành sản phẩm OCOP chất lượng cao và thực sự anh đã thành công. Sản phẩm lạc nhân của anh đã được cấp chứng nhận OCOP 4 sao. Từ thành công này, sản phẩm lạc nhân của anh đã có mặt ở các siêu thị lớn trong nước và được xuất khẩu sang thị trường các nước châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản. Trung bình mỗi năm anh Thắng thu mua khoảng 1.500 tấn lạc vỏ của bà con nông dân, sau đó tách lấy hạt (lạc nhân) được hơn 1.000 tấn, vừa để xuất khẩu, vừa để ép dầu.

Anh Thắng cho biết chưa thể dừng lại ở mức độ sản phẩm 4 sao, mà phải tiếp tục xây dựng thương hiệu lạc sen Nghệ An đạt cấp OCOP 5 sao trong tương lai gần.

Lạc sen là giống lạc bản địa, thích hợp trồng nhiều vụ trong năm, chịu hạn, chịu rét rất tốt. Ảnh: Cao Hà.

Lạc sen là giống lạc bản địa, thích hợp trồng nhiều vụ trong năm, chịu hạn, chịu rét rất tốt. Ảnh: Cao Hà.

Ông Trần Văn Quang – Chủ tịch UBND xã Diễn Thịnh (huyện Diễn Châu) tâm sự: "Người dân quê tôi có cuộc sống như ngày hôm nay chủ yếu nhờ vào cây lạc, không chỉ gieo trồng nhiều lạc, mà người dân ở đây vào mùa thu hoạch lạc họ còn đi mua thêm lạc ở xã khác về để bóc vỏ, lấy lạc nhân vừa để bán, vừa để ép dầu… Tính ra cũng cho thu nhập đến cả trăm triệu đồng mỗi hộ gia đình".

Vừa rồi, Bộ NN-PTNT đã phê duyệt dự án mô hình chế biến các sản phẩm OCOP từ lạc gắn với vùng nguyên liệu có chứng nhận và truy xuất nguồn gốc tại xã Diễn Thịnh (huyện Diễn Châu) với tổng kinh phí đầu tư lên đến 15 tỉ đồng. Hi vọng thành công của dự án sẽ góp phần đưa thương hiệu lạc sen Nghệ An lên tầm cao mới.

Xem thêm
Người làm nên thương hiệu 'heo say xỉn'

NINH BÌNH Mấy năm nay tôi không thể vào một trại lợn nào vì chủ trại phòng dịch rất nghiêm, thế mà anh Nga bảo vào thoải mái, lao động ở đây còn thường xuyên về nhà.

Chú trọng tiêm vacxin, chống buôn lậu trước mùa nguy cơ dịch bênh

Chỉ đạo hoạt động của ngành thú y, chăn nuôi thời gian tới, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh công tác kiểm soát dịch bệnh bằng vacxin và phòng chống buôn lậu.

Triển vọng kinh tế xanh từ phế phụ phẩm ngành sắn

TÂY NINH Tây Ninh là thủ phủ cây sắn của cả nước, các phế phụ phẩm ngành sắn đang được địa phương này tận dụng triệt để, hướng tới kinh tế xanh và tuần hoàn, bền vững.