| Hotline: 0983.970.780

'Lỡ bầy bò mắc cái bệnh là mất nghiệp luôn đó!'

Thứ Ba 16/04/2024 , 08:51 (GMT+7)

QUẢNG BÌNH Đó là chia sẻ của anh Trần Văn Trung, bản Tăng Ký, xã Lâm Thủy, huyện Lệ Thủy, người đang sở hữu đàn trâu, bò 12 con.

Bà con bản Tăng Ký, xã Lâm Thủy, huyện Lệ Thủy lùa đàn bò đến điểm tiêm vacxin. Ảnh: T. Phùng.

Bà con bản Tăng Ký, xã Lâm Thủy, huyện Lệ Thủy lùa đàn đến điểm tiêm vacxin. Ảnh: T. Phùng.

Ông Phạm Văn Thảo, Phó Chủ tịch UBND xã Lâm Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình chia sẻ, hiện địa phương có 440 hộ, chủ yếu là bà con dân tộc Bru-Vân Kiều, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo trên 250 hộ. Nhiệm vụ phát triển kinh tế trên cơ sở phát huy tiềm năng, thế mạnh đất đai đã được cấp ủy, chính quyền địa phương đặt lên hàng đầu.

“Toàn xã chúng tôi chỉ có trên 10ha lúa nước nên khó phát triển về trồng trọt. Những năm gần đây, bà con các thôn bản đã đẩy mạnh phát triển đàn vật nuôi. Trong đó, phát triển đàn trâu bò là mũi nhọn của địa phương”, ông Thảo nói.

Với định hướng này, xã Lâm Thủy đến nay có tổng đàn trâu bò gần 1.000 con. Phong tục thả rông đàn gia súc vào rừng cũng đã được hạn chế dần, bà con đã làm chuồng trại chăn thả, nuôi nhốt để kiểm soát dịch bệnh và tránh được việc trâu bò bị thất lạc, bị chết hay bị mất trộm. Để phát triển an toàn đàn vật nuôi, chính quyền địa phương nỗ lực tuyên truyền cho đồng bào thực hiện việc tiêm vacxin phòng các loại dịch bệnh cho đàn vật nuôi.

Ông Phạm Văn Thảo cho hay, bà con đang khó khăn mà đàn trâu, bò bị nhiễm bệnh phải tiêu hủy hoặc tốn kém cho việc trị bệnh thiệt hại rất lớn. “Để tránh thiệt hại cho bà con, công tác tiêm vacxin rất quan trọng. Chúng tôi cũng xác định tiêm phòng vacxin cũng là động lực hỗ trợ phát triển kinh tế cho bà con.

Trao đổi với chúng tôi, chị Phan Thị Quyết, cán bộ thú y bán chuyên trách xã Lâm Thủy cho hay, để làm tốt phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi, chúng tôi không chỉ đi vận động bà con mà còn hỗ trợ việc làm chuồng trại, hỗ trợ kinh phí mua vacxin.

“Khi bà con bán trâu, bò có thu nhập cao rất tự giác đăng ký tiêm vacxin. Thời gian thực hiện tiêm vacxin cho đàn trâu, bò các trưởng bản đều có mặt để hỗ trợ cùng cán bộ thú y”, chị Quyết nói thêm.

Cán bộ thú y xã Lâm Thủy tiêm vacxin phòng lở mồm long móng trên đàn bò của bà con. Ảnh: T. Phùng.

Cán bộ thú y xã Lâm Thủy tiêm vacxin phòng lở mồm long móng trên đàn bò của bà con. Ảnh: T. Phùng.

Gia đình anh Trần Văn Trung (bản Tăng Ký), có đàn trâu, bò 12 con. Anh Trung đã làm một chuồng bò khá vững chắc để nuôi nhốt chứ không thả rông như trước. Nhận được thông báo hôm nay tiêm phòng vacxin lở mồm long móng và tụ huyết trùng cho đàn gia súc nên anh ở nhà và phụ với chị Quyết triển khai tiêm cho đàn bò.

“Hôm nay tiêm cho bầy bò, ngày mai sẽ lùa bầy trâu về tiêm nốt. Có tiêm phòng mới tránh được dịch bệnh, mới yên được trong bụng chớ. Chứ không tiêm lỡ bầy bò mắc cái bệnh là mất nghiệp luôn đó”, anh Trung bộc bạch.

Lâm Thủy là địa phương nằm vùng tiếp giáp với tỉnh Quảng Trị với hệ thống hai con đường huyết mạnh Hồ Chí Minh và Hồ Chí Minh nhánh Tây, nên việc kiểm soát dịch bệnh cũng khá phức tạp.

Được biết, vào tháng 8 năm ngoái, dịch lở mồm long móng đã xảy ra ở mấy bản với tổng đàn trâu, bò bị mắc bệnh đến hàng chục con. Nhận được thông tin, ông Trần Công Tám, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Bình cùng đoàn công tác đã kịp thời có mặt để chỉ đạo và hướng dẫn cho bà con các biện pháp phòng tránh và chống dịch.

“Nhờ phát hiện kịp thời và quyết liệt chống dịch nên sau đó, bệnh lở mồm long móng đã được ngăn chặn. Số trâu, bò bị mắc cũng được chữa khỏi. Qua đó, cũng nâng cao được ý thức về phòng trừ dịch bệnh đàn vật nuôi cho bà con”, ông Trần Công Tám cho hay.

Ngày triển khai tiêm vacxin đàn trâu, bò tại bản Tăng Ký, anh Hoàng Văn Huỳnh cũng có mặt tại điểm tiêm rất sớm. Nói chuyện, trưởng bản Huỳnh khoe là cả bản đã nuôi được hơn trăm con trâu bò rồi. Mấy năm gần đây thôi, bà con mới chú trọng nuôi để bán thịt.

“Nhờ nuôi được trâu bò mà bán cũng thu được mấy chục triệu đồng ấy chớ. Nhờ đó mà đời sống của bà con cũng như lên được cái dốc đấy. Tuy còn khổ nhưng mà không còn đói kém như trước nữa mô. Có được tiền cũng nhờ từ tiêm phòng bệnh cho trâu, bò mà ra cả đó chớ”, Trưởng bản Huỳnh hồ hởi nói thêm.

Xem thêm
Nuôi dê chủ yếu bằng trái cây

ĐẮK NÔNG Thức ăn của đàn dê chủ yếu là những thứ có sẵn trong vườn như mít, chuối, cỏ ngọt nên thịt dê đạt chất lượng cao, thương lái 'tranh nhau mua'.

Hỗ trợ vật tư cho vùng măng tây lớn nhất Ninh Thuận

NINH THUẬN 08 hộ dân thực hiện mô hình trồng thâm canh cây măng tây xanh theo hướng hữu cơ tại xã An Hải (huyện Ninh Phước) được hỗ trợ giống, phân bón, thuốc BVTV...

Phủ xanh quần đảo Trường Sa

Giữa mênh mông biển khơi, đoàn cán bộ của Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam vẫn quyết tâm vượt sóng gió, đưa cây, con giống ra phủ xanh quần đảo Trường Sa.