| Hotline: 0983.970.780

Làm nông nghiệp công nghệ cao: Hạnh phúc nhân đôi

Thứ Bảy 20/06/2020 , 07:56 (GMT+7)

Đang yên đang lành với công việc thiết kế đồ họa ở chốn phồn hoa, anh bỏ về quê làm nông nghiệp công nghệ cao và đã thành công sau “ba chìm bảy nổi”.

Huỳnh Bảo Diệp (bên phải) đang thụ phấn bằng phương pháp thủ công cho dưa lưới. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Huỳnh Bảo Diệp (bên phải) đang thụ phấn bằng phương pháp thủ công cho dưa lưới. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Sự lựa chọn đầy rủi ro

Huỳnh Bảo Diệp (SN 1988) quê ở thị trấn Tăng Bạt Hổ (huyện Hoài Ân, Bình Định) tốt nghiệp đại học Khoa công nghệ thông tin. Diệp có công việc ổn định ở TP.HCM với nghề thiết kế đồ họa. Vậy mà bỗng dưng Diệp bỏ cái nghề sang trọng mà bao bạn trẻ mơ ước để về quê làm… nông nghiệp.

Nghe ngóng, Diệp biết ở Quảng Ngãi có người trồng thành công hoa ly, loài hoa tưởng chừng chỉ có thể trồng ở vùng ôn đới. Thế là Diệp khăn gói lên Đà Lạt ở mấy tháng để học nghề.

Năm 2012, Diệp xin cha mẹ 20 triệu đồng làm vốn đầu tư trồng hoa ly bán tết. Mới khởi nghiệp đã thất bại, Diệp lại khăn gói lên Đà Lạt, tìm đến các nhà vườn chuyên nghiệp để tìm nguyên nhân dẫn đến thất bại của mình.

Khi ấy Diệp mới vỡ lẽ: “Tôi bê nguyên quy trình trồng hoa ly ở Đà Lạt về Hoài Ân làm là sai lầm. Bởi chu kỳ sinh trưởng của hoa ly ở Đà Lạt là 80 ngày, còn trong thời tiết nắng nóng như ở Hoài Ân thì thời gian sinh trưởng chỉ còn 60 ngày, quy trình chăm sóc phải khác đi thì mới đạt. Sau 2 tháng “nằm vùng” tại Đà Lạt, tôi xây dựng cho riêng mình quy trình trồng hoa ly trong điều kiện nắng nóng”, Diệp tâm sự.

Thất bại không khiến Diệp nản lòng. Để cung ứng cho vụ hoa tết năm 2014, Diệp tiếp tục đầu tư trồng 700 chậu hoa ly. Với quy trình mới, vụ hoa này Diệp có được thành công đầu tay, sau khi trừ hết chi phí Diệp cầm trong tay được 100 triệu đồng tiền lãi. Hầu bao rủng rỉnh tiền, Diệp tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất.

Năm 2015, Diệp lên thuê đất nằm gần hồ chứa nước Thạch Khê thuộc xã Ân Tường Đông (huyện Hoài Ân) xây dựng nhà màng tiếp tục công cuộc trồng hoa ly. Sự dịch chuyển vùng sản xuất này lại 1 lần nữa khiến Diệp bị thất bại.

“Hoa ly rất nhạy cảm với thời tiết, trong khi nhiệt độ ở vùng đất gần hồ Thạch Khê thấp hơn nhiệt độ ở thị trấn Tăng Bạt Hổ, nơi tôi trồng hoa ly trước đó, trong khi quy trình chăm sóc tôi áp dụng như nhau nên tôi bị thất bại ở nơi trồng mới”, Diệp bộc bạch.

Huỳnh Bảo Diệp tâm sự với PV về nghề  làm nông nghiệp công nghệ cao. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Huỳnh Bảo Diệp tâm sự với PV về nghề  làm nông nghiệp công nghệ cao. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Theo Diệp, hoa ly trong giai đoạn chuyển đổi sinh trưởng thường bị bệnh cháy lá sinh lý từ tuần thứ 2 đến tuần thứ 3.

“Khi những chiếc lá cuối cùng của mầm hoa ly sắp tách hết để nụ hoa nhô ra ngoài thì những lá này bị cháy. Bởi, những chiếc lá này rất mỏng, tế bào diệp lục của chúng rất yếu, gặp thời tiết nắng nóng sẽ bị cháy. Nếu không kịp thời dùng thuốc để làm cho tế bào lá trở nên khỏe hơn thì hoa sẽ bị hư. Như đứa trẻ đến thời kỳ mọc răng, nếu có sức đề kháng tốt thì sẽ không bị sốt. Chăm hoa ly phải như chăm đứa trẻ vậy”, Diệp minh họa.

Thất bại không làm Diệp nản lòng, sau khi nắm bắt kỹ thuật chăm sóc hoa ly trong điều kiện khí hậu mới, năm 2016 Diệp mạnh dạn mở rộng sản xuất với 4.000 chậu để kiếm vốn đầu tư nhà kính. Năm ấy hoa ly của Diệp phát triển chuẩn nhất so từ trước đến giờ, rất đẹp. Chưa kịp mừng thì mùa lũ quá dữ dội, khiến cây cầu dẫn về thị trấn Tăng Bạt Hổ bị sập, đường vận chuyển hoa đi tiêu thụ bị cắt, lại thất bại.

Hoa ly Huỳnh Bảo Diệp trồng phát triển tốt trong điều kiện khí hậu nhiệt đới. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Hoa ly Huỳnh Bảo Diệp trồng phát triển tốt trong điều kiện khí hậu nhiệt đới. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Cứ thua keo này Diệp bày keo khác và cuộc đời không phụ người kiên trì.

“Từ năm 2016 đến nay thất bại đã “né” tôi, mấy năm thành công liên tiếp đã cho tôi khoản tiền lãi 2 tỷ đồng, đủ bù đắp các khoản đầu tư hạ tầng cho 2 cơ sở nhà kính rộng hơn 2.000m2 ở xã Ân Tường Đông và thị trấn Tăng Bạt Hổ.

Hiện đất tôi thuê và cả vườn nhà tôi đang có trong tay gần 5ha đất, đủ điều kiện để tôi mở rộng mô hình nông nghiệp công nghệ cao”, Diệp chia sẻ.

Tương lai rộng mở

Từ cuối năm 2018, một số sản phẩm của của Diệp đã được tiêu thụ thị trường trong và ngoài tỉnh. Để đi đến sự phát triển lâu dài, Diệp đang thực hiện các thủ tục đăng ký bảo hộ sản phẩm, tem truy xuất, hoàn thiện nhãn mác, logo.

Hiện nay, ngoài trồng hoa ly bán tết, Diệp còn trồng dưa leo baby, dưa lưới, dưa lê Hàn Quốc, dưa hấu treo giàn, cà chua socola… Tất cả đều là những sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Môi trường canh tác các loại rau dưa do Diệp sản xuất đều ở trong nhà màng, sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt.

Việc quản lý sản xuất được theo dõi, có nhật ký giám sát chặt chẽ, cho phép truy xuất nguồn gốc sản phẩm đến tất cả các giai đoạn.

Sản phẩm nông nghiệp của Diệp không phải lo lắng về đầu ra, bởi trước khi đầu tư mở rộng quy mô sản xuất anh đã cất công tìm kiếm thị trường, cầm trước đơn hàng.

“Trong một chuyến về quê nội ở miền Bắc, vợ chồng tôi đi tìm hiểu thị trường, nắm bắt thị hiếu của người tiêu dùng, sau đó làm việc với một số đối tác. Ngoài nhờ chất lượng đáng tin cậy, sản phẩm của tôi thu hút được nhiều khách hàng là còn nhờ chi phí vận chuyển từ Bình Định ra các tỉnh miền Bắc thấp hơn 1 nửa so với nhập hàng từ miền Nam, hơn nữa, đường vận chuyển ngắn nên sản phẩm được bảo quản tốt hơn”, Diệp cho hay.

Dưa lưới trong nhà kính của Huỳnh Bảo Diệp đang cho quả rất đẹp. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Dưa lưới trong nhà kính của Huỳnh Bảo Diệp đang cho quả rất đẹp. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Hiện Diệp có 1 khu nhà lồng diện tích 1.000m2 trồng dưa lưới, sản phẩm đang rất được thị trường miền Bắc ưa chuộng và 1 nhà lồng cũng rộng 1.000m2 trồng các loại rau, dưa khác.

