"Tôi có thể đảm bảo rằng, nếu không có sự hỗ trợ của chúng tôi, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ giành chiến thắng. Nếu chúng ta dừng hỗ trợ ngay bây giờ, ông Putin sẽ trở nên mạnh mẽ hơn và ông ấy sẽ có thể làm bất kỳ điều gì mình muốn", Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin phát biểu trước Ủy ban Phân bổ Ngân sách Thượng viện hôm 31/10.
Do đó, người đứng đầu Lầu Năm Góc tin rằng, chiến lược của Nga là "chờ đợi phương Tây mệt mỏi".
Bộ trưởng Quốc phòng Austin và Ngoại trưởng Antony Blinken đã yêu cầu các nhà lập pháp chấp thuận yêu cầu viện trợ bổ sung trị giá 106 tỷ USD của Tổng thống Joe Biden, trong đó bao gồm viện trợ cho Ukraine, Israel và Đài Loan.
Trong 44,4 tỷ USD được đề xuất cho Ukraine, 12 tỷ USD sẽ được dùng để mua vũ khí và 18 tỷ USD sẽ được chi cho việc thay thế vũ khí mà Mỹ đã gửi cho Kiev.
An ninh mạng, hỗ trợ tình báo và tăng cường sự hiện diện của quân đội Mỹ ở châu Âu sẽ tiêu tốn thêm 10,7 tỷ USD, trong khi 3,7 tỷ USD sẽ được chi để "mở rộng năng lực sản xuất tại cơ sở quốc phòng và công nghiệp", theo ông Austin.
Vấn đề tăng viện trợ cho Ukraine đang gây chia rẽ trong chính trường Mỹ. Tổng thống Biden nhiều lần khẳng định Mỹ sẽ sát cánh với Ukraine và kêu gọi quốc hội thông qua gói hỗ trợ mới cho Kiev.
Tuy nhiên, kế hoạch viện trợ mới nhất của ông Biden dường như sẽ không dễ dàng. Trong khi đảng Dân chủ kiên quyết ủng hộ ông Biden trong việc kết hợp viện trợ cho Ukraine với Israel, các thành viên đảng Cộng hòa lãnh đạo Hạ viện lại phản đối việc kết hợp hai gói viện trợ.
Ông Austin cho biết chính quyền Biden muốn Ukraine tiếp tục phản công trong suốt mùa đông, song Kiev không thể thực hiện điều này nếu thiếu sự hỗ trợ của Mỹ.
Cho đến nay, Mỹ là nhà cung cấp viện trợ quân sự lớn nhất cho Ukraine kể từ khi xung đột Nga - Ukraine bùng nổ hồi tháng 2/2022, với các gói hỗ trợ có giá trị tổng cộng lên đến 43,9 tỉ USD.