| Hotline: 0983.970.780

Làm báo giữa lưng trời Tây Bắc

Thứ Hai 07/12/2015 , 06:35 (GMT+7)

Tây Bắc nơi chứa đựng những câu chuyện huyền bí và hãi hùng đã thấm đẫm trong tâm hồn tôi từ những ngày còn cắp sách tới trường… 

Tôi từng mơ ước được đặt chân tới mọi miền Tây Bắc để khám phá về mảnh đất và cuộc sống của những con người nơi đây.

Báo Nông nghiệp Việt Nam đã cho tôi cơ hội ấy. Suốt 20 năm làm báo ngang dọc khắp đất trời Tây Bắc, điều mà tôi nhận ra rằng Tây Bắc là nguồn cảm hứng vô tận, mảnh đất của những bài viết hay…

Ám ảnh những miền núi đá

Cuối năm 1997, trong một chuyến lên Mường Khương (Lào Cai) công tác tôi nghỉ nhờ đồn biên phòng Pha Long, đang là mùa khô cây cỏ xác xơ sau mùa đông dài lạnh giá, cả một vùng đất chỉ một màu đá xám.

Đá xếp chồng lên đá, hoang hoải điệp trùng bất tận, những làng Mông mái nhà lợp cỏ nâu xỉn nhìn từ trên cao xuống giống như chiếc nấm thấp lè tè khuất lấp trong bạt ngàn rừng đá.

Ông Giàng Sếnh Pao 72 tuổi người thôn Pha Long chỉ tảng đá bên đường to gần bằng gian nhà bảo tôi: Đá ở đây biết lớn đấy. Hòn đá này khi tôi biết vác cày lên nương nó chỉ to bằng cái lù cở, tôi còn bước qua được. Bây giờ nó cao hơn cả đầu tôi rồi…

Câu chuyện “đá lớn” của ông già người Mông mà sau này tôi mới hiểu, đó là sau mỗi mùa mưa tưng bừng và náo nhiệt trên khắp miền núi cao đã bào mòn từng lớp đất màu mỡ trên bề mặt, làm trơ ra những tảng đá.

Để giữ đất làm ruộng đời này qua đời khác, người ta phải khuân đá đắp thành các bờ đá dài dằng dặc, vân vi quanh các sườn núi.

Từ trên núi nhìn xuống dòng sông Xanh nằm dọc biên giới Việt-Trung nhỏ xíu chảy dọc các xã Pha Long, Dìn Chin, Tả Gia Khâu, màu nước xanh như dải lụa giữa hai bờ đá xám lạnh, bởi thế người dân gọi là sông Xanh, còn Trung Quốc gọi là Mã Lục. Sông Xanh hợp với dòng La Hờ để tạo nên dòng sông Chảy.

Sau cuộc chiến tranh biên giới tháng 2/1979 nhân dân Hoàng Liên Sơn đã trồng hàng chục ngàn gốc tre gai dọc đường biên để ngăn cản sự xâm lấn, gây rối của lũ người xấu từ bên kia tràn sang.

Nhưng giá rét và mùa khô kéo dài trên núi khiến những bụi tre mới trồng không mọc lên nổi, việc giữ gìn biên giới thiêng liêng của Tổ quốc không ai khác chính là những người dân nơi đây.

Buổi sáng trở dậy nhìn lá cờ đỏ bay phần phật trong màn sương mù đặc quánh như sữa trước cửa đồn mà lòng tôi cứ rưng rưng. Chỉ huy đồn biên phòng Pha Long bảo tôi: Giữ dân như giữ đất, bộ đội biên phòng phải dựa vào dân để giữ đất, dân mà bỏ đi thì khó mà giữ nổi từng thước đất nơi này…

Nằm chênh vênh trên thượng nguồn sông Chảy, ba xã Pha Long, Dìn Chin và Tả Gia Khâu trừ ba tháng mùa mưa hầu như quanh năm nơi này thiếu nước.

Trong ba xã ấy Tả Gia Khâu thiếu nước trầm trọng, do thiếu nước quá nên trụ sở UBND, trạm xá, trường học rồi đồn biên phòng 231 sau này phải chuyển xuống thôn Pạc Tà nơi có nguồn nước cách trụ sở cũ hơn 3 km. Mặc dù vậy, nguồn nước ở thôn Pạc Tà cũng chỉ dồi dào vào mùa mưa, năm nào trời hạn thì phải xuống sông Xanh để thồ nước lên.

Đồn biên phòng Tả Gia Khâu nuôi hai con ngựa chỉ dùng để thồ nước từ sông Xanh vào mùa khô. Từ trên cao nhìn xuống dòng sông Xanh chỉ nhỏ bằng bàn tay.

Để giúp dân có nước sinh hoạt sống giữ đất trên vùng đất sa mạc hóa giữa lưng chừng núi cao, Nhà nước đúc cho mỗi hộ hơn chục chum nước để hứng nước mưa từ trên các mái nhà.

10-52-21_h2
Những chum đựng nước mưa ở Tả Gia Khâu, huyện Mường Khương tỉnh Lào Cai

Trước đây nhà lợp cỏ nên nước đỏ quạch như nước vối, bây giờ lợp bằng fbro xi măng nước trong hơn nhưng nhiều độc hại.

Trên đường vào thôn Tả Gia Khâu tôi gặp Sùng Seo Lành trên đường đi làm nương, anh dẫn tôi về nhà mình, bà nội của Lành đã hơn 90 tuổi, đôi mắt mờ đục như nước gạo.

Tôi hỏi cụ ở đây khô khát thiếu nước như vậy sao không chuyển đi nơi khác? Cụ lắc đầu nhìn tôi ngơ ngác như người mới từ hành tinh khác tới: Không bỏ đất này đi được đâu, đời cha, đời ông mình sống ở đây và chết ở đây rồi à…

Sau năm 1997, tôi nhiều lần trở lại Mường Khương, loạt phóng sự: "Đất và người Mường Khương: Huyền tích về một vùng đất", "Vật vã trên vùng đất khát", "Pờ Sảo Mìn - nhà thơ của núi rừng", "Mở hang tiền sử làm kho cất rượu"… khắc họa cuộc sống của những con người trên lưng chừng núi nơi này.

Tháng 4/1998, tôi lên Đồng Văn được Lầu Dúng Páo dẫn đến nhà cụ Vàng Thị Vềnh, năm ấy cụ vềnh đã 75 tuổi người dân tộc Lô Lố ở thôn Lô Lố Chải điểm cực Bắc trên bản đồ Tổ quốc đang giữ một chiếc trống đồng được truyền qua 5 đời.

10-52-21_h5
Cụ Vàng Thị Vềnh thôn Lô Lố Chải bên chiếc trống đồng cha ông truyền lại

Cụ cho biết có người từ Hà Nội lên đây trả hơn 300 triệu đồng nhưng gia đình không bán, bởi đó là báu vật thiêng liêng của người Lô Lố.

Cụ cho biết thôn Lô Lố Chải được vua ban cho hai chiếc trống đồng, một trống đực và một trống cái, trống chỉ được đánh lên vào ngày Tết hoặc trong thôn có người chết và những báo tin khi giặc tới xâm lược.

Tôi nhìn ngôi nhà trình tường thâm u, tháng tư ở trên núi đang là mùa giáp hạt nhà không còn một hạt ngô, khi tôi đến thấy cụ đang gọt củ rừng nom giống củ đao riềng ăn thay cơm nhưng dứt khoát không chịu bán chiếc trống đồng của cha ông để lại.

Tôi rời nhà cụ Vềnh lên đầu thôn ngồi dưới gốc cây Tung Tống Thá (cây nghiến) cổ thụ nhìn xuống dòng sông Nho Quế. Đá từ trên sườn núi như muôn ngàn lớp sóng xám lạnh, những ngôi nhà thấp lè tè của thôn Xéo Lủng nằm giáp biên giới Việt- Trung khuất lấp giữa rừng đá mênh mông đã mấy lần bị bọn người xấu bên kia tràn sang đốt phá, đẩy họ lùi sâu vào đất Việt.

Sau mỗi lần bị đốt phá họ lại trở về dựng lại nhà cửa quyết không bỏ mảnh đất của cha ông. Những con người ở đây dáng người nào cũng sắt đanh như đá, tựa như cây Tung Tống Thá dễ sần lên gân guốc bám chặt vào đá núi, đời này nối đời kia giữ gìn mảnh đất biên cương nơi tận cùng của Tổ quốc.

