| Hotline: 0983.970.780

Làm giàu từ cây rau-[Bài 1]-Câu chuyện đổi thay ở vùng đất khó Phước Hậu

Thứ Hai 18/07/2022 , 15:50 (GMT+7)

Phước Hậu là một trong bảy xã vùng thượng của huyện Cần Giuộc (Long An). Từng là xã khó khăn, nhờ cây rau, trên 70% người dân đã vươn lên khá giả.

Đến xã Phước Hậu những ngày này, nhìn những ngôi nhà khang trang nằm xen kẽ giữa những vườn rau xanh mướt, đường sá thông thoáng xanh, sạch đẹp, có thể thấy đời sống kinh tế của người dân nơi đây đã có sự thay đổi ngoạn mục.

Một góc tại thủ phủ rau theo hướng CNC xã Phước Hậu (Cần Giuộc) ngày nay. Ảnh: Trần Trung.

Một góc tại thủ phủ rau theo hướng CNC xã Phước Hậu (Cần Giuộc) ngày nay. Ảnh: Trần Trung.

Cứ mỗi chiều về, không khí tại xã Phước Hậu lại sôi động hẳn lên bởi những chuyến xe đến tận vườn để “ăn hàng”, sau đó chia ra các ngả để đưa đến các chuỗi cửa hàng rau sạch, siêu thị, bếp ăn....

Theo chân cán bộ hội nông dân xã, đến tổ 16, ấp Long Giêng, xã Phước Hậu, hỏi thăm gia đình ông Trần Ngọc Oanh thì ai cũng biết, bởi ông một trong những thành viên đầu tiên tham gia mô hình sản xuất rau theo hướng công nghệ cao. Không chỉ là nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh, ông còn là số ít nông dân tại địa phương có bằng khen về gia đình hiếu học cấp Trung ương.

Mặc dù chỉ sở hữu 2.000m2 đất nhưng ông đã xây dựng được cơ ngơi, nhà cửa khang trang, nuôi dạy con cái đỗ đạt thành tài. Trong đó, con gái đầu lòng tốt nghiệp ngành Du lịch lữ hành, Đại học Nguyễn Tất Thành đã có công việc ổn định. Con trai út tốt nghiệp Tiến sĩ Vật Lý, Đại học Paris 13 – Sorbonne Paris Cité, Cộng hòa Pháp, sau một thời gian công tác tại trường Đại học Oxford (Vương quốc Anh) hiện đã về nước và tham gia các công trình, dự án nghiên cứu tại các viện, trường.

Ông Trần Ngọc Oanh bên căn nhà khang trang cùng những bằng khen và hình ảnh người con trai đáng tự hào. Ảnh: Trần Trung. 

Ông Trần Ngọc Oanh bên căn nhà khang trang cùng những bằng khen và hình ảnh người con trai đáng tự hào. Ảnh: Trần Trung. 

Ngồi bên căn nhà xây khang trang, cạnh vườn rau xanh mướt, những bét tưới tự động xoay vòng tô thắm miền quê đáng sống, ngấp ngụm trà nóng, ông Trần Ngọc Oanh tâm sự, để được thành quả như ngày hôm nay tất cả là nhờ cây rau. Trước đây, cũng như bao người dân địa phương, ông chủ yếu canh tác theo phương thức truyền thống, chạy theo sản lượng, sử dụng nhiều phân thuốc. Khi mức sống người dân ngày càng cao, nhu cầu về rau sạch ngày càng tăng, buộc người nông dân phải thay đổi tư duy sản xuất, trong đó có bản thân ông.

Từ đó, ông tích cực tìm hiểu và tham gia các khóa tập huấn về sản xuất rau quả sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất do địa phương tổ chức. Sau khi nắm vững kiến thức, năm 2015, khi hầu hết người dân địa phương còn chưa hiểu nghĩa của từ nông nghiệp công nghệ cao là gì thì ông đã xây dựng 2 nhà màng, mỗi nhà 1.000 m2 cùng hệ thống tưới tự động và ứng dụng men vi sinh vào sản xuất các chủng loại rau ăn lá, rau gia vị như cải ngọt, tía tô… Trung bình mỗi năm ông trồng 6 vụ, mỗi vụ đem lại thu nhập gia đình ông hơn 30 triệu đồng sau khi trừ chi phí.

