| Hotline: 0983.970.780

Làng 600 năm tuổi chuyên trồng lá dong

Thứ Ba 23/01/2024 , 06:37 (GMT+7)

HÀ NỘI Cho thu hoạch quanh năm, song những lá dong đẹp nhất được người dân Tràng Cát chắt chiu để dành thu hoạch trong tháng Chạp phục vụ bà con gói bánh chưng Tết.

Bánh chưng ngon khi luộc lên có màu xanh cốm đẹp mắt do được gói cẩn thận trong bầu lá dong nếp tròn đầy, thẩm thấu trong đó cả hương vị lá thơm đượm đặc trưng.

Ghé thăm làng Tràng Cát (xã Kim An, huyện Thanh Oai, Hà Nội) một ngày mưa lất phất đầu tháng Chạp, có thể dễ dàng cảm nhận không khí rộn ràng khắp những ngõ ngách của ngôi làng cổ hàng trăm năm tuổi với đan xem những tiếng cười nói, tiếng lá dong xào xạc, tiếng xe máy loạch xoạch chở những đụn lá xanh mướt về nơi tập kết... Guồng quay tất bật thu hoạch lá dong cứ thế kéo dài đến qua rằm tháng Chạp, khi những tàu lá đẹp nhất được gom lại rồi chuyển đi khắp Hà Nội và những vùng lân cận.

Vườn lá dong tươi tốt, cao quá đầu người bước vào vụ thu hoạch rộ phục vụ thị trường Tết. Ảnh: Diệu Linh.

Vườn lá dong tươi tốt, cao quá đầu người bước vào vụ thu hoạch rộ phục vụ thị trường Tết. Ảnh: Diệu Linh.

Được bồi đắp phù sa từ dòng sông Đáy, đất đai tại đây màu mỡ, nuôi dưỡng những khóm lá dong xanh tốt, cao hơn đầu người. Mới đầu tháng, các vườn lá dong ở khắp nơi còn rậm rạp nhưng theo người dân ở Tràng Cát, chỉ độ hơn 1 tuần nữa thôi, các vườn lá dong sẽ nhanh chóng được thu hoạch hết.

Chị Nguyễn Thị Kim Khuyên vừa thoăn thoắt cắt lá dong trên khu vườn rộng 4 sào của gia đình vừa cười xoe dẫn dắt câu chuyện: “Ở đây nhiều gia đình có truyền thống trồng lá dong, có nhà truyền nghề tới 5 đời. Nhờ có bí quyết riêng mà lá dong ở làng chúng tôi có chất lượng đặc biệt”.

Về sản lượng thu hoạch những ngày cận Tết, chị Khuyên phấn khởi cho biết với 4 sào trồng dong lấy lá, mỗi ngày 2 nhân công thu hoạch được khoảng 20.000 tàu lá. Mỗi sào chỉ cần đầu tư khoảng 500.000đ/năm nhưng có thể cho thu hoạch từ 8 đến 10 triệu đồng. Năm nay thời tiết thuận lợi, mưa thuận nên lá dong loại đẹp, lá to, xanh bán tại vườn có giá 800 - 1.000 đồng/lá, về cuối tháng Chạp giá có thể tăng lên 1.500 - 1.700 đồng/lá.

Vụ Tết năm nay giá lá dong tăng so với mọi năm và lượng cung cũng khá dồi dào. Trước đây, có những năm diện tích trồng dong thu hẹp, điều kiện thời tiết không thuận lợi, sâu bệnh tăng nên lá dong bị hỏng nhiều. Mùa hè nắng quá gay gắt hay những ngày mùa đông có sương muối kéo dài có thể khiến lá dong không xanh đều mà bị đỏ quanh mép. Lá dong trồng ngoài bãi bị ảnh hưởng bởi nắng, sương muối nhiều hơn do không có vườn cây che.

Từ bao đời, người dân Tràng Cát vẫn quen dùng dao cắt thu hoạch từng lá dong. Ảnh: Diệu Linh.

Từ bao đời, người dân Tràng Cát vẫn quen dùng dao cắt thu hoạch từng lá dong. Ảnh: Diệu Linh.

Có điều lạ là trong khi việc trồng trọt cây rau màu, cây ăn quả quanh xã và những xã lân cận ngày nay đã ít nhiều được cơ giới hóa nhưng việc thu hoạch lá dong từ bao đời nay thì vẫn phải nhờ sức người. Công việc nhiều nên người trẻ thay phiên nhau cắt lá, người già thì bó lá dong, tạo nên một bầu không khí đặc biệt chỉ có tại Tràng Cát.

Người thu hoạch lá dong sẽ phải dùng một con dao nhỏ để cắt phay cuống lá, sau đó lọc và phân loại lá theo chất lượng và kích thước ngay tại vườn, cầu kỳ hơn thì cắt phần đỏ ở mép lá để bán giá cao hơn. Sau khi lọc, lá dong được bó thành từng bó 50 tàu rồi vận chuyển về nơi tập kết.

Công việc quen thuộc tới nỗi, người dân nơi đây thu hoạch không ngơi tay, tay cắt tay cầm thuần thục, không mất quá nhiều thời gian để lựa chọn những tàu lá đẹp, lá cắt xong vẫn giữ được hình dáng ban đầu, không bị gãy dập, vô cùng thích mắt.

Chị Khuyên giải thích, để duy trì độ tươi của lá dong, người dân sẽ nhúng lá vào chậu nước hoặc dùng vòi nước rửa qua cho bớt bụi, sau đó mới bắt đầu đến công đoạn bó lại và chuyển. Lá có thể duy trì độ tươi trong khoảng 15 đến 25 ngày. Những lá dong to, đẹp sẽ được bán để gói bánh chưng, còn lá nhỏ thường được khách hàng mua về để gói các loại bánh nhỏ như bánh tẻ, bánh nếp.

Bà Nguyễn Thị Hoài, một người buôn lá dong tại làng Tràng Cát chia sẻ, dong là loại cây dễ trồng, không cần nhiều công chăm sóc. Người dân chỉ cần lấy gốc để trồng một lần vào tháng 2 và cây sẽ cho thu hoạch lâu dài. Nhưng để cây tươi tốt, cho lá to, đẹp thì đòi hỏi người trồng phải thường xuyên dọn sạch lá gốc để cho nhiều mầm, lá xanh tốt, rộng bản. Công việc này cứ cách 2 tháng một lần, đều đặn.

Lá dong tại Tràng Cát chủ yếu là giống dong nếp có hình dáng hơi phình ra ở phần cuống, cuống nhỏ. Ảnh: Diệu Linh.

Lá dong tại Tràng Cát chủ yếu là giống dong nếp có hình dáng hơi phình ra ở phần cuống, cuống nhỏ. Ảnh: Diệu Linh.

Lá dong tại Tràng Cát chủ yếu là giống dong nếp có hình dáng hơi phình ra ở phần cuống, cuống nhỏ, hai mặt có màu xanh đậm nhạt khác nhau. Trong khi đó loại lá dong tẻ chỉ có một màu xanh ngắt, lá dẹt, dài, cuống to, lá nổi gân đậm, lá giòn, dễ rách. Bánh chưng dùng loại lá này gói sẽ không được thơm.

Với chất lượng được khẳng định từ lâu đời, lá dong Tràng Cát không chỉ nổi tiếng trong nước mà còn phục vụ bà con ở khắp các nước Mỹ, Canada, Đông Âu, Nga… Lá dong chuyển đi xa không chỉ mang theo “linh hồn” của bánh chưng xanh ngày Tết của người Việt mà còn chứa đựng cả sự yêu thương của một đất nước dành cho những người con xa xứ.

Chia sẻ niềm tự hào về miền đất “ngọc xanh”, ông Nguyễn Văn Hải, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Kim An cho biết, xã có thế mạnh về nông nghiệp nhờ đất đai trù phú, đặc biệt những năm gần đây, xã chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang cây ăn quả nhiều. Tuy nhiên, diện tích trồng dong vẫn được duy trì ở khoảng 20ha để đảm bảo nguồn cung trong nước và xuất khẩu.

“Trồng dong đem lại thu nhập ổn định cho dân làng bao lâu nay, hơn nữa, đây cũng có thể coi là nghề truyền thống của Tràng Cát. Chính vì vậy, chúng tôi nhất quyết không để diện tích trồng dong bị tụt giảm”, Chủ tịch xã Kim Anh cho biết.

Là cây trồng cho thu hoạch quanh năm, song những lá dong đẹp lại được người dân Tràng Cát chắt chiu để dành cho thu hoạch rộ những ngày tháng Chạp để phục vụ bà con gói bánh chưng Tết.

Theo lãnh đạo xã Kim An, lá dong từ lâu đã là thương hiệu, sản phẩm phẩm đặc trưng của làng Tràng Cát, vì vậy người dân đều mong muốn Sở NN-PTNT TP Hà Nội có thể sớm công nhận thương hiệu tập thể "Lá dong Tràng Cát Kim An", từ đó tạo điều kiện thuận lợi hơn cho bà con tập trung sản xuất và xuất khẩu.

Xem thêm
Hơn 1.000 hộ dân được tập huấn kỹ thuật chăn nuôi nhờ sáng kiến 'Chăn Hênh'

SƠN LA Qua 3 năm triển khai tại huyện Mai Sơn, trên 1.000 hộ dân được tập huấn về các kỹ thuật trong chăn nuôi, hỗ trợ liên kết thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Từ vụ hổ, báo, sư tử bị chết do cúm gia cầm A/H5N1: [Bài 1] Đồng Nai vá lỗ hổng

Vụ hổ, báo, sư tử bị chết vì cúm A/H5N1 tại Khu du lịch Vườn Xoài và Vườn thú Mỹ Quỳnh buộc ngành thú y Đồng Nai phải thay đổi chiến lược ứng phó.

Giống sắn xua tan nỗi ám ảnh bệnh khảm lá

Giống sắn HN1 cho năng suất củ tươi đạt trên 34 tấn/ha, hàm lượng tinh bột tối thiểu 25%, đặc biệt giống sắn này có khả năng kháng bệnh khảm lá vượt trội.