| Hotline: 0983.970.780

Lão nông ứng dụng khoa học, chống biến đổi khí hậu ngay tại vườn nhà

Thứ Năm 08/09/2022 , 05:55 (GMT+7)

Ông Phạm Văn Đông (Bến Tre) cho cây bưởi da xanh “đứng” trên gốc chanh Volka chống chịu tốt với bệnh vàng lá thối rễ và hạn mặn cần được khuyến khích nhân rộng.

Cuối tuần qua, chúng tôi có dịp tham quan vườn bưởi da xanh “đứng” trên gốc volka chống chịu tốt với bệnh vàng lá thối rễ tại khu vườn 1ha của nông dân Phạm Văn Đông (thường gọi là Tư Đông, ở ấp An Phú, xã An Khánh, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre).

z3699008221248_169645254c4910f7d4dc93177b8c0c3a

Ông Tư Đông chỉ cây bưởi da bị thối rễ được công chữa trị bằng cách thay chân volka. Ảnh: Minh Đảm.

Theo lão nông Tư Đông, cách đây nhiều năm, tại tỉnh Bến Tre, các nhà sản xuất cây giống thường nhân giống bưởi bưởi da xanh theo hai cách. Đó là chiết cành và tháp (ghép) chồi vào gốc volka (hay chanh volka, volkamer là giống cây có múi thuộc chi cam chanh). Trong đó, ưu điểm của cây giống được tháp chồi từ gốc volka là có chi phí rẻ hơn rất nhiều so với chiết cành.

Vườn của lão nông khi đó, tồn tại cả cây chiết và cây ghép. Qua chăm sóc, ông Tư nhận thấy, cây bưởi được nhân bằng phương pháp chiết nhánh dễ bị vàng lá thối rễ, sâu bệnh nhiều hơn. Trong khi đó, cây bưởi da xanh nhờ “đứng” trên gốc volka có sức sống mãnh liệt hơn, lá xanh mướt, ít bệnh. Điểm quan trọng nhất là cây không bị vàng lá thối rễ, năng suất và chất lượng cây vẫn tương đương như cây chiết nhánh.

Cũng từ đó, những cây bưởi có biểu hiện “ốm yếu” do vàng lá thối rễ được ông Tư ghép thêm những gốc volka phụ trợ xung quanh gốc cây mẹ để “trợ lực”. Nhờ phương pháp này, ông Tư đã cứu rất nhiều cây bưởi thoát khỏi vàng lá thối rễ. Hiện nay, theo ông Tư chia sẻ có khoảng 40% số cây trong vườn được ông sử dụng phương pháp ghép trợ lực bằng gốc volka như thế này.

Empty

Ông Tư chỉ gốc Volka giúp cây sinh trưởng mạnh hơn. Ảnh: Minh Đảm.

Để minh chứng cho về hiệu quả đối với bệnh vàng lá thối rễ của phương pháp này, ông Tư Đông dẫn chúng tôi đến một cây bưởi đã được ông ghép trợ lực bằng 3 gốc volka đã được 5 năm. Ông Tư bảo rằng, 5 năm trước cây bưởi ông trồng mới hơn 1 năm nhưng suy yếu, vàng lá, èo uột, tưởng sắp chết. Ông bèn dùng những gốc volka nhỏ ghép vào trợ lực. Nhờ đó, cây bưởi này đã vượt qua bệnh vàng lá thối rễ. Hiện nay, cây bưởi này có chân là 3 gốc vola, còn gốc cũ đã chết dần từ bao giờ. Mỗi tháng ông Tư nói, cây vẫn cho quả đều đều, bình quân khoảng 10 kg.

Hiện nay, lão nông Tư Đông được các cơ quan chuyên môn của tỉnh Bến Tre hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc bưởi theo hướng GAP để xuất khẩu. Đặc biệt, áp dụng kỹ thuật bón phân, phun thuốc hợp lý không để tồn dư lượng trong cây, nhất là ưu tiên bón phân hữu cơ, phun xịt thuốc vi sinh thay dần thuốc hóa học.

Để giảm chi phí, ông còn đến các chợ thu gom phế phẩm thủy sản, thường là cá về ủ với nấm Trichoderma. Sau đó dùng tưới cho cây. Phân cá có hàm lượng đạm rất cao, làm cho cây luôn xanh tươi và cho năng suất cao, da trái bưởi bóng đẹp. Bên cạnh đó, ông thiết kế vườn bưởi có nhiều mương, thường xuyên nạo vét lấy nước trữ ngọt, bồi đắp  phù sa. Ông cũng lắp đặt hệ thống tưới phun tự động để giảm công lao động. Ngoài ra, ông rất chú trọng việc lôi kéo kiến vàng cũng như các loài chim chóc vào vườn để làm thiên địch loại trừ sâu bọ.

Empty

Bưởi trái đẹp, chất lượng không thay đổi. Ảnh: Minh Đảm.

Nhờ áp dụng nhiều thành tiến bộ khoa học trong canh tác mà mùa mặn 2020 kéo dài hàng tháng ròng, áp lực nước mặn và thiếu nước tưới rất lớn nhưng vườn bưởi của lão nông này khoẻ mạnh, không có cây nào bị suy kiệt. Về kỹ thuật chăm sóc bưởi da xanh, lão nông Phạm Văn Đông chia sẻ:

“Đối với mô hình GAP, mình phải làm theo tiêu chuẩn. Ví dụ phun thuốc phải đúng tiêu chuẩn, kỹ thuật, không phun xịt thuốc mà không đúng quy định. Phải có thời gian cách ly để an toàn. Bón phân thì mỗi tháng bón 1 lần. Cây bưởi khi thấy bị bệnh thì phải ghép gốc chanh volca, chứ vẫn thay bằng cây bưởi vô thì vẫn nhiễm bệnh như thường. Gốc volka mình thay thế có ưu điểm là chịu hạn mặn, chống được các bệnh vàng lá, thối rễ, xì mủ, chất lượng bình thường, tuổi thọ càng cao hơn”.

Hiện nay, vườn bưởi da xanh của ông Phạm Văn Đông được các nhà khoa học đánh giá rất cao, nhất là kỹ thuật sản xuất an toàn. Trung bình mỗi tháng, khu vườn cho năng suất hơn 1 tấn trái, được Hợp tác xã Bưởi da xanh Bến Tre bao tiêu để đưa đi xuất khẩu.

Empty

Ông Tư Đông tự mua cá vụn ủ phân hữu cơ tưới bưởi da xanh. Ảnh: Minh Đảm.

Ông Võ Thanh Nhàn, tổ trưởng Tổ hợp tác của Hợp tác xã bưởi da xanh ấp An Phú, xã An Khánh cho biết vườn bưởi da xanh của ông Tư Đông (tức ông Phạm Văn Đông) rất tiêu biểu, khác biệt với các nhà vườn khác, hiệu quả rất cao đáng được học hỏi.

“Tôi cũng theo dõi ngay từ đầu, cây bưởi đứng trên gốc volka phải nói là quá tốt so với các loại bưởi, không có thối rễ, mà sâu rầy nó cũng ít hơn. Tôi nghĩ xã viên và bà con trồng bưởi nên học hỏi cách này của anh Tư. Đó là điều mới nên nhân rộng. Còn kỹ thuật chăm sóc thì quá tuyệt vời rồi, ông dùng phân hữu cơ, phân cá để tưới thôi. Bây giờ vườn bưởi này trồng để cho HTX xuất khẩu rất tốt rồi”.

Nói về kỹ thuật dùng gốc volka để ghép vào cây bưởi da xanh, TS. Võ Hữu Thoại, Viện trưởng Viện cây ăn quả miền Nam cho biết: Cây volka là họ chanh có sức sinh trưởng mạnh, ghép vào bưởi sẽ giúp cây chống chọi hiệu quả với nhiều loại bệnh. Trong đó, tiêu biểu nhất là vàng lá thối rễ. Kỹ thuật này được Viện khuyến cáo cách đây 20 năm.

Empty

Kỹ thuật canh tác bưởi da xanh của ông Phạm Văn Đông rất đáng học hỏi. Ảnh: Minh Đảm.

