| Hotline: 0983.970.780

Lâm Đồng: Chuyển đổi chăn nuôi 'né' dịch tả heo Châu Phi

Thứ Năm 29/08/2019 , 14:21 (GMT+7)

Dịch tả heo Châu Phi bùng phát ở Lâm Đồng đã gây thiệt hại nặng nề về kinh tế cho người dân và chính quyền địa phương.

18-33-34_nh_1
Lực lượng chức năng tiêu hủy heo nhiễm bệnh dịch tả Châu Phi ở Lâm Đồng. Ảnh: Kim Sơ.

Trong “cơn bão” dịch, tỉnh này đang thực hiện tái cấu trúc ngành chăn nuôi để tránh thiệt hại và tiếp tục phát triển kinh tế.
 

Quay cuồng trong “bão” dịch

Dịch tả heo Châu Phi bùng phát tại Lâm Đồng từ khoảng giữa tháng 6/2019 và đến nay chưa thể khống chế. Theo Sở NN-PTNT Lâm Đồng, toàn tỉnh có 67 xã, phường của 9 huyện, thành phố có dịch và số heo nhiễm bệnh phải tiêu hủy vào khoảng 37 nghìn con với tổng trọng lượng trên 200 tấn. Hiện TP Đà Lạt, huyện Lạc Dương, huyện Đơn Dương là 3 địa phương hiếm hoi của tỉnh chưa phát hiện dịch tả heo Châu Phi.

Trong số địa phương có dịch, huyện Đức Trọng là nơi có đàn heo nhiễm bệnh cao nhất cả tỉnh với khoảng trên 15 nghìn con phải tiêu hủy. Tiếp đến, các huyện khác như Lâm Hà, Di Linh, Đam Rông, Cát Tiên có đàn heo nhiễm dịch từ 1.500-4.000 con. Tổng thiệt hại toàn tỉnh ước tính khoảng trên 80 tỷ đồng.

Theo Sở NN-PTNT Lâm Đồng, dịch bệnh đang có diễn biến phức tạp và các lực lượng chức năng, người dân đang thực hiện mọi biện pháp để phòng trừ. Tuy nhiên, những nỗ lực này vẫn chưa được đền đáp một cách xứng đáng khi dịch vẫn chưa chấm dứt.
 

Chuyển mô hình vật nuôi

Dịch tả heo quét qua đã khiến nhiều gia đình lâm cảnh nợ nần, kiệt quệ về kinh tế. Tuy nhiên, không vì thế mà người dân bỏ cuộc. Ở nhiều nơi, nông dân bắt đầu xử lý chuồng trại, tổ chức lại sản xuất bằng cách chuyển qua các vật nuôi khác để gây dựng kinh tế.

Tại xã Liên Hiệp (huyện Đức Trọng), gia đình ông Đặng Như Thanh đã chuyển qua nuôi vịt lấy thịt với tổng đàn lên đến hàng nghìn con.

18-33-34_nh_4
Gia đình ông Đặng Như Thanh chuyển qua nuôi vịt để tiếp tục phát triển kinh tế. Ảnh: Kim Sơ.

Ông cho biết, vào khoảng tháng 7, heo trong trang trại bị nhiễm dịch tả heo Châu Phi nên gia đình phải chấp nhận tiêu hủy toàn bộ. Khi trại không còn heo, những người làm công tại đây cũng phải nghỉ việc để tìm nghề khác mưu sinh. Về phần ông, không nỡ nhìn chuồng trại trống không, ông quyết định vay mượn tiền để đầu tư nuôi vịt lấy thịt.

Không chấp nhận bỏ cuộc, gia đình anh Nguyễn Văn Chất (xã Liên Hiệp) cũng quyết định chuyển qua nuôi bò sữa và gia cầm. Anh chia sẻ: “Tôi ăn nên làm ra nhờ nghề chăn nuôi heo nhưng đợt này thiệt hại nặng quá. Heo nhiễm dịch, gia đình mất trắng gần nửa tỷ đồng. Giờ tôi tập trung đầu tư vào nuôi 25 con bò sữa và đàn vịt hơn nghìn con. Vật nuôi nào cũng có dịch bệnh nhưng so với heo thì 2 con này có phần dễ phòng chống hơn, các dịch bệnh trên chúng cũng có vắc xin để phòng ngừa”.

