| Hotline: 0983.970.780

Nông dân Tam Nông làm giàu: [Bài 3] Cơ duyên với 'nhân sâm' chạch lấu

Thứ Sáu 18/11/2022 , 15:29 (GMT+7)

Sau khi bỏ lúa, đào ao nuôi 'nhân sâm' chạch lấu, anh Lê Văn Kết (ấp An Phú, xã An Long, huyện Tam Nông, Đồng Tháp) thu hàng trăm triệu đồng mỗi công.

Anh Kết có 7 công (7.000m2) mặt nước, thả hơn 11.000 con cá chạch lấu. Sau khoảng 10 tháng nuôi, cá đạt trọng lượng từ 0,5 - 0,8 kg/con. Như vậy, tổng sản lượng cá của anh đạt khoảng hơn 5 tấn. Với giá bán tại ao 250 ngàn đồng/kg, doanh thu đạt khoảng 1,25 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí thức ăn, con giống, điện, công, anh còn lời khoảng 500 triệu, gấp khoảng 15 lần trồng lúa.

Nói về việc bỏ lúa nuôi cá, anh Kết cho biết: “Thực ra thì tôi có ý định chuyển đổi đất lúa này từ lâu rồi. Vì trồng lúa vất vả mà thu nhập quá thấp. Ngày xưa mấy công đất này trồng lúa, nếu 3 vụ thì giỏi lắm mỗi công lời 4 - 5 triệu, như vậy 1 năm kiếm được khoảng hơn 30 triệu. Nếu năm nào xả lũ, nước về thì chỉ còn 2 vụ. Trong khi đó, đi đâu cũng thấy người ta chuyển đổi từ đất lúa sang các loại hình khác, thu nhập cao hơn lúa nhiều lần. Tôi thấy nếu muốn làm giàu từ lúa, thì phải làm cánh đồng lớn, làm quy trình hữu cơ, chứ chỉ có vài công mà làm lúa thì đủ ăn thôi chứ không dư nổi. Sau khi học hỏi được quy trình, kỹ thuật nuôi chạch lấu, tôi móc hết 7 công lúa thành ao nuôi cá chạch”.

Ao cá chạch lấu nuôi khoảng 4 tháng của anh Kết hiện đang đạt trọng lượng từ 3-4 lạng/con và đang phát triển rất tốt. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Ao cá chạch lấu nuôi khoảng 4 tháng của anh Kết hiện đang đạt trọng lượng từ 3-4 lạng/con và đang phát triển rất tốt. Ảnh: Hồng Thuỷ.

“Cách đây 4 năm, có anh kỹ sư thuỷ sản, bà con của bạn tôi, anh ấy ươm cá chạch lấu giống bên Vĩnh Long, bạn tôi rủ sang bên đó tham quan, học hỏi. Sau khi được người anh hướng dẫn về kỹ thuật, kiến thức nuôi cá, bạn tôi về làm thử. Tôi cũng theo sát để học hỏi. Đến khi bạn tôi thành công thì tôi mới quyết định móc mấy ruộng lúa thành ao nuôi. Đến giờ tôi nuôi cũng được 4 vụ rồi, đều thành công”, anh Kết nói tiếp.

Anh Kết cho biết, cá giống khi mang về được ươm trong lồng nhỏ, sau khoảng 1 tháng, kiểm tra thấy cá đủ độ lớn, quen môi trường nước tự nhiên rồi thì có thể thả ra ao lớn. “Người ta thả mật độ từ 2-2,5 con/m2 nước, nhưng tôi thả thưa hơn 1,5 con/m2. Thả thưa cá khoẻ hơn, mau lớn hơn. Tôi tính rồi, 1 con cá chạch giống to cỡ sợi chiếu có giá 4,5 ngàn đồng, đâu có rẻ. Mình thả thưa giảm được tiền giống, mà cá cũng có trọng lượng khá hơn. Tính ra cũng chẳng thua gì thả mật độ dày”, anh Kết nói.

Nói về kỹ thuật nuôi, anh Kết cho biết, cá chạch lấu dễ nuôi chứ không khó. Chủ yếu vấn đề nước sạch, cũng không cần thay hết nước, chỉ cần cho nước lưu thông, ra vào thường xuyên là được. “Con cá chạch lấu thường bị một số bệnh liên quan đến gan, thận, nguyên nhân chủ yếu là do nguồn nước. Mình phải theo dõi nó, khi phát hiện triệu chứng bệnh là phải cho thuốc ngay. Loài cá này sống ở tầng đáy, dưới bùn, nếu thấy nó lên mặt nước, quậy phá, nhất là vào ban đêm, thi chắc chắn cá bệnh, hoặc ít nhất là khó ở. Lúc đó mình phải mua thuốc trộn thức ăn cho nó ăn. Đồng thời giảm lượng thức ăn”, anh Kết nói.

Anh Kết (áo xanh): 'Cá chạch lấu là một trong những loại thuỷ sản tương đối dễ nuôi, giá trị kinh tế cao, cho thu nhập có thể gấp 15 lần trồng lúa. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Anh Kết (áo xanh): "Cá chạch lấu là một trong những loại thuỷ sản tương đối dễ nuôi, giá trị kinh tế cao, cho thu nhập có thể gấp 15 lần trồng lúa. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Ngoài ra, theo anh Kết, phải theo dõi nguồn nước bên ngoài ao, nếu nước không sạch thì không thay nước, và lúc này cũng không cho cá ăn. Vì cho ăn mà không thay nước, môi trường sống của cá bị ô nhiễm, cá dễ bệnh hàng loạt. “Làm gì cũng cần kinh nghiệm, mình nuôi nó thì phải hiểu đặc tính sinh trưởng của nó, biết lúc 3 tháng tuổi nó ăn bao nhiêu, 5 tháng ăn bao nhiêu là vừa, và nắm được tỷ lệ hao hụt chính xác, từ những yếu tố này, mình cho ăn đúng lượng thức ăn, cá không quá no, cũng không thiếu. Và nhất là không dư thức ăn, sẽ làm nước ô nhiễm nặng hơn mà mình không biết”.

Anh Kết cho biết, bình quân mỗi ký cá chạch thành phẩm tiêu tốn khoảng 3 kg thức ăn. Thức ăn cho cá chạch bao gồm cá loại cá tạp, cua, ốc, cùng với bột gòn để tạo sự kêt dính, trộn thêm vitamin C, khoáng chất sau đó trộn và xay nhuyễn. “Cá chạch lấu thịt thơm, ngon, giá trị dinh dưỡng cao, được ví như nhân sâm dưới nước. Loài cá này quy trình chăm sóc cũng đơn giản, ít bị bệnh, tỷ lệ hao hụt thấp, thị trường rất ưa chuộng nên đầu ra ổn định, giá tương đối cao so với một số loại thuỷ sản khác.

Toàn xã An Long hiện có khoảng hơn chục hộ nuôi cá chạch lấu và đều thành công. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Toàn xã An Long hiện có khoảng hơn chục hộ nuôi cá chạch lấu và đều thành công. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Nói về giá thị trường, anh Kết cho biết, thời điểm anh mới nuôi, giá cá chạch lấu loại 1, tức trọng lượng con từ 0,5 – 0,8 kg/con có giá 350 - 400 ngàn đồng. Đến khi dịch Covid-19 xảy ra, giá giảm có thời điểm chỉ còn 180 - 200 ngàn đồng/kg. “Ngay cả khi hết dịch, giá vẫn thấp, thương lái họ viện lý do đi lại khó, nên ép giá mình. Giờ giá 250 ngàn cũng đỡ”, anh Kết nói.

"Đến thời điểm này toàn xã An Long có gần 20 ha đất lúa đã chuyển đổi sang các loại hình khác, trong đó nổi bật có các mô hình nuôi thuỷ sản như lươn, cá chạch lấu, cá heo đuôi đỏ. Các mô hình chuyển đổi này cho hiệu quả cao hơn nhiều lần so với lúa. Bà con bây giờ biết học hỏi, áp dụng khoa học kỹ thuật trong nuôi trồng nên kết quả đều rất tốt”, anh Đinh Công Tánh, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Long.

Xem thêm
Yến sào Đức Cơ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu

Gia Lai Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm Yến sào Đức Cơ Salangane’s Nest, mở cơ hội để kinh tế huyện Đức Cơ bứt phá.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Thương hiệu phải cam kết mạnh mẽ với người tiêu dùng

Thương hiệu được xây dựng trên nền tảng chất lượng sẽ rất vững chãi, nhưng sẽ thiếu đi tính lan tỏa nếu thiếu sự kết nối mạnh mẽ với khách hàng.