| Hotline: 0983.970.780

Làng mây tre lá

Thứ Sáu 26/11/2010 , 10:33 (GMT+7)

Xuôi theo quốc lộ 22 về xã An Hòa, chúng tôi thật sự ngạc nhiên trước sự thay da đổi thịt của xóm làng nơi đây.

Nghề mây tre lá tại xã An Hòa (Trảng Bàng, Tây Ninh) đang phát triển mạnh. Nó không chỉ tạo điều kiện cho hàng nghìn lao động nông thôn có công ăn việc làm và thu nhập ổn định, mà còn đem lại hiệu quả kinh tế cao từ việc XK.

Xuôi theo quốc lộ 22 về xã An Hòa, chúng tôi thật sự ngạc nhiên trước sự thay da đổi thịt của xóm làng nơi đây. Những ngôi nhà được xây dựng khang trang, những con đường đất đỏ trước đây được thay bằng bê tông, trải nhựa. Dọc hai bên đường là những khúc tre, lồ ô, lá dừa, mây... với kích thước ngắn dài, to nhỏ khác nhau được người dân đưa ra phơi để làm nguyên liệu cho nghề “gia truyền” mây tre lá.

Anh Huỳnh Văn Phong, chủ một xưởng mây tre lá tại ấp An Quới cho biết, nghề này đã có từ lâu lắm rồi, bố mẹ hay ông bà của anh đều làm nghề này cả. “Chính nghề này đã nuôi sống gia đình tôi và nhiều hộ gia đình ở đây từ bao đời nay” – anh Phong nói. Xưởng của anh Phong chuyên sản xuất các loại giường, ghế, bàn, tủ kê… bằng mây tre lá. Các sản phẩm này được công ty Nam Hằng (quận 8, TPHCM) mua về xuất khẩu.

Anh Phong còn cho biết, đã có nhiều người đến xin việc ở xưởng của anh để vừa làm, vừa học nghề và đã có một số người sau khi làm thành thạo tự mình mở xưởng riêng. Cũng là một người có thâm niên trong nghề mây tre lá, anh Võ Thành Tấn, ấp An Hội tâm sự: “Gia đình tôi làm nghề này 15 năm rồi. Nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương với giá khá rẻ: 40.000đ/cây tre (đẹp), 30.000đ/cây tầm vông… đã tạo điều kiện thuận lợi cho nghề mây tre lá phát triển”.

Theo anh Tấn, để làm được những sản phẩm đẹp, có chất lượng không phải là chuyện dễ, phải kiên trì mới thành công được. “Ngoài việc chọn được cây nguyên liệu đẹp, người làm còn phải làm rất cẩn thận ở mọi khâu, từ đục lỗ, chà nhám, đánh bóng, hay có những sản phẩm khó, khách yêu cầu kỹ thì mình cũng phải biết sáng tạo để chiều lòng khách” - anh Tấn nhấn mạnh.

Nghề mây tre lá không chỉ phát triển đông đảo trong những hộ gia đình ở xã An Hòa mà còn phát triển theo quy mô lớn hơn, đó là sự ra đời của các công ty chuyên nghề mây tre lá. Trong cái nắng nóng của miền đất Tây Ninh, những công nhân của Công ty TNHH Bình Đông (ấp An Hội, An Hòa) vẫn miệt mài với công việc của mình như những con ong chăm chỉ. Mỗi người mỗi việc, người thì đục đẽo, người thì lắp ráp, người phun sơn, hòa với tiếng ken két của mấy chiếc máy cưa làm xưởng náo động thêm.

“Trong thời gian tới xã sẽ kết hợp với doanh nghiệp Gia Việt, trung tâm dạy nghề của huyện Trảng Bàng đầu tư mở lớp dạy nghề mây tre lá cho bà con và cho những ai muốn học nghề này” (Lê Văn Mẫn - Phó Chủ tịch xã An Hòa).

Ông Nguyễn Thành Đông, quản lý xưởng cho biết, Công ty TNHH Bình Đông được thành lập năm 1996, chủ yếu làm các sản phẩm bàn, tủ kê, ghế, khung ảnh… xuất khẩu sang châu Âu, Mỹ, Ý. Hiện nay công ty tạo điều kiện cho hơn 100 lao động địa phương có việc làm và thu nhập ổn định (gần 3 triệu/tháng). Trung bình mỗi tháng công ty xuất khẩu 3 container (khoảng 3.000 bộ), thu về trên 22.000 USD/tháng.

Ông Lê Văn Mẫn - Phó Chủ tịch xã An Hòa cho biết, nghề mây tre lá của xã trước đây phát triển manh mún, nhỏ lẻ, nhưng hiện nay các cơ sở sản xuất bắt đầu được hình thành, sản phẩm làm ra nhiều hơn, chất lượng cao hơn và bắt đầu hình thành những đầu mối tiêu thụ “xuyên quốc gia”. Hiện nay trên địa bàn xã có 150 hộ và 3 công ty chuyên sản xuất các sản phẩm làm từ mây tre lá, tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động.

Cũng theo ông Mẫn thì nghề mây tre lá càng ngày càng phát triển và đưa lại hiệu quả kinh tế rất cao. Chỉ tính từ đầu năm đến nay, doanh thu từ nghề mây tre lá của xã đã đạt 76 tỉ đồng. Chính vì thế, xã đã hết sức khích lệ và tạo điều kiện cho các công ty và các hộ phát triển nghề mây tre lá bằng cách đứng ra bảo lãnh cho các hộ dân và các công ty vay vốn để phát triển sản xuất.

Xem thêm
Vùng thủy sản trù phú ở 'tọa độ lửa'

QUẢNG BÌNH Khi cầu Gianh nối liền hai bờ sông thay cho những chuyến phà, bà con xã Bắc Trạch tiến ra vùng 'tọa độ lửa' năm nào, biến những hố bom thành vùng nuôi thủy sản.

Thiết bị giám sát hành trình mất kết nối nhiều ngày, ngư dân khốn đốn

Thiết bị giám sát hành trình mất kết nối khiến ngư dân như ngồi trên đống lửa. Nhiều chủ tàu cập cảng tại Quảng Trị rơi vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.