| Hotline: 0983.970.780

Lai hóa và nâng tầm nhãn hiệu bò thịt Bình Định

Thứ Ba 21/12/2021 , 10:00 (GMT+7)

Trên nền tảng thành công sau 5 năm phát triển đàn bò chất lượng, giai đoạn 2021-2025, Bình Định tăng tốc lai hóa đàn bò và nâng tầm nhãn hiệu ‘Bò thịt chất lượng cao’.

Nền tảng vững chắc

Từ lâu,Bình Định là địa phương phát triển mạnh nghề nuôi bò. Thế nhưng trước đây, nông dân chủ yếu nuôi giống bò địa phương có trọng lượng và tỷ lệ nạc thấp, giá trị kinh tế kém. Để người nuôi bò tăng thu nhập, từ năm 2015 - 2020, Bình Định thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi bò thịt chất lượng cao. Đến nay, tỷ lệ bò lai đã chiếm đến 85% trong tổng đàn bò gần 300.000 con.

Theo ông Trần Văn Hạnh, Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp Bình Định, đàn bò cái nền lai Zebu có tỷ lệ máu lai trên 75% chiếm phần lớn trong tổng đàn bò cái ở Bình Định là yếu tố quan trọng để tỉnh cải thiện chất lượng đàn bò.

Giai đoạn 2015 - 2020,  Bình Định đã triển khai 62 mô hình chăn nuôi thâm canh bò thịt chất lượng cao ở các huyện, thị xã trong tỉnh, tập trung vào giống BBB (Blanc-Blue-Belgium) và Red Angus. Để phục vụ công tác lai tạo, Trung tâm Giống nông nghiệp Bình Định đã đào tạo 117 kỹ thuật viên. Đây cũng là lực lượng thực hiện công tác hướng dẫn nông dân cách chăm sóc bò, trồng cỏ kết hợp với phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn.

Những năm qua, Bình Định đã phát triển mạnh đàn bò lai và trở thành vùng chăn nuôi bò trọng điểm của miền Trung. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Những năm qua, Bình Định đã phát triển mạnh đàn bò lai và trở thành vùng chăn nuôi bò trọng điểm của miền Trung. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Bò BBB có nguồn gốc từ Bỉ, là giống bò thịt có cơ bắp phát triển siêu trội, thịt thơm ngon; con đực trưởng thành có khối lượng 1.100 - 1.250 kg, con cái trưởng thành có khối lượng 750 - 800 kg, tỷ lệ thịt xẻ đạt 70%.

Bò Red Angus là giống bò Úc, có nguồn gốc từ Scotland, con đực trưởng thành nặng đến 1 tấn, tỷ lệ thịt nạc chiếm 70% trọng lượng cơ thể. Với những ưu điểm đầu ra thuận lợi, giá bán cao nên trong thời gian qua, nông dân Bình Định đầu tư phát triển mạnh 2 giống bò nói trên...

Ngoài ra, trong khuôn khổ chương trình phát triển đàn bò chất lượng cao, Bình Định còn hỗ trợ 123 con bò đực giống, mỗi hộ 1 con để phối giống trực tiếp tại các vùng đi lại khó khăn, không thuận lợi trong việc thụ tinh nhân tạo và nơi có chất lượng đàn bò cái nền sinh sản thấp. Kết quả sau 5 năm thực hiện, đến năm 2020, Bình Định đã có thêm 359.484 con bò lai sinh bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo, trong đó có 144.907 con lai hướng thịt chất lượng cao.

Bò BBB là giống bò thịt có cơ bắp phát triển siêu trội, thịt thơm ngon, giống bò đang được nông dân Bình Định lựa chọn để phát triển. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Bò BBB là giống bò thịt có cơ bắp phát triển siêu trội, thịt thơm ngon, giống bò đang được nông dân Bình Định lựa chọn để phát triển. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Nâng tầm nhãn hiệu bò thịt Bình Định

Cùng với công tác lai hóa đàn bò, Bình Định đầu tư xây dựng nhãn hiệu “Bò thịt chất lượng cao”, đến tháng 9/2020 được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) trao chứng nhận nhãn hiệu và có 117 hộ chăn nuôi đủ điều kiện đã được cấp chứng nhận.

“Với chứng nhận nhãn hiệu, bò thịt chất lượng cao Bình Định có thêm nhiều dấu hiệu nhận diện, đồng thời giúp người chăn nuôi gia tăng năng lực cạnh tranh trên thị trường. Với nhãn hiệu được cấp, người chăn nuôi có thêm cơ sở để chào bán sản phẩm với giá tốt hơn trước.

Đây là điều kiện tốt để Bình Định phát triển ngành nghề chăn nuôi bò thịt theo hướng bền vững, nâng cao giá trị sản xuất”, ông Huỳnh Ngọc Diệp, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định, khẳng định.

Theo ông Đào Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, sau khi được Cục Sở hữu trí tuệ chứng nhận nhãn hiệu, Sở NN-PTNT Bình Định đã ban hành quy chế quản lý, sử dụng nhãn hiệu chứng nhận bò thịt chất lượng cao Bình Định, hướng dẫn các doanh nghiệp, người dân áp dụng quy trình chăn nuôi bò thịt chất lượng cao.

Ngành nông nghiệp Bình Định cũng đã hỗ trợ các địa phương xây dựng chợ bò, hướng dẫn các doanh nghiệp xây dựng cơ sở giết mổ động vật tập trung tiếp nhận, giết mổ bò để tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.

Bình Định phấn đấu đến năm 2025, đàn bò lai trên địa bàn tỉnh phát triển đến 490.000 con. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Bình Định phấn đấu đến năm 2025, đàn bò lai trên địa bàn tỉnh phát triển đến 490.000 con. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Đến nay, Bình Định đã xây dựng 3 chợ bò hợp chuẩn tại các xã phát triển mạnh nghề chăn nuôi bò thịt chất lượng cao, gồm: Nhơn Lộc, Nhơn Hậu (Thị xã An Nhơn) và Phước An (huyện Tuy Phước) với quy mô 1.500 m2/chợ, 10 ngày họp chợ 1 lần.

Có chợ bò, người chăn nuôi thuận lợi trong việc nắm bắt xu hướng, thị hiếu của khách hàng và biến động của giá cả; tăng cơ hội kết nối, giảm các khâu trung gian từ sản xuất đến tiêu thụ làm tăng hiệu quả kinh tế chăn nuôi.

“Để có được nhãn hiệu chứng nhận bò thịt chất lượng cao đã khó, nhưng để quản lý và phát triển tốt nhãn hiệu còn khó hơn. Ngành chức năng tỉnh sẽ phối hợp với các sở, ngành liên quan xây dựng quy trình kiểm soát việc sử dụng nhãn hiệu của các hộ chăn nuôi, kịp thời phát hiện sự giả mạo để bảo toàn và nâng cao uy tín của nhãn hiệu”, ông Đào Văn Hùng chia sẻ.

“Qua 5 năm thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi bò thịt nông hộ giai đoạn 2015 - 2020, Bình Định đã tạo được khoảng 14.000 việc làm cho nông dân, giúp người chăn nuôi thu lợi khoảng hơn 3.000 tỷ đồng.

Ðây là cơ sở để ngành nông nghiệp tham mưu UBND tỉnh ban hành đề án phát triển chăn nuôi bò thịt nông hộ giai đoạn 2021 - 2025, tập trung phát triển chất lượng đàn bò thịt với mục tiêu tăng đàn bò lai lên 490.000 con và tiếp tục phát huy hiệu quả nhãn hiệu “Bò thịt chất lượng cao Bình Ðịnh”, ông Đào Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định cho biết.

Xem thêm
Trách nhiệm chủ chó, mèo đang bị bỏ ngỏ

Người nuôi để chó, mèo thả rông, không rọ mõm khi chăn dắt… khiến việc chó cắn người đi đường, mất an toàn giao thông, gây mất mỹ quan ngày càng trở nên phổ biến.

Chuyển từ tranh mua, tranh bán sang liên kết trồng chè

Ông Hoàng Vĩnh Long, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam cho rằng những người làm chè xuất khẩu trong tình trạng dễ mua dễ bán, đang rơi vào bẫy giá rẻ của thế giới.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.