| Hotline: 0983.970.780

Thái Nguyên: Đàn bò thịt không ngừng tăng!

Thứ Năm 27/08/2020 , 06:30 (GMT+7)

Tại Thái Nguyên, tỷ trọng giá trị sản xuất ngành chăn nuôi nhiều năm qua nghiêng dần về chăn nuôi đại gia súc. Trong đó, đàn bò thịt không ngừng tăng về số lượng.

Bò thịt lên ngôi

Trong chuyến thăm và làm việc tại Thái Nguyên mới đây, Thứ trưởng Bộ NN- PTNT Phùng Đức Tiến đã nhận xét, Thái Nguyên là địa phương còn nhiều tiềm năng và có dư địa thuận lợi để phát triển chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi đại gia súc.

Trên thực tế, cán cân nội ngành chăn nuôi của tỉnh trong nhiều năm qua đã liên tục dịch chuyển theo hướng nói trên. Ngay đối với chăn nuôi đại gia súc thì đàn trâu cũng giảm dần về số lượng, đàn bò không ngừng tăng.

Thời điểm cuối những năm 80, những năm 90 của thế kỷ trước, đàn trâu của Thái Nguyên đạt đỉnh với xấp xỉ 150 ngàn con. Trong khi đó, đàn bò chỉ có hơn 10 ngàn con. Với sự tăng trưởng liên tục, đến nay đàn bò đạt tới 44 ngàn con, trong khi đàn trâu chỉ còn 46 ngàn con.

Năm 2019 theo số liệu thống kê tổng đàn và sản lượng thịt hơi xuất chuồng, đàn bò đã tăng 103% so với cùng kỳ. Trong khi đàn trâu tụt xuống 91% và đàn lợn tụt còn 88,5%. Việc đàn bò không ngừng tăng trưởng về số lượng tổng đàn cũng làm dịch chuyển không gian chăn nuôi của Thái Nguyên.

Trong nhiều năm, việc chăn nuôi bò gần như được mặc định ở miền quê lúa thuần nông là huyện Phú Bình và thị xã  Phổ Yên. Cả hai địa phương trên có những bước tiến thần tốc về phát triển công nghiệp, dịch vụ nên đàn bò chuyển dần lên những huyện vùng cao như Võ Nhai, Định Hóa...

Hiện nay những hộ gia đình đồng bào dân tộc ít người vốn dĩ chỉ chăn nuôi quảng canh nhỏ lẻ cũng đã biết chăn nuôi bò bán chăn thả, vừa tận dụng lợi thế đồng cỏ, diện tích chăn nuôi lại áp dụng thêm kỹ thuật nuôi nhốt, chăm sóc cho đàn vật nuôi.

Việc dịch chuyển tỷ trọng và tăng trưởng của đàn bò chỉ có thể giải thích bởi hiệu quả chăn nuôi của người dân. Hơn một thập kỷ trước, những hộ nghèo, cận nghèo sẽ khó khăn trong việc chăn nuôi bò. Giá trị của một bò nái hoặc bê con khi đó cũng xấp xỉ 20 triệu đồng.

Ngoài những công văn chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu chăn nuôi thì Thái Nguyên đã đầu tư xây dựng một Trung tâm giống vật nuôi với nhiệm vụ dẫn tinh để tạo cho đàn bò chuyển dịch theo hướng phát triển bò lai, tăng chiều cao, kích thước, tăng thể trọng.

Đàn bò lai phát triển nhanh chóng với tỷ lệ đạt 60% tổng đàn, tăng 25% so với năm 2015. Ngoài vai trò thay máu đàn bò của cơ quan chuyên môn thì hầu hết các chương trình hỗ trợ của các cơ quan, đoàn thể đều chọn hướng bò lai để nhân ra diện rộng.

Ông Hoàng Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở NN- PTNT tỉnh Thái Nguyên cho biết, Thái Nguyên không gặp bất cứ khó khăn, thách thức gì trong việc tiếp tục phát triển đàn bò. Từ vị thế là nuôi bò tận dụng để xóa đói, giảm nghèo nay con bò trở thành vật nuôi giúp người nông dân làm giàu, chăn nuôi trang trại với quy cách công nghiệp.

Về góc độ thị trường, nước ta vẫn nhập số lượng không nhỏ thịt bò ngoại. Chúng ta thường nghe giải cứu thịt lợn, thịt gà chứ đã bao giờ nói giải cứu thịt bò. Đặc biệt, bò lai có giá rất tốt, ông Dũng đưa ra mức giá do chính ông đã khảo sát, trong các chuỗi siêu thị, thịt bò có giá tới 350 ngàn/kg. Giá thị trường cũng đạt 270 ngàn/kg.

Bò thịt được chăn nuôi với nhiều quy cách, quy mô để phù hợp với điều kiện của hộ chăn nuôi tại Thái Nguyên. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Bò thịt được chăn nuôi với nhiều quy cách, quy mô để phù hợp với điều kiện của hộ chăn nuôi tại Thái Nguyên. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Đa dạng quy cách

Từ các nguồn hỗ trợ khác nhau, người dân hiện nay đã có cơ hội tiếp cận và tổ chức chăn nuôi bò dễ dàng hơn trước đây. Hiệu quả được khẳng định, Hội Nông dân cấp xã ở nhiều địa phương của Thái Nguyên đã xây dựng nguồn quỹ để cho hộ nghèo vay vốn.

Mô hình nuôi bò điển hình được Hội Nông dân xã Đào Xá, huyện Phú Bình triển khai. Ngay từ năm 2010, từ nguồn đóng góp của hội viên, Hội Nông dân xã đã quản lý và cho hộ nghèo vay vốn nuôi bò. Quỹ này được gọi là quỹ bò nái.

Ông Đào Văn Vững, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đào Xá cho biết, để phát huy hiệu quả vốn vay, Hội hỗ trợ các hội viên kiến thức, kỹ thuật phối giống, chăm sóc, phòng bệnh cho đàn bò. Với hình thức các hộ dân được giữ lại bò mẹ, còn số bê con sinh ra được tiếp tục được xoay vòng hỗ trợ cho các hội viên nghèo khác, trung bình cứ 2 năm có thêm 3 hộ hội viên khó khăn được vay bò sinh sản.

Đến nay, toàn xã Đào Xá có 15 hội viên nông dân được hỗ trợ từ quỹ. Trong số đó, có 14 hộ đã thoát nghèo. Có hộ đã vươn lên khá giả.

Anh Vũ Xuân Trường (xóm Dẫy, xã Đào Xá) là một trong những hộ được hỗ trợ từ nguồn quỹ nói trên cho biết, gia đình anh thuộc diện hộ nghèo đã nhiều năm. Nhà có 3 khẩu lại chỉ trông vào hơn 1 sào ruộng, cuộc sống gia đình rất khó khăn.

Năm 2019, được Hội Nông dân xã cho vay 10 triệu đồng để mua bò nái. Hiện nay, bò mẹ đang có chửa, dự kiến khoảng 8 tháng nữa sẽ sinh bê con. Gia đình sẽ chăm sóc bò mẹ thật tốt, sớm trả bê lại cho xã để có thêm các hộ khó khăn khác cũng được nhận giúp đỡ.

Mô hình nuôi bò BBB đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Ảnh : Đồng Văn Thưởng.

Mô hình nuôi bò BBB đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Ảnh : Đồng Văn Thưởng.

Năm 2017, bò BBB (3B) mới được đưa về nuôi thử nghiệm tại huyện vùng cao Võ Nhai. Bò phát triển tốt, đạt các yêu cầu về chăn nuôi. Năm 2019, nhận thấy tiềm năng từ mô hình, Hội Nông dân xã Tràng Xá đã tổ chức cho hội viên đi tham quan, học tập nuôi bò 3B tại một số mô hình tiêu biểu.

Được sự hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật, gần 20 hộ nông dân ở Tràng Xá đã đầu tư nuôi giống bò này với quy mô nhỏ từ 2 đến gần 20 con/hộ. Theo bà con, dù phải đầu tư khá cao, khoảng trên 20 triệu đồng cho một con giống trọng lượng gần 100kg nhưng đây là giống bò sinh trưởng tốt và phù hợp với điều kiện của người dân Tràng Xá.

Giống bò này nuôi nhốt chuồng nên không cần nhiều nhân công lao động, thức ăn là cỏ voi và các loại cám thông dụng nên rất dễ nuôi. Ông Chu Văn Tiến, chủ hộ nuôi bò giống 3B ở xóm Đồng Ruộng cho biết, bên cạnh nguồn thức ăn chính là cám và cỏ voi, gia đình còn tận dụng thêm nông sản có sẵn hoặc phế phẩm như ngô, bã đậu, quả bí…. để cho bò ăn.

Dự kiến, lứa bò đầu tiên của gia đình ông Tiến sẽ được xuất bán vào đầu năm 2021 với trọng lượng đạt khoảng trên 6 tạ/con và thu về khoảng gần 300 triệu đồng tiền lãi.

Ông Hoàng Văn Trường, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tràng Xá, huyện Võ Nhai cho biết,  bò 3B thịt đang đứng đầu về năng suất, chất lượng so với các giống bò thịt khác nên người nuôi không phải lo đầu ra. Nhiều thương lái trong và ngoài tỉnh sẵn sàng cung cấp giống và thu mua bò thương phẩm tận nhà.

Tuy nhiên, do vốn đầu tư nuôi bò 3B đòi hỏi lớn nên bà con bước đầu khuyến khích các hộ có kinh tế khá chăn nuôi quy mô nhỏ và nâng dần quy mô qua mỗi năm, đồng thời tăng cường các hoạt động hỗ trợ kết nối để người nông dân đặc biệt là các hộ nghèo có thể tiếp cận được với nguồn vốn ưu đãi từ các ngân hàng để để đầu tư nuôn bò 3B thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Từ nuôi thả, bán chăn thả, nuôi bò sinh sản, nhiều mô hình trang trại theo hướng chăn nuôi bò thịt, công nghiệp, nuôi nhốt đã hình thành với hiệu quả cao.

Ông Nguyễn Quang Tiếp ở xóm 5, thị trấn Sông Cầu, huyện Đồng Hỷ đã đầu tư chuồng trại nuôi 80 con bò 3B. Ông Tiếp đặt mua thức ăn thừa của công nhân làm việc trong các khu công nghiệp để chăn nuôi bò. Theo ông Tiếp, mỗi con bò lãi khoảng 1 - 1,5 triệu đồng/tháng.

Anh Tống Văn Hiệp ở xã Minh Lập, huyện Đồng Hỷ nuôi 150 con bò 3B. Vì không có đồng cỏ, để đảm bảo nguồn thức ăn thô cho bò, anh Hiệp đã phải đặt mua rơm từ tận miền nam với giá 2 triệu đồng/tấn. Tuy nhiên, anh Hiệp hạch toán, mỗi con bò cũng cho số lãi 1 triệu đồng/tháng.

Ông Lê Đắc Vinh, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thái Nguyên cho biết, sự tăng trưởng của đàn bò thịt với tiềm năng và lợi thế sẽ góp phần bù lại những thiệt hại do dịch bệnh trên đàn lợn, đàn gia cầm cũng như diễn biến bất thường của thời tiết tác động tiêu cực đến trồng trọt.

Đáp ứng nhu cầu thực tiễn, đơn vị sẽ tăng cường phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp và người chăn nuôi triển khai Luật Thú y, hỗ trợ công tác phòng chống dịch bệnh, khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chăn nuôi, trang trại có đủ điều kiện đảm bảo an toàn dịch bệnh phát triển chăn nuôi bò thịt theo hướng công nghiệp, hàng hóa.

Xem thêm
Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.