Bưởi và cam là 2 trong số cây trồng chủ lực của ĐBSCL. Ước sản lượng cả năm 2022, cam đạt 482 nghìn tấn, bưởi đạt 370 nghìn tấn. Những năm qua, tình hình bệnh vàng lá thối rễ trên cây có múi đặc biệt là cam bưởi được các nhà khoa học quan tâm nghiên cứu.

Tuy nhiên, có 2 nhược điểm mà nông dân khi đó không ưa chuộng. Thứ nhất, mắc ghép quá cao so với gốc thì cây dễ gãy bởi thân bưởi da xanh phát triển mạnh sẽ to hơn gốc mưa gió thường dễ gãy ngang chỗ ghép. Đối với nhược điểm này, chỉ cần ghép thấp xuống sẽ khắc phục được. Thứ hai, trái chiến của cây ghép có màu da sần sùi không đẹp, vị trái hơi chua hơn so với cây chiết nhánh. Tuy nhiên, qua một hai mùa trái bưởi sẽ trở lại bình thường, không còn bị ảnh hưởng nữa.

“Vì ngày xưa, người dân chưa tiếp cận đầy đủ thông tin khoa học nên người ta sợ, vẫn thích dùng nhánh chiết hơn nên kỹ thuật này không thể nhân rộng. Chứ kỹ thuật này là bình thường đã được khoa học chứng minh, không có gì mới. Để làm hài hoà, chúng tôi mới khuyến cáo dùng gốc bưởi long cổ cò để làm gốc ghép cho cây bưởi da xanh, thời gian đầu nó ít bị ảnh hưởng hơn. Hiện nay, chúng tôi khuyến cáo thêm nên dùng gốc ghép volka trên cây cam sẽ rất hiệu quả”, TS. Võ Hữu Thoại thông tin thêm.

Sản xuất sạch, an toàn, hướng hữu cơ là hướng đi tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại. Vườn bưởi da xanh và những sáng kiến trong canh tác của ông Phạm Văn Đông ở xã An Khánh, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre đã thành công, cần được phát huy nhân rộng.

  • Tags:
Xem thêm
Phó Cục trưởng NAFIQPM: 'Giá lợn hơi sẽ duy trì ở mức cao'

Theo dự báo, giá lợn hơi sẽ duy trì ở mức cao, tuy nhiên khó có khả năng tăng đột biến nếu công tác phòng chống dịch bệnh được thực hiện tốt.

Chạy đua tiêm phòng vacxin đợt 1 cho đàn vật nuôi

HÀ TĨNH Để đảm bảo kết thúc tiêm phòng cho đàn vật nuôi xong trước ngày 30/5, tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu các địa phương chỉ đạo lực lượng chuyên môn đẩy nhanh tiến độ tiêm.

Tiền Giang giảm thiệt hại hơn 3.000 tỷ đồng nhờ cắt vụ, chuyển đổi cây trồng

Đề án Cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng các huyện phía đông giúp tránh thiệt hại do thiên tai như hạn, mặn 3.000 tỷ đồng.

Những mầm xanh vươn lên từ vùng đất khắc nghiệt

SƠN LA Từ nương rẫy bạc màu, chị Hường vươn lên với mô hình ươm cây giống trong nhà màng, mở ra hướng đi bền vững cho nông nghiệp công nghệ cao tại huyện Vân Hồ.

Bảo tồn giống cây trồng bản địa của Bình Định

Để giữ gìn tri thức bản địa miền núi Bình Định, Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ đã bảo tồn các giống lúa rẫy, ngô nếp, sắn ngọt…

TP Hạ Long thả 200.000 con giống tái tạo nguồn lợi thủy sản

QUẢNG NINH Lãnh đạo cùng nhân dân TP Hạ Long đã tiến hành thả 200.000 con giống thủy sản, bao gồm các loại tôm sú, cá vược, cá tráp về môi trường tự nhiên.

Hơn 10 nghìn ha nứa, vầu, luồng chết khô, người dân ngồi trên đống lửa

THANH HÓA Theo thống kê ban đầu, hiện toàn huyện Quan Sơn đã có trên 10 nghìn ha nứa, vầu, luồng bị chết khô (khuy sinh học).

Bình luận mới nhất