| Hotline: 0983.970.780

Làm giàu rừng để làm giàu từ rừng

Thứ Năm 29/06/2023 , 08:34 (GMT+7)

Bắc Kạn Bắc Kạn được ví như 'lá phổi xanh' không lồ với tỉ lệ che phủ rừng trên 73%. Người dân đã có nhiều biện pháp lâm sinh, làm giàu rừng để đa dạng thu nhập.

Trồng rừng hỗn loài, đa tầng tán, đa lợi ích

Đồng Phúc là xã vùng cao của huyện Ba Bể (Bắc Kạn), đất trồng lúa ít, kinh tế người dân phụ thuộc lớn vào trồng rừng. Trước đây, người dân chủ yếu trồng cây mỡ, cây keo, thời gian chờ thu hoạch lâu nên hiệu quả kinh tế chưa cao. Gần đây, một số mô hình trồng rừng đa tầng, đa tán, kết hợp trồng xen các loại cây dược liệu dưới tán rừng đã xuất hiện tại xã Đồng Phúc, mở ra hướng phát triển mới.

Ông Dương Văn Chấn kiểm tra cây khôi nhung tía đã trồng được 2 năm. Ảnh: Ngọc Tú. 

Ông Dương Văn Chấn kiểm tra cây khôi nhung tía đã trồng được 2 năm. Ảnh: Ngọc Tú. 

Bài liên quan

Gia đình ông Dương Văn Chấn, thôn Nà Khâu (xã Đồng Phúc) là hộ tiên phong trong phát triển kinh tế dưới tán rừng ở đây. Dẫn chúng tôi men theo con đường mòn hơn 1km, ông Chấn hồ hởi giới thiệu: Từ nhiều năm trước, khu đồi gần 1,5ha của gia đình trồng cây dẻ và cây trám đen, bây giờ hai loại cây này đã tạo bóng, mọc cao hơn 5m, nhưng phải gần 10 năm nữa mới được khai thác.

“Từ năm 2019, gia đình bắt đầu trồng cây trà hoa vàng dưới tán của cây dẻ, cây trám. Loại cây này ưa khí hậu mát mẻ, có bóng râm, đất có độ ẩm cao nên trồng dưới tán rừng rất phù hợp, cây phát triển tốt. Hiện nay trà hoa vàng có giá trị rất cao, bán hoa tươi đạt 500.000 đồng/kg nên sẽ mang lại là nguồn thu nhập đáng kể”, ông Chấn cho biết.

Khi cây trà hoa vàng bắt đầu tạo tán, cũng là lúc ông Chấn suy nghĩ sẽ trồng thêm cây gì cho thu hoạch nhanh để lấy ngắn nuôi dài.

Đúng lúc xã triển khai mô hình trồng cây khôi nhung tím dưới tán rừng, ông Chấn tham gia ngay. Năm 2021, trên diện tích gần 1,5ha, gia đình ông trồng 3 vạn cây khôi nhung tím. Ông cho biết, trồng được hơn 2 năm thấy cây khôi nhung tía phát triển rất tốt, đặc điểm loại cây này ưa đất có độ ẩm cao, khí hậu mát mẻ nên rất phù hợp với kiểu trồng dưới tán rừng để tạo nên nhiều tầng tán.

Cây khôi nhung tía trồng dưới tán rừng phát triển tốt. Ảnh: Ngọc Tú. 

Cây khôi nhung tía trồng dưới tán rừng phát triển tốt. Ảnh: Ngọc Tú. 

Bài liên quan

“Trồng được 1 năm thì cây khôi nhung tía cho thu hoạch, mỗi năm thu hái 4 lần. Một năm, trên diện tích 1.000m2 có thể thu về khoảng 1 tạ lá tươi, khi sấy khô còn được gần 30kg. Hiện nay, mỗi kg lá khôi nhung khô bán được 150 – 180.000 đồng, mỗi ha có thể cho lợi nhuận gần 60 triệu đồng một năm. Đây là nguồn thu nhập không nhỏ đối với người dân sống ở miền núi”, ông Chấn nói về hiệu quả của cây khôi nhung tía.

Từ thành công bước đầu của một số hộ dân trồng cây khôi nhung tía, hiện nay xã Đồng Phúc đang mở rộng diện tích cây trồng này dưới tán rừng.