Phóng sự "Đồng Văn- nơi Tổ quốc bắt đầu từ đá", "Vời vợi Lũng Cú" đã ra đời sau khi gặp những con người như thế.

Vượt tứ đại đèo Tây Bắc

Suốt 20 năm làm ở Báo Nông nghiệp Việt Nam, tôi đã vượt qua không biết bao đèo cao dốc dựng đến những bản làng heo hút trong mây, gặp những con người hiền như đất và từng qua tứ đại đèo Tây Bắc.

Mã Pì Lèng, tiếng Quan Hỏa nghĩa là đèo dốc đứng như mặt ngựa. Tôi đã hai lần qua Mã Pì Lèng, lần thứ nhất vào tháng 4/1998, lần thứ hai tháng 3/2002. Đây là con đèo hiểm trở bậc nhất Hà Giang nối hai huyện Mèo Vạc và Đồng Văn chạy dọc dòng sông Nho Quế.

Con đường được làm trong 6 năm từ năm 1959 đến năm 1965 do mấy vạn thanh niên xung phong ở 8 tỉnh miền Bắc xây dựng. Đèo Mã Pì Lèng do đội thanh niên cảm tử buộc dây treo mình trên vách núi đục từng tảng đá mở đường trong 11 tháng trời. Nhiều người đã bỏ mạng khi mở con đường này vì đứt dây và đá lăn trúng người.

Lần đầu tiên vượt Mã Pì Lèng tôi không dám nhìn xuống dòng sông Nho Quế sâu hun hút dưới chân vì chóng mặt. Loạt phóng sự: "Chuyện tình Khau Vai-huyền tích về một mối tình", "Dinh thự của những “ông vua” miền núi phía Bắc", "Trăn trở Hoàng Su Phì", "Miền đất cây vỏ vàng"… đã ra đời từ hai lần vượt Mã Pí Lèng.

Tháng 3/1999, từ thị xã Sơn La tôi lên Tuần Giáo vượt đèo Pha Đin huyền thoại trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Con đèo chạy qua các đỉnh núi điệp trùng, từ trên đỉnh đèo nhìn xuống Mường Quài ruộng bậc thang vân vi như vân trên bàn tay người.

10-52-21_h10
Tác giả bên chiếc xe tăng trên đồi A1

Tháng 3 gió Lào ngùn ngụt thổi, đi xe máy trên con đèo này cứ biêng biêng như chực lao xuống vực. Đèo Pha Đin đã ghi hàng vạn dấu chân bộ đội, thanh niên xung phong và công nhân hỏa tuyến để làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu”.

Trong trường ca "Quam Tô Mương - Chuyện kể bản mường" của người Thái đen kể rằng: Nơi cách nay 7 thế kỷ những người con của Tạo Xuông, Tạo Ngân từ Mường Lò (Yên Bái) vượt đèo Khau Phạ và sông Đà qua đèo Pha Đin để mở mang đất Mường Thanh.

Đặt chân lên đèo Pha Đin đã cho tôi có cảm hứng sau này viết loạt phóng sự: "Cuộc thiên di vĩ đại của người Thái đen", "Mường Thanh miên man ký", "Bí ẩn sông Đà", "Thị xã đợi ngày chìm xuống thủy cung", "Cuối trời Tây Bắc có Lai Châu"

Đèo Khau Phạ, tiếng Thái là Sừng trời, cũng có nghĩa là Cổng trời, còn tiếng Mông là Đở chua - đỉnh núi nhiều gió. Khau Phạ nằm trên quốc lộ 32 nối Yên Bái với Lai Châu. Tôi không nhớ mình đã vượt qua Khau Phạ bao nhiêu lần, nhiều lắm không thể nhớ hết.

10-52-21_h14
Khau Phạ mùa cấy cày

Khau Phạ quanh năm mây mù, vào mùa đông sương mù đặc quánh như sữa, xe phải bật đèn pha mới nhận ra đường, chỉ cần lạng tay lái là lao xuống vực mất mạng như chơi.

Vào mùa nước đổ hay mùa gặt từ trên đèo nhìn xuống thung lũng Tú Lệ như một bức tranh ruộng bậc thang rực rỡ đã làm mê mẩn bao nghệ sĩ nhiếp ảnh và hàng ngàn dân phượt kéo lên đây mỗi năm.

Con đèo đã cho tôi cảm hứng viết loạt phóng sự: "Mùa gặt ở Cổng trời", "Nơi cất lên tiếng hú của loài vượn đen", "Người chăn dê ở Cổng trời", "Kho báu giữa đại ngàn"…

10-52-21_h12
Người chăn dê trên Cổng trời

Khi biết tôi là tác giả bài phóng sự "Ngút ngàn rừng thông nơi cổng trời Tây Bắc", Phạm Tiến Lâm - Trưởng phòng Kinh tế huyện Mù Cang Chải cứ ôm lấy tôi nước mắt chan hòa: Chú ơi, mẹ cháu là Phạm Thị Tiến nhân vật trong bài phóng sự của chú đã hy sinh trong trận cháy rừng năm ấy, qua bài viết của chú cháu như thấy hình ảnh của mẹ hiện lên trong biển lửa cháy rừng. Cháu cất giữ tờ báo như là kỷ vật thiêng liêng của mẹ…

Đèo Ô Quy Hồ, con đèo cao nhất Đông Dương nối Lào Cai với Lai Châu, tôi cũng không nhớ mình đã vượt qua Ô Quy Hồ bao nhiêu lần. Tại đây tôi gặp ông Trần Ngọc Lâm, người từng sống nhiều năm trên đỉnh đèo trồng cây thuốc trên núi Hoàng Liên chữa bệnh ung thư.

Báo Tết âm lịch 2007 tôi viết phóng sự "Người tự chữa bệnh ung thư theo bài thuốc của nhà sư Tây Tạng". Tổng Biên tập Lê Nam Sơn gọi điện cho tôi cười khành khạch: Chú mày “bịa” kinh quá, nhưng mà hay… Còn Phó Tổng Biên tập Trịnh Bá Ninh thì bảo: Nếu còn tư liệu ông viết thêm 2 trang nữa để báo thêm hấp dẫn…

Chuyện về ông Lâm tôi không dám “bịa” chút nào, đó là chuyện rất thật. Khi báo đăng, nhiều người đã gọi điện cho tôi xin địa chỉ của ông Lâm, trong số họ có nhà thơ Đỗ Trung Lai.

Trong loạt phóng sự "Những chuyện lạ vùng cao Tây Bắc", tôi dự kiến viết 10 bài khi đi nửa vòng cung Tây Bắc nhưng mới viết được 7 bài: "Những chàng Robinson ở Cổng trời", "Nô lệ của nàng A Phiền", "Ngày cúng ma bản", "Ngôi nhà tổ ong”, "Chuyện tình bi thiết ở hai dòng thác", "Thực hư ma chài", “Người rừng trên núi Hoàng Liên"… một lần nữa tôi kể về kỳ nhân Trần Ngọc Lâm đào được củ sâm 800 năm tuổi trên dãy Hoàng Liên và câu chuyện tình của người lính da đen Tôm mê bơn, người Sênêgan với cô gái Mông có tên là A Mỷ do cựu đồn phó Trạm Tôn đóng trên đỉnh đèo Ô Quy Hồ Giăng Ri Nhong kể lại cho ông trong lần lên thăm lại Điện Biên Phủ sau 50 năm chiến thắng.

10-52-21_h15
Nhà báo Thái Sinh (trái) và người rừng Trần Ngọc Lâm trong VQG Hoàng Liên ở độ cao 2.500m

Nhưng lãnh đạo báo điện lên bảo tôi: Loạt phóng sự Những chuyện lạ vùng cao Tây Bắc dừng lại ở kỳ 7 nhé, để dành đất cho phóng viên khác...

Những chuyện vui đáng nhớ

Trong cuộc đời làm báo của mình có rất nhiều chuyện vui đáng nhớ, tôi xin kể ra đây vài chuyện.

Tháng 12/1996, sau khi được người dân phản ánh về việc nhà máy tuyển quặng Apatit xả chất thải xuống dòng suối Nhuần khiến cuộc sống của người dân xã Phú Nhuận, huyện Bảo Thắng điêu đứng. Người dân và chính quyền địa phương gửi rất nhiều đơn và văn bản đi khắp nơi nhưng bặt vô âm tín.

Tôi viết phóng sự điều tra "Nhà máy tuyển quặng Apatit xả chất thải vào sự sống người nông dân", đăng hai số báo. Sau khi báo đăng, Bộ Khoa học-Công nghệ và Môi trường, Bộ Công nghiệp nặng, UBND tỉnh Lào Cai…đã có văn bản yêu cầu Cy Apatit Việt Nam chấm dứt xả thải ra môi trường.

TGĐ Hoàng Văn Liễu cử người đến thương lượng với tôi không tiếp tục viết nữa và có công văn gửi Báo Nông nghiệp Việt Nam cam kết chấm dứt xả thải trong thời gian sớm nhất sau khi nâng cấp hệ thống xả thải.

Vài tháng sau tôi xuống Bảo Thắng làm việc, ông Doãn Văn Hưởng khi đó là Chủ tịch UBND huyện, nay là Chủ tịch tỉnh Lào Cai cảm ơn Báo Nông nghiệp Việt Nam đã có bài viết gây áp lực để nhà máy tuyển chấm dứt xả thải. Ông chỉ thị cho Văn phòng thưởng nóng cho tôi… 200.000đ gọi là “nhuận bút nhân dân”.

Trận lũ quét lịch sử bất ngờ đổ xuống Cát Thịnh vào đêm 28/9/2005 đã cuốn trôi 26 ngôi nhà, làm sập đổ hoàn toàn 8 ngôi nhà, khiến 31 người chết và mất tích.

Sáng hôm sau tôi tức tốc theo Phó Ban chỉ huy phòng chống lụt bão Vũ Xuân Sáng, nay là GĐ Sở Kế hoạch & Đầu tư vào ngay vùng lũ.

Thị tứ Ba Khe trung tâm xã Cát Thịnh tan hoang sau trận lũ quét, người khóc như ri vì mất người vì sập đổ nhà trước dòng suối đục ngàu đất đỏ.

Sau khi chụp ảnh, gặp gỡ các nhân chứng… tôi thuê xe ôm quay về Yên Bái khi đó vào khoảng 4 giờ chiều. Trút bộ quần áo ướt sũng tôi ngồi vào bàn viết liên tục đến 7 giờ tối thì viết xong gửi ngay về tòa soạn.

Nguyễn Hải, phóng viên Báo Tuổi trẻ điện cho tôi năn nỉ: Anh viết thêm cho báo em một bài, trận lũ quét này Tuổi trẻ không thể bỏ qua được…Tôi lại phải ngồi vào bàn viết tiếp, đến 9 giờ đêm mới viết xong, Nguyễn Hải nhận được bài viết thì mừng lắm.

Sáng 30/9, Báo Nông nghiệp Việt Nam đăng phóng sự "Cát Thịnh đêm kinh hoàng lũ quét", Báo Tuổi trẻ đăng tràn trang nhất bức ảnh và bài viết "Lũ quét đổ xuống Ba Khe".

Khoảng 10 giờ sáng Hải điện cho tôi: Bài viết xúc động quá, 8 giờ sáng nay có một bạn đọc ở TP. Hồ Chí Minh mang tới tòa soạn 20 triệu đồng nhờ Tuổi trẻ chuyển tới những gia đình nạn nhân trận lũ quét. Cảm ơn anh rất nhiều…

Ông Hoàng Hữu Tê sinh năm 1945 dân tộc Tày xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn nhập ngũ tháng 4/1968 chiến đấu ở mặt trận phía Nam. Tháng 4/1970, ông Tê bị thương: Vỡ mắt phải, vỡ xương hốc mắt, cuối năm 1970 ông được xuất ngũ về địa phương, sau một thời gian ngắn tính tình của ông Tê trở nên không bình thường.

Ông nói năng lảm nhảm, chửi mắng vợ con, quát tháo cha mẹ, phá phách nhà cửa, bỏ nhà đi lang thang vào rừng không biết đường về. Tình trạng sức khoẻ của ông Tê ngày càng xấu đi, cộng với hoàn cảnh kinh tế của gia đình vô cùng khó khăn nên bệnh tật của ông càng trầm trọng.

Ông Tê được chuyển về Bệnh viện Tâm thần TW điều trị. Ngày 11/2/1976, ông Tê trút hơi thở cuối cùng tại bệnh viện bên cạnh không người thân thích. Bệnh án ghi ông Tê tử vong do: Rối loạn tâm thần sau chấn thương sọ não. Chết trong tình trạng suy kiệt.

Gia đình ông Tê gõ cửa khắp các cơ quan đề nghị được công nhận là liệt sĩ, nhưng tất cả đều im lặng. Sau khi xem hồ sơ và tiếp cận các nhân chứng tôi viết bài "Ông Hoàng Hữu Tê bao giờ được công nhận là liệt sĩ?".

10-52-21_h11
Tác giả thắp hương trong nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên Phủ

Sau khi báo đăng tôi gửi cho bà Phạm Thị Thanh Trà khi đó đang là Phó Chủ tịch tỉnh Yên Bái, nay đảm nhiệm chức Chủ tịch. Bà Trà xem bài báo đã ký công văn yêu cầu Sở Lao động - Thương binh, xã hội hoàn tất hồ sơ, thủ tục gửi Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội xem xét giải quyết. Mấy tháng sau gia đình ông Tê nhận được quyết định công nhận liệt sĩ.

Tôi điện cho con trai ông Tê nhờ thắp giùm cho tôi mấy nén nhang để tri ân người đã khuất, bởi sự hy sinh của ông Tê đối với Tổ quốc còn lớn hơn trang viết của tôi rất nhiều.

Và chuyện buồn không thể quên

Năm 2011, tôi và Hoàng Anh viết loạt bài "Cận cảnh công nghệ chế biến chè bẩn", vạch trần những thủ đoạn làm chè bẩn từ trộn bột sắn, bùn, phân bón đến xi măng vào chè của một số Cty và nhiều nhóm hộ gia đình, khiến chè Việt Nam bị mang tiếng xấu trên thị trường quốc tế.

Tôi đóng góp 2 bài "Vựa chè thành "lò" chế chè bẩn", "Yên Bái quyết tâm đánh bại chè bẩn". Sau loạt bài đó, Chi cục Quản lý thị trường Yên Bái đã bắt gần 20 tấn chè bẩn của một số Cty và cơ sở chế biến.

Tôi nhận được một số tin nhắn từ các số máy lạ chửi bới, đe dọa buộc tôi phải nhờ Đại tá Đặng Trần Chiêu, nay là Thiếu tướng, Giám đốc Công An tỉnh Yên Bái điều tra chủ nhân của những số máy đó. Sau một tuần ông Chiêu cho biết đó là sim rác không thể biết người nhắn tin là ai.

Vài lời tri ân

Tôi chưa thống kê suốt 20 năm làm Báo Nông nghiệp Việt Nam, bàn chân đi dọc ngang khắp lưng trời Tây Bắc. Tây Bắc đã truyền cho tôi rất nhiều cảm hứng để viết khoảng 400 phóng sự, bút ký, ký sự, ghi chép và trên 2.000 bài báo đủ các thể loại: Phản ánh, điều tra, phỏng vấn cùng mấy ngàn bức ảnh về những vùng đất mà tôi đã đi qua.

Nhà báo Quách Trần Lâm, nhiều năm làm Trưởng ban Trị sự vui vẻ gọi tôi là “thằng Mường”, còn Trọng Đảm - Trưởng ban Thư ký đặt cho tôi biệt danh “Ma Tây Bắc”, đồng nghiệp gọi tôi “nhà báo cắm bản”…

Trong số báo kỷ niệm 70 năm ra đời Báo Nông nghiệp Việt Nam, tôi xin có vài tri ân tới nguyên Tổng Biên tập Lê Nam Sơn, Phó Tổng Biên tập Trịnh Bá Ninh, các đồng nghiệp và bạn đọc Báo Nông nghiệp Việt Nam đã khuyến khích, động viên tôi đi và viết.

Trên hết, xin cảm ơn ĐẤT và NGƯỜI Tây Bắc đã cho tôi nguồn cảm hứng bất tận để viết hàng trăm phóng sự, bút ký và mấy ngàn bài báo. Cho đến hôm nay Tây Bắc đối với tôi luôn là vùng đất bí ẩn mà tôi chưa thể khám phá hết.

Xem thêm
4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Thiên tai về, tài sản ra đi

Hà Giang Mới đầu mùa mưa, nhưng người dân ở vùng cao Hà Giang đã phải hứng chịu 2 đợt thiệt hại do thiên tai gây ra, đau lòng nhất là đã có người tử vong.

Bình luận mới nhất