| Hotline: 0983.970.780

Lay lắt xóm Việt kiều

Thứ Hai 05/09/2011 , 09:51 (GMT+7)

Người dân hai xóm Việt kiều Campuchia sống bên bờ hồ Dầu Tiếng đang phải sống vật vờ dưới mức nghèo, tưởng không thể khổ hơn…

Lâu nay nhắc đến hai chữ “Việt kiều”, người ta thường nghĩ đó là những người có cuộc sống khá sung túc. Nhưng hai xóm Việt kiều Campuchia sống bên bờ hồ Dầu Tiếng (thuộc hai xã Phước Minh và Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh) thì ngược lại, họ đang phải sống vật vờ dưới mức nghèo, tưởng không thể khổ hơn…

Không nhớ nổi tên con!

Đến ấp B4, xã Phước Minh, hình ảnh khiến chúng tôi nhói lòng là hàng chục túp lều gá ghép từ đủ thứ vật liệu, mái che “vá chằng vá đụp” bằng những miếng tôn rỉ sét và các loại vỏ bao bì xanh đỏ đủ màu. Cái lều ấy rung lên phần phật vì gió, nhìn chẳng khác mấy so với một chiếc chuồng gà. Đây là những "căn nhà" của Việt kiều từ Campuchia trở về Việt Nam từ cuối những năm 1980 đến nay.

Hai xóm Việt kiều này có khoảng gần 300 hộ với số nhân khẩu lên đến cả nghìn người, đa phần là trẻ em vì gia đình nào cũng 5 - 7 đứa con, không ít nhà có 10 - 12 đứa. Những cư dân này quê quán ở các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long, mưu sinh bằng nghề đánh bắt cá trên sông. Họ không có nhà cửa ổn định, chỉ có chiếc thuyền lênh đênh theo con nước, vừa là nhà vừa là phương tiện làm ăn.  

Những "căn nhà” tại xóm Việt kiều

Những năm đất nước còn chiến tranh, phần vì chạy loạn, phần vì theo con nước kiếm ăn, họ lưu lạc đến vùng Biển Hồ (Tonle Sap) Campuchia. Sau năm 1985, khi hồ Dầu Tiếng hoàn thành, cũng là lúc việc đánh bắt cá trên Biển Hồ gặp nhiều khó khăn, họ bắt đầu tìm đường hồi hương.

Chúng tôi đến nhà vợ chồng anh Nguyễn Văn Giàu và chị Phan Thị Lợi, hồi hương từ năm 2005. Mặc dù anh chị mới ngoài 40 tuổi nhưng đã có 9 người con. Đến nay, mới chỉ có cô con gái lớn 23 tuổi đã lập  gia đình, còn lại đều đang trong tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”. Cuộc mưu sinh vất vả, lại sinh cả một  đàn con khiến anh chị già hơn đến chục tuổi.

Anh Giàu nhớ lại: “Hồi mới sang Biển Hồ, cuộc sống cũng không đến nỗi nào vì cá tôm nhiều, chính quyền địa phương thấy chúng tôi ít khi bước chân lên bờ nên không gây khó dễ gì. Nhưng đến đầu những năm 1990, chính quyền bắt đầu "hỏi thăm". Họ nói mình gây ô nhiễm, làm cạn kiệt nguồn cá tôm trên hồ. Không những thế, trộm cướp, giang hồ thường xuyên đến “hỏi thăm” xóm chài người Việt, nạn cướp bóc, giết người xảy ra ngày càng nhiều. Tinh thần căng thẳng, mưu sinh khó khăn, nhiều gia đình đã phải bỏ đi, hoặc tìm đường trở về Việt Nam”.

Tuy nhiên, trở về Việt Nam, cuộc sống của họ chỉ khác ở Biển Hồ là không có hiểm nguy do giang hồ rình rập, còn khó khăn thì vẫn chồng chất. Hồi hương với hai bàn tay trắng, không có đất làm nhà, không có phương tiện kiếm sống, họ dựng những túp lều di động trong rừng phòng hộ hồ Dầu Tiếng ở trái phép, mỗi khi chính quyền đến đuổi, họ lại tháo ra, chuyển đến một chỗ khác gần đó dựng lại. Anh Giàu cho biết, vì không có tiền mua lưới, thuyền, nên cả 2 vợ chồng anh và 6 đứa con cũng chỉ kiếm được từ 60 đến 100 ngàn đồng/ngày.

Chúng tôi hỏi vì sao cuộc sống khó khăn, thiếu thốn mà sinh nhiều con vậy? Anh Giàu nói: “Dân chài lưới trên Biển Hồ chỉ có “nhà” trên mặt nước, ít khi bước lên bờ, các hoạt động mua bán, trao đổi đều diễn ra trên mặt nước. Do ít tiếp xúc ngoài xã hội, ít hiểu biết nên không biết cách phòng ngừa”.  

Không có khả năng mua thuyền đánh cá, những Việt kiều chỉ biết thả lưới gần bờ

Thật xót xa khi chứng kiến những đàn trẻ nheo nhóc, còi cọc vì thiếu thốn, 7 tuổi đã phải theo người lớn đi kiếm ăn. Và, cha mẹ chúng, vì đông con quá, sàn sàn tuổi nhau nên thậm chí không nhớ chính xác tên, tuổi chúng.

Nợ nần suốt đời

Hồi hương tự do, không có đầy đủ giấy tờ, nhiều người mấy chục năm sống trên hồ nên cũng không quan tâm đến chuyện phải làm giấy tờ tùy thân. Khi về Việt Nam không có một mảnh giấy lận lưng, họ không nhớ gốc gác mình ở đâu, sang Campuchia ở địa phương nào. Chính vì vậy, họ gặp rất nhiều khó khăn trong việc an cư.

“Chính quyền bảo tụi tui trở lại Campuchia để xác nhận đã từng sinh sống ở đó nhưng ở bên đó chúng tôi sống trên thuyền, chẳng ai quản lý, chính quyền có biết chúng tôi là ai đâu mà xác nhận… Gia đình tôi về đây từ năm 2008, đến nay chẳng ai có giấy tờ tùy thân. Cho nên ngay cả thuê phòng trọ cũng không được chứ đừng nói đi xin việc làm. Cả gia đình tôi vừa con vừa cháu gần 40 người, chỉ có cậu con trai thứ 6 được người ta thương tình, cho đi làm phụ hồ với tiền công 90 ngàn đồng/ngày, còn lại chỉ biết trông vào mấy nắm lưới”, ông Nguyễn Văn Thanh, 61 tuổi, hiện cả đại gia đình ông đang tá túc nhờ trong một căn chòi rộng chừng 40m2, cho biết.  

Đại gia đình 30 người nhà ông Nguyễn Văn Thanh sống chật chội từ năm 2008 đến nay

+ "Họ hồi hương tự do, về địa phương lấn chiếm đất rừng phòng hộ làm nhà ở. Nhiều người trong số họ không ở ổn định, cứ đi đi về về giữa Việt Nam và Campuchia, gây khó khăn cho công tác quản lý. Quỹ đất của địa phương không còn nên việc cấp đất cho họ thì chúng tôi vô phương. Chúng tôi vẫn cho các cháu đi học dù chưa có giấy khai sinh", ông Nguyễn Văn Hoàng, Chủ tịch UBND xã Phước Ninh.

+ "Những hộ Việt kiều mùa nước lên họ sống trên hồ, sau mùa nước lại lên bờ dựng chòi trong rừng lịch sử Dương Minh Châu ở chui, hoặc quay lại Campuchia “kéo” người thân từ bên đó về làm tình hình địa phương thêm phức tạp. Lãnh đạo huyện rất quan tâm đến tình hình xóm Việt kiều, đã chỉ đạo một số cơ quan như: công an, tư pháp... để giải quyết vấn đề liên quan đến hộ khẩu, giấy khai sinh…", ông Nguyễn Minh Vương, Phó Chánh văn phòng UBND huyện Dương Minh Châu.

Điều đáng nói hơn là hai xóm Việt kiều này hiện có cả ngàn trẻ em nhưng chỉ một số ít được đi học theo kiểu “dự thính”, số đông còn lại không được đi học vì không có giấy khai sinh. Chính những gia đình Việt kiều này cũng không mặn mà lắm với việc cho con em đi học trong điều kiện ăn không đủ như vậy.

Lợi dụng sự khó khăn của những Việt kiều, một số cá nhân có tiền ở Phước Ninh và Phước Minh đã bỏ tiền mua lưới về giao cho họ đi đánh bắt cá. Sự “giúp đỡ” này đã tạo điều kiện cho người dân nghèo có việc làm nhưng cũng đang biến họ thành con nợ suốt đời.

Những người dân chúng tôi tiếp xúc cho biết, một ký lưới “thô”, chưa có phao, chì, giá gốc 800 ngàn đồng, những người cho vay tiền đi mua về bán lại cho họ với giá 910 ngàn đồng. Sau khi hoàn chỉnh một tay lưới (nặng 1 ký, dài 80 mét) giá tăng lên 1,2 triệu đồng. Ngoài việc đầu tư lưới, mỗi tuần chủ nợ giao cho họ một bao gạo, một can xăng chạy xuồng, họ chỉ việc đi đánh bắt cá, được bao nhiêu mang về bán lại hết cho chủ nợ với giá 13 ngàn đồng/kg và trừ dần vào nợ gốc, tiền xăng, gạo. Khi nào trừ xong, số lưới này sẽ thuộc về họ.

“Nói vậy thôi chứ chẳng có ai trả nổi. Trái lại, mỗi năm qua đi, số nợ lại tăng thêm vài chục triệu vì lưới chỉ dùng được 1 năm là nát, chưa kể mất trộm, lại phải mua thêm. Từ 4 năm nay, năm nào chúng tôi cũng phải mua thêm lưới, đến nay số nợ đã lên gần 100 triệu đồng. Bây giờ trên hồ nhiều người đánh bắt quá, cá tôm sinh sôi không kịp, mỗi đêm chúng tôi thả đến 30 ký lưới (2.400 mét), nhưng cũng chỉ kiếm được từ 20 đến 30 kg cá”, ông Thanh cho biết.

Xem thêm
Trung ương chốt những cơ quan Đảng và Quốc hội sẽ kết thúc hoạt động

Ban Chấp hành Trung ương vừa thông qua phương án sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy với việc kết thúc hoạt động của nhiều cơ quan và hợp nhất nhiều đơn vị.

Xâm nhập mặn bao trùm hệ thống thủy lợi Tiên Lãng những ngày cận Tết

HẢI PHÒNG Những ngày cận Tết Ất Tỵ 2025, xâm nhập mặn diễn ra phức tạp tại Tiên Lãng, có nơi vượt ngưỡng cho phép 20 lần khiến việc lấy nước đổ ải gặp khó khăn.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Cát trắng như gạo

Quảng Bình Những ngày cận Tết, bà con vùng cát mang cát trắng đi bán cho người dân dùng thay lư hương thờ ông bà để đón năm mới…

Bình luận mới nhất