18-33-34_nh_3
Gia đình anh Phạm Văn Chất (xã Liên Hiệp, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng) chuyển qua nuôi bò lấy sữa sau khi đàn heo nhiễm dịch tả Châu Phi. Ảnh: Kim Sơ.

Ông Phạm Phi Long, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi – Thú y – Thủy sản Lâm Đồng cho biết, dịch tả gây thiệt hại nặng và Sở khuyến cáo người dân chuyển dần sang chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm khác. “Con bò thì không thấy xuất hiện dịch mới, an toàn hơn nuôi heo nên chúng tôi khuyến cáo người dân đầu tư vào gia súc này. Đặc biệt là phát triển bò thịt cao sản, bò lai 3B, bò Red Angus… Dự kiến từ nay đến cuối năm, tổng đàn gia cầm của tỉnh tăng từ 5 triệu con lên 6 triệu con và đàn bò từ 100 nghìn con lên 110-120 nghìn con”, ông Long cho hay.

Theo ông Nguyễn Văn Châu, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Lâm Đồng, hiện nay, người dân đang chuyển đổi từ nuôi heo qua các vật nuôi khác để tránh thiệt hại. Ông Châu cho biết: “Sở đang thực hiện các giải pháp tổ chức chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học và khuyến cáo người dân di dời trang trại ra khỏi khu vực đông dân cư. Lâm Đồng là tỉnh có điều kiện thuận lợi cho ngành chăn nuôi gia súc và sở khuyến cáo người dân phát triển bò thịt, bò sữa, các loại gia cầm khác”.

Sở NN-PTNT khuyến cáo, việc chuyển dần sang các loại vật nuôi khác không nên thực hiện một cách ồ ạt. Cần phải xây dựng lại các chuỗi cung ứng để đảm bảo về thị trường, hướng đến sự phát triển bền vững.

Dân không giấu dịch

Trước thực trạng dịch bệnh lây lan, người dân Lâm Đồng hiểu được độ nguy hiểm của dịch nên chủ động thực hiện nhiều biện pháp phòng trừ.

Theo Sở NN-PTNT, người dân tự giác trong việc vệ sinh chuồng trại, sát khuẩn, khử trùng khu vực lân cận. Khi phát hiện heo nhiễm bệnh, chủ nhà không tìm cách bán tháo, xẻ thịt hoặc tự ý vứt bỏ mà báo ngay cho cơ quan chức năng đến thực hiện các biện pháp xử lý, tiêu hủy.

“Chúng tôi đẩy mạnh tuyên truyền và rất may mắn khi người dân hiểu được tác hại của dịch bệnh để đồng hành trong công tác phòng chống. Khi một con trong đàn dương tính với dịch, người chăn nuôi chấp nhận tiêu hủy, thậm chí tiêu hủy cả đàn. Họ không giấu dịch mà chấp nhận rủi ro để góp phần ngăn chặn sự lây lan”, ông Nguyễn Văn Châu, Phó Giám đốc Sở NN-PTNN chia sẻ.

Xem thêm
Yến sào Đức Cơ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu

Gia Lai Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm Yến sào Đức Cơ Salangane’s Nest, mở cơ hội để kinh tế huyện Đức Cơ bứt phá.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Khám phá Nhà máy xanh TH true MILK: Từ đồng cỏ xanh đến ly sữa sạch

Không chỉ cung cấp những ly sữa tươi sạch TH true MILK, nhiều năm qua, Tập đoàn TH còn tham gia phát triển nền nông nghiệp Việt Nam xanh, bền vững.

Bộ GTVT yêu cầu đẩy nhanh 8 dự án trạm dừng nghỉ cao tốc Bắc- Nam

Mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Trần Hồng Minh ra công yêu cầu đẩy nhanh 8 dự án trạm dừng nghỉ trên cao tốc Bắc - Nam.