| Hotline: 0983.970.780

Những vườn cây trồng 'hổ lốn', mướt mắt như khu sinh thái

Thứ Tư 28/06/2023 , 09:39 (GMT+7)

GIA LAI Thay vì độc canh, nông dân Gia Lai đang có xu hướng xen canh, đa canh cây trồng để vừa tránh 'bỏ trứng vào một giỏ', vừa mang lại nhiều lợi ích về môi trường.

Mô hình đa canh trên cùng một diện tích được nhiều người dân trên địa bàn tỉnh Gia Lai chọn lựa đã mang lại nhiều lợi ích. Theo đó, người dân đã phát huy được lợi thế của đất trồng, tận dụng một cách tốt nhất nguồn nước tưới, dinh dưỡng, phân bón… Đặc biệt, giúp nông dân có nguồn thu nhập ổn định, giảm rủi ro khi giá cả một số nông sản bị biến động.

Trồng hổ lốn để không "bỏ trứng vào một giỏ"

Theo giới thiệu của Phòng NN-PTNT huyện Ia Grai, chúng tôi có dịp được gặp lão nông Nguyễn Văn Quân (thôn 7, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) - một trong những gương điển hình trong việc đa dạng hóa các loại cây trồng được địa phương đánh giá cao.

Khu vườn đa cây trồng của gia đình ông Quân giống như điểm du lịch sinh thái. Ảnh: Tuấn Anh.

Khu vườn đa cây trồng của gia đình ông Quân giống như điểm du lịch sinh thái. Ảnh: Tuấn Anh.

Bài liên quan

Khu vườn của gia đình ông Quân có hơn 10 loại cây trồng đan xen vào nhau rất ngay hàng thẳng lối. Phía bên kia sườn dốc, hình ảnh những cánh quạt gió khổng lồ càng tô vẽ cho bức tranh của khu vườn thêm sinh động.

Thoạt nhìn, khu vườn 3ha của gia đình ông Quân giống như điểm du lịch sinh thái miệt vườn với rất nhiều loại cây được phân thành nhiều tầng tán. Trong khoảng không gian rộng lớn phủ rợp trời màu xanh, có thể chiêm ngưỡng rất nhiều loại cây như mít, sầu riêng, ổi, chôm chôm, hồng xiêm, nhãn…

Trong khi tại Tây Nguyên, lâu nay người ta chỉ trồng độc canh một loại cây trồng

Bài liên quan

trên mỗi khu vườn đồi thì ông Quân lại chọn lối đi riêng, đó là trồng "hổ lốn" rất nhiều loại cây trồng trên cùng một diện tích. Khi được hỏi ý tưởng vì sao lại chọn hình thức đa canh này, ông Quân cho biết, mình là nông dân thực thụ, rất đam mê làm nông nghiệp, việc trồng đa canh được ông rút ra từ chính những bài học trong thực tế sản xuất, qua đó nhằm phát huy hết không gian, giá trị từ đất đai mang lại.

Khoảng 15 năm trước đây, gia đình ông Quân trồng độc canh cây cao su nhưng không hiệu quả. Đến năm 2018, ông quyết định cải tạo đất để tái canh, trồng các loại cây ăn trái như bơ, sầu riêng, chôm chôm…, còn lại diện tích trống gia đình trồng xen cà phê để lấy ngắn nuôi dài.'

Mô hình đa canh đang được nhiều người dân ở Gia Lai hướng đến. Ảnh: Tuấn Anh.

Mô hình đa canh đang được nhiều người dân ở Gia Lai hướng đến. Ảnh: Tuấn Anh.

Bài liên quan

“Trước đây bà con thường chỉ trồng một loại cây trên mỗi diện tích, nên khi sản phẩm rớt giá thì lỗ nặng, thậm chí gặp thiên tai, sâu bệnh đồng loạt còn trắng tay. Tuy nhiên khi trồng đa canh, loại quả này mất giá sẽ có loại quả khác bù vào, tránh tình trạng bán đổ bán tháo. Cùng với đó, việc trồng xen canh nhiều loại cây ăn quả cũng sẽ giúp mùa nào cũng cũng sản phẩm thu hoạch, có thu nhập đều đặn và đáp ứng yêu cầu thường xuyên của thị trường”, ông Quân lý giải.

Sau vài năm kiến thiết cơ bản, dự kiến mùa vụ tới, nguồn thu chính của gia đình ông Quân sẽ tập trung vào hơn 1.000 cây cà phê, 350 cây sầu riêng, 100 cây ổi, hơn 100 cây hồng xiêm và vài chục cây chôm chôm.