“Trong khi trồng ở ngoài cần nhiều rơm, sử dụng nhiều phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, việc ứng dụng công nghệ cao tôi thấy được lợi rất nhiều: khi mưa thì rau hoàn toàn không bị ảnh hưởng gì, hạn chế mật độ sâu rày, nếu mình kỹ có thể 99% khống chế được sâu bệnh phá hoại nên không cần phòng trừ sâu bệnh. Đặc biệt, trước kia canh tác truyền thống, mỗi vụ mình phải xới đất nhiều lần, còn canh tác trong nhà màng mỗi vụ chỉ cần 2-3 lượt xới. Cùng với đó, nhờ hệ thống tưới tự động mình duy trì độ ẩm của đất và tiết kiệm được nhân công, từ đó lợi nhuận thu lại tăng gấp nhiều lần”, ông Oanh phấn khởi nói.

Cách đó không xa là vườn rau của gia đình ông Đặng Văn Tổng, mặc dù mới chuyển đổi sang trồng rau theo hướng công nghệ cao gần 2 năm nay nhưng hiệu quả đã thấy rõ. Theo ông Tổng, tuy số tiền đầu tư ban đầu để xây dựng nhà lưới tương đối lớn nhưng chỉ sau thời gian ngắn áp dụng, mô hình này đã mang lại hiệu quả cao hơn so với cách trồng rau truyền thống bởi rau được trồng nhà màng phát triển tốt, ít sâu, bệnh và hạn chế đến mức thấp nhất việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Ông Đặng Văn Tổng bên vườn cải xanh chẩn bị bước vào vụ mới của gia đình. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Ông Đặng Văn Tổng bên vườn cải xanh chẩn bị bước vào vụ mới của gia đình. Ảnh: Nguyễn Thủy.

“Nếu như trước đây canh tác theo truyền thống, mỗi năm tôi chỉ làm được 3 vụ chủ yếu trong mùa nắng, đến mùa mưa thì vừa làm vừa trông trời trông đất, hên lắm thêm được từ 1 đến 2 vụ, thì hiện nay mỗi năm tôi làm từ 6 - 8 vụ mà không cần xem thời tiết, năng suất rau cũng được cải thiện đáng kể, tăng hơn 30%, giá rau sạch cũng được các thương lái thu mua cao hơn thị trường từ 2.000 - 3.000 đồng/kg. Không chỉ bản thân tôi, các hộ trồng rau ở đây ai cũng phấn khởi và tiếp tục mở rộng diện tích theo hướng công nghệ cao để tăng gia sản xuất”, ông Tổng hồ hởi chia sẻ.

Đời sống vật chất tinh thần người dân xã Phước Hậu nói riêng, huyện Cần Giuộc nói chung ngày càng khởi sắc từ cây rau. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Đời sống vật chất tinh thần người dân xã Phước Hậu nói riêng, huyện Cần Giuộc nói chung ngày càng khởi sắc từ cây rau. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Theo ông Võ Thanh Trai - Chủ tịch Hội nông dân xã Phước Hậu, toàn xã Phước Hậu có 400 ha trồng rau, từ mô hình của ông Oanh, đến nay đã có trên 310 ha sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao mang lại thu nhập ổn định. Hiện thu nhập bình quân đầu người của xã đạt trên 65 triệu đồng/người/năm. Số hộ khá, giàu chiếm trên 70%, qua bình xét hằng năm có rất nhiều nông dân đạt danh hiệu nông dân giỏi các cấp.

“Rau là cây trồng chủ lực không chỉ ở xã Phước Hậu mà còn ở các xã vùng thượng thuộc huyện Cần Giuộc. Do điều kiện thổ nhưỡng nên rau gia vị trồng tại huyện có mùi vị rất đặc trưng, là loại nông sản đã và đang góp phần đáng kể vào chỉ số phát triển kinh tế của địa phương. Nhằm mở rộng diện tích trồng rau ứng dụng công nghệ cao, địa phương đang tiếp tục tuyên truyền, lựa chọn các mô hình, các công nghệ phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương để nhân rộng nhằm đảm bảo hiệu quả kinh tế và tăng thu nhập cho người nông dân”, ông Võ Thanh Trai nhấn mạnh.

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.