| Hotline: 0983.970.780

Làng hoa cúc tất bật vào vụ tết

Thứ Bảy 23/11/2019 , 11:10 (GMT+7)

Tết còn khá xa, nhưng trong lòng những người trồng hoa cúc ở phường Bình Định (TX An Nhơn, Bình Định) đã rậm rịch tết.

Bởi, những cây cúc giống đã được vào chậu, các chủ nhà vườn đang tất bật công đoạn cắt ngọn để cây cúc đẻ nhánh, hứa hẹn chậu cúc có dáng thật đẹp để góp một nét xuân cho đời, nhưng quan trọng nhất là để… bán được nhiều tiền hơn.

Ông Trần Yên tỉ mẩn cắt ngọn cho 350 chậu cúc cỡ nhỏ của mình.

Thời tiết đang thuận lợi

Theo ông Nguyễn Anh Dũng, Chủ tịch UBND phường Bình Định, hàng năm, hàng trăm hộ nông dân địa phương trồng đến 20.000 chậu cúc để cung ứng dịp Tết Nguyên đán, bình quân mỗi hộ trồng 400 – 500 chậu, người trồng nhiều cả thiên (1.000 chậu). Khối phố Vĩnh Liêm và khối Liêm Trực là 2 địa phương có số hộ dân trồng cúc tết nhiều nhất.

Trước đây, tại khối Vĩnh Liêm có khoảnh đất rộng, người trồng cúc ở phường Bình Định tận dụng để sản xuất, hình thành nên làng cúc Vĩnh Liêm. Hiện nay, khoảnh đất này đã được quy hoạch khu dân cư, người trồng cúc phải đi “tứ phương tám hướng” thuê đất để có chỗ bày những chậu cúc. Khó khăn, nhưng trồng cúc bán tết là nghề truyền thống của người dân ở đây nên họ vẫn bám nghề.

“Vào thời điểm này mà trời còn nắng tốt là rất thuận lợi cho cúc sinh trưởng, phát triển. Cây cúc “sợ” nhất là mưa dầm, bởi độ ẩm cao sẽ khiến cây cúc phát sinh nhiều bệnh, nhất là bệnh rữa thân và nấm lá. Nếu cây cúc đã lâm bệnh rữa thân thì coi như “vô phương cứu chữa”, cây cúc sẽ bị chết. Cúc bị bệnh nấm lá thì còn cứu vãn được, nhưng chậu cúc sẽ phải gánh chi phí đầu vào cao”, ông Yên chia sẻ.

Trong cái nắng nhẹ đầu Đông, ông Trần Yên (61 tuổi) ở khối phố Vĩnh Liêm, người đã có hơn 20 năm gắn bó với nghề trồng cúc bán tết, không cần phải dựng dù, chỉ với chiếc mũ trên đầu ông tỉ mẩn cắt ngọn cho 350 chậu cúc của mình.

Mắt không rời những cành cúc non tơ, tay vừa nhắp lia lịa chiếc kéo ông Yên vừa trò chuyện: “Năm nay tôi trồng 350 chậu cúc loại nhỏ, chậu có đường kính 50cm, mỗi chậu trồng 50 cây giống. Cúc giống đại đóa được mua từ Đà Lạt với giá 220.000đ/thiên (1.000 cây). Cúc của tôi được xuống giống vào giữa tháng 7 âm lịch, đến nay đã được hơn 1 tháng rưỡi. Do tôi xuống giống sớm nên phải cắt ngọn 2 lần, lần này là cắt lần 2, xong là thả luôn cho đến ngày cúc đơm bông”.

Cũng theo ông Yên, vô cúc giống sớm hay muộn tùy thuộc vào nguồn cúc giống từ Đà Lạt, nguồn cung không thể cung ứng giống 1 lần cho 20.000 chậu, vì thế cúc giống về từng đợt, ai mua sớm thì xuống giống sớm, ai mua muộn xuống giống muộn (đầu tháng 8 âm lịch). Những chủ nhà vườn xuống giống sớm vào giữa tháng 7 âm lịch thì phải cắt ngọn 2 lần để nhánh cúc “đẻ con” ra nhiều, chậu cúc sẽ nở bung to, trông rất đẹp mắt. Nếu cắt 1 lần thì chậu cúc chỉ phát triển chiều cao đến 1,5 – 1,7m, thẳng đuột như thế người tiêu dùng ít ưa chuộng.

Mơ vụ mùa bội thu

 

Anh Nguyễn Văn Lâm đang phun thuốc phòng bệnh cho những chậu cúc cỡ trung.

Vừa phun thuốc phòng bệnh cho những chậu cúc cỡ trung của mình, anh Nguyễn Văn Lâm (35 tuổi) ở khu phố Vĩnh Liêm vừa bộc bạch: “Mong sao năm nay mưa thuận gió hòa để cúc ra bông đúng vào dịp Tết Nguyên đán thì người trồng cúc mới có được cái tết sung túc”.

Những chậu cúc cỡ trung của anh Lâm có đường kính 70cm, mỗi chậu vô 100 cây giống cúc đại đóa Đà Lạt. Theo tính toán của anh Lâm, chi phí đầu tư cho 1 chậu cúc cỡ trung từ tiền mua chậu, đất, cây giống, phân bón, thuốc BVTV, điện, công lao động.. đến khi xuất bán vào khoảng 150.000đ/chậu.

“Nếu cúc ra hoa đúng dịp Tết Nguyên đán, chậu cúc bung to, hoa đẹp thì sẽ có giá 600.000đ/chậu, trừ tất tần tật chi phí còn lãi 450.000đ/chậu. Nếu ai nuôi thành công những chậu cúc cỡ đại có đường kính 80cm, nếu đạt chuẩn sẽ bán được đến 2 triệu đồng/chậu, lãi to hơn”, anh Lâm chia sẻ.

Ông Trần Yên, người đang trồng 350 chậu cúc có đường kính 50cm, cũng cho biết, mỗi chậu cúc loại này từ khi vào giống đến khi xuất bán có tổng chi phí từ 100.000đ – 120.000đ/chậu. Tết Nguyên đán năm ngoái 1 chậu cúc cỡ này bán được 400.000đ/chậu. Suôn sẻ, chủ nhà vườn sẽ có lãi từ 280.000đ - 300.000đ/chậu.

Để đạt ước nguyện trên, ngoại trừ cầu mong thời tiết thuận lợi, người trồng cúc hiện đang dồn nỗ lực chăm sóc để cây cúc sinh trưởng như ý. Để cây cúc phát triển, các chủ nhà vườn trồng cúc đang chong điện thâu đêm trên vườn cúc để những cây cúc “không ngủ” cả ngày lẫn đêm để phát triển cành nhánh.

Đêm trên vườn cúc nằm gần Cụm công nghiệp phường Bình Định.

Trên những chậu cúc, thường thì chủ nhà vườn lắp hệ thống bóng điện với mật độ bóng cách bóng 3m, có người lắp dày hơn. Ban đêm, hơi nóng của bóng điện sẽ làm những cây cúc “thức” để phát triển. Đến chu kỳ, các chủ nhà vườn cắt điện, lúc này cây cúc sẽ “ngủ”, không phát triển cành nhánh nữa mà bắt đầu gom búp.

“Thường thì đến cuối tháng 10 âm lịch chủ nhà vườn sẽ cắt điện, lúc ấy cây cúc đến chu kỳ gom búp. Nếu thời tiết thuận lợi, đến 25/11 âm lịch cây cúc sẽ đóng búp, tạo hoa. Đúng vào thời điểm này mà cúc đóng búp thì “chắc như bắp” cúc sẽ ra hoa đúng dịp Tết Nguyên đán, chủ nhà vườn mặc sức “hốt bạc”. Tuy nhiên, sợ “nói trước bước không tới”, nên khi nào cúc của mình được thương lái mua cho lên xe, tay mình cầm được tiền rồi mới dám mừng”, ông Trần Yên bày tỏ.

“Cây cúc từ khi xuống giống 4 tháng sau mới bán. Trong giai đoạn cúc sinh trưởng, phát triển, người trồng phải “ăn cùng cúc, ngủ cùng cúc” mới mong có được những chậu cúc như ý. Có được những chậu cúc đẹp rồi vẫn chưa yên tâm, thu nhập người trồng cúc tết còn lệ thuộc rất nhiều vào thị trường tiêu thụ, nếu cúc ế ẩm thì coi như tiền đầu tư và 4 tháng trời ròng rã cắm đầu chăm sóc trở nên… công cốc!”, ông Trần Yên bộc bạch.

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.