| Hotline: 0983.970.780

Linh hoạt công nghệ bảo quản, đáp ứng thị trường xuất khẩu

Chủ Nhật 04/07/2021 , 17:35 (GMT+7)

HÀ NỘI Tùy vào quốc gia xuất khẩu nông sản, Viện Nghiên cứu rau quả sẽ đưa ra công nghệ chế biến phù hợp, đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu, gia tăng giá trị sản phẩm...

Những lô vải thiều cuối vụ sang Châu Âu

Dưới cái nóng gần 40 độ C, trong khu nhà mái tôn của Viện Nghiên cứu rau quả, PGS.TS Hoàng Thị Lệ Hằng, Phó Viện trưởng xuống tận phân xưởng động viên cán bộ, công nhân viên của Viện sơ chế lô vải thiều cuối vụ để kịp xuất khẩu sang Anh vào ngày 5/7.

PGS.TS Hoàng Thị Lệ Hằng (áo trắng), Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu rau quả xuống tận phân xưởng, hỗ trợ đóng góp vải thiều trước khi xuất khẩu. Ảnh: Bảo Thắng.

PGS.TS Hoàng Thị Lệ Hằng (áo trắng), Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu rau quả xuống tận phân xưởng, hỗ trợ đóng góp vải thiều trước khi xuất khẩu. Ảnh: Bảo Thắng.

Đây là một trong những lô vải thiều cuối cùng trong vụ thu hoạch năm 2021. Giá bán nhỉnh hơn so với những lô xuất cách đây một, hai tuần. Vì thế, bà Hằng muốn góp một phần công sức trong việc hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân.

"Chúng tôi sơ chế, bảo quản vải thiều nói riêng và nông sản nói chung tùy thuộc thị trường xuất khẩu. Chẳng hạn, vải thiều đợt này đi đường hàng không, thời gian bảo quản chỉ khoảng 7-10 ngày, ít hơn nhiều so với đi đường biển. Do đó, công nghệ sơ chế phải đáp ứng được yêu cầu", Phó Viện trưởng Hoàng Thị Lệ Hằng cho biết.

Theo bà Hằng, một trong những công đoạn khó nhất trong sơ chế vải thiều, là giữ được màu đỏ tươi như khi vừa thu hoạch. Muốn vậy, thời gian đưa quả vải sau khi thu hoạch về nơi sơ chế bảo quản phải giảm tới mức tối đa.

Vải thiều, sau khi thu hoạch từ huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) được đóng trong thùng xốp, rồi chở thẳng về Viện Nghiên cứu rau quả. Những quả vải được cắt cuống gọn gàng, rửa vài lần bằng nước sạch, sau đó ngâm trong dung dịch khử khuẩn. 

Vải sạch khuẩn được vớt tiếp ra bể nước đá và ngâm chừng một tiếng để hạ nhiệt độ. Do vải tiếp tục hô hấp và thải nhiệt trong suốt quá trình sơ chế bảo quản, nên nhiệt độ trong bể đá sẽ liên tục được kiểm tra.

Vải trước khi đóng thùng cần được ướp lạnh và kiểm tra nhiệt độ liên tục. Ảnh: Bảo Thắng.

Vải trước khi đóng thùng cần được ướp lạnh và kiểm tra nhiệt độ liên tục. Ảnh: Bảo Thắng.

Tới lúc nhiệt độ xuống khoảng dưới 5 độ C, vải được vớt ra, đóng vào hộp nhựa 1 kg và dán tem truy xuất nguồn gốc. Tới lúc này, công đoạn sơ chế bảo quản mới hoàn thành. Vải được xếp vào thùng xốp, đưa vào kho lạnh.

Ngay trong ngày Chủ nhật 4/7, Viện Nghiên cứu rau quả đã sơ chế khoảng 2,5 tấn vải. Cán bộ, công nhân viên trong viện làm từ lúc sáng sớm, quên cả giờ ăn trưa để kịp đóng gói cho Chi Cục Bảo vệ thực vật Hà Nội xuống nghiệm thu.

Nước Anh, châu Âu, Mỹ và Nhật Bản là những thị trường khó tính, đòi hỏi nghiêm ngặt về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như truy xuất nguồn gốc nông sản. Mọi quy trình sơ chế bảo quản, đóng gói đều được Viện Nghiên cứu rau quả chuẩn hóa một cách sát sao.

Với những thị trường "dễ tính" hơn, ví dụ Malaysia, Viện Nghiên cứu rau quả chủ động hướng dẫn bà con nông dân nhiều phương án bảo quản sau thu hoạch khác nhau, giúp tiết kiệm chi phí nhưng vẫn đáp ứng được các tiêu chuẩn đầu ra.

