| Hotline: 0983.970.780

Đốt thực bì sau khai thác rừng: Đừng 'tham bát bỏ mâm'

Thứ Ba 27/06/2023 , 06:24 (GMT+7)

QUẢNG TRỊ Đốt thực bì sau khi khai thác rừng là thói quen phổ biến, chỉ mang lại một vài cái lợi trước mắt, nhưng lại gây ra vô vàn hệ lụy và sự lãng phí.

Lợi trước mắt, hại lâu dài

Bài liên quan

Khoảng 10 năm về trước tại xã Cam Thủy, huyện Cam Lộ (Quảng Trị), sau khi khai thác gỗ rừng trồng, người dân thường đốt thực bì trước khi trồng lại. Đây cũng là tình trạng chung của đa số người trồng rừng Quảng Trị tại thời điểm đó.

Người dân lý giải, việc đốt thực bì sẽ tạo điều kiện để máy móc thuận lợi hơn khi vào đào hố trồng lại, giúp giảm nhân công và chi phí trồng mới. Hơn nữa, lượng tro sau khi đốt thực bì sẽ bổ sung chất dinh dưỡng cho cây trồng giai đoạn mới trồng.

Bà Nguyễn Thị Lan, một hộ trồng rừng thuộc HTX Thủy Đông, xã Cam Thành (huyện Cam Lộ) cho hay, gia đình bà có 0,5ha đất rừng trồng keo từ 20 năm nay. Cứ sau mỗi chu kỳ khai thác (khoảng 5 năm), bà lại đốt thực bì để chuẩn bị trồng mới. Năng suất keo rừng trồng của gia đình bà trong mỗi chu kỳ trồng đạt khoảng 120 - 130 tấn/ha.

Đa phần người dân Cam Thủy không còn đốt thực bì sau khai thác rừng, nhờ đó tốc độ sinh trưởng của rừng rất tốt, năng suất luôn cao hơn 15 - 25% so với việc đốt thực bì. Ảnh: Võ Dũng.

Đa phần người dân Cam Thủy không còn đốt thực bì sau khai thác rừng, nhờ đó tốc độ sinh trưởng của rừng rất tốt, năng suất luôn cao hơn 15 - 25% so với việc đốt thực bì. Ảnh: Võ Dũng.

Bài liên quan

Thế nhưng, với chu kỳ trồng keo gần đây, bà Lan đã không còn đốt thực bì. Thay vào đó, gia đình thuê máy vào múc gốc cũ, xới đất để trồng lại.

Ông Nguyễn Văn Lục, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Thủy Đông cho hay, tập quán trồng rừng với mật độ dày khiến người dân không còn lựa chọn nào hơn là đốt thực bì sau khai thác. Đốt thực bì sau khai thác giúp người dân dọn sạch vườn rừng để máy móc thuận tiện cho việc đào hố trồng mới.

Thế nhưng, ngoài vấn đề gây ô nhiễm không khí, thậm chí gây cháy rừng, việc đốt thực bì sau khai thác thực tế không đem lại nhiều lợi ích về kinh tế, thậm chí gây hại về lâu dài. Nhiều hộ dân vẫn chưa tính toán được vấn đề này trong quá trình trồng rừng.

Bài liên quan

“Thường người dân ở đây trồng với mật độ lên tới 5 - 6 nghìn cây keo/ha. Vì vậy sau khi khai thác keo bán gỗ dăm, họ phải đốt thực bì, vì nếu không đốt thì máy móc rất khó khăn khi vào đào hố trồng lại. Quan niệm ấy là sai vì thực tế, đốt thực bì rồi trồng lại không hề đem lại hiệu quả kinh tế cao như mọi người nghĩ. Cả năng suất và chất lượng gỗ rừng đốt thực bì sau khai thác đều thấp hơn việc không đốt thực bì”, ông Lục cho hay.

Từng là người trồng rừng có thâm niên tại xã Cam Thủy, ông Lê Tài Hạnh, xã viên HTX Thủy Tây hiểu rất rõ tác hại của việc đốt thực bì sau khai thác.

Theo ông, đốt thực bì không chỉ gây khói bụi, ô nhiễm môi trường, tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng, phá vỡ cấu trúc đất, tiêu diệt hệ sinh vật trong lòng đất, mà còn khiến năng suất rừng trồng giảm rõ rệt.

Những gốc cây và thực bì của chu kỳ trước phân hủy, tạo thành nguồn hữu cơ hữu ích cho cây rừng phát triển và là 'mái nhà' cho sinh vật trong đất. Ảnh: Võ Dũng.

Những gốc cây và thực bì của chu kỳ trước phân hủy, tạo thành nguồn hữu cơ hữu ích cho cây rừng phát triển và là "mái nhà" cho sinh vật trong đất. Ảnh: Võ Dũng.

Bài liên quan

“Thực tế, nếu đốt thực bì trước khi trồng lại thì cây keo chỉ phát triển nhanh khoảng 1 - 2 năm đầu thôi. Sau đó, số lượng cây keo sẽ tự chết đi khoảng 1/3 so với lúc trồng. Vì vậy, đầu tiên người trồng rừng sẽ thiệt hại công đào hố, giống, phân bón, chăm sóc. Hơn nữa, tôi đã so sánh rồi, những hộ trước khi trồng lại rừng mà đốt thực bì thì năng suất thường giảm đi khoảng 20 tấn/chu kỳ 5 - 5,5 năm. Đó là một thực tế không cần phải bàn cãi”, ông Hạnh chia sẻ.

Ở góc độ kỹ thuật trồng và chăm sóc, ông Nguyễn Văn Lục, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Thủy Đông còn cho rằng, đốt thực bì sau khi khai thác còn khiến hạt keo bung ra, dễ mọc. Cây keo thực sinh mọc lên từ hạt cây keo thịt cho năng suất, chất lượng gỗ không cao nhưng lại có sức sống mãnh liệt và cạnh tranh thức ăn, ánh sáng với cây keo trồng mới, làm gia tăng mật độ. Từ đó, năng suất rừng keo trồng mới không đạt như kỳ vọng.

“Không đốt thực bì sau khai thác mất công nhiều hơn chút ít nhưng đổi lại rừng ít cỏ dại, cây dại hơn, gia súc đỡ phá hoại hơn. Nếu đốt thực bì, chỉ sau một trận mưa lớn, những triền dốc mới trồng keo chưa kịp khép tán sẽ bị rửa trôi rất nhanh, không còn lượng hữu cơ trên đất, đất khô cằn, hệ vi sinh vật bản địa chết hết. Còn nếu không đốt, khoảng 1 nghìn m3 rác thải hữu cơ/ha sau mỗi chu kỳ khai thác sẽ tồn tại, phân hủy thành thức ăn cho cây, giữ ẩm cho rừng, đất tơi xốp và giữ nguồn nước tốt hơn”, ông Nguyễn Văn Lục, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Thủy Đông cho hay.

Tăng năng suất rừng 15 - 25% nhờ giữ thực bì

Xã Cam Thủy (huyện Cam Lộ, Quảng Trị) hiện có 625ha rừng trồng keo. Trong đó có 25ha rừng gỗ lớn được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC), đa phần đều thuộc quản lý của HTX Dịch vụ nông nghiệp Thủy Đông.

Giữ lai thực bì giúp tạo ra nguồn hữu cơ trên mặt đất, giữ nước, giữ được hệ sinh vật trong lòng đất và tạo nguồn thức ăn lâu dài cho cây rừng. Ảnh: Võ Dũng.

Giữ lai thực bì giúp tạo ra nguồn hữu cơ trên mặt đất, giữ nước, giữ được hệ sinh vật trong lòng đất và tạo nguồn thức ăn lâu dài cho cây rừng. Ảnh: Võ Dũng.

Bài liên quan

“Hơn 10 năm nay rồi gia đình tôi không đốt thực bì sau khai thác rừng. Một phần đây là quy định bắt buộc đối với rừng tham gia chứng chỉ rừng FSC. Một phần do trồng rừng gỗ lớn thường trồng thưa nên không cần đốt thực bì máy móc vẫn vào thuận lợi để đào hố. Bên cạnh đó, tôi đã làm phép so sánh và cho thấy, việc không đốt thực bì cũng giúp năng suất rừng trồng tăng từ 15 - 25%”, ông Hạnh cho hay.

Giữa cái nắng gần 40 độ C ở miền Trung, ông Hạnh dẫn chúng tôi đi xem vườn rừng 10 năm tuổi được cấp chứng chỉ FSC. Cái nắng và nóng dịu hẳn khi chúng tôi đứng dưới tán rừng. Rừng đã khép tán, cây cao to lừng lững báo hiệu một chu kỳ keo thành công của gia đình ông Hạnh.

Bài liên quan

Dùng tay bốc một nắm đất rừng ẩm ướt dưới lớp thực bì, ông Hạnh phân tích: “Khu rừng này có sự khác biệt rất rõ so với những khu rừng đốt thực bì sau khai thác. Độ ẩm cao hơn, dưới lòng đất khoảng 4 - 5cm đã thấy giun, dế và hệ sinh vật bản địa. Những gốc cây khai thác ở chu kỳ trước không bị đốt hoặc lấy đi, chúng đã phân hủy gần hết. Đó là nới trú ngụ của nhiều loài vi sinh vật bản địa.

Đi vào những khu rừng được trồng không đốt thực bì có cảm giác mát mẻ hơn, cây to khỏe hơn, đều hơn, năng suất cao hơn và hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với thói quen đốt thực bì trước đây”.

Hiện nay, tại Quảng Trị đã xuất hiện nhiều HTX trồng rừng bền vững. Tại hầu hết các HTX này, người trồng rừng đều trồng rừng gỗ lớn, hướng tới việc cấp chứng chỉ FSC và liên kết với một số doanh nghiệp để đảm bảo đầu ra ổn định. Đương nhiên, với việc trồng rừng gỗ lớn hướng tới được cấp chứng chỉ FSC, người dân sẽ phải thay đổi thói quen đốt thực bì sau khai thác rừng.

Vườn keo không đốt thực bì sau khai thác của ông Nguyễn Tài Hạnh (xã viên HTX Thủy Tây, xã Cam Thủy, Cam Lộ, Quảng Trị) sau 10 năm dự kiến đem về nguồn thu trên 400 triệu đồng/ha. Ảnh: Võ Dũng.

Vườn keo không đốt thực bì sau khai thác của ông Nguyễn Tài Hạnh (xã viên HTX Thủy Tây, xã Cam Thủy, Cam Lộ, Quảng Trị) sau 10 năm dự kiến đem về nguồn thu trên 400 triệu đồng/ha. Ảnh: Võ Dũng.

Ông Nguyễn Văn Lục, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Thủy Đông cho rằng, muốn nghề trồng rừng bền vững và nâng cao hiệu quả thì chuyển từ rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn, rừng FSC là tất yếu. Khi đó, tình trạng đốt thực bì sau khai thác cũng sẽ tự nhiên giảm đi vì đây là điều kiện bắt buộc để rừng được cấp chứng chỉ FSC. Khi rừng được cấp chứng chí FSC, gỗ nguyên liệu mới có cơ hội vươn ra thị trường thế giới và nâng cao giá trị rừng trồng.

“Từ khi trồng rừng gỗ lớn đến nay (từ năm 2014), xã viên HTX Thủy Đông đã không đốt thực bị sau khai thác. Điều đó giúp năng suất bình quân trong chu kỳ rừng gỗ lớn tăng lên 20 - 30 tấn/ha. Nhưng theo quan điểm của tôi, việc khai thác rừng nên thực hiện vào mùa mưa, dù khó nhưng khi đó lá dễ rụng, hữu cơ dễ phân hủy hơn, không gây khó cho việc trồng lại. Tuy nhiên, để khai thác vào mùa mưa thì đường lâm sinh phải được đầu tư đáp ứng nhu cầu. Đó là một trong những cái khó hiện nay”, ông Lục chia sẻ.

Ông lê Tài Hạnh, xã viên HTX Thủy Tây (xã Cam Thủy) lại có sáng kiến, sau khi khai thác rừng, cần xới đều một phần đất rừng để vật liệu hữu cơ nằm dưới lớp đất mặt vừa nhanh phân hủy lại giữ được độ ẩm cho cây. Việc làm này tuy tốn tiền cải tạo đất nhưng sẽ giúp cây sinh trưởng, phát triển nhanh". 

Xem thêm
Nuôi dúi má đào, thu tiền tỷ mỗi năm

LÀO CAI Chăn nuôi dúi má đào sinh sản có sức hấp dẫn lớn bởi lợi nhuận cao, trong khi việc chăm sóc, đầu tư chuồng trại không quá tốn kém.

Kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm dịp cuối năm

KHÁNH HÒA Lực lượng thú y sẽ tăng cường kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm dịp cuối năm, nhất là cao điểm tết nhằm đảm bảo nguồn cung thịt sạch cho người dân.

Dưa chuột nếp Hà Trung giòn, thơm, ngọt mát

THANH HÓA Giống dưa chuột nếp Hà Trung trồng theo hướng VietGAP giòn, thơm, ngọt mát, nông dân đạt lợi nhuận cao hơn các ruộng sản xuất bên ngoài từ 18 - 20%.