| Hotline: 0983.970.780

TP.HCM cần sớm triển khai xây dựng trung tâm thủy sản

Thứ Năm 26/09/2024 , 16:13 (GMT+7)

TP.HCM đầu mối quan trọng về logistics, chế biến, xuất khẩu thủy sản phía Nam cũng như cả nước, nhưng vẫn đang thiếu một trung tâm thủy sản thực sự.

Phối cảnh Trung tâm Thủy sản TP.HCM. Ảnh: Thanh Sơn.

Phối cảnh Trung tâm Thủy sản TP.HCM. Ảnh: Thanh Sơn.

Vai trò của TP.HCM đối với xuất khẩu thủy sản thể hiện rõ qua những con số về xuất khẩu. Theo Phân viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản phía Nam, TP.HCM không có lợi thế về nuôi và khai thác thủy sản khi chỉ có 5.076 ha nuôi tôm nước lợ với sản lượng hơn 8.500 tấn và 350 tàu cá. Tuy nhiên, mỗi năm kim ngạch xuất khẩu thủy sản của thành phố đạt 922 triệu USD, chiếm khoảng 10% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước.

Vị thế quan trọng về xuất khẩu thủy sản của TP.HCM là nhờ hạ tầng logistics và chế biến phát triển. Với vị trí địa lý thuận lợi, TP.HCM là cửa ngõ xuất khẩu hàng hóa ra quốc tế thông qua hệ thống cảng biển và sân bay, đồng thời là điểm tập kết và phân phối sản phẩm thủy sản từ các vùng nuôi lớn của ĐBSCL, nơi chiếm hơn 70% sản lượng thủy sản của cả nước.

Đồng thời, TP.HCM cũng là đầu mối nhập khẩu nguyên liệu thủy sản khai thác từ nước ngoài cho chế biến xuất khẩu, với 4/8 cảng biển được chỉ định thực hiện nhiệm vụ này. Bên cạnh đó, Chợ đầu mối Bình Điền tiếp nhận khoảng 1.200 tấn thủy sản tươi sống và 5 tấn thủy sản khô mỗi đêm, chiếm 70-75% nhu cầu thủy sản của TP.HCM, sau đó phân phối qua hệ thống siêu thị và chợ truyền thống.

Tuy là đầu mối quan trọng về logistics, chế biến, xuất khẩu thủy sản, nhưng đến nay, TP.HCM vẫn chưa hình thành một trung tâm phục vụ riêng biệt cho sự phát triển ngành thủy sản, đặc biệt là lĩnh vực chế biến và các dịch vụ hậu cần nghề cá. Điều này dẫn đến việc thiếu hụt cơ sở hạ tầng để giữ chân và thu hút các doanh nghiệp thủy sản đầu tư vào thành phố.

Chính vì vậy, để phát triển ngành logistics thủy sản tại TP.HCM một cách hiệu quả và bền vững, ngoài những giải pháp về chính sách, công nghệ, nhân lực …, cần có những biện pháp cụ thể nhằm thúc đẩy quá trình chuẩn bị và thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng.

Ông Trần Hoài Giang, Phân viện trưởng Phân viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản phía Nam, nhấn mạnh, một trong những giải pháp quan trọng là đẩy nhanh tiến độ lập dự án xây dựng Trung tâm Thủy sản Thành phố. Trung tâm này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc tối ưu hóa các hoạt động từ thu gom, bảo quản, chế biến đến vận chuyển và phân phối thủy sản. Khi dự án được triển khai, TP.HCM sẽ có một hệ thống logistics hiện đại hơn, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của các doanh nghiệp không chỉ trên địa bàn thành phố mà còn ở vùng Đông Nam Bộ và ĐBSCL, góp phần tăng cường năng lực cạnh tranh cho ngành thủy sản của TP.HCM và khu vực phía Nam.

Tại Hội thảo “Trung tâm Thủy sản Thành phố Hồ Chí Minh, vai trò thúc đẩy phát triển chuỗi sản xuất thủy sản bền vững vùng Đông Nam bộ và khu vực ĐBSCL”, do Sở NN-PTNT TP.HCM tổ chức ngày 26/9, ông Nguyễn Xuân Hoàng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, sản lượng thủy sản của thành phố không lớn, nhưng nguồn thủy sản từ các tỉnh, trong đó có thủy sản khai thác, đưa về thành phố rất nhiều và ngành nông nghiệp TP đang phải cấp chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác cho một sản lượng lớn thủy sản được đánh bắt từ tàu cá của các tỉnh. Do đó, việc hình thành Trung tâm Thủy sản Thành phố còn có một ý nghĩa rất quan trọng trong việc tháo gỡ những khó khăn trong thực thi công tác chống khai thác IUU.

Nhiều tỉnh ven biển phía Nam cũng đang giành sự quan tâm tới Trung tâm Thủy sản của TP.HCM, vì khi hình thành, trung tâm sẽ có tính kết nối liên vùng rất cao. Ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Thuận, khẳng định, khi Trung tâm Thủy sản Thành phố đã hình thành, các tỉnh ven biển phía Nam cũng được hưởng lợi.

Dự án Trung tâm Thủy sản TP.HCM nằm bên sông Xoài Rạp. Ảnh: Thanh Sơn.

Dự án Trung tâm Thủy sản TP.HCM nằm bên sông Xoài Rạp. Ảnh: Thanh Sơn.

Dự án Trung tâm Thủy sản TP.HCM đặt tại xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ. Dự án có quy mô 100 ha, gồm 2 phân khu: Khu Cảng cá – Chợ cá (20 ha) và Khu chế biến thủy sản và cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá (80ha).

Vị trí của dự án Trung tâm Thủy sản TP.HCM thuận lợi cho doanh nghiệp chế biến thủy sản tiếp cận, vận chuyển nguyên liệu từ vùng Đông Nam bộ, ĐBSCL, nguyên liệu nhập khẩu cũng như vận chuyển hàng hóa đến tất cả các cảng biển, cảng hàng không trong khu vực thông qua hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy nội địa, các trung tâm logistics hiện hữu và trong quy hoạch, kế hoạch phát triển hạ tầng logistics, giao thông, cảng biển, hàng không của vùng Đông Nam bộ và TP.HCM.

Theo Phân viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản phía Nam, Dự án Trung tâm Thủy sản Thành phố hiện đang gặp phải một số khó khăn chính, đặc biệt liên quan đến tiến độ thực hiện và nguồn vốn đầu tư. Mặc dù đã hoàn thành dự án giải phóng mặt bằng vào năm 2014, nhưng hai dự án thành phần còn lại vẫn chỉ dừng ở giai đoạn quy hoạch và chưa được phê duyệt để đầu tư xây dựng. Điều này có thể xuất phát từ việc gặp khó khăn trong quá trình hoàn thiện các thủ tục pháp lý và cơ chế đầu tư.

Vì vậy, việc triển khai đầu tư xây dựng các hạng mục hạ tầng thiết yếu cho dự án Trung tâm Thủy sản là vô cùng cần thiết để khai thác tối đa tiềm năng phát triển thủy sản của TP.HCM. Khi có sự đầu tư thì mới có thể giúp thành phố tham gia mạnh mẽ vào chuỗi cung ứng, trở thành đầu mối tiêu thụ, xuất khẩu thủy sản.

Bên cạnh đó, có những thay đổi càng càng lớn về quy hoạch giao thông và định hướng phát triển kinh tế của TP.HCM, của ĐNB và ĐBSCL trong tương lai. Vì vậy, việc rà soát và điều chỉnh quy hoạch của Trung tâm Thủy sản Thành phố là hết sức cần thiết, nhằm đảm bảo tính khả thi và sự đồng bộ với các chính sách và quy hoạch mới, đặc biệt là Quyết định số 582/QĐTTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá thởi kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Xem thêm
Nuôi tôm công nghệ cao thích ứng biến đổi khí hậu

QUẢNG TRỊ Trong khi nuôi tôm truyền thống thường xuyên thất bát do biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường thì những hộ nuôi tôm công nghệ cao vẫn ăn nên làm ra.

Hiện đại hóa tàu khai thác giúp nâng cao hiệu quả kinh tế

Nhờ từng bước hiện đại hóa đại hóa tàu khai thác, hiệu quả kinh tế trong những chuyến vươn khơi bám biển của ngư dân Quảng Trị ngày càng được nâng cao.

3 chiến lược giúp Vĩnh Hoàn ghi dấu ấn quốc tế trong lĩnh vực cá tra

Thương hiệu không chỉ đơn thuần là một cái tên hay logo, mà còn là cách mà sản phẩm cá tra được nhận diện và đón nhận nồng nhiệt trên thị trường.

Mong ngư dân vững tâm bám biển, ngã ở đâu đứng dậy ở đó

Đó là tâm tư của ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản gửi đến các tổ chức, cá nhân gặp biến cố từ đợt thiên tai, mưa bão mới đây.

Bình luận mới nhất