| Hotline: 0983.970.780

Liên kết sản xuất rau sạch trên đất cát, trồng không đủ bán

Thứ Sáu 04/11/2022 , 06:57 (GMT+7)

Quảng Nam: Được thị trường ưa chuộng và nhiều đơn vị liên hệ ký hợp đồng thu mua nhưng sản phẩm rau sạch Bình Triều vẫn không có đủ sản phẩm để cung cấp.

Bình Triều là vùng trồng rau lớn nhất của tỉnh Quảng Nam với diện tích hơn 220ha. Ảnh: L.K.

Bình Triều là vùng trồng rau lớn nhất của tỉnh Quảng Nam với diện tích hơn 220ha. Ảnh: L.K.

Bình Triều là xã ven biển thuộc huyện Thăng Bình của tỉnh Quảng Nam. Với địa hình hầu hết là đất cát trắng nên rất ít loại cây trồng có thể thích ứng, sinh trưởng tốt. Sau nhiều năm, người dân nơi đây đã tìm được hướng đi hiệu quả từ cây rau, cho giá trị kinh tế cao.

Trước đó, vào năm 2011, tại địa phương này đã thành lập Hợp tác xã rau Hưng Mỹ. Những năm đầu, Hợp tác xã hoạt động tương đối hiệu quả. Cùng với người dân trong xã, Bình Triều đã phát triển diện tích rau lên đến hơn 220 ha, trở thành vùng trồng rau lớn nhất ở tỉnh Quảng Nam.

Mặc dù vậy, từ năm 2019, do nhiều tác động khách quan và cả chủ quan, hoạt động sản xuất, kinh doanh rau, củ, quả của Hợp tác xã Hưng Mỹ bị sa sút. Trước những khó khăn này, đơn vị đã tiến hành bầu lại vị trí Giám đốc Hợp tác xã cũng như định hướng phát triển phù hợp để nâng tầm cho làng rau Bình Triều. Đến cuối năm 2021, Hợp tác xã rau Hưng Mỹ được đổi tên thành Hợp tác xã nông nghiệp Bình Triều.

Anh Trương Ký Thành, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Bình Triều cho biết, sau khi đảm nhận nhiệm vụ, anh đã bắt đầu xây dựng lại kế hoạch phát triển cho Hợp tác xã. Đó là quản lý hoạt động trồng, chăm sóc, sơ chế rau theo một quy trình nghiêm ngặt, đạt tiêu chuẩn VietGAP, đảm bảo an toàn từ lúc xuống giống cho tới khi xuất bán.

Anh Trương Ký Thành, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Bình Triều cho biết, rau được trồng ở đây đều đảm bảo an toàn, không hề sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, đạt tiêu chuẩn VietGAP. Ảnh: L.K.

Anh Trương Ký Thành, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Bình Triều cho biết, rau được trồng ở đây đều đảm bảo an toàn, không hề sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, đạt tiêu chuẩn VietGAP. Ảnh: L.K.

Chỉ sau 1 năm thực hiện, đến nay Hợp tác xã nông nghiệp Bình Triều đã liên kết sản xuất với 23 thành viên. Trung bình diện tích liên kết với mỗi thành viên khoảng 2.500m2.  Toàn bộ các vườn rau liên kết đều canh tác theo phương pháp hữu cơ, không hề sử dụng bất cứ một loại thuốc bảo vệ thực vật nào.

Theo anh Thành, trước khi xuống giống, đất trồng rau mà Hợp tác xã liên kết sẽ được bón lót bằng phân chuồng ủ hoai mục. Trong quá trình cây rau phát triển sẽ bổ sung thêm các loại phân bón vi sinh. “Loại phân bón vi sinh còn chứa nhiều yếu tố vi lượng không những giúp cây hấp thụ tốt mà còn có khả năng cải tạo đất, bổ sinh được nguồn dinh dưỡng cho đất”, anh Thành nói.

Cũng theo anh Thành, nếu trong quá trình sinh trưởng phát hiện rau có sâu bệnh thì sẽ tiến hành xử lý bằng các loại chế phẩm trừ sâu sinh học. Loại chế phẩm này có thành phần từ tỏi, ớt và một số loại vi sinh khác có tác dụng làm thay đổi nhịp sinh học của các loại sâu bệnh gây hại, tự chết sau 1 thời gian đồng thời ức chế khả năng nở của trứng sâu.

Tùy theo từng mùa vụ mà Hợp tác xã Bình Triều sẽ canh tác các loại rau, củ, quả khác nhau như cải cay, cải ngọt, xà lách, mồng tơi, rau muống, tần ô…Rau sau khi thu hoạch sẽ được đưa về nhà sơ chế để xử lý qua các bước như rửa sạch, sục ozone trước khi cung cấp ra thị trường để tiêu thụ.

Rau sản xuất ở Bình Triều vẫn không đủ cung cấp đủ nhu cầu thị trường. Ảnh: L.K.

Rau sản xuất ở Bình Triều vẫn không đủ cung cấp đủ nhu cầu thị trường. Ảnh: L.K.

Được biết, hiện nay tính trung bình với diện tích 2.500m2 (5 sào) mà các thành viên liên kết với Hợp tác xã Bình Triều mỗi tháng sẽ xuất bán gần 2,3 tấn rau các loại. Sản phẩm rau sạch của đơn vị này được tiêu thụ chủ yếu trong các cửa hàng thực phẩm sạch và siêu thị trên địa bàn tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng. Với giá bán cao hơn thị trường khoảng 20%, sau khi trừ tất cả các chi phí từ giống, phân bón, nhân công, mỗi tháng mức lợi nhuận mang lại cho các chủ vườn trên dưới 9 triệu đồng.

“Càng ngày thì nhu cầu sử dụng thực phẩm, rau sạch càng được người tiêu dùng quan tâm. Chính vì thế mà tiềm năng về thị trường tiêu thụ rất lớn. Đã có rất nhiều đối tác, doanh nghiệp tìm đến với chúng tôi để ký hợp đồng thu mua. Có nhiều đơn vị mong muốn được cung cấp hàng chục tấn rau mỗi ngày. Tuy nhiên, với diện tích hiện tại thì Hợp tác xã không đủ cung cấp nên không dám ký hợp đồng.

Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng diện tích liên kết cũng như xây dựng một quy trình trồng, chăm sóc rau cụ thể theo từng giai đoạn để nâng cao chất lượng cũng như sản lượng. Vừa qua, đề án phát triển làng rau Bình Triều của chúng tôi là 1 trong 3 đề án trong lĩnh vực nông nghiệp được huyện Thăng Bình phê duyệt để hỗ trợ. Đây chính là cơ hội để sản phẩm rau sạch của Hợp tác xã khẳng định được thương hiệu”, anh Thành chia sẻ.

Xem thêm
Chuẩn hóa quy trình nuôi chồn hương

Dù chồn hương là vật nuôi có giá trị kinh tế cao, nhưng thành phố Hà Tĩnh không vội vàng mở rộng mà tập trung chuẩn hóa quy trình nuôi.

Cục Thú y ban hành hướng dẫn phòng, chống bệnh cúm gia cầm

Cục Thú y khuyến cáo, khi phát hiện gia cầm chết hàng loạt không được giấu dịch, cần thông báo ngay cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan thú y.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất