Thứ trưởng Thường trực Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn cho rằng, Việt Nam phải đảm bảo minh bạch xuất xứ mặt hàng gỗ, đây là việc không chỉ với Mỹ mà với tất cả các thị trường quốc tế nhằm đảm bảo uy tín, yêu cầu của thị trường. |
Làm việc với các doanh nghiệp, hiệp hội chế biến, xuất khẩu gỗ tại Việt Nam ngày 11/9 tại Hà Nội, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, nhìn rộng ra toàn cảnh đây là cơ hội lớn cho ngành gỗ và lâm sản của Việt Nam bứt phá.
Do đó, Bộ trưởng đề nghị các hiệp hội phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành địa phương phân tích, nhận diện thật kỹ thực tại, xu thế, bởi trong tương lai kinh tế lâm nghiệp chắc chắn sẽ là mũi nhọn kinh tế quan trọng, một đặc sản chủ lực của kinh tế Việt Nam.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị các doanh nghiệp, hiệp hội cần xác định và hướng tới một nền kinh tế lâm nghiệp toàn diện đúng nghĩa chứ không chỉ đơn thuần là gỗ mà phải đa dạng hóa sản phẩm cả lâm sản ngoài gỗ và trong chính sản phẩm chế biến từ gỗ.
“Hiện nay có những bộ sản khung tranh bằng gỗ đang được bày bán, đấu giá hàng chục, thậm chí cả trăm triệu đồng, giá trị chất xám rất cao, do đó các doanh nghiệp phải không ngừng đổi mới, sáng tạo, phải làm sao phải đưa được cả văn hóa kết tinh trong sản phẩm gỗ xuất khẩu. Không tự dưng ngày xưa các cụ nhà ta dùng từ là “lâm thổ sản” mà lâm sản đặc sản gắn với thổ nhưỡng của ta rất đa dạng, phong phú, vấn đề là chúng ta có khai thác về chế biến sâu được đến đâu.” - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chia sẻ.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, lâm nghiệp Việt Nam sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và nên định hướng phát triển theo hướng lợi thế lâm sản bản địa cho từng khu vực, địa phương. |
“Việc liên kết giữa doanh nghiệp Việt vơi doanh nghiệp Việt, giữa doanh nghiệp Việt với doanh nghiệp FDI… ở thời điểm này là hết sức cần thiết. Ngành lâm nghiệp muốn đột phá phải hình thành chuỗi và liên kết với nhau chặt chẽ, đoàn kết hơn nữa để phát huy tiềm năng, lợi thế của từng vùng và từng doanh nghiệp, nhất là khi Hiệp định VPA/FLETG đã được Chính phủ Việt Nam và EU chính thức phê chuẩn.” - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường. |
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng lưu ý, việc ngành lâm nghiệp luôn xuất siêu và giá trị kim ngạch xuất khẩu luôn đứng đầu lĩnh vực nông nghiệp những năm gần đây đặt trong bối cảnh chiến tranh thương mại cần được đánh giá, nghiên cứu kỹ lưỡng.
Hiện nay, trong giao dịch thương mại quốc tế, việc xuất khẩu tăng trưởng quá nóng và cán cân thương mại chênh lệch quá lớn cũng là một rủi ro cần phải chủ động có biện pháp ngăn chặn để không xảy ra tình trạng trục lợi, đội lốt, không để mạo danh truy suất, thậm chí có hàng rào kỹ thuật.
Do đó, Bộ trưởng đặc biệt nhấn mạnh vai trò phát hiện, cầu nối, kiến nghị của các doanh nghiệp, hiệp hội để bảo vệ quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp Việt Nam cùng sự phát triển bền vững của ngành hàng gỗ và lâm sản.
Để tránh việc gian lận xuất xứ, tới đây các cơ quan quản lý nhà nước sẽ tăng cường kiểm tra nên đi kèm với đó là việc doanh nghiệp ván dăm sẽ phải chịu việc tăng một số thủ tục hành chính nhất định, nhưng đây là việc bắt buộc phải làm. |
Ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội chế biến gỗ Bình Dương (BIFA) hoàn toàn nhất trí quan điểm, chủ trương của bộ trưởng về việc, các doanh nghiệp chế biến gỗ tại Việt Nam hiện nay cần phải liên kết, hợp tác chặt chẽ với nhau hơn nữa, kể cả doanh nghiệp FDI nhằm phát huy lợi thế, sức mạnh. Theo ông Hiệp, với xu thế hiện nay cần phải có những khu công nghiệp chuyên ngành, chuyên sâu cho từng ngành hàng như ngành chế biến gỗ để các hạng mục logistics, liên kết thực sự phát huy lợi thế và hiệu quả cao nhất nhằm tăng sức cạnh tranh.
Ông Nguyễn Chiến Thắng, nguyên Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP. HCM (HAWA) thì cho rằng, việc lo ngại Mỹ đánh thuế chống bán phá giá gỗ của Việt Nam thực sự không quá đáng lo ngại mà lo ngại nhất của ngành chế biến gỗ trong tương lai chính là nguồn lao động và bài toán nhân công để phát triển ngành sắp tới. Hiện rất nhiều khu vực làng nghề chế biến gỗ của Việt Nam, điển hình như Đồng Nai có nơi phải dùng tới 80% lao động là người Campuchia.
Các thành viên hiệp hội gỗ trong cả nước kiến nghị các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm soát mặt hàng gỗ dăm có xuất xứ từ Trung Quốc nhằm tránh bị Mỹ áp thuế bán chống bán phá giá. |
Cũng theo các thành viên HAWA, hiện có mặt hàng ván và gỗ dăm dễ bị tác động, ảnh hưởng nếu chính sách thay đổi, thị trường biến động mạnh hay chiến tranh thương mại tiếp tục phức tạp còn các mặt hàng gỗ chế biến như tủ bếp, bàn, tủ, ghế sẽ không ảnh hưởng quá lớn bởi các sản phẩm này của Việt Nam hiện ít có nước nào cạnh tranh được về giá và chất lượng.
Về lo ngại gian lận xuất xứ và thương mại, ông Nguyễn Tôn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (VIETFOREST) cảnh báo, sau 8 tháng Việt Nam xuất khẩu 450.000m3 gỗ dán vẫn là rất lớn và thuộc vấn đề nóng. Trung Quốc hiện có 83 mã hàng gỗ dán, trong đó trùng với Việt Nam 9 mã, song có 2 loại gỗ dán làm từ gỗ cứng và gỗ lá kim, nhưng sản xuất gỗ dán ở Việt Nam chỉ có gỗ cứng và hiện Mỹ đang đánh thuế gỗ dán từ gỗ cứng của Trung Quốc lên tới 184% nên Việt Nam cần hết sức chú ý việc này để tránh bị các doanh nghiệp Trung Quốc lợi dụng xuất xứ.
Theo số liệu Tổng cục Lâm nghiệp công bố, tính đến hết tháng 8/2019 cả nước có 5.424 doanh nghiệp, trong đó có 612 doanh nghiệp FDI, chiếm 11,3% tổng số doanh nghiệp và 4.812 doanh nghiệp trong nước, chiếm 88,7% tổng số doanh nghiệp. Nếu tính riêng các doanh nghiệp trực tiếp xuất khẩu có 2.372 doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ là 2.009 doanh nghiệp, số lượng doanh nghiệp xuất khẩu lâm sản ngoài gỗ là 373 doanh nghiệp. Còn theo số liệu của Tổng cục Hải quan, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản của việt Nam 7 tháng đầu năm 2019 đạt 6,047 tỷ USD, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm 2018. |