| Hotline: 0983.970.780

Làm sạch môi trường, giảm rủi ro cho người nuôi cá lồng

Thứ Sáu 27/09/2024 , 09:50 (GMT+7)

Tuyên Quang Sau lũ, nguy cơ dịch bệnh cho đàn cá nuôi trên sông, hồ là rất lớn. Thực hiện tốt các biện pháp cải thiện môi trường sẽ giảm thiểu rủi ro cho người nuôi.

Sau lũ, nguồn nước trên sông Lô bị ô nhiễm, ảnh hưởng đến môi trường sống của cá lồng được nuôi trên sông. Ảnh: Đào Thanh.

Sau lũ, nguồn nước trên sông Lô bị ô nhiễm, ảnh hưởng đến môi trường sống của cá lồng được nuôi trên sông. Ảnh: Đào Thanh.

Trận lũ lụt đầu tháng 9 vừa qua khiến toàn tỉnh Tuyên Quang có 415 lồng, bè cá của người dân bị thiệt hại, tập trung nhiều nhất tại huyện Chiêm Hóa, Sơn Dương, Na Hang, thành phố Tuyên Quang…

Lũ lụt, ngập úng do bão số 3 dù đi qua được hơn 10 ngày, tuy nhiên, nước trên khu vực hồ thủy điện Tuyên Quang và sông Lô, Gâm vẫn còn ô nhiễm, tiềm ẩn dịch bệnh, ảnh hưởng đến sức khỏe của cá được nuôi trong các lồng bè.

Ông Nguyễn Đăng Khoa, Chi cục phó Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản Tuyên Quang cho biết, nguy cơ bùng phát dịch bệnh sau mưa bão, lũ lụt thường rất lớn. Do đó, sau bão lũ, Chi cục đã phối hợp với các địa phương hướng dẫn hộ nuôi cá lồng kiểm tra các yếu tố môi trường nơi đặt lồng, bè nuôi, đảm bảo chỉ tiêu môi trường nằm trong ngưỡng cho phép.

Đối với lồng, bè bị hư hỏng do bão, lũ lụt gây ra, cần kiểm tra và khẩn trương sửa chữa, cải tạo lại lồng, bè; vệ sinh, khử trùng khu vực nuôi sau khi lũ lụt; thường xuyên bổ sung vitamin C và khoáng chất nhằm tăng sức đề kháng cho cá và định kỳ xử lý môi trường nước khu vực nuôi.

Chi cục cũng hướng dẫn các hộ nuôi cá lồng, bè thực hiện treo túi vôi trong các lồng cách mặt nước khoảng 1/2 độ sâu của nước trong lồng, liều lượng sử dụng là 2-4 kg vôi/10m3 nước. Khi vôi tan hết lại tiếp tục treo túi khác, bổ sung vitamin C và khoáng chất vào thức ăn, cho ăn 3-5 ngày liên tục để tăng cường sức đề kháng cho cá.

Những hộ nuôi cá lồng thường xuyên theo dõi tình trạng sức khỏe của cá sau mưa lũ đi qua. Ảnh: Đào Thanh.

Những hộ nuôi cá lồng thường xuyên theo dõi tình trạng sức khỏe của cá sau mưa lũ đi qua. Ảnh: Đào Thanh.

Nửa tháng nay, gia đình anh Lê Anh Minh, hộ nuôi cá lồng tại phường Nông Tiến, thành phố Tuyên Quang, luôn tất bật công tác vệ sinh các lồng cá, đan lại những lồng bị rách do nước lũ khiến cây cối cuốn vào lồng đâm thủng.

Anh Minh cho biết, trận lũ vừa rồi, gia đình mất khoảng 1 tạ cá cùng nhiều lồng bị hư hỏng. Ngay sau khi nước rút, ngày nào anh cũng sát sao việc kiểm tra tình trạng sức khỏe của cá. Theo hướng dẫn của cán bộ chuyên môn, anh chủ động lấy vôi bột vệ sinh khu lồng nuôi. Bởi sau mưa lũ, cá nuôi thường mắc một số loại bệnh như: xuất huyết do vi khuẩn, trùng bánh xe, nhiễm khuẩn đường ruột... Nếu không để ý, dịch bệnh lan rộng sẽ rất khó kiểm soát.

Tại huyện Na Hang, trận lũ lụt vừa qua khiến 26 lồng cá của người nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng. Sau khi lũ rút, nguồn nước bị bùn đất, rác thải, cây cối… từ các nơi đổ về ảnh hưởng đến môi trường sống của cá.

Anh Vi Anh Đức, Phó giám đốc Công ty TNHH MTV Thủy sản Nhật Nam, huyện Na Hang, cho biết, sau lũ, cá thường hay xuất hiện dịch bệnh. Để làm sạch nguồn nước, công ty huy động nhân viên thực hiện vớt rác, cành cây, xác động vật trôi dạt xung quanh khu vực lồng nuôi, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Công ty cũng thường xuyên theo dõi tình trạng sức khỏe của cá. Trung bình mỗi lồng cá giá trị từ 10 đến cả trăm triệu đồng, do đó, sức khỏe của cá được bảo vệ cũng giúp đảm bảo nguồn tài sản của công ty.

Hiện nay, việc phát triển nghề nuôi cá lồng tại tỉnh Tuyên Quang đóng góp sản lượng mỗi năm khoảng 2.000 tấn. Với đặc điểm tự nhiên về khí hậu và nguồn nước, Tuyên Quang có điều kiện lý tưởng phát triển nghề nuôi trồng các giống cá đặc sản như cá lăng, cá ngạnh, cá chiên, cá bỗng, cá tầm… Việc xử lý kịp thời môi trường nước sau lũ là cấp thiết, nhằm đảm bảo cho cá sinh trưởng, phát triển tốt và bảo toàn được tài sản của các hộ nuôi trồng.

Xem thêm
Nuôi lợn '5 không' - Giải pháp chăn nuôi an toàn dịch bệnh cho nông hộ

Những mô hình chăn nuôi lợn chuẩn '5 không' đang mang lại ít nhất 5 hiệu quả rõ rệt cả về kinh tế, môi trường, dịch bệnh và xã hội.

Đắk Lắk bảo đảm tối thiểu 80% đàn vật nuôi được tiêm đủ vacxin

ĐẮK LẮK UBND tỉnh Đắk Lắk yêu cầu các địa phương phải bảo đảm tối thiểu 80% đàn vật nuôi được tiêm đủ, đúng loại vacxin.

Giá dứa cao, đồng bào phấn khởi

LÀO CAI Giá dứa bán tại nương đạt khoảng 6.000 đồng/kg, tại nhà máy từ 8.000 đồng/kg trở lên. Với mức giá này, người dân huyện Mường Khương phấn khởi vì có lãi cao.

Những mầm xanh vươn lên từ vùng đất khắc nghiệt

SƠN LA Từ nương rẫy bạc màu, chị Hường vươn lên với mô hình ươm cây giống trong nhà màng, mở ra hướng đi bền vững cho nông nghiệp công nghệ cao tại huyện Vân Hồ.

Đại sứ Colombia: ‘Chính sách tốt bắt nguồn từ cơ sở khoa học vững chắc’

Bà Camila nhấn mạnh điều này khi trao đổi với CIAT và cho rằng Chính phủ các quốc gia phải có trách nhiệm trong việc nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo.

150 doanh nghiệp tham gia Analytica Việt Nam 2025

150 doanh nghiệp với 300 gian hàng tham gia Triển lãm Quốc tế lần thứ 8 về công nghệ phân tích, thí nghiệm, chẩn đoán và công nghệ sinh học tại Việt Nam.

Công chiếu phim tài liệu ‘Dưới tán rừng Ngọc Linh’

Bộ phim tài liệu đã tái hiện sinh động về nguồn gốc, quá trình bảo tồn, phát triển loại sâm quý hiếm trên đỉnh núi Ngọc Linh.

Bình luận mới nhất