| Hotline: 0983.970.780

Làm giàu từ chăn nuôi trên vùng núi đá

Thứ Tư 22/12/2021 , 10:00 (GMT+7)

HÀ GIANG Đó là tấm gương làm giàu từ phát triển chăn nuôi của chị Triệu Mùi Ghến, dân tộc Dao ở thôn Bản Khéc, xã Thượng Sơn, huyện Vị Xuyên (Hà Giang).

Thượng Sơn là xã vùng 3 của huyện Vị Xuyên và là nơi cư trú chủ yếu của đồng bào các dân tộc thiểu số như Tày, Dao, Nùng… Đây cũng là xã có điều kiện tự nhiên khó khăn, diện tích đất tự nhiên chủ yếu là đồi núi, tỷ lệ hộ đói nghèo còn cao. Nhưng tại Thượng Sơn, cũng đã xuất hiện các gương nông dân làm kinh tế giỏi, từng bước thoát nghèo và vươn lên làm giàu, điển hình là gia đình chị Triệu Mùi Ghến.

Từ năm 2015, nhờ biết tận dụng thế mạnh của gia đình có diện tích vườn đồi rộng, chị Ghến đã bàn với gia đình đẩy mạnh trồng cỏ để phát triển chăn nuôi gia súc hàng hóa. Sau khi trồng trên 1 ha cỏ voi, năm 2016, gia đình chị Ghến mua 4 con bê con và 10 con dê giống về nuôi.

Vừa phát triển chăn nuôi, chị Ghến vừa tham gia học hỏi kinh nghiệm về vệ sinh chuồng trại và công tác tiêm phòng dịch bệnh cho đàn gia súc qua các tài liệu kỹ thuật và kinh nghiệm chăn nuôi của các hộ gia đình đã thành công tại địa phương. Nhờ đó, đàn gia súc của gia đình chị Ghến phát triển tốt.

Trong chuồng chị Ghến bao giờ cũng có đàn bò hàng chục con. Chị trồng ngô, cỏ để đảm bảo nguồn thức ăn cho bò. Ảnh: Văn Phú.

Trong chuồng chị Ghến bao giờ cũng có đàn bò hàng chục con. Chị trồng ngô, cỏ để đảm bảo nguồn thức ăn cho bò. Ảnh: Văn Phú.

Sau hơn 1 năm phát triển chăn nuôi bò và đàn dê, đến tháng 4/2017, chị Ghến bán 3 con bò và 4 con dê (1 con bò cái và 6 con dê được chị giữ lại làm giống) được gần 140 triệu đồng. Thấy chăn nuôi bò và dê có lãi, từ giữa năm 2017, chị Ghến tiếp tục mở rộng diện tích trồng cỏ và diện tích chuồng trại để phát triển nuôi thêm trâu, bò và đàn dê.

Ngoài phát triển chăn nuôi trâu, bò và đàn dê, từ cuối năm 2017, gia đình chị Ghến phát triển chăn nuôi thêm lợn, gà thả đồi và đào trên 1.500 m2 mặt nước để nuôi thả cá.

Chị Ghến cho biết, mặc dù gia đình sống ở vùng có điều kiện tự nhiên khó khăn nhưng lại có điều kiện đồi núi rộng để phát triển chăn nuôi gia súc gắn với trồng cỏ. Cũng nhờ có diện tích đồi núi rộng nên gia đình thường chăn nuôi gia súc theo hình thức bán chăn thả, tức là trong một tuần gia đình thường cho gia súc lên đồi kiếm thức ăn khoảng 2 – 3 ngày, còn lại là nhốt cho ăn trong chuồng.

Chăn thả như vậy sẽ giúp gia súc phát triển tốt, thích ứng với các điều kiện khí hậu tự nhiên và tăng đề kháng do được vận động. Bên cạnh đó, phải đảm bảo giữ cho chuồng trại gia súc thoáng mát vào mùa hè và kín gió để giữ ấm vào mùa đông.

Khi chuẩn bị vào mùa đông, chị Ghến có biện pháp chủ động dự trữ nguồn thức ăn cho gia súc, kể cả nguồn thức ăn thô xanh như rơm khô, cỏ ủ chua và thức ăn tinh như bột ngô, cám gạo…

Riêng về kỹ thuật chăn nuôi gà thả đồi, chị Ghến sử dụng phân trâu, bò để nuôi giun quế làm nguồn thức ăn động vật bổ sung dinh dưỡng cho đàn gà. Vì vậy, gà thả đồi của gia đình chị Ghến lớn nhanh, có chất lượng thịt thơm ngon và bán được giá cao.

Khi được hỏi về thu nhập, chị Ghến cho biết: Từ năm 2019 đến nay, một năm gia đình thường xuất bán gia súc, gia cầm thành nhiều lứa, sau đó mua thêm giống mới nuôi bổ sung. Bình quân thu nhập từ chăn nuôi trâu, bò, dê, lợn, gà và cá mỗi năm vào khoảng trên 550 triệu đồng, sau khi trừ các khoản chi phí như giống, thức ăn, thuốc thú y... còn lãi khoảng 300 triệu đồng.

Được biết, ngoài phát triển chăn nuôi tổng hợp cho thu nhập cao, gia đình chị Ghến còn trồng trên 1,5 ha ngô ruộng và ngô nương, gieo cấy gần 1 ha lúa. Lượng lương thực thu được từ trồng trọt được chị Ghến dùng cho sinh hoạt gia đình và phục vụ cho phát triển chăn nuôi.

Anh Lý Văn Sinh, Chủ tịch UBND xã Thượng Sơn cho biết: Gia đình chị Triệu Mùi Ghến là hộ gia đình dân tộc Dao có nguồn thu nhập cao và làm giàu điển hình của xã từ phát triển chăn nuôi. Chị Ghến không chỉ là người chăn nuôi gỏi mà còn là một tấm gương tận tình giúp đỡ các hộ gia đình trong thôn Bản Khéc cùng phát triển kinh tế để nâng cao thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo.

"Đối với những gia đình khó khăn, chị Ghến luôn sẵn sàng giúp đỡ về vốn và kinh nghiệm chăn nuôi để giúp họ vượt qua khó khăn. Trong những năm qua, chúng tôi đã lấy gương của gia đình chị Ghến để tuyên truyền cho mọi người trong xã học tập và làm theo", anh Lý Văn Sinh nói.

Xem thêm
Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Lão nông tự tạo chế phẩm tăng độ bám dính thuốc bảo vệ thực vật

Trong bối cảnh nhiều hộ trồng cam tại Cao Phong, Hòa Bình đang lao đao vì dịch bệnh thì vườn cam của ông Phạm Văn Cường lại xanh tốt, gây ấn tượng mạnh cho tôi.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.