| Hotline: 0983.970.780

Liên kết sản xuất, chế biến nâng giá trị chè Shan tuyết

Chủ Nhật 21/07/2019 , 13:46 (GMT+7)

Với lợi thế sẵn có về tự nhiên, thích hợp cho cây chè Shan tuyết phát triển, nhiều hộ dân trên địa bàn xã Hồng Thái, huyện Na Hang, Tuyên Quang tổ chức liên kết thành lập hợp tác xã, bước đầu đem lại hiệu quả.

 Công nhân HTX Sơn Trà sơ chế chè Shan tuyết.

Ông Đặng Ngọc Phố, Phó Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Sơn Trà, xã Hồng Thái cho biết: Trước đây, các hộ chỉ cùng nhau tham gia tổ hợp tác sản xuất chè, trong quá trình tổ chức sản xuất, kinh doanh nhận thấy hoạt động của tổ hợp tác có nhiều hạn chế. Tháng 6/2018, HTX Sơn Trà được thành lập, với 8 thành viên tham gia.

Việc thành lập hợp tác xã sản xuất, chế biến, tiêu thụ chè Shan đặc sản xuất phát từ chính nhu cầu của anh em trong ban quản trị, vì một thời gian dài chè Shan đặc sản Hồng Thái không tìm kiếm được thị trường tiêu thụ, do rất ít người biết đến.

Trong quá trình sản xuất, kinh doanh, HTX luôn đặt ra cho mình mục tiêu sản xuất và chế biến ra những sản phẩm chè Shan tuyết có chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vì quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng và bảo vệ môi trường.

Để đáp ứng được nhu cầu sản xuất, cung ứng hàng hóa đáp ứng được thị hiếu của người tiêu dùng, HTX đã chủ động mời cán bộ kỹ thuật của Trạm Khuyến nông huyện hướng dẫn 16 hộ chuyên cung cấp chè búp tươi cho HTX trên địa bàn xã về kỹ thuật chăm sóc, thu hái và bảo quản chè búp tươi theo tiêu chuẩn sản xuất chè hữu cơ.

Theo anh Đặng Đức Triều, thành viên HTX: Các thành viên được HTX hướng dẫn chăm sóc chè theo hướng tự nhiên, không sử dụng hóa chất, không sử dụng các loại thuốc kích thích và không dùng thuốc bảo vệ thực vật. Chè búp tươi thu hái về được HTX thu mua với giá từ 15.000 - 25.000 đồng/kg tùy theo phẩm cấp chè.

Để đảm bảo sản lượng chè cung cấp cho sản xuất, mỗi năm HTX thu mua trên 150 tấn chè búp tươi của bà con. Thị trường tiêu thụ của HTX không chỉ trong  huyện, tỉnh mà nay đã mở rộng ra bên ngoài như: Hà Nội, Phú Thọ, Hải Phòng…

Để cây chè thực sự mang lại hiệu quả kinh tế, đổi thay cuộc sống cho người dân, chính quyền địa phương đang tích cực quảng bá, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến, phối hợp xây dựng chuỗi liên kết giá trị sản phẩm với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh...

Không chỉ tạo việc làm cho các hộ trồng chè, HTX Sơn Trà đã tạo việc làm thường xuyên cho 6 - 7 công nhân, thu nhập bình quân của thành viên và người lao động trong HTX đạt 4 - 5 triệu đồng/người/tháng.

Anh Triệu Văn Vịnh, công nhân làm việc tại xưởng sản xuất chè của HTX Sơn Trà chia sẻ: Từ khi được nhận vào làm việc tại HTX có công việc ổn định, không phải đi làm xa nhà, gia đình có nguồn thu nhập ổn định hàng tháng nên anh rất phấn khởi.

Hiện thương hiệu chè Shan tuyết Hồng Thái được khách hàng và các đối tác đánh giá cao về chất lượng. Năm 2019, HTX tập trung vào phân khúc chè chất lượng cao, với giá bán khoảng 1 triệu đồng/kg chè khô. Yêu cầu để sản xuất loại chè này là bà con phải hái đúng 1 tôm 1 lá, giá thu mua 1 kg búp tươi là 50.000 đồng.

Việc tập trung vào phân khúc hàng cao cấp sẽ định hình được giá trị, thương hiệu của sản phẩm chè Shan tuyết Hồng Thái trên thị trường, qua đó, tạo niềm tin cho người tiêu dùng, nâng cao thu nhập cho người trồng chè địa phương.

(Trung tâm Khuyến nông Tuyên Quang)

Xem thêm
Gần 160 trang trại chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP trong khoảng 5 năm qua

Thái Nguyên Tỉnh Thái Nguyên xác định các trang trại, cơ sở chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP là nền tảng để địa phương xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Một xã vùng cao có 26 con trâu bò chết nghi do ung khí thán

NGHỆ AN Nhiều hộ dân tại bản Huồi Mũ của xã Huồi Tụ (Kỳ Sơn, Nghệ An) đang hoang mang khi trâu, bò bỗng dưng chết hàng loạt.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.