Mỗi cán bộ "gánh" khoảng 400 ha rừng
Cán bộ Lữ Trọng Hân chuẩn bị sẵn chiếc ca nô khỏe nhất để đưa chúng tôi vào Trạm kiểm lâm Điện Ngọc. Từ bờ vào trạm “lõi” có nhanh cũng phải mất gần 1 tiếng đồng hồ.
Cán bộ Hân nhắn nhủ: “Để đi hết Bến En cũng phải mất cả tuần chứ chả đùa. Thoạt nhìn thì có vẻ gần, nhưng đi vào sâu bên trong mới thấy hết sự kỳ vĩ của thiên nhiên. Mùa hè ở vùng này so với vùng xuôi có thể lệch nhau mấy độ vì có rừng che phủ và diện tích mặt nước rộng, giúp điều hòa khí hậu và làm mát cho cả vùng”.
Cán bộ Hân quê gốc ở Hà Trung, có thâm niên hơn 25 năm công tác trong ngành, trong đó hơn 6 năm làm việc tại Vườn Quốc gia Bến En (Như Thanh, Thanh Hóa), nên không lạ gì địa hình, địa vật nơi đây.
Anh Hân bảo, mặc dù có kinh nghiệm đi rừng, nhưng ban đầu khi về nhận công tác cũng phải mất vài tháng để làm quen địa bàn: “Có lần anh em đi tuần, gặp trời mưa, đành căng lều bạt, ngủ lại trong rừng. Nói là nghỉ ngơi cho oai chứ anh em chả ai chợp mắt được vì tiếng động vật và rắn rết “hù dọa” cả đêm. Nếu lạc đường mà không có sự chuẩn bị trước thì chỉ có chết”.
Những ngày đầu nhận công tác tại Vườn Quốc gia Bến En, cán bộ Hân được phân công nhiệm vụ trực chốt, vị trí cách đất liền hàng chục km. Tại vị trí trực chốt, phía trên là núi dựng, phía dưới là biển nước mênh mông: “Hồi đó, sóng điện thoại chưa có, việc duy nhất mà lính kiểm lâm có thể làm là đối diện với chính mình và nỗi sợ hãi giữa muôn trùng sóng nước. Nhiều khi chỉ mong cho hết ngày để được vào đất liền trò chuyện với anh em cho đỡ nhớ”.
Cán bộ Hân giờ là tổ trưởng tổ cơ động của Vườn Quốc gia Bến En. Chức danh nghe có vẻ to tát, nhưng nghe anh kể về nhiệm vụ được giao có khi còn nặng nề gấp mấy lần. Cán bộ Hân tiết lộ, Vườn Quốc gia Bến En được giao quản lý hơn 14.000 ha rừng, trong đó có hơn 3.000 ha diện tích mặt nước và 21 đảo và bán đảo. Cả Vườn có hơn 30 cán bộ “trực chiến”, bình quân mỗi cán bộ được giao nhiệm vụ quản lý khoảng 400ha rừng.
Vì không phải dân trong nghề, nên tôi thắc mắc: “Diện tích rừng lớn, trong khi lực lượng mỏng, liệu các anh có kham nổi không?”.
Anh Hân tự tin đáp: “Có chứ! Diện tích rừng lớn thì mình phải biết cách quản lý. Đây là khu vực được canh phòng nghiêm ngặt, “người lạ” cho dù gan to bằng trời cũng không dám bén mảng tới. Bất cứ diễn biến nào, dù là nhỏ nhất từ rừng, đều được bà con thông tin đến Trạm Kiểm lâm.
Bên cạnh đó, các vị trí được cho là có nguy cơ đe dọa, xâm phạm đến an ninh rừng đều được bố trí các chốt canh phòng 24/24. Nhất cử, nhất từ bên ngoài vào đều được lực lượng kiểm lâm nắm bắt và tổ chức lực lượng xử lý”, anh Hân chia sẻ.
Trong hai mấy năm công tác, anh Hân nhớ có lần đối diện với lâm tặc. Dù đặc trang bị kỹ nhưng cũng không thể chủ quan, bởi các đối tượng rất manh động, sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng: “Ở những thời khắc sinh, tử đó mình phải giữ được mạng sống của mình thì mới mong giữ được rừng. Do vậy, cán bộ kiểm lâm phải rất khéo léo, đánh vào tâm lý đối tượng làm giảm tính hung hăng của chúng. Tiếp đó, anh tìm cách phải tín hiệu để đồng đội ứng cứu. Trường hợp lâm tặc quá manh động thì buộc phải sử dụng công cụ hỗ trợ để tự vệ”, anh Hân kể.
Cán bộ Hân tiết lộ thêm: “Vườn Quốc gia Bến En có đến 70% cán bộ là người dưới xuôi lên đây công tác. Ngành kiểm lâm đòi hỏi tiêu chí bằng cấp cao, nên người dân bản địa (miền núi) ngại học ngành này, bởi vậy việc tuyển được người làm việc rất khó".
Một ngày đi 15 cây số rừng
Càng vào sâu bên trong, Bến En càng lạnh. Anh bạn đồng nghiệp có vẻ chưa thích ứng được với sự thay đổi của thời tiết, nên hắt hơi, khụt khịt liên tục. 2 giờ chiều, trạm Điện Ngọc dần hiện hữu trong mù sương mỏng từ mặt nước bốc lên. Cả một không gian rộng lớn tĩnh lặng đến tê lòng, khác hẳn với sự ồn ào, tấp nập của phố thị.
Trạm kiểm lâm nằm gối mình trên sườn núi hoang vắng không một bóng người qua lại. Phía dưới là dải đất hẹp chỉ đủ để bố trí 1 trạm gác khoảng hơn 200m2. Cách trạm gác vài bước chân là có thể chạm tới mặt nước mênh mông, sâu hoắm.
Anh Lê Tiến Tới (quê Như Thanh) và anh Nguyễn Văn Bằng (quê Quảng Xương) cũng vừa kịp về trạm sau 5 tiếng đi tuần tra rừng. Anh Tới xách vội hai chiếc ba lô treo lên góc cầu thang rồi ngồi bệt xuống đất, khuôn mặt thừ ra vì mệt sau hành trình 15 km đường rừng.
Hai cán bộ kiểm lâm vội tháo đôi ủng chuyên dụng, để lộ ống chân đỏ ửng vì bôi “thuốc” chống vắt trước những chuyến đi rừng: “Chỉ có bồ hóng với ớt mới có thể trị được chúng. Chịu đau rát một tí còn hơn bị mất máu”, anh Tới nói.
Trạm Điện Ngọc chỉ có 3 người, trong khi diện tích rừng được giao quản lý lên tới hơn 1.500ha. Nếu bỏ tuần tra ngày nào thì an ninh rừng bị đe dọa ngày đó. Bởi thế chiếc ba lô đựng toàn quần áo, lương khô, gạo, xoong nồi, nặng hơn chục kg được xem là “bảo bối” của lính kiểm lâm mỗi khi tuần tra rừng.
“Nếu đi rừng mà gặp trời mưa thì chỉ còn cách tìm khoảng đất trống, cắm lều ngủ lại qua đêm. Nếu liều lĩnh di chuyển rất dễ gặp nguy hiểm vì đường trơn trượt, vật nhọn có thể gây nguy hiểm cho người”, anh Tới chia sẻ kinh nghiệm.
Mảng tường hoen ố nơi anh Tới đang tựa lưng vẫn hằn nguyên vết rêu, mốc bởi trận lũ dữ cách đây vài năm bất ngờ ập tới trong đêm tối, cuốn trôi tất cả đồ đạc, tài sản cá nhân của cán bộ trạm. Trong tình thế sinh, tử, anh Tới và anh Bằng phải sơ tán gấp trong đêm tối lên bục gác để thoát thân.
Ở Vườn Quốc gia Bến En, anh Bằng, anh Tới được xem là kỳ cựu. Hai cán bộ kiểm lâm dáng mảnh khảnh, nhưng được mệnh danh là “báo rừng” vì độ gan lì và số giờ chinh phục đường rừng.
“Có cán bộ ở đây tí mất mạng vì rắn chui vào trong chăn ẩn nấp. May thay, anh em có thói quen rũ chăn màn trước khi đặt lưng nên phát hiện ra, rồi lập tức tri hô, xua đuổi... Nếu ngủ say hôm đó thì chết chắc”, anh Bằng kể.
Như thói quen thường ngày, anh Bằng rảo bước vào gầm cầu thang bật vội chiếc tivi to hết cỡ như thể khoe với khách. Năm ngoái trạm được cấp một chiếc tivi màu để anh em cải thiện đời sống tinh thần. Dường như, đó là những món đồ quý giá nhất đại diện cho đời sống văn minh len lỏi đến chốn này…
Trạm kiểm lâm Điện Ngọc mới có điện (dùng pin năng lượng mặt trời) cách đây chưa lâu. Nói là điện cho oai, chứ điện cũng phập phù lắm! Loại năng lượng này chỉ đủ dùng để xem tivi và thắp sáng và sạc điện thoại.
Năm ngoái người thân các anh hăm hở đến trạm, thăm nom cuộc sống của những “người lính đảo”, nhưng họ chỉ ở được một ngày rồi phải rút về xuôi vì cuộc sống, sinh hoạt thiếu thốn đủ đường, đặc biệt là bị mất liên lạc hoàn toàn với bên ngoài.
Mấy năm về trước, trạm Điện Ngọc chưa có sóng điện thoại, nên mọi chuyện từ công việc cho đến ma chay, hiếu hỷ đều phải thông qua khâu trung gian báo tin. Có khi nhận được tin báo phải mất đến nửa ngày. Đến nay, trạm đã có “sóng lạc” nhưng lúc được, lúc mất. Để "dò" được sóng cũng phải mất cả chục phút.
“Anh em cầm điện thoại, chia nhau mỗi người đi mỗi hướng để đón sóng. Tìm được điểm sóng “lạc” anh em không dám nhúc nhích người vì sợ sóng “bay” mất. Sau khi định vị được vị trí sóng, phải chôn cột luồng, khoét lỗ ống nhựa, bỏ điện thoại vào phía trong để giữ sóng, ngộ nhỡ có chuyện gì cần liên lạc còn kịp thời phản ứng”, cán bộ Bằng chia sẻ.
Ở Vườn Quốc gia Bến En, mọi sinh hoạt của cán bộ hầu như phải tự túc từ A-Z. Ở các trạm ngoài đảo, cán bộ kiểm lâm được luân phiên nghỉ (cán bộ trạm được nghỉ 6 ngày/tháng). Cán bộ trực chốt được nghỉ 10 ngày/tháng. Thời gian nghỉ cán bộ kiểm lâm tranh thủ về thăm gia đình, và chuẩn bị đồ ăn để tích trữ. Đồ ăn chủ yếu là đồ khô (cá khô, lạc, muối vừng) rau củ quả. Thi thoảng cán bộ được cải thiện bằng ít đồ tươi như cá, tôm, gà, toàn bộ là đồ "của nhà trồng được". Đồ ăn tươi ở trạm không để được lâu vì không có tủ lạnh bảo quản.
Bởi thế nên, cách đây vài tháng, cán bộ Bằng lên cơn đau bụng phải cập bến, nhập viện cấp cứu vì sử dụng đồ ăn lên men. Chiếc xuồng chạy bằng dầu Diezen cũng phải mất khá lâu mới ứng cứu kịp thời.
Thiếu thốn, vất vả là vậy, nên để trụ vững với nghề là điều không hề dễ đối với những người lính kiểm lâm. Anh Hân vừa nhấp ngậm trà đặc chát vừa bấm đầu ngón tay: “Chỉ vài năm trở lại đây, có gần 20 cán bộ bỏ nghề vì không chịu được thiếu thốn và áp lực công việc. Bên cạnh đó, chế độ đãi ngộ đối với những người lính kiểm lâm chưa cao nên anh em cũng không gắn bó được lâu”.
Ở trạm Điện Ngọc, anh Bằng, anh Tới cũng từng có cơ hội về xuôi theo chế độ luân chuyển của ngành nhưng họ quyết định ở lại vì trót gắn bó với mảnh đất này quá lâu nên không nỡ rời xa.
“Sống trên đây quen rồi, bây giờ có cho về dưới xuôi có khi lại không ngủ được. Nếu thay thế người mới, thì cán bộ mất khá lâu để làm quen địa bàn”, anh Tới chia sẻ.
Chúng tôi rời trạm Điện Ngọc sau cuộc trò chuyện kéo dài gần 2 tiếng. Chiếc xuồng máy dần rời xa bờ, đôi mắt của người lính đảo vẫn không ngừng dõi theo. Anh Hân buột miệng: "Khi có người đến nói chuyện thì anh em vui vẻ thế đấy! Chứ khi đoàn về, mấy anh em mắt lại đỏ hoe. Lần nào cũng vậy".
Tết của những người lính kiểm lâm giữ đảo giữa rừng cũng có bánh chưng, mâm ngũ quả, cành đào, nhưng chưa bao giờ họ được hưởng cái tết trọn vẹn với gia đình. Mỗi cán bộ lính đảo được nghỉ Tết 4 ngày, chia làm 2 đợt vì phải luân phiên trực. Thời gian nghỉ ngơi chỉ giúp họ trải lòng dăm ba câu chuyện thường ngày, rồi vội vã tạm biệt gia đình lên đường đi làm nhiệm vụ.