| Hotline: 0983.970.780

Lão nông say mê ốc bươu ta

Thứ Ba 10/03/2015 , 06:17 (GMT+7)

Với lòng yêu công việc nhà nông và tính chịu khó, tỉ mỉ, ông Nguyễn Văn Hùng (thôn Lạng Côn, xã Đông Phương, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng) thu hàng trăm triệu mỗi năm từ mô hình nuôi ốc bươu ta.

Bảo tồn giống quý bản địa

Cách đây 30 năm, khi ông Hùng ra lập trang trại bên bờ sông Đa Độ, cứ vào mùa sinh sản của ốc bươu ta (còn gọi là ốc bươu đen), trứng ốc trải khắp bờ sông, bờ ao nhà ông. Trong nhiều năm, gia đình ông Hùng thường nhặt ốc tự nhiên đem bán.

Giá ốc bươu đen luôn luôn ở mức khá cao vì là thứ đặc sản trong các nhà hàng, quán ăn sang trọng. Cũng chính vì thế mà vài năm trở lại đây, việc người dân khai thác quá mức làm cho ốc bươu đen ngày càng vắng bóng trong tự nhiên.

Điều này làm ông Hùng trăn trở, làm sao để gây nuôi giống ốc bản địa có giá trị kinh tế này, bảo tồn được nguồn ốc trong tự nhiên đồng thời mang lại thu nhập cho gia đình. Năm 2008, ông bắt tay gây nuôi ốc bươu đen.

Sau vài năm vừa nuôi vừa tìm tòi, thử nghiệm liên tục, qua nhiều lần thất bại, ông Hùng đã có một “kho” kinh nghiệm trong việc gây giống ốc bươu đen và nuôi thương phẩm. Đến nay, mỗi năm ông thu hàng triệu con ốc giống và hàng tấn ốc thịt thương phẩm, bán với giá 100.000 đ/kg ốc thịt và 500 đ/con ốc giống.

Ông lựa chọn ốc bố mẹ to khỏe, chất lượng tốt, thân miệng đầy đặn để cho nuôi sinh sản. Mật độ nuôi từ 10 - 12 con/m2 theo tỷ lệ cân đối 1 đực - 1 cái. Hằng năm, cứ qua tiết thanh minh (tháng 3 âm lịch) thì ốc vào mùa sinh sản. Ông thu trứng ốc cho vào thùng xốp có lót lá cây, bèo, để vào chỗ râm mát (lý tưởng là nhà tắm). Phun nước hằng ngày để tạo môi trường thích hợp cho trứng ốc phát triển.

Với cách làm này, tỷ lệ nở của trứng ốc đạt tới 90%. Sau đó trứng ốc được đưa vào các lưới khung hình chữ nhật rồi thả xuống ao. Đến khi con ốc bằng hạt ngô thì thả từ lưới xuống ao cho ốc lớn nhanh.

Thức ăn của ốc là những thức ăn xanh có sẵn trong vườn nhà như lá sắn tàu, xơ mít, bèo cái, thân cây chuối... Chỉ khi ương ốc con 3 - 4 tuần tuổi thì mới vỗ bằng cám gạo để ốc con phát triển tốt hơn.

Thông thường từ giai đoạn trứng đến giai đoạn ốc thương phẩm là hơn 3 tháng. Còn nếu muốn giữ làm ốc bố mẹ thì cần nuôi 5 tháng từ giai đoạn trứng. Thời gian thu hoạch ốc thương phẩm rải rác trong năm do gối vụ, tập trung nhất là từ tháng 4 đến tháng 9 hằng năm. Ốc thương phẩm thường có trọng lượng khoảng 35 con/kg. Ông Hùng ước tính, diện tích 1 sào ao (360 m2) ông nuôi được 100 kg ốc thương phẩm.

Nhân giống

Theo ông Hùng, ao nuôi phải là ao đất, đáy ao thoải từ bờ vào trong, không nên sâu quá, mực nước từ 0,4 - 1,5m. Bờ ao không xây kè mà trồng khoai nước làm môi trường tự nhiên cho ốc sống và sinh sản. Trước khi thả nuôi ốc, cần tát ao, dọn sạch cỏ, bắt hết cá tạp, cá dữ, ốc bươu vàng; bón vôi diệt mầm bệnh.

dsc-0471122813124
Ông Hùng cho ốc ăn

Khi nuôi, có thể thả cây súng ta (tuyệt đối tránh cây súng Nhật, lá to) hay cây dừa nước trong ao làm giá thể cho ốc đeo bám và làm thức ăn xanh cho chúng. Thả ốc giống vào lúc trời mát để hợp với thân nhiệt của ốc.

Hiện nay, khi ốc bươu đen trong đồng ruộng vùng này hoàn toàn vắng bóng thì những ao nuôi của ông Hùng trở thành cái nôi cho loài ốc quý phát triển, nhân ra nhiều địa phương khác.

Ông Hùng cho biết, ốc bươu ta là giống rất nhạy cảm với môi trường. Người nuôi cần đặc biệt chú ý môi trường nước. Nước ao phải sạch, tránh xa các nguồn nước thải, rác thải. Tuyệt đối không được phun thuốc sâu, thuốc trừ cỏ trên bờ ao. Hằng tháng phải vệ sinh bờ ao để chống chuột bọ; cắt, xới cỏ bằng phương pháp thủ công. Khi màu nước ao chuyển sang xanh thì nên thay nước trong ao.

Ao nuôi ốc cũng không được nuôi thêm các loài cá ăn thịt như cá trắm đen, cá chim… Trên bờ thì không được nuôi gà, vịt vì thức ăn của chúng chính là ốc. Đồng thời, phải thường xuyên diệt chuột, ốc bươu vàng để bảo vệ ốc nuôi. Đến mùa ốc đẻ rộ thì nên chăng lưới quanh ao để hạn chế thất thoát ốc ra ngoài và cũng thuận lợi cho việc thu hoạch trứng.

Để giữ ốc thương phẩm qua mùa đông, cần chú ý diệt chuột (không dùng hóa chất) và giữ ấm cho ốc. Hằng ngày ông kiểm tra ven bờ, thấy con ốc nào nằm nghiêng thì có nghĩa là nó chưa có “nhà”, chưa tìm được nơi ở yên ấm. Ông bắt chúng lên, cho vào thùng xốp để giữ ấm cho chúng.

Nhiều thương lái đến nhà đề nghị ông Hùng nhập ốc nuôi miền Nam với giá rẻ, thả trong ao nuôi vài ngày rồi bán dưới “thương hiệu” ốc bươu đen địa phương với giá cao hơn nhiều, nhưng ông nhất định từ chối. Bởi ông hiểu giá trị của loài ốc quý trên đồng ruộng quê hương và uy tín của người làm ăn chân chính.

Gia đình ông còn tự làm mắm tép để biếu kèm khi bán ốc thương phẩm. Món ốc thêm nhiều hấp dẫn khi dùng với món quà quê này nên được khách hàng càng ưa chuộng.

Theo ông Nguyễn Văn Tuân, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đông Phương, ông Hùng là tấm gương lao động sáng tạo, là hội viên nông dân giỏi cấp huyện và thành phố. Mô hình nuôi ốc bươu ta của ông đang được nhân rộng ra nhiều nơi khác trên địa bàn xã, huyện, thành phố cũng như nhiều tỉnh, thành khác.

Hằng năm, có nhiều đoàn khách đến học hỏi kinh nghiệm và mua ốc giống. Ông Hùng không ngần ngại chia sẻ kinh nghiệm cũng như hướng dẫn tỉ mỉ kỹ thuật nuôi ốc bươu ta cho bà con nông dân.

Xem thêm
‘Đòn bẩy’ nuôi gà thả đồi

Mô hình liên kết nuôi gà thịt gắn với tiêu thụ tại Hoài Ân là ‘đòn bẩy’ thúc đẩy chăn nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022 - 2026 theo chính sách khuyến khích của Bình Định.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Dư địa lớn để Sơn La sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

Với trên 210 nghìn ha trồng trọt, tỉnh Sơn La mới chỉ có hơn 51ha trồng rau trong nhà màng công nghệ cao, chiếm 0,02% tổng diện tích.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.