Ngược về huyện Chư Păh, nhiều hộ gia đình ở đây cũng đang bắt đầu có xu hướng phá bỏ thế độc canh để chuyển hướng sang trồng xen canh nhiều loại cây trồng

Bài liên quan

Hơn 2 năm nay, gia đình ông Nguyễn Ngọc Bích (xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh) đã quyết định phá bỏ một phần diện tích cà phê già cỗi để chuyển sang trồng các loại cây ăn quả. Dạo quanh khu vườn 2,5ha của gia đình ông Bích, màu xanh tươi tốt của rất nhiều loại cây ăn trái được đan xen vào nhau tràn đầy sức sống.

Các loại cây được sắp xếp trồng rất bài bản và khoa học. Phía trên là vườn chanh dây trĩu quả, xem vào giữa là những cây sầu riêng xanh mơn mởn. Phía dưới là hàng trăm cây bơ cao lớn đan xen với nhưng cây cà phê, thi thoảng bắt gặp những cây ổi, xoài, mít… trông rất bắt mắt.

Khu vườn mùa nào thức ấy, rợp mát quanh năm nhờ trồng nhiều loại cây ăn quả của gia đình ông Bích. Ảnh: Tuấn Anh.

Khu vườn mùa nào thức ấy, rợp mát quanh năm nhờ trồng nhiều loại cây ăn quả của gia đình ông Bích. Ảnh: Tuấn Anh.

Ông Bích hồ hởi cho biết: “Hiện 100 cây bơ đã cho thu nhập, trung bình 1 năm doanh thu được khoảng 70 - 80 triệu đồng. Trong khi đó, mùa vụ cà phê vừa qua, gia đình ông Bích có hơn 1.000 cây thu hoạch được hơn 350 triệu đồng. Riêng hơn 1.000 cây chanh dây sắp cho thu bói, năng suất dự kiến khoảng 11 tấn, doanh thu cũng đạt gần 100 triệu đồng. Đặc biệt, với 350 cây sầu siêng, năm sau cho thu bói sẽ là nguồn thu chính của gia đình”.

Ông Lê Văn Thanh, Giám đốc HTX Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ - Du lịch nông nghiệp Ia Mơ Nông (xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh) cho biết, xu hướng phá bỏ độc canh để chuyển sang trồng đa canh đang được nhiều người dân chọn lựa. Việc trồng đa canh giúp nguồn thu nhập của người dân ổn định, giảm rủi ro về thị trường.

Thị trường tiêu thụ của Việt Nam không ổn định nên trồng độc canh sẽ rất rủi ro cho người dân. Bài học về cây tiêu, chanh dây rớt giá và mất mùa là minh chứng cho thấy, nếu chỉ trồng 1 loại cây sẽ rất mạo hiểm. Chính vì vậy, người dân bắt buộc phải trồng nhiều loại cây để khi thất bại với cây này còn có cây khác cho thu nhập.

Cây trồng "yểm trợ" cho nhau

Bên cạnh giảm những rủi ro về thị trường, thiên tai, dịch bệnh, việc trồng đa canh, đa tầng, đa tán còn giúp mỗi khu vườn luôn xanh tốt quanh năm, tăng độ che phủ đất, tăng sự trù phú và đa dạng sinh học, môi trường sinh thái được cải thiện, tạo sự cân bằng tự nhiên và giảm nguy cơ sâu bệnh gây hại cây trồng, giảm sử dụng thuốc BVTV hơn rất nhiều so với việc độc canh như trước đây. Đây là cách là cách làm đang được rất nhiều người dân ở Gia Lai hướng đến.

Khu vườn đa canh trồng theo hướng hữu cơ, để cỏ mọc um tùm giúp giữ độ ẩm cho đất, tạo sinh khối hữu cơ và chống xói mòn đất. Ảnh: Tuấn Anh.

Khu vườn đa canh trồng theo hướng hữu cơ, để cỏ mọc um tùm giúp giữ độ ẩm cho đất, tạo sinh khối hữu cơ và chống xói mòn đất. Ảnh: Tuấn Anh.

Bài liên quan

Ông Nguyễn Ngọc Bích (xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh) cho biết, hiện tại vườn bơ và sầu riêng của gia đình đã trồng theo hướng VietGAP. Trong khi đó, chanh dây cũng trồng theo hướng hữu cơ để tiến tới đưa vào các hệ thống siêu thị. Muốn làm được điều đó, tất cả cây trồng xen canh của gia đình gần như "nói không" với việc dùng hóa chất, chủ yếu chỉ sử dụng phân chuồng ủ hoai mục.

Ngoài ra, để hài hòa môi trường sinh thái, vườn cây của gia đình để cỏ mọc tự nhiên làm thảm thực vật giúp giữ ẩm cho đất trong mùa khô, chống rửa trôi dinh dưỡng trong mùa mưa. Cỏ cũng tạo môi trường thuận lợi cho côn trùng và các loại vi sinh vật có ích trong đất sinh sống. Đất canh tác vì vậy cũng tơi xốp, thoáng khí, giúp rễ cây thuận lợi trong hấp thụ dưỡng chất.

Về lo ngại về việc trồng nhiều loại cây trên cùng một diện tích sẽ khiến nguồn dinh dưỡng từ đất bị cạn kiệt, ông Bích phân tích “Trước khi trồng, gia đình đã lựa chọn các loại cây phù hợp với chế độ chăm sóc, sử dụng nguồn nước, dinh dưỡng giống nhau. Ngoài ra, gia đình trồng thêm các loại rau củ ngắn ngày để vừa tăng thu nhập, lấy ngắn nuôi dài, vừa tạo sinh khối nhằm bổ sung nguồn hữu cơ cho vườn cây, tạo thành một quy trình khép kín”.

Bài liên quan

Tương tự khu vườn của gia đình ông Bích, lão nông Nguyễn Văn Quân (thôn 7, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) cũng lựa chọn đa dạng các loại cây trồng nhằm tạo sự cộng sinh, các cây dựa vào nhau để phát triển. Theo ông Quân, trồng đa canh bên cạnh hiệu quả kinh tế ổn định, bớt rủi ro, còn hướng đến yếu tố tạo cảnh quan môi trường sinh thái.

Ông Quân lý giải, đơn củ như nếu trồng độc canh cây sầu riêng mà không có bóng mát cũng như độ ẩm, sầu riêng sẽ rất khó phát triển. Vì vậy buộc ông phải trồng thêm cây bơ, hồng xiêm, cà phê xen với sầu riêng "yểm trợ", tạo bóng mát và giữ ẩm cho nhau.

Đa canh giúp giảm được nhiều rủi ro trong sản xuất, đồng thời cải thiện môi trường sinh thái gần gũi hơn với tự nhiên. Ảnh: Tuấn Anh.

Đa canh giúp giảm được nhiều rủi ro trong sản xuất, đồng thời cải thiện môi trường sinh thái gần gũi hơn với tự nhiên. Ảnh: Tuấn Anh.

Bài liên quan

“Trước đây, việc xử lý đất trước khi trồng cũng ít được người dân quan tâm, dẫn đến cây bị sâu bệnh. Chính vì vậy, việc trồng đa canh sẽ giúp các loại cây trồng tương trợ nhau, giảm thiểu nguy cơ sâu bệnh hại. Chẳng hạn trồng ổi xen với cây sầu riêng sẽ giúp xua đuổi các loại sinh vật gây hại”, ông Quân chia sẻ.

Để phát triển bền vững các loại cây trên cùng diện tích, ông Quân trồng theo hướng hữu cơ, để cho cỏ dại mọc um tùm dưới gốc cây. Theo ông, điều này giúp giữ độ ẩm và hệ vi sinh cho đất, từ đó đất làm nhiệm vụ nuôi dưỡng cây tốt hơn. Ngoài ra, ông Quân chủ yếu sử dụng phân chuồng, mua chất thải chăn nuôi của các hộ dân trong vùng về trộn với vỏ cà phê ủ men làm phân vi sinh bón cho cây trồng thay vì sử dụng phân bón hóa học. Chính điều này giúp dinh dưỡng trong đất luôn được đảm bảo, cây phát triến tốt.

Ông Hoàng Thi Thơ, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Khuyến nông tỉnh Gia Lai phân tích,  trồng một loại cây sẽ dễ chăm sóc hơn so với trồng đa canh và năng suất của loại cây ấy khi trồng độc canh sẽ lớn hơn/đơn vị diện tích so với đa canh. Tuy nhiên, nếu trồng đa canh nhưng người dân biết bố trí trồng các loại cây phù hợp với nhiều tầng tán khác nhau cũng sẽ mang lại hiệu quả tốt. Ngoài ra, trồng đa canh còn giúp cho việc cải tạo đất tốt hơn, các loại cây tận dụng được nguồn nước, phân bón của nhau, giảm chi phí đầu tư, chất lượng môi trường đất, nước, hệ vi sinh vật, đa dạng sinh học... được cải thiện hơn.

Xem thêm
Phương châm '3 đủ' trong phòng chống đói, rét cho gia súc

Thái Nguyên Tại huyện Phú Lương, công tác phòng chống đói, rét được thực hiện với phương trâm '3 đủ' là đủ ấm, đủ no, đủ vacxin và thú y phòng dịch.

Biên Hòa phát hiện, xử lý các lò mổ lậu

Đồng Nai Lực lượng liên ngành thành phố Biên Hòa đang tăng cường kiểm tra, xử lý các điểm giết mổ không phép trên địa bàn, nhất là trong giai đoạn cuối năm.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.