| Hotline: 0983.970.780

Măng tây xanh trên đất Trà Vinh

Thứ Năm 13/08/2020 , 07:28 (GMT+7)

Măng tây xanh thích nghi tốt trên vùng đất Trà Vinh, cho thu nhập ổn định từ 30-50 triệu đồng/ha/vụ.

Những năm qua, từ các nguồn vốn khác nhau, Phòng NN-PTNT huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh đã thực hiện nhiều mô hình hỗ trợ phát triển kinh tế, đa dạng hoá sinh kế và nhân rộng các mô hình giảm nghèo. Trong đó, mô hình trồng măng tây xanh được đánh giá có hiệu quả khá tốt. Từ nguồn vốn sự nghiệp, Phòng NN-PTNT Trà Cú đã triển khai hỗ trợ người dân thực hiện trên 10 mô hình trồng măng tây xanh. Đến nay, nhiều hộ có được thu nhập khá từ cây trồng này.

Mô hình trồng măng tây xanh của hộ ông Thạch Sóc. Ảnh: Minh Đảm.

Mô hình trồng măng tây xanh của hộ ông Thạch Sóc. Ảnh: Minh Đảm.

Bước đầu Phòng NN-PTNT hỗ trợ người dân 40% chi phí giống, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ bệnh hại…Các hộ dân cho biết, cây măng tây xanh dễ trồng và thích nghi với vùng đất giồng của địa phương.

Ông Thạch Sóc tham gia dự án đã hơn một năm nay. Ban đầu, do chưa có kinh nghệm chăm sóc cây nên ông Thạch Sóc chỉ trồng trên diện tích hơn 500m2 để từng bước nắm bắt kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh.

Nói về sự thích nghi của cây măng tây xanh với điều kiện tự nhiên của địa phương, ông Thạch Sóc cho biết: “Cây rất dễ trồng, quan trọng ở khâu làm cỏ. Nếu làm sạch cỏ thì cây sẽ phát triển nhanh”.

Để tiết kiệm chi phí ông Thạch Sóc đã tự ương cây giống. Ảnh: Minh Đảm.

Để tiết kiệm chi phí ông Thạch Sóc đã tự ương cây giống. Ảnh: Minh Đảm.

Để tiết kiệm chi phí mua cây giống, ông Thạch Sóc đã mua hạt giống măng tây nhập khẩu trực tiếp từ Mỹ để ương cây con. Chia sẻ về quá trình ương cây, ông Thạch Sóc nói: Tôi thấy cây cũng dễ ương. Đầu tiên lấy đất trộn với phân chuồng ủ hoai, xơ dừa, sau đó để hạt vô tưới ẩm đất là được. Khi cây con nhú lên khoảng 2 tháng là xuống giống được. Từ lúc trồng đến khoảng 6 tháng có thể thu hoạch măng”.

“Đầu tiên đắp mô nhỏ thôi. Mô cao chừng 2 tấc, rộng 4 tấc. Khi cây ngày càng lớn thì vun mô thêm cho mô cao và rộng ra. Vừa vun đất vừa bón phân. Mỗi tháng bón từ 1-2 lần. Dùng phân hữu cơ kết hợp với phân hoá học NPK”, ông Thạch Sóc chia sẻ thêm.

Măng tây dễ trồng, nhà nông chú ý nhổ cỏ thường xuyên. Ảnh: Minh Đảm.

Măng tây dễ trồng, nhà nông chú ý nhổ cỏ thường xuyên. Ảnh: Minh Đảm.

Cũng theo ông, để cây cho măng tốt, mập mạp thì cây mẹ là yếu quan trọng nhất. Vì vậy, mỗi bụi nên để chừng 2-3 cây mẹ to cao. Nếu quá trình thấy cây ngả vàng bị bệnh thì nên mạnh dạn nhỏ bỏ. Thậm chí trên bụi không còn cây nào cũng được. Bởi vì cây con sẽ mọc lên sau đó, nhà nông sẽ dưỡng lại. Trong quá trình chăm sóc cây măng tây xanh, ông Thạch Sóc nhận thấy cây thường bị gió làm đổ ngã. Vì vậy, ông đã dùng dây căng thành hàng rào để cây dựa vào.

Chỉ hơn 500m2 đất trồng, mỗi ngày ông Thạch Sóc thu khoảng 5 kg măng tây xanh. Ông nhổ khoảng 3 ngày thì bán một lần tại TP Trà Vinh. Chỉ tính riêng bán cho các siêu thị ông thu được 250.000 đồng/ngày. “Tô thu hoạch xong bán lẻ được 70.000 đồng/kg, giao cho các siêu thị 50.000 đồng/kg. Hiện tôi đã ương thêm cây để nhân rộng mô hình lên 3.000 m2”, ông Thạch Sóc phấn khởi cho biết.

Hiện ông Thạch Sóc nhân rộng mô hình lên 3.000m2 trồng măng tây xanh. Ảnh: Minh Đảm.

Hiện ông Thạch Sóc nhân rộng mô hình lên 3.000m2 trồng măng tây xanh. Ảnh: Minh Đảm.

Ông Trần Văn Đồng, Phó trưởng phòng NN-PTNT huyện Trà Cú cho biết: Nếu người dân chịu khó chăm sóc thì cây măng tây sẽ cho thu nhập khá ổn. Bởi theo khảo sát hiện nay, giá măng tây dao động từ 50.000 – 70.000 đồng/kg. Người dân không đủ hàng để cung cấp cho thị trường. Mô hình này cho thu nhập trung bình từ 30-50 triệu đồng/ha/vụ.

Xem thêm
Khó tháo nút thắt môi trường trong chăn nuôi tập trung

Nghệ An Huyện Yên Thành có thế mạnh về chăn nuôi tập trung với tổng đàn gia súc, gia cầm lớn, tuy nhiên điều này cũng làm gia tăng mức độ ô nhiễm môi trường.

Chuẩn bị chống rét cho gia súc khi trời vẫn còn ấm

THÁI NGUYÊN Ngay từ bây giờ, khi thời tiết còn ấm, người chăn nuôi gia súc đã cải tạo chuồng trại, chuẩn bị bạt để che kín chuồng, giữ ấm cho đàn gia súc trong mùa đông.

Bảo tồn giống bưởi cơm của xứ Mường

Hòa Bình Sớm đó, khi thảm cỏ còn đẫm sương đêm, tôi cùng anh Lương Văn Thảo (xóm Má 1, xã Bắc Phong, huyện Cao Phong, Hòa Bình) leo lên quả đồi cao trước mặt.