Ông Trần Anh Thư, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang
Hơn 3 năm triển khai Nghị quyết 120, tỉnh An Giang cũng đã tập trung thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch hướng đến xây dựng thương hiệu sản phẩm.
Theo đó, An Giang tập trung vào hai nhóm sản phẩm chủ lực là lúa gạo và thủy sản nước ngọt trên cơ sở bảo đảm gắn kết chuỗi sản phẩm hàng hóa, tham gia sâu vào chuỗi giá trị mang tính chất liên tỉnh, liên vùng. Cùng đó, tỉnh triển khai và sáng tạo ra nhiều mô hình SXNN bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu tiến đến một nền nông nghiệp hiện đại, đặc sắc, ứng dụng triệt để cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong nông nghiệp.
Ông Nguyễn Hữu Lập, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre
Tỉnh Bến Tre xác định tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng toàn diện, hiện đại theo hướng thích ứng biến đổi khí hậu là nhiệm vụ trong tâm. Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp được triển khai thực hiện khá toàn diện, từng bước tác động tích cực đến các hoạt động SX của nông dân trên địa bàn tỉnh nhất là kinh tế vườn và kinh tế biển. Người dân rất phấn khởi và đồng thuận với các chủ trương, mục tiêu, giải pháp đề ra, nhận thức được lợi ích cũng như trách nhiệm của mình đối với việc phát triển SX theo chuỗi giá trị và tự nguyện tham gia liên kết thông qua các tổ hợp tác, HTX. Bên cạnh đó, người dân ngày càng ý thức và tự giác hơn trong SX gắn với bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.
Mùa vụ sản xuất, cơ cấu cây trồng, vật nuôi được chuyển đổi khá tốt. Người nông dân tỉnh Bến Tre đã và đang từng bước chuyển đổi từ tư duy SXNN sang tư duy làm kinh tế nông nghiệp. Do đó, nông dân đã cân nhắc thận trọng hơn trong việc lựa chọn đối tượng, quy mô, thời điểm SX, liên kết bao tiêu sản phẩm, quản lý môi trường, thực hiện các biện pháp phòng ngừa hạn mặn và phòng chống dịch bệnh...
TS Đặng Kiều Nhân – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL – Trường Đại học Cần Thơ:
Nghị quyết 120 xác định tầm nhìn của ĐBSCL đến 2050 và định hướng đến 2100 là vùng an toàn, thịnh vượng và phát triển kinh tế dựa trên công nghiệp và kinh doanh nông nghiệp có giá trị cao.
Theo Nghị quyết 120 để đạt được tầm nhìn đó, có ba vấn đề cốt lõi: Dựa trên tài nguyên nước để quy hoạch phát triển vùng cả ba trụ cột – kinh tế, xã hội và môi trường, xem nước nổi và nước mặn là tài nguyên để phát triển. Phát triển dựa trên quy luật tự nhiên và hệ sinh thái bản địa của từng tiểu vùng để thích ứng với thay đổi môi trường tự nhiên và kinh tế - xã hội. Kết hợp điều phối không gian (giữa địa phương), cấp quản lý (hàng dọc, từ trung ương đến địa phương) và ngành chuyên môn (hàng ngang).
Nếu triển khai có hiệu quả và có kết quả thành công như mục tiêu của Nghị quyết, thì mỗi tiểu vùng sinh thái nông nghiệp của vùng sẽ có những ngành công nghiệp và dịch vụ nông nghiệp đặc trưng có lợi thế so sánh và cạnh tranh cao trong và ngoài nước, đóng góp chung vào nền kinh tế của cả đồng bằng và cả nước. Cùng với đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của Trung ương và địa phương, khi đó diện mạo kinh tế và cuộc sống nông thôn sẽ tốt hơn. Để biến Nghị quyết 120 thành hành động cụ thể và kết quả thấy được như thế cần chuyển biến tư duy và hành động của từng ngành và cá nhân ở các cấp khác nhau trong bối cảnh mới.