"Viện Nghiên cứu rau quả đi vào nghiên cứu công nghệ bảo quản, chế biến heo mô hình chuỗi khép kín, từ khâu chọn tạo giống, kỹ thuật canh tác, bảo quản sau thu hoạch và tìm thị trường đầu ra. Mục tiêu của chúng tôi là tạo ra những sản phẩm bán chạy trên thị trường, giúp người nông dân dễ dàng tiêu thụ nông sản.

Song song với chế biến, bảo quản hoa quả tươi, một hướng đi khác của Viện Nghiên cứu rau quả là chế biến nông sản, phục vụ cho thị trường nội địa. Nhờ sự chuyển giao công nghệ của Viện, các hợp tác xã đã đưa được nông sản lên kệ của nhiều chuỗi siêu thị lớn như Big C, Circle K, Hapro...

(PGS.TS Hoàng Thị Lệ Hằng)

Tập trung cho nghiên cứu chế biến sâu

Mới đây, Viện Nghiên cứu Rau quả đã tổ chức hội thảo khởi động dự án “Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai”. Với mục tiêu rà soát hạ tầng sau thu hoạch, đánh giá việc kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm, khuyến khích các kỹ thuật sau thu hoạch phù hợp với từng điều kiện thổ nhưỡng và cây trồng, Viện chủ trương đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất cho người nông dân và doanh nghiệp.

Theo Bộ KH-CN, năng lực chế biến, bảo quản nông sản của Việt Nam hiện ở mức khoảng 100 triệu tấn nguyên liệu một năm. Tuy nhiên, trình độ công nghệ chế biến nông sản của Việt Nam còn hạn chế. Các sản phẩm có giá trị gia tăng thấp chiếm tỉ lệ lớn, chủng loại chưa phong phú.

Nhân viên Công ty Cổ phần Nông nghiệp hữu cơ Fusa, đơn vị xuất khẩu vải thiều sang Anh, kiểm tra vải thiều sau sơ chế. Ảnh: Bảo Thắng.

Nhân viên Công ty Cổ phần Nông nghiệp hữu cơ Fusa, đơn vị xuất khẩu vải thiều sang Anh, kiểm tra vải thiều sau sơ chế. Ảnh: Bảo Thắng.

Ước tính cả nước có khoảng 150 doanh nghiệp chế biến rau, hoa quả, chiếm hơn 2% số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Công suất trung bình của khối này ước đạt hơn 4% tổng sản lượng nông nghiệp, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực và thế giới, như Philippines (28%), Thái Lan (30%), hay Mỹ 65%.

Chế biến nông sản theo dây chuyền hiện đại, công suất cao cũng là nỗi niềm của mỗi cán bộ nghiên cứu tại Viên Nghiên cứu rau quả. Phó Viện trưởng Hoàng Thị Lệ Hằng cho biết, Viện đã có chiến lược đi tắt đón đầu trong vài năm trở lại đây. Thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, lãnh đạo Viện xác định chuyển giao công nghệ, dịch vụ khoa học và tổ chức sản xuất sẽ là những hướng đi mũi nhọn trong thời gian tới.

Nhờ đảm bảo nguồn thu, Viện Nghiên cứu rau quả đã chuyển giao nhiều công nghệ tiêu biểu như: sản xuất rượu công nghệ mới, sản xuất tinh bột biến tính, xử lý nước thải….Về dịch vụ khoa học, Viện tiến hành phân tích, giám định nguyên liệu và sản phẩm thực phẩm, chăn nuôi. Về tổ chức sản xuất, Viện hiện có 28 sản phẩm thực phẩm, thực phẩm chức năng có uy tín trên thị trường, được người tiêu dùng chấp nhận và tin tưởng, doanh thu liên tục tăng.

Là một trong số nhiều doanh nghiệp được Viện Nghiên cứu rau quả hỗ trợ, Công ty Cổ phần Nông nghiệp hữu cơ Fusa đã đưa được vải thiều thâm nhập thị trường châu Âu.

Ông Vũ Ngọc Cảnh, Giám đốc công ty cho biết: Những tư vấn của Viện Nghiên cứu rau quả luôn rất thiết thực với doanh nghiệp. Nhờ hỗ trợ từ Viện, các lô hàng xuất khẩu của công ty đã đáp ứng được mọi tiêu chuẩn khắt khe ở thị trường khó tính...

Xem thêm
Đàn ngựa bạch của người hùng cứu trạm bơm Cống Bún

Bắc Giang Ít người biết, cha con ở Bắc Giang cứu trạm bơm Cống Bún trong trận bão Yagi hôm nào đang sở hữu đàn ngựa bạch có nguồn gốc từ Mông Cổ…

Thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ động vật dịp Tết Ất Tỵ

Thời gian qua, các phương tiện thông tin truyền thông liên tục phản ánh về việc phát hiện các cơ sở giết mổ trong quá trình hoạt động vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

Hành vụ đông bội thu

HẢI DƯƠNG Mỗi sào hành vụ đông thu lãi từ 4 - 6 triệu đồng, bằng 8 - 10 sào lúa.