Bài liên quan

Ông Hoàng Văn Tuệ, Chủ tịch UBND xã Đồng Phúc cho biết, toàn xã đã trồng được hơn 6ha, tất cả đã cho thu hoạch. Thực tế cho thấy, loại cây này cho hiệu quả kinh tế khá, ít công chăm sóc, chủ yếu được trồng xen dưới tán rừng lâu năm, sản phẩm được các doanh nghiệp và tư thương cam kết thu mua toàn bộ.

“Nếu chỉ trồng rừng lấy gỗ, phải mất từ 7 đến hơn 10 năm tuỳ từng loại cây mới cho thu hoạch nên người dân gặp nhiều khó khăn về kinh tế. Với cây khôi nhung tía trồng dưới tán rừng, một ha mỗi năm mang về gần 60 triệu đồng sẽ giúp các hộ lấy ngắn nuôi dài, yên tâm phát triển kinh tế rừng. Bên cạnh đó, mô hình này cũng giúp giảm tình trạng khai thác trắng, người dân chủ yếu khai thác gỗ theo kiểu tỉa dần, nhờ đó đất cũng ít bị xói mòn hơn”, ông Tuệ nhận xét.

Trồng cây dược liệu dưới tán rừng góp phần giảm xói mòn đất. Ảnh: Ngọc Tú. 

Trồng cây dược liệu dưới tán rừng góp phần giảm xói mòn đất. Ảnh: Ngọc Tú. 

Bài liên quan

Với tỉnh miền núi như Bắc Kạn, diện tích rừng tự nhiên nhiều nhưng người dân không thể phát trồng rừng mới. Do đó, việc trồng cây khôi nhung tía cũng rất phù hợp, người dân có thêm thu nhập, từ đó sẽ có động lực để bảo vệ rừng.

Ông Hoàng Văn Hùng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bắc Kạn cho biết, với thành công bước đầu của mô hình trồng cây khôi nhung tía dưới tán rừng, hiện nay ngành nông nghiệp đang mở rộng diện tích. Trong đó sẽ ưu tiên thực hiện ở vùng đệm những khu rừng đặc dụng, nơi người dân có rất ít đất sản xuất. Năm 2021, toàn tỉnh đã trồng được 60ha, trong năm 2022 trồng thêm 60ha, phấn đấu đến năm 2024 sẽ có khoảng 180ha trồng cây khôi nhung tía.

“Cây khôi nhung tía là cây dược liệu vốn mọc tự nhiên phổ biến tại địa phương, nhưng do khai thác nhiều nên đã cạn kiệt. Việc cây khôi nhung tía được tái sinh theo hướng sản xuất hàng hóa không chỉ có ý nghĩa về kinh tế mà còn giúp làm phong phú hệ thực vật, khôi phục môi trường sinh thái rừng bản địa”, ông Hùng đánh giá.

Khai thác "mỏ vàng" dưới tán rừng

Bài liên quan

Thực tế đã khẳng định, trồng cây dược liệu dưới tán rừng cho hiệu quả khá, hiện nay tỉnh Bắc Kạn đã có hàng chục hợp tác xã (HTX) trồng cây dược liệu thành công.

Năm 2016, HTX Trồng và sản xuất dược liệu Bảo Châu, xã Văn Lang (huyện Na Rì) tập trung phát triển nhiều cây dược liệu như cà gai leo, ba kích, giảo cổ lam. Những loại cây này khi trồng dưới tán rừng phát triển nhanh, cho năng suất cao, chất lượng tốt. Từ chỗ chỉ trồng quy mô nhỏ, sau nhiều năm đã phát triển đến hàng chục ha.

Trồng cây dược liệu được tỉnh Bắc Kạn đặc biệt chú trọng phát triển. Ảnh: Ngọc Tú. 

Trồng cây dược liệu được tỉnh Bắc Kạn đặc biệt chú trọng phát triển. Ảnh: Ngọc Tú. 

Bài liên quan

Có nguồn nguyên liệu ổn định, HTX Dược liệu Bảo Châu đã đầu tư máy móc chế biến thành những sản phẩm có chất lượng cao, có nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ, được thị trường cả nước biết tới.

Tới đây, HTX tiếp tục gieo ươm, nhân giống một số loại cây dược liệu để bà con trong vùng cùng tham gia trồng nhằm liên kết xây dựng vùng nguyên liệu bền vững. Hoạt động trồng và chế biến các sản phẩm dược liệu đã mang lại thu nhập ổn định cho nhiều thành viên HTX.

Nghị quyết số 10 ngày 22/4/2021 của Tỉnh ủy Bắc Kạn về phát triển nông, lâm

nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung đã đề ra mục tiêu đến năm 2025 trồng mới 550ha cây dược liệu gắn với liên kết vùng nguyên liệu và sơ chế, chế biến.

Năm 2022, tỉnh Bắc Kạn trồng được 237ha cây dược liệu, chủ yếu là cây hà thủ ô, trà hoa vàng, cà gai leo, mướp đắng rừng, giảo cổ lam, ba kích, hoàng liên, trinh nữ hoàng cung, bồ công anh. Đây hầu hết đều là những loại cây trồng dưới tán rừng.

Bài liên quan

Năm 2023, UBND tỉnh Bắc Kạn đã ban hành Kế hoạch số 69/KH-UBND ngày 8/2/2023 triển khai thực hiện dự án hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu.

Theo đó, tỉnh Bắc Kạn hỗ trợ các HTX liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm dược liệu, hỗ trợ tư vấn xây dựng liên kết, hỗ trợ máy móc thiết bị để thực hiện dự án, xây dựng mô hình khuyến nông, tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ giống.

Tại Bắc Kạn, một số dự án trồng dược liệu dưới tán rừng cho hiệu quả cao như dự án “Nghiên cứu đánh giá, nhân giống và kỹ thuật trồng gừng đá Bắc Kạn” đã giúp bảo tồn và nhân giống thành công cây gừng đá bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào.

Dự án đã sản xuất 22.000 cây giống nuôi cấy mô và xây dựng 2ha mô hình trồng gừng đá tại xã Liêm Thủy, huyện Na Rì. Kết quả cho thấy, mô hình trồng bằng cây giống nuôi cấy mô sinh trưởng phát triển tốt, là cơ sở quan trọng để tỉnh xem xét, khuyến khích mở rộng diện tích trồng gừng đá trong những năm tới.

Tỉnh Bắc Kạn có nguồn giống cây dược liệu trong tự nhiên rất dồi dào. Ảnh: Ngọc Tú. 

Tỉnh Bắc Kạn có nguồn giống cây dược liệu trong tự nhiên rất dồi dào. Ảnh: Ngọc Tú. 

Bài liên quan

Ngoài ra, Dự án “Tăng cường quản lý và chia sẻ lợi ích công bằng cho các chuỗi sản phẩm dược liệu tự nhiên tại Việt Nam” do Tổ chức Traffic International tại Việt Nam hỗ trợ thực hiện tại 4 huyện Chợ Đồn, Ba Bể, Ngân Sơn, Na Rì cũng có hiệu quả cao. Dự án đã giúp nâng cao nhận thức cho người dân, hỗ trợ được một số cộng đồng phát triển kinh tế, tăng thu nhập thông qua việc thu hái một cách bền vững các nguồn tài nguyên dược liệu trong tự nhiên và bước đầu tạo ra sản phẩm trà giảo cổ lam.

Bên cạnh đó, dự án trồng 8ha cây hà thủ ô, đẳng sâm, ban lá đính dưới tán rừng ở xã Bình Văn (Chợ Mới) và Quân Hà (Bạch Thông) mang lại thu nhập khá cho các hộ tham gia. Cụ thể, cây hà thủ ô 4 năm tuổi đạt trọng lượng 3 - 4kg/gốc, tỷ lệ thu hoạch vào năm thứ 5 ước đạt 60 đến 70% cây so với lúc trồng.

Tỉnh Bắc Kạn có diện tích đất lâm nghiệp gần 418.000ha, chiếm 86% tổng diện tích tự nhiên, tỷ lệ che phủ rừng năm 2022 là hơn 73%. Tỉnh Bắc Kạn hiện cũng có gần 1.200 loài cây thuốc, thuộc 190 họ thực vật khác nhau. Trong đó có nhiều loại quý hiếm, có giá trị cao như ba kích, hà thủ ô, đẳng sâm, thổ phục linh, kê huyết đằng… Đây là nguồn dược liệu phong phú, đa dạng, có giá trị cao nếu được bảo vệ, khai thác và phát triển hợp lý.

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.