Chỉ tính riêng dưa lưới, với 1.000m2, mỗi vụ cho Diệp thu hoạch 4 tấn quả. Dưa lưới mỗi năm làm 4 vụ, vị chi cho Diệp thu hoạch 16 tấn quả. Hiện dưa lưới có giá 30.000 đồng/kg, 16 tấn dưa lưới mỗi năm cho Diệp khoản thu 480 triệu đồng, sau khi trừ chi phí 200 triệu, Diệp còn bỏ vào “hầu bao” khoản lãi ròng 280 triệu.

Các loại rau, dưa khác Diệp trồng theo thời vụ, mỗi năm cho thêm Diệp khoản lãi ròng 120 triệu đồng nữa. Thêm vào đó, mỗi năm Diệp trồng khoảng 11.000 cành hoa ly bán tết, khoản lãi thu thêm được 200 triệu đồng nữa, vị chi mỗi năm Diệp tổng thu lãi ròng khoảng 600 triệu.

Dự kiến cuối năm 2020 Diệp sẽ xây dựng 1 cửa hàng trưng bày và bán sản phẩm tại thị trấn Tăng Bạt Hổ, đồng thời liên kết với một số cửa hàng bán lẻ để đẩy mạnh tiêu thụ tại thị trường Bình Định. Diệp còn lên kế hoạch nhân rộng để đáp ứng được những đơn hàng lớn từ phía đối tác ở Đà Nẵng.

Khu nhà kính rộng 1.000m2 ở cạnh hồ chứa nước Thạch Khê đang trồng dưa lưới. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Khu nhà kính rộng 1.000m2 ở cạnh hồ chứa nước Thạch Khê đang trồng dưa lưới. Ảnh: Vũ Đình Thung.

“Con đường phía trước còn rất dài, nhưng tôi tự tin sẽ có được kết quả tốt. Khi tôi rời bỏ chốn phồn hoa đô hội về quê, lên núi làm nông nghiệp, nhiều người làng nhỏ to với nhau rằng “nó bị điên rồi”.

Họ càng khẳng định tôi điên khi tôi không có chút kiến thức gì về nông nghiệp, vậy mà đi làm nông nghiệp công nghệ cao. Khi ấy ai cũng nghĩ là tôi cầm chắc thất bại lớn. Thực tế chứng minh họ đã nghĩ sai. Tôi rút ra được kinh nghiệm là khi mình đã yêu nghề, tâm huyết với nghề và kiên trì thì khó khăn nào cũng vượt qua”, Diệp bộc bạch.

“Trong muôn kiểu làm giàu, nông nghiệp là lĩnh vực gian nan nhất, bởi đối mặt với nhiều rủi ro, thời gian thu hồi vốn lại dài. Người yêu nông nghiệp đến mấy cũng ít ai dám đi theo hướng này. Làm nông nghiệp công nghẹ cao càng “xương xẩu”, thế nhưng khi thành công thì hạnh phúc nhân đôi”, Huỳnh Bảo Diệp tâm sự.

Xem thêm
Nở rộ nuôi dúi ở Bắc Kạn

Các mô hình nuôi dúi đang phát triển khá nhanh ở Bắc Kạn, tuy nhiên việc tiêu thụ phụ thuộc hoàn toàn vào tư thương nên cần tính toán kỹ lưỡng trước khi đầu tư.

Tỷ lệ tiêm phòng vacxin tăng, nguy cơ bệnh dại sẽ giảm

Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Bình đang tập trung, dồn lực tăng cường quân số về các địa phương hỗ trợ tiêm vacxin phòng, chống bệnh dại.

Giá ớt giảm mạnh, nông dân không buồn thu hoạch

QUẢNG NGÃI Dù mới bước vào đầu vụ nhưng giá ớt giảm mạnh. Bên cạnh đó, một số diện tích sụt giảm năng suất khiến nông dân đứng trước nguy cơ thua lỗ, không buồn thu hoạch.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất