| Hotline: 0983.970.780

Liên kết sản xuất ngô sinh khối

Thứ Sáu 07/10/2016 , 14:10 (GMT+7)

Nông dân huyện Mộc Châu (Sơn La) vài năm trở lại đây đã từng bước liên kết SX nguyên liệu phục vụ DN, phá thế độc canh trồng ngô hạt, tạo hiệu quả kinh tế cao và phát triển bền vững.

Hơn 2.000ha ngô lấy thân trên cao nguyên

Cũng là trồng giống ngô lai nhưng tại nhiều khu vực ở Mộc Châu, người nông dân không trồng để thu bắp mà trồng đến giai đoạn bắp ra hạt đều, lá còn xanh là thu hoạch cả cây. Ngô cây được Cty CP Giống bò sữa Mộc Châu và các hộ chăn nuôi bò sữa thu mua để ủ chua làm thức ăn cho bò sữa vào mùa khô.

Cùng với sự phát triển của số lượng đàn bò sữa trong những năm gần đây, nhu cầu về thức ăn cho bò sữa cũng tăng cao. Ngoài các cánh đồng cỏ thì ngô cây cũng là thành phần không thể thiếu cung cấp thức ăn cho đàn bò vào các mùa trong năm, nhất là dự trữ thức ăn cho đàn bò mùa khô. Những người trồng trọt có thêm cách trồng ngô mới, tốn ít thời gian, công sức mà lợi nhuận cho thu lại gấp đôi.

Ông Bàn Văn Chanh, bản Co Phay, xã Tân Lập cho biết: Năm nào gia đình cũng trồng ngô bán ủ ướp trên diện tích ruộng và các khu đất nương, thu trên 50 tấn ngô cây, bán được hơn 40 triệu đồng. Trồng theo hình thức này, từ việc chăm bón đến thu hoạch không mất nhiều thời gian, công việc nhàn nhã hơn, thu nhập lại cao hơn so với trồng ngô lấy bắp. Sau vụ ngô là bước vào trồng lúa vụ mùa, đất ruộng được tận dụng tối đa để SX.

Còn chị Lường Thị Hiền, bản Nà Ngà, xã Mường Sang chia sẻ thêm: "Hầu hết các hộ trong xã đều trồng ngô ủ ướp ở ruộng một vụ. Cùng trên một diện tích đất nhưng có thể SX được 3 vụ trong năm. Trồng ngô ủ ướp từ tháng 1 đến tháng 5, thu hoạch ngô xong thì bước vào trồng lúa vụ mùa đến tháng 11, trong ba tháng mùa đông (từ tháng 11 đến tháng 1) thì gieo cải lấy hạt. Năm nào cũng vậy, đất ruộng tại đây quanh năm được phủ xanh bởi các loại cây trồng".

Chủ tịch UBND huyện Mộc Châu, ông Phạm Đức Chính cho biết, thị trấn Nông trường Mộc Châu, Mường Sang, Tân Lập, Phiêng Luông… có nhiều diện tích đất SX tương đối bằng phẳng, thích hợp cho việc trồng và thu hoạch ngô ủ ướp. Ngô trồng làm ủ ướp chỉ mất 2/3 thời gian so với ngô trồng lấy bắp nên có thể trồng được 2 vụ trong năm. Hiện diện tích trồng ngô lấy thân để phục vụ nguyên liệu cho Cty CP Giống bò sữa Mộc Châu đã lên đến 2.000ha.

Người dân các bản thường truyền nhau kinh nghiệm trong việc trồng ngô ủ ướp để đạt năng suất cao nhất, như: khi trồng nên đánh luống thẳng hàng, gieo hạt với mật độ dày gấp 2 - 3 lần mật độ ngô trồng lấy bắp. Các giống ngô trồng là ngô lai đơn NK6326 và giống ngô lai đơn chịu hạn NK7328 có ưu điểm phát triển nhanh, thân cây to, cao, ra bắp to và đều hơn các giống ngô lai khác. Theo đánh giá chung, trồng ngô ủ ướp đạt năng suất bình quân 35 tấn/ha, giá bán trung bình từ 900 - 1.200 đồng/kg, giá trị thu nhập đạt trên trên 30 triệu/ha.

 

Cam kết thu mua

Theo quy hoạch, số lượng bò sữa trên cao nguyên Mộc Châu sẽ đạt khoảng 30.000 con vào năm 2020, quy mô đàn từ 35 con/hộ hiện nay lên 45 - 50 con/hộ, trong đó khoảng 30% nhóm hộ nuôi quy mô lớn khoảng 100 - 200 con/hộ. Với tốc độ tăng trung bình khoảng 12%/năm, thì nhu cầu thức ăn thô cho bò trong mùa khô sẽ rất lớn.

11-09-41_img_0856
 

“Trọng tâm của chúng tôi vẫn là chăn nuôi nông hộ và thực tế nhiều nước như Mỹ, Canada… cũng đều như vậy. Hiện quy mô chăn nuôi bò sữa tại các nông hộ ở các nước như Mỹ, Hàn Quốc, Pháp, Canada cũng chỉ từ 100 - 300 con/hộ. DN sẽ tiếp tục xây dựng thêm cơ sở chế biến sữa và thức ăn; tăng cường liên kết vùng với nông dân các khu vực lân cận để thu mua ngô lấy thân”, ông Trần Công Chiến, TGĐ Cty nói.

“Tại sao chúng tôi dám đặt mục tiêu hơn 30.000 con bò sữa trên diện tích nuôi chỉ có 1.000ha? Đó chính là duy trì và phát triển mô hình liên kết nguyên liệu trên”, ông Chiến cho hay.

Theo tính toán, giá ngô hạt khoảng 5.000 đồng/kg, với năng suất trung bình 6 tấn/ha, thu nhập chỉ khoảng 30 triệu đồng/ha. Trong khi đó, giá ngô lấy thân không dưới 1.200 đồng/kg. Nếu trồng tốt sẽ cho khoảng 60 tấn/ha, thu được 72 triệu đồng; trồng tiếp vụ thứ 2 thu được 30 tấn/ha nữa, cho khoảng 30 triệu đồng nữa, như vậy bà con có thể thu tầm 100 triệu đồng/ha/năm. Mỗi con bò cần khoảng 8 tấn ngô ủ ướp/năm, và người dân trong vùng liên kết đang cung cấp khoảng 60% trong số đó với khoảng 130 - 140 nghìn tấn trong năm 2016. Như vậy, nhu cầu nguyên liệu thô vẫn là rất lớn và DN cam kết mua cho nông dân toàn bộ nguyên liệu theo đúng tiêu chuẩn đề ra.

Thực tế, các chương trình trên đã tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động trong vùng với thu nhập khá. Việc liên kết với các nông dân ngoài Cty trong vùng đã giúp hoàn thiện hơn chu trình chăn nuôi của DN với chủ trương “thức ăn vào trong công ty, bò sữa ra ngoài công ty”.

“Tại Mộc Châu, năng suất sữa tươi hiện đạt 7,4 tấn/chu kỳ và mục tiêu trong 5 năm tới sẽ tăng lên 8 tấn/chu kỳ. Lúc đó, giá thành sữa sẽ giảm xuống. Sữa tươi vận chuyển từ nước ngoài về Việt Nam với chi phí bảo quản khá lớn nên DN trong nước có thể cạnh tranh bình đẳng hơn”, ông Trần Công Chiến.

Xem thêm
‘Đòn bẩy’ nuôi gà thả đồi

Mô hình liên kết nuôi gà thịt gắn với tiêu thụ tại Hoài Ân là ‘đòn bẩy’ thúc đẩy chăn nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022 - 2026 theo chính sách khuyến khích của Bình Định.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Lão nông tự tạo chế phẩm tăng độ bám dính thuốc bảo vệ thực vật

Trong bối cảnh nhiều hộ trồng cam tại Cao Phong, Hòa Bình đang lao đao vì dịch bệnh thì vườn cam của ông Phạm Văn Cường lại xanh tốt, gây ấn tượng mạnh cho tôi.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.