| Hotline: 0983.970.780

9X kiếm bộn tiền từ mô hình nuôi 2 loài cá 'nhà giàu'

Thứ Hai 28/11/2022 , 14:56 (GMT+7)

Đồng Tháp Từ 4 năm nay, chàng trai 29 tuổi này đã kiếm hàng tỷ đồng từ 5 ha mặt nước nuôi 2 loại cá 'nhà giàu': heo đuôi đỏ và chạch lấu.

Đó là anh Nguyễn Văn Liêm, sinh năm 1993, ở ấp Phú Thọ C, xã Phú Thọ, huyện Tam Nông, Đồng Tháp. Với 5 ha, chia thành 7 ao, Liêm là người có diện tích mặt nước nuôi cá thuộc loại lớn nhất nhì Tam Nông.

Cùng với cá linh, cá heo đuôi đỏ (hay cá heo nước ngọt) là một trong những loài cá đặc sản mùa nước nổi ở các tỉnh miền Tây. Nhưng, trong khi cá linh dù cũng rất ngon, nhưng giá lại khá bình dân, người lao động ai cũng có thể mua ăn. Còn cá heo thì ngược lại, có giá khá cao. Có thời điểm, 1 kg cá heo lên tới 750 ngàn đồng. Vì thế, không phải ai cũng dám mua ăn.

Cá heo đuôi đỏ và cá chạch lấu trong ao của anh Liêm hiện đã đạt trọng lượng xuất, riêng cá chạch lấu đã to từ 5-7 lạng/con, nhưng anh để giáp tết Nguyên đán mới bán. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Cá heo đuôi đỏ và cá chạch lấu trong ao của anh Liêm hiện đã đạt trọng lượng xuất, riêng cá chạch lấu đã to từ 5-7 lạng/con, nhưng anh để giáp tết Nguyên đán mới bán. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Từ mấy năm nay, nhiều người đã nuôi thành công mô hình cá heo đuôi đỏ. Ông chủ trẻ Nguyễn Văn Liêm cho biết, ban đầu, nguồn cá giống chủ yếu là mua từ thiên nhiên, nhưng từ 2 năm nay, một số trại nhân giống đã ươm thành công. Nhưng giá cao hơn nhiều so với con giống mua từ người dân bắt được ngoài tự nhiên.

“Ở đây giờ cũng nhiều người nuôi, mỗi người có cách nuôi khác nhau. Người thả mật độ dày, người thả thưa. Thông thường 1 m2 mặt nước có thể thả từ 2 - 2,5 con chạch lấu và kèm từ 5 - 10 con cá heo. Em thả mật độ thưa hơn, 2 con chạch lấu kèm 6 - 7 con heo đuôi đỏ”, Liêm cho biết.

Về chi phí đầu tư, Liêm cho biết, bình quân mỗi ký cá heo thành phẩm sau 1 năm nuôi hết khoảng 6 kg thức ăn, giá mỗi ký 30 ngàn đồng. Cá giống hết 20 ngàn đồng (khoảng 40 con giống cho 1 kg cá thành phẩm, giá 500 đồng/con). Như vậy, tổng chi phí cho giống va thức ăn hết khoảng 200 ngàn đồng, chưa tính nhân công, điện nước và chi phí lặt vặt khác. Còn cá chạch lấu, bình quân mỗi ký cá thành phẩm tốn từ 3 - 4kg thức ăn. Sau từ 10 tháng đến 1 năm nuôi, mỗi ha mặt nước đạt khoảng 3 tấn cá heo và 5 tấn chạch lấu. “Cá chạch lấu ước lượng vậy thôi chứ không biết chính xác, vì em thả và thu hoạch luân phiên chứ không thu hoạch đồng loạt như heo đuôi đỏ”, Liêm nói.

Liêm cho biết, cá heo đuôi đỏ có thời điểm giá lên tới 750 ngàn đồng/kg, chạch lấu cũng 4-5 trăm ngàn đồng/kg. Còn hiện tại, cá heo đuôi đỏ có giá tại ao 510 ngàn đồng, chạch lấu 250 ngàn đồng/kg. Sau khi trừ hết chi phí (khoảng 60% doanh thu), bao gồm cả điện nước, nhân công, Liêm bỏ túi vài tỷ đồng.

The ông Lê Thanh Tùng, Chủ tịch Hội nông dân xã Phú Thọ, toàn xã hiện có khoảng 9 ha mặt nước nuôi cá heo và chạch, thì riêng Nguyễn Văn Liêm chiếm hơn 1 nửa với 5 ha. Ảnh: Hồng Thuỷ.

The ông Lê Thanh Tùng, Chủ tịch Hội nông dân xã Phú Thọ, toàn xã hiện có khoảng 9 ha mặt nước nuôi cá heo và chạch, thì riêng Nguyễn Văn Liêm chiếm hơn 1 nửa với 5 ha. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Tính đến nay, Liêm đã bước sang năm thứ 5 nuôi 2 loại cá này. Kinh nghiệm đã tích lũy được kha khá, đủ để đi tư vấn cho người mới nuôi. Nói về cơ duyên gắn bó với 2 con cá này, Liêm cho biết: “Năm 2016, em đi nghĩa vụ quân sự về, bắt đầu nghĩ cách làm kinh tế. Gia đình may mắn có đất lúa tương đối rộng, nhưng ngay từ đầu, em xác định không trồng lúa. Vì với năng suất 5 tạ/công, không thể khá nổi. Nghĩ vậy nên ban đầu em đào ao nuôi tôm. Nhưng ngay vụ đầu đã thất bại vì thiếu kiến thức, kinh nghiệm. Em thấy nuôi tôm vốn nhiều, đầu tư lớn, ngoài kiến thức, kinh nghiệm ra, còn phụ thuộc nhiều thứ, rủi ro lớn, chỉ cần sơ sẩy chút xíu là mất trắng ngay. Trong khi mình ít vốn, nếu thất bại thêm lần nữa thì có thể không thể gượng lại được. Vì thế, em không dám mạo hiểm, tìm hướng đi khác. Sau khi tìm hiểu, thấy một số nơi nuôi cá chạch lấu khá thành công, nên em tìm hiểu, sau đó nuôi thử. Ban đầu cũng chưa thành công lắm, nhưng không đến mức thua. Đến năm thứ 2 thì thành công hơn. Khi nắm tương đối về kỹ thuật nuôi, có chút kinh nghiệm, em mới tìm hiểu thêm hướng thả nuôi chung cá heo đuôi đỏ với chạch lấu”.

Nguyễn Văn Liêm cho biết, thời gian đầu nuôi dù không thất bại, nhưng cũng chưa thành công. Khoảng 2 năm trở lại đây, tay nghề anh mới 'cứng' hơn và ngày càng thành công hơn. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Nguyễn Văn Liêm cho biết, thời gian đầu nuôi dù không thất bại, nhưng cũng chưa thành công. Khoảng 2 năm trở lại đây, tay nghề anh mới "cứng" hơn và ngày càng thành công hơn. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Về kinh nghiệm nuôi, Liêm cho biết, chạch lấu và heo đuôi đỏ rất phù hợp để nuôi chung. 2 loại cá này đều sống ở tầng đáy, trong đó cá chạch lấu sống tầng sát đáy, còn cá heo ở tầng cao hơn 1 chút. Điều thú vị là thức ăn thừa của chạch lấu sẽ được cá heo đuôi đỏ dọn sạch, vừa góp phần làm sạch nước, vừa giảm chi phí thức ăn cho cá heo.

“Hai loại cá này phù hợp nuôi chung và tương đối dễ nuôi, ít bệnh, nếu nuôi giỏi thì tỷ lệ hao hụt thấp, ít rủi ro hơn so với con tôm. Trong khi giá trị kinh tế lại rất cao. Gấp hàng chục lần so với làm lúa, mà công chăm cũng không cực bằng lúa. Dĩ nhiên, làm gì cũng cần nắm kỹ thuật và kinh nghiệm thực tế. Ví dụ 2 con cá này đều phù hợp với môi trường nước tư nhiên, có dòng chảy. Cá heo đuôi đỏ vốn là từ biển Hồ Campuchia theo dòng chảy về nên vào mùa nước nổi mới có. Mình nắm được yếu tố này, nên môi trường nuôi cũng phải tạo dòng chảy. Ngoài ra, nước không được ô nhiễm, nến lấy nước ngoài thiên nhiên vào thay nước ao, phải chú ý nguồn nước bên ngoài, nếu bị ô nhiễm, chẳng hạn có dư lượng thuốc, hay phân bón ruộng chẳng hạn, thì không bơm. Và khi không thay nước thì không cho ăn, tránh làm nước ao ô nhiễm bởi thức ăn thừa. Ngoài ra, thức ăn cho cá cũng là yếu tố quan trọng. Ví dụ chọn thức ăn có tỷ lệ độ đạm cao, hoặc công thức phối trộn thức ăn cũng là một bí quyết để đàn cá khoẻ mạnh, mau lớn”, Nguyễn Văn Liêm chia sẻ.

Xem thêm
Rau quả Việt Nam có cơ hội ở Thụy Điển nhờ khác biệt mùa vụ

Thụy Điển là thị trường có tiềm năng lớn với rau quả Việt Nam, do thị trường này nhập khẩu rau quả với khối lượng lớn và sự khác biệt về mùa vụ.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Syngenta hỗ trợ xây trường học và nhà ở cho hộ nghèo

ĐẮK LẮK Syngenta Việt Nam hỗ trợ xây nhà ở cho 2 gia đình có hoàn cảnh khó khăn và 1 điểm trường tại xã Tân Tiến và Vụ Bổn (huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk).