| Hotline: 0983.970.780

Làm quan không kiêu, làm 'lính võng' không nản

Thứ Năm 23/08/2018 , 15:05 (GMT+7)

Trong suốt quãng đời cống hiến phục vụ triều đình nhà Nguyễn, Lê Đại Cang có lần từ vị trí “đại quan” bị cách chức, đưa xuống làm lính khiêng võng, khiêng cáng tại An Giang – Hà Tiên trong những năm 1832 – 1838.

Từ áo mão cân đai xuống làm lính khiêng võng

Các hậu duệ đang trông coi từ đường nhà họ Lê ở thôn Luật Chánh, xã Phước Hiệp (huyện Tuy Phước, Bình Định) kể lại rằng, trong những thứ đồ mang theo khi từ quan hồi hương, Lê Đại Cang quý nhất là thanh đại đao và chiếc đòn khiêng võng. Thanh đại đao vì quá thiêng, gây hoảng sợ cho những người trong gia tộc nên đã bị ông ném xuống vực Ông Đô, nay là ngã 3 cầu Ông Đô nối quốc lộ 1A với thị trấn Tuy Phước (huyện Tuy Phước). Còn chiếc đòn khiêng võng là kỷ vật đã gắn bó với Lê Đại Cang trong hai lần ông bị cắt chức xuống làm lính, hiện đang được Bảo tàng tỉnh Bình Định lưu giữ.

10-55-27_3
Đòn khiêng võng Lê Đại Cang mang về khi hồi hương

Khi Lê Đại Cang giữ chức Tổng đốc An Giang - Hà Tiên kiêm Tham tán Đại thần bảo hộ Cao Miên thì dân Cao Miên nổi loạn, quân triều Nguyễn phải rút hết về An Giang. Trong lúc binh biến, do không có mặt tại Nam Vang nên Lê Đại Cang bị triều đình quy tội “khinh nhờn”, bị cách chức Tuần phủ An Giang kiêm Trần Tây tham tán Đại thần xuống làm lính, sau đó được điều đến phục vụ tại quân thứ Hải Đông thuộc đạo Trà Gi, đây là lần thứ 2 ông phải làm lính khiêng võng. Khi ấy, ông đã gần 70 tuổi, nhưng phải làm quân khiêng võng cho các quan giải tù.

Vào tháng 2/1838, loạn người Chân Lạp nổi lên ở Hải Đông, Khai Miên, thổ binh ở đây theo loạn đảng. Lúc này, tại đạo Trà Gi quân thứ Hải Đông rất yếu, Lê Đại Cang “quên mình” là lính khiêng võng, đã mở lời xin quan phụ trách đạo Trà Gi cho đứng ra huấn luyện binh đội ở đây từ yếu thành mạnh, hừng hực sức chiến đấu. Từ đó, ông đem đội quân đạo Trà Gi kéo tới hợp với binh triều của Trương Minh Giảng, Dương Văn Phong đánh dẹp loạn đảng và giặc Xiêm.

Thắng trận, Trương Minh Giảng và Dương Văn Phong đem công trạng này tâu vua Minh Mạng, những mong vua cho Lê Đại Cang đoái công chuộc tội. Không ngờ nhà vua đã không bằng lòng, mà còn truyền rằng: “Đại Cang bị cách hiệu, sao dám tự tôn mình là đại tướng, chẳng sợ phép nước, chẳng kiêng công luận. Vậy Đại Cang phải tội trảm giam hậu (án giam chờ chém), Trương Minh Giảng bị giáng xuống làm Binh bộ thượng thư, còn Dương Văn Phong bị giáng 3 cấp”. Cuối năm 1838, Lê Đại Cang bị đưa về triều giam ít lâu rồi bị phát vãng đi đồn điền Nguyên Thượng.

10-55-27_1
Mô hình chi tiết đòn khiêng của “lính võng” Lê Đại Cang treo tại từ đường nhà họ Lê

Năm Thiệu Trị thứ nhất, tháng 7/1841, Lê Đại Cang được vua Thiệu Trị phục chức Viên ngoại lang, khâm sai Bắc kỳ biện lý bang giao sứ vụ lo việc bang giao với Trung Quốc. Hoàn thành tốt nhiệm vụ, ông được thăng thự Bố chánh sứ Hà Nội.
 

Nhân cách kẻ sĩ 

Lê Đại Cang được chính sử triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, ghi chép nhiều trong 6 tập sách. Tổ tiên Lê Đại Cang gốc ở Nghệ An, thủy tổ là Lê Công Triều, một người từng làm quan hiển hách ở triều Lê. Chú ruột ông là Lê Công Miễn (1739 - 1800) là thầy học của 2 vua Thái Đức (Nguyễn Nhạc) và Cảnh Thịnh (Nguyễn Quang Toản) nhà Tây Sơn, làm quan đến Thượng thư Bộ Hình triều Cảnh Thịnh.

Khi lên 5 tuổi, Lê Đại Cang được cha mẹ đưa ra kinh đô Phú Xuân gặp người thân, đúng vào thời điểm xảy ra cuộc chiến Đàng Trong (chúa Nguyễn) và Đàng Ngoài (chúa Trịnh), khiến gia đình phải ở lại Huế, không thể về quê Luật Chánh ở Bình Định được. Hơn 10 năm ở lại Huế trước khi trở lại quê hương, ông được cha kèm cặp kinh sách Nho giáo. Khi trở về Luật Chánh, ông theo học thầy Nguyễn Tử Nghiễm, thời Tây Sơn làm quan Thị giảng, cha của Nguyễn Tử Diệu, Thượng thư bộ Hình của triều Nguyễn. Sau đó theo học thầy Đặng Đức Siêu, sau làm Thượng thư bộ Lễ của triều Nguyễn.

Trong năm 1792, cha mẹ ông bị bệnh rồi nối nhau qua đời. Lê Đại Cang bèn vừa vừa dạy vừa tự học để mưu sinh. Thời bấy giờ, ông đã được người làng khen tặng là người văn võ song toàn. Khi Nguyễn Ánh thống nhất đất nước, lên ngôi và đặt niên hiệu Gia Long (1802), Lê Đại Cang, khi đó đã 31 tuổi, được Hữu quân Bình Tây tướng quân Quận công Nguyễn Huỳnh Đức và Hình bộ Thượng thư Tham tri Nguyễn Hoài Quỳnh tiến cử. Ông được bổ chức Tri huyện Tuy Viễn. Trong “Lê thị gia phả”, Lê Đại Cang viết: “8 năm làm tri huyện Tuy Viễn, tôi vẫn áo vải quần thô”. Ấy vậy mà ông lại bị vu là tham quan, bị triều đình cách chức. May nhờ hậu quân Lê Chất minh oan ông mới được phục chức.

Năm 1811, Lê Đại Cang được điều ra Bắc Thành làm Binh bộ Thiêm sự, lo việc từ chương. Đến thời Minh Mạng được sung chức Biện lý bang giao sứ sự ở công quán Gia Quất, lo việc đón tiếp sứ nhà Thanh. Việc bang giao tốt đẹp, ông được thăng chức Hiệp trấn Sơn Tây.

10-55-27_2
Mộ của Đệ nhất phu nhân Lê Đại Cang bà Phạm Thị Đoan nằm kế cận lăng của ông

Giỏi tính toán, lại giỏi cả từ chương nên tháng 9/1831, Lê Đại Cang được cử làm chủ khảo khoa thi hương ở trường thi Hà Nội. Trong số hơn 20 người đỗ cử nhân ở trường thi này có Cao Bá Quát. Tháng 10/1831, ông được quyền giữ ấn triện Tổng trấn Bắc Thành và thăng làm thự Binh bộ Thượng thư, Đô sát viện Hữu đô ngự sử. Được vua giao lo phụ trách việc chia lại các hạt Bắc Thành. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ lãnh chức Tổng đốc Sơn – Hưng – Tuyên (ba tỉnh Sơn Tây, Hưng Hóa, Tuyên Quang) kiêm Tuần phủ Sơn Tây, nổi tiếng là chính sự giỏi. Giữa khi đó, ông bị dân hạt Sơn Tây vu tội tham nhũng. Vua cho tra xét thấy ông bị vu oan nên tiếp tục cho ông kiêm lĩnh Tổng đốc Hà Nội - Ninh Bình.

Từ Bắc, ông lại được điều vào làm Tổng đốc An Giang – Hà Tiên, kiêm lĩnh ấn “Bảo hộ Chân Lạp quốc”. Lúc này, An Giang là tỉnh mới đặt. Vua muốn Lê Đại Cang phủ dụ nước Chân Lạp (Campuchia) và khống chế nước Xiêm (Thái Lan). Nhiệm vụ nặng nề nhưng ông đã hoàn thành. Ông còn chủ trì xây mới thành An Giang, chấn chỉnh quân đội, huấn luyện binh sĩ. Đồng thời chủ trì khai mở đường thủy từ sông Tiền Giang ở Tân Thành thẳng đến sông Hậu Giang ở Châu Đốc dài hơn 3.000 trượng. Chiêu mộ được 10 đội quân Phiên (Chân Lạp) và xin triều đình được đặt tên là cơ An Biên.

Tháng 10/1842, năm ông 72 tuổi, Lê Đại Cang xin về hưu, được vua Thiệu Trị chuẩn y. Năm 1842, Lê Đại Cang hồi hương. Ông khôi phục từ đường họ Lê ở làng Luật Chánh, lập ra chùa Giác Am để tu tâm dưỡng tính và lấy hiệu là Giác Am cư sĩ và lập Văn chỉ Tuy Phước làm nơi tụ họp văn nhân Tuy Phước khuyến tài khuyến học.

Xem thêm
Sống lại ký ức hào hùng trên tuyến đường 1C huyền thoại

KIÊN GIANG Tuyến đường 1C nối đường Hồ Chí Minh trên bộ nhằm vận chuyển hàng hóa, vũ khí, thuốc cứu thương, nhu yếu phẩm và đưa rước cán bộ chi viện cho chiến trường miền Nam.

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị: Điều tra, xử lý nghiêm hành vi gây cháy rừng

Ngày 28/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Quốc Trị đã có buổi làm việc với tỉnh Hà Giang về tình hình sản xuất nông nghiệp và công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Ùn tắc bến phà ra đảo Cát Bà dịp 30/4 và 1/5

HẢI PHÒNG Ngày 28/4, hàng nghìn người đã ùn ùn đổ về bến phà Đồng Bài để ra đảo Cát Bà khiến giao thông tắc nghẽn.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm