| Hotline: 0983.970.780

Làng cói không mong Tết...

Thứ Năm 15/01/2009 , 17:00 (GMT+7)

"Tết đến sau lưng, ông vải thì mừng, con cháu thì lo"- đó là câu mà trong dân gian lưu truyền lại. Tết về vùng cói Nga Sơn mới thấy câu ca xưa quả không sai. Với người làng cói, Tết đơn giản là được ăn một bữa no…

Làng cói đói gạo

Huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hoá có 27 xã, thị trấn, trong đó có 8 xã vùng trồng cói đặc biệt khó khăn. Những năm gần đây việc sản xuất cây cói liên tục bị thất thu nên ảnh hưởng lớn đến đời sống nông dân. Báo cáo mới nhất của UBND huyện cho thấy vào dịp Tết Nguyên đán Kỷ Sửu toàn huyện có 6.596 hộ với 21.085 nhân khẩu cần sự cứu tế gạo của Nhà nước. Chúng tôi có mặt ở xã Nga Tân những ngày áp Tết- lần thứ hai sau hơn một năm tôi trở lại thăm đồng bào vùng cói. Cuộc sống của người dân chưa có sự cải thiện sau những lần mất mùa. Vẫn những con người đó, mảnh ruộng kia, họ uể oải thu gom những bó cói từ ngoài ruộng về.

Làng cói đang đói gạo

Ông Phạm Hồng Quân- PCT UBND xã nói chuyện về tình hình đời sống nhân dân mà tôi thấy ngậm ngùi về những con số mới tinh được liệt kê lớn dần lên theo cấp số cộng so với cái ngày tôi về cách đó 1 năm. Đó là số dư nợ ngân hàng trong dân đã tăng từ 24 tỷ đồng lên 27 tỷ đồng; số lao động bỏ ruộng, bỏ làng đi làm ăn xa cũng chiếm hơn nửa. Ông Quân đưa ra phép tính đơn giản: Nếu không tính chi phí cải tạo ruộng cói cứ 5 năm làm lại một lần, mỗi lần mất 3 triệu đồng/sào cói thì cũng phải bỏ ra 1,2 triệu đồng/vụ sản xuất cho các khoản chi phí bao gồm công thu hoạch, công cắt, công chẻ, công phơi cói. Đem so sánh với giá thành của một sào cói hiện nay được 300kg bán ra thị trường với giá 2.500đ/kg thì được 750.000đ thì người trồng cói lỗ “trắng răng”.

Ông Quân than thở một lúc rồi nhẩm tính, bình quân 1 nhân khẩu ăn hết 0,7kg gạo/ngày, vậy thì 7.756 nhân khẩu của xã sẽ xài hết 5,4 tấn gạo/ngày tức bằng 1.954 tấn gạo/năm (nếu tính giá gạo hiện nay ở Nga Sơn thì số gạo này hết gần 2 tỷ đồng) như vậy nếu bán hết cói thì đủ tiền đong gạo ăn trong 1 năm. Nhưng thực tế không đơn giản chút nào bởi không kể nợ lãi cắt cổ mà dân làng vay của một số cá nhân thì mỗi năm như vậy dân Nga Tân chỉ đóng riêng tiền lãi suất cho 2 ngân hàng trong tổng số dư nợ 27 tỷ đồng cũng chiếm xấp xỉ 2,6 tỷ đồng bằng trị giá của vụ cói trong toàn xã. Lãi suất ngân hàng chỉ tính từ 0,65% đến 1,35%/tháng trong khi đó có những gia đình chịu lãi nợ nóng bên ngoài từ 30- 50%/tháng.

Ông Nguyễn Văn Ngọc 57 tuổi ở xóm 4 bị bệnh gan đang chờ chết vì nhà nghèo không đủ tiền thuốc thang chạy chữa. Ngoài 2 cuốn sổ nợ 40 triệu của ngân hàng, nhà ông còn 10 triệu nợ nóng của cá nhân bên ngoài với lãi 30.000đ/ngày tương đương 900.000đ/tháng. Cộng với lãi suất ngân hàng nữa, một tháng riêng tiền lãi suất nhà ông Ngọc phải oằn cổ, thắt lưng buộc bụng, nhịn ăn nhịn mặc, nhịn cả thuốc thang cho bệnh tật để có trên 1 triệu đồng trả lãi. Gia đình ông Ngọc cũng như hàng trăm gia đình của Nga Tân cho đến thời điểm này đều có chung một hoàn cảnh là nợ nần chồng chất. Thử nhẩm tính 27 tỷ đồng nợ ngân hàng chia đều cho 1.736 hộ thì bình quân mỗi hộ phải chịu nợ bao nhiêu? Chỉ riêng xóm 4 đã gánh cho 7 tỷ đồng, bình quân một nhân khẩu nợ 6,7 triệu đồng.

Bán chó ăn Tết

Chị Mai Thị Mùi ở xóm 4 tiếp chúng tôi trong căn nhà nhìn không còn gì đáng giá ngoài cái giường ọp ẹp của 4 mẹ con hằng ngày vẫn nằm. Chị Mùi bị bệnh nặng, suy thận, điều trị ở BV nhiều ngày nhưng không khỏi. Ba năm qua, nhà không trồng được cói. Gần 30 triệu nợ lãi đã quá hạn, chị không biết bấu níu vào đâu để trả. Càng gần tết, người đến nhà hỏi nợ càng nhiều, làm chị càng thêm đau yếu hơn. Chồng chị đi làm phụ hồ ở Nghệ An, giáp Tết rồi mà vẫn chưa thấy về. Các con của chị học rất giỏi nhưng chỉ khổ một nỗi là cái ăn, cái mặc không có đủ nên đóng nộp cho nhà trường cũng khó khăn. Hằng ngày chị em thay phiên nhau đi nhặt củi khô về bán để kiếm tiền đong gạo ăn cho qua bữa.

Chị Mùi bên con chó đang được vỗ béo chờ gần Tết bán lấy tiền tiêu

Biết mẹ không có tiền nên em Dương Đình Hùng học Trường THPT Ba Đình đã bàn với mẹ bán con chó khoảng 5kg để lấy tiền nộp cho nhà trường. Hôm mẹ gọi người đến bán chó thì chị gái của Hùng đã khóc và động viên em là đừng bán chó mà giữ lấy gần Tết hẵng bán để có tiền đong gạo. Em Dương Thị Hương là chị gái của Hùng sụt sùi nói với chúng tôi: “Sao dân làng cháu khổ như thế này hả chú! Mẹ cháu bệnh tật mà không có tiền cứu chữa. Nhà cháu không còn gì để mà bán. Tết sắp đến rồi mà trong nhà gạo ăn cũng không có. Tết về, bạn cháu sắm nhiều thứ, nhiều bánh kẹo để tiếp bạn nhưng cháu thì chỉ mong có gạo nấu cơm để bố mẹ và em ăn. Trời lạnh thế này, cháu thương mẹ đau yếu, thương em trai đi học không có cơm bữa sáng…”.

+ Tết sắp đến, nhà ai cũng muốn có gạo ăn, trẻ con muốn có manh áo mới. Có tận mắt thấy những hạt gạo mà người dân vùng cói Nga Sơn kiếm được trong cảnh quê nghèo xác xơ thế nào thì tôi mới thấm thía được cái nhọc nhằn truân chuyên của người làng cói. Sản xuất nông nghiệp mà không chủ động được lương thực. Họ bán cây cói với giá cực thấp để mua gạo ăn trong cơn bão giá. Năm 2006, bán một kg cói được 5 ngàn đồng mua được 1,2kg gạo. Nay bán 4kg cói mới mua được 1kg gạo. Trong khi đó, chi phí đầu tư cho cây cói quá lớn làm cho người trồng cói liên tục bị lỗ.

+ Ông Mai Văn Tùng - Xóm trưởng xóm 4 xã Nga Tân nói chân tình: “Dân làng chúng tôi đói khổ, cực nhọc lắm rồi, kiếm hạt gạo ăn đã khó huống hồ chi nghĩ đến 3 ngày Tết. Cuối tháng 11 vừa qua, một số gia đình được nhận gạo trợ cấp của nhà nước nhưng họ đã ăn gần hết. Nhiều gia đình đang nhìn về cái Tết cổ truyền trong tâm thức xa xăm”.

Tôi khựng lại, không thể hỏi thêm câu gì khi trông thấy những giọt nước mắt đang chảy giàn giụa trên khuôn mặt gầy gò, khắc khổ của 2 mẹ con chị Mùi. Trong những giọt nước mắt đó hằn lên sự khổ đau, sự khát khao một cuộc sống có đủ gạo ăn và không có bệnh tật.

Chia tay mẹ con chị Mùi, chúng tôi đến xã Nga Tiến, một xã không kém phần vất vả so với Nga Tân. Xã Nga Tiến cũng đặc thù trồng cói. Toàn xã có 1.300 hộ thì có 407 hộ nghèo và 100 hộ đói, đặc biệt khó khăn ở vào thời điểm Tết cận kề. Với số tiền dư nợ của ngân hàng 24 tỷ đồng thì một tháng dân làng phải trả riêng lãi suất là hơn 250 triệu đồng. Chính vì cái đói, cái nghèo cứ luẩn quẩn, cuốn chặt đôi chân người nông dân làng cói nên Nga Tiến đã có gần một nửa làng bỏ ruộng, bỏ làng đi làm ăn xa. Khổ thì có 8 mẹ con chị Phạm Thị Vui ở xóm 10. Chồng chị vừa mất đột ngột khi mới 40. Gánh nặng 56 triệu đồng nợ ngân hàng quá hạn chưa có tiền trả thì nay một mình chị nuôi 7 đứa con thơ dại. Đêm nào chị Vui cũng ngồi nhìn những đứa con tội nghiệp nằm ngủ co quắp trong cái ổ rơm và làn chăn mỏng. Ngoài trời, gió mùa đông bắc đã về, rít lên từng hồi giá buốt, như vết dao cứa sâu vào lòng chị đau đớn, nhức nhối hơn.

Nguyện vọng của chính quyền và nhân dân vùng cói Nga Sơn là mong Chính phủ có chính sách ưu tiên cho vùng cói. “Dân làng mong được Nhà nước đầu tư nâng cấp hệ thống trạm bơm, thuỷ lợi nội đồng và cải tạo ruộng cói. Đồng thời được nhà nước giãn nợ, cho vay với lãi suất thấp trong thời gian dài hơn và có giải pháp đầu ra cho sản phẩm. Thực tế sản phẩm của cói đều do tư nhân đứng ra thu mua rồi mang đi bán chứ chưa được xuất bán theo đường tiểu hay chính ngạch”- ông Mai Sỹ Ghi, Chủ tịch UBND xã Nga Tiến kiến nghị.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm