| Hotline: 0983.970.780

Lao động hồi hương và những cuộc chia ly không hẹn ngày tái ngộ

Thứ Năm 07/10/2021 , 11:00 (GMT+7)

Đa phần họ là công nhân từ Bình Dương, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh… Sau khi các địa phương này nới lỏng giãn cách, từng đoàn người dắt díu nhau về quê tránh dịch.

 

Anh Lịch (trái) không dám nghĩ đến chuyện quay trở lại miền Nam làm công nhân. Ảnh: VD.

Anh Lịch (trái) không dám nghĩ đến chuyện quay trở lại miền Nam làm công nhân. Ảnh: VD.

Không dám nghĩ đến chuyện quay trở lại miền Nam

Bài liên quan

13h30 ngày 6/10 tại trạm dừng chân cây xăng thôn Hòa Lâm, xã Trường Lâm, thị xã Nghi Sơn (tỉnh Thanh Hóa), dòng người hồi hương vẫn không ngớt. Những người vào trước, sau khi khai báo y tế chọn được bàn nghỉ ngơi. Những người đến sau phải nằm vật vạ, uống tạm ngụm nước, tay cầm bánh mỳ ăn lót dạ. Đó là những phút nghỉ ngơi quý báu sau hành trình dài trên 1 nghìn km để về với quê hương.

Anh Nguyễn Văn Lịch, sinh năm 1992, quê xã Quảng Thạch, huyện Quảng Xương (Thanh Hóa) vào làm công nhân tại Bình Dương được hơn 1 năm. Trong 3 tháng giãn cách, anh không có việc làm, mọi chi phí sinh hoạt vừa đắt đỏ vừa khó tiếp cận. Khi các tỉnh phía Nam nới lỏng giãn cách anh đã quyết tâm trở về quê.

“Chúng tôi là những công nhân nghèo, ngày ngày nghe tiếng còi xe cấp cứu réo là thấy lạnh hết cả sống lưng. Dịch bệnh bủa vây, nhiều lúc có cảm giác sớm muộn rồi mình cũng mắc thôi. Nay may mắn được trở về quê, tôi không dám nghĩ đến chuyện sẽ quay lại làm công nhân ở miền Nam nữa. Về đi bể (đi đánh cá ngoài biển - PV), có gì ăn nấy, có sao dùng vậy thôi” – anh Lịch tâm sự.

Đa phần công nhân buộc phải trở về quê là người nghèo, không có nhà cửa, phải ở trọ với chi phí cuộc sống đắt đỏ. Họ chở nhau trên những chiếc xe máy cà tàng, hai người thay nhau lái, tối đâu là nhà, ngã đâu là giường. Quần áo, xe cộ bụi bặm bám đầy, sau xe chở lỉnh kỉnh can xăng, cái quạt, bếp ga và những vật dụng cần thiết để dùng dọc đường.

Một cặp vợ chồng cùng con nhỏ đi trên 2 chiếc xe máy, vượt gần 1,4 nghìn km để về Thanh Hóa. Ảnh: VD.

Một cặp vợ chồng cùng con nhỏ đi trên 2 chiếc xe máy, vượt gần 1,4 nghìn km để về Thanh Hóa. Ảnh: VD.

Sau 3 ngày đi xe máy, vợ chồng anh Hàu Minh Sử, xã Mậu Long, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang cùng đứa con 10 tháng tuổi vượt gần 1.400 km về đến Thanh Hóa.

Anh Sử cho biết, hai vợ chồng anh mỗi tháng thu nhập gần 11 triệu đồng nhưng chi phí cho cuộc sống cao nên hầu như gia đình anh không có tiền tích lũy. Sau 3 tháng giãn cách không đi làm, không có thu nhập, tiền đã tiêu cạn, vợ chồng anh quyết định dắt díu nhau về quê. Nói về việc quay lại Bình Dương làm công nhân, anh Sử lắc đầu: “Còn 500 km nữa là về đến quê rồi, ta mừng quá. Về quê rồi ở nhà luôn, đi làm rẫy thôi, không vào miền Nam nữa đâu” – anh Sử vừa trả lời vừa dỗ đứa bé đang khóc không chịu uống sữa.

Vợ chồng chị Ngô Thị Bông, quê tại xã Quảng Thạch, huyện Quảng Xương có hai đứa con nhỏ. 4 người trên 1 chiếc xe máy sau 3 ngày di chuyển họ cũng đã về đến Thanh Hóa. Chị Bông cho biết, để vượt qua quãng đường gần 1.400 km, vợ chồng, con cái chị đã nhiều đêm phải ngủ vật vã dọc đường. Vì dịch bệnh diễn biến phức tạp lại không có tiền nên vợ chồng con cái không thuê nhà nghỉ, bao nhiêu ngày đi trên đường là bấy nhiêu ngày không tắm giặt. Khi đi qua các chốt, vợ chồng chị được tiếp nước, đồ ăn thức uống chứ tiền bạc trong người chỉ đủ để đổ xăng.

Vợ chồng và 2 đứa con nhỏ của chị Bông vượt gần 1.400 Km bằng xe máy để về quê tránh dịch. Ảnh: VD.

Vợ chồng và 2 đứa con nhỏ của chị Bông vượt gần 1.400 Km bằng xe máy để về quê tránh dịch. Ảnh: VD.

“Rất may là dọc đường có các chốt kiểm soát dịch bệnh. Họ hỗ trợ người dân rất nhiều. Nghĩ đến quãng đường hơn nghìn cây số đi xe máy về quê mà ớn lạnh. Nay về đến quê rồi mà không dám tin là mình đã đi được quãng đường xa như thế. Chúng tôi sẽ về khu cách ly tập trung và rất mong ngày gặp lại gia đình. Trước mắt vợ chồng sẽ ở nhà làm ăn cái đã, khi nào miền Nam ổn định mới tính đến chuyện có đi vào làm công nhân tiếp hay không” – chị Bông cho hay.

Đa phần những công nhân hồi hương đều có chung tâm trạng là sẽ không hẹn ngày trở lại miền Nam. Với họ, ký ức những ngày dịch bệnh thật khó phai mờ. Nay về được với quê hương là điều hết sức may mắn.

Lao động hồi hương, cơ hội và thách thức

Chiều 5/10, trời mưa như trút nước nhưng dòng người từ các tỉnh miền Nam về quê tránh dịch mỗi lúc một đông. Đến sáng và chiều ngày 6/10, từng đoàn người vẫn lũ lượt về quê. Ngay khi vượt qua địa bàn tỉnh Nghệ An, những đoàn người được lực lượng chức năng tỉnh Thanh Hóa hướng dẫn vào khai báo y tế, nghỉ ngơi, tiếp sức trước khi đi tiếp chặng đường còn lại.

Lao động về quê đa phần là công nhân nghèo, không có nhà cửa. Họ lũ lượt về quê trên những chiếc xe máy cà tàng. Ảnh: VD.

Lao động về quê đa phần là công nhân nghèo, không có nhà cửa. Họ lũ lượt về quê trên những chiếc xe máy cà tàng. Ảnh: VD.

Những người dân tỉnh Thanh Hóa từ miền Nam trở về được lực lượng chức năng hướng dẫn tập trung tại cây xăng thuộc thôn Hòa Lâm, xã Trường Lâm, thị xã Nghi Sơn. Những người dân này sẽ được các huyện tổ chức xe xuống đón về thẳng khu cách ly tập trung.

Một cán bộ công an tỉnh Thanh Hóa trực tiếp hướng dẫn khai báo y tế tại cây xăng Hòa Lâm, xã Trường Lâm cho hay, đây là điểm hướng dẫn, dừng chân được lập vào sáng 5/10 khi lượng người từ miền Nam trở về ngày càng đông. Bình quân, mỗi ngày trạm này tiếp nhận và hướng dẫn khoảng 200 người dân tỉnh Thanh Hóa.

Do lượng người quá đông, lực lượng chức năng đã phải trưng dụng những cây xăng, những trạm nghỉ dừng để mọi người nghỉ ngơi trước lúc lên đường.

Những đứa trẻ tội nghiệp theo bố mẹ về quê. Ảnh: VD.

Những đứa trẻ tội nghiệp theo bố mẹ về quê. Ảnh: VD.

Người dân các tỉnh phía Bắc được hướng dẫn tập trung tại chốt kiểm soát liên ngành phòng, chống dịch Covid-19 Khe nước lạnh (xã Trường Lâm) cách đó không xa để nghỉ ngơi rồi tiếp tục hành trình trở về quê hương. Trẻ nhỏ, người già, người sức khỏe yếu sẽ được lực lượng chức năng cho lên xe ô tô chở và dẫn đường đi qua địa bàn tỉnh Thanh Hóa, bàn giao cho tỉnh giáp ranh.

Trung tá Trang Công Đông, Đội trưởng Trạm CSGT Quảng Xương cho hay, 3 ngày nay lực lượng chức năng đã đón gần 2.000 người dân các tỉnh đi qua địa bàn tỉnh. Do việc người dân hồi hương mỗi lúc một đông nên lực lượng chức năng phải trực 24/24h và lập thêm trạm dừng nghỉ để phân luồng. Nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sau khi biết thông tin người dân hồi hương đã trực tiếp tại các chốt kiểm dịch liên ngành để hỗ trợ nước uống, nhu yếu phẩm.

Theo thống kê của Sở LĐTBXH tỉnh Thanh Hóa, địa phương này có trên 300.000 lao động đang làm việc tại các tỉnh ngoài. Trong đó, riêng các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và TP.HCM là trên 120.000 người. Tính từ ngày 24/7 đến nay, toàn tỉnh có trên 180.000 lao động đã hồi hương và con số trên vẫn chưa dừng lại. Điều này tạo ra một áp lực lớn cho chính quyền, ngành chức năng trong vấn đề giải quyết việc làm, ổn định cuộc sống cho người lao động.

Đầu tháng 10/2021, UBND tỉnh Thanh Hóa đã triển khai phương án đảm bảo việc làm cho người lao động. Theo đó, các địa phương sẽ khảo sát nhu cầu của lao động hồi hương để đăng ký đào tạo nghề, kết nối với doanh nghiệp và vay vốn giải quyết việc làm.

Lao động hồi hương tạo ra thách thức cho chính quyền địa phương trong việc giải quyết việc làm, ổn định định cuộc sống nhưng cũng là cơ hội để các doanh nghiệp tuyển dụng lao động. Ảnh: VD.

Lao động hồi hương tạo ra thách thức cho chính quyền địa phương trong việc giải quyết việc làm, ổn định định cuộc sống nhưng cũng là cơ hội để các doanh nghiệp tuyển dụng lao động. Ảnh: VD.

Ông Đầu Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho hay, lao động trở về quê vừa tạo ra một áp lực lớn về nhu cầu việc làm nhưng cũng được xem là cơ hội tốt để các doanh nghiệp trên địa bàn tuyển dụng lao động.

“Hiện nay, Sở LĐTBXH và Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn đã khảo sát nhu cầu của các doanh nghiệp. Vấn đề là phải khớp nối được giữa trình độ đào tạo, kỹ năng cũng như nhu cầu của người lao động với doanh nghiệp. Với những lao động chưa được đào tạo, chúng tôi sẽ có các chương trình hỗ trợ đào tạo nghề, vay vốn từ ngâ hàng chính sách xã hội để lao động trở về có thể có nguồn thu và sớm ổn định cuộc sống” – ông Tùng cho hay.

Đa phần công nhân buộc phải trở về quê là người nghèo, không có nhà cửa, phải ở trọ với chi phí cuộc sống đắt đỏ. Họ chở nhau trên những chiếc xe máy cà tàng, hai người thay nhau lái, tối đâu là nhà, ngã đâu là giường. Quần áo, xe cộ bụi bặm bám đầy, sau xe chở lỉnh kỉnh can xăng, cái quạt, bếp ga và những vật dụng cần thiết để dùng dọc đường.

  • Tags:
Xem thêm
Đề xuất tăng chi ngân sách cho giáo dục, y tế

Nếu thực hiện tự chủ, các bệnh viện và trường đại học công lập có thể tăng viện phí hoặc học phí lên cao, khiến người bệnh, người học phải chi trả nhiều tiền hơn.

Tìm nguyên nhân khiến ngành chè 'ngại đổi mới'

'Cây chè là cây truyền thống và từng được bao cấp một cách triệt để về doanh nghiệp và đầu ra. Như vậy, đây có phải là nguyên nhân khiến ngành chè ngại đổi mới?' - nguyên Thứ trưởng Lê Quốc Doanh trăn trở.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.