| Hotline: 0983.970.780

Loay hoay khai thác, tiêu thụ cá ngừ đại dương

Thứ Ba 26/07/2016 , 09:10 (GMT+7)

Tại hội nghị Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2016 của Ban chỉ đạo Đề án “Thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi” của Bộ NN-PTNT vừa tổ chức tại Bình Định...

Tại hội nghị Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2016 của Ban chỉ đạo Đề án “Thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi” của Bộ NN-PTNT vừa tổ chức tại Bình Định, Thứ trưởng Vũ Văn Tám đánh giá, đề án đã làm thay đổi chất lượng cá ngừ một cách đáng kể, song vẫn còn nhiều khó khăn cần tháo gỡ.

Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT), trong 3 tháng đầu năm 2016, tàu câu cá ngừ đại dương của ngư dân các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa khai thác đạt hiệu quả, ngư dân có lãi khá nhờ sản lượng đạt cao, bình quân mỗi tàu thu được từ 1,5 - 2 tấn cá/chuyến biển và nhờ giá nhiên liệu giảm. Nhưng từ tháng 4 đến nay, khai thác cá ngừ gặp khó do ảnh hưởng biến đổi khí hậu và hiện tượng El Nino hoạt động cuối chu trình trong khu vực biển Đông khiến sản lượng, chất lượng cá ngừ đại dương bị giảm.

“Sản lượng khai thác cá ngừ đại dương trong 6 tháng đầu năm của 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa đạt khoảng 10.600 tấn; trong đó chỉ có Bình Định đạt khá (4.720 tấn), tăng 12,5% so cùng kỳ; Phú Yên chỉ đạt 3.500 tấn, giảm 7,5% so cùng kỳ và Khánh Hòa đạt 2.380 tấn, giảm 10,2%”, ông Nguyễn Ngọc Oai, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho hay.

Không chỉ mất sản lượng, giá cá ngừ đại dương cũng giảm mạnh khiến ngư dân càng lao đao. Theo khảo sát của Tổng cục Thủy sản, chỉ có cá ngừ đánh bắt bằng phương thức câu vàng giá cả khá ổn định, dao động từ 130.000 -140.000đ/kg, còn giá cá ngừ câu tay ngày càng tuột thấp. Nếu trong 3 tháng đầu năm 2016, giá cá ngừ câu tay còn đứng ở mức từ 93.000 - 97.000đ/kg thì từ tháng 4 đến nay đã giảm còn 86.000 - 89.000đ/kg.

Đặc biệt, từ tháng 5 đến nay giá cá ngừ đại dương câu tay tại Hoài Nhơn (Bình Định) chỉ còn 83.000đ/kg. Do đó, nhiều tàu câu cá ngừ trong khu vực đã chuyển nghề. Ví như ở Phú Yên, từ đầu năm 2016 đến nay có hàng loạt tàu câu cá ngừ chuyển sang nghề câu cá nhám, làm cá chuồng.

Giá cá giảm, phương thức thu mua cá đại dương chủ yếu là mua “xô”, không phân loại chất lượng sản phẩm nên ngư dân không quan tâm lắm đến công tác bảo quản, hạn chế việc nâng cao chất lượng sản phẩm, một trong những mục tiêu chính của Đề án “Thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi”. Do đó, chất lượng cá ngừ đại dương đang là mối trăn trở lớn của các cấp ngành chức năng hiện nay.

Cty CP Thủy sản Bình Định chuyên chế biến thủy sản đông lạnh xuất khẩu, mặt hàng cá ngừ đại dương chiếm đến 60 - 70% tổng lượng sản phẩm. Trong năm 2015 Cty xuất khẩu khoảng 9.600 tấn sản phẩm, riêng cá ngừ đại dương chiếm đến gần 6.000 tấn thành phẩm, tiêu thụ gần 11.000 tấn nguyên liệu. Nhưng do chất lượng cá ngừ đại dương của ngư dân Bình Định đánh bắt không bảo đảm, nên nguồn nguyên liệu thu mua tại chỗ không được nhiều. Từ năm 2007 đến nay Cty phải nhập khẩu nguyên liệu mới đáp ứng đủ các đơn hàng.

Theo bà Cao Thị Kim Lan, GĐ Cty CP Thủy sản Bình Định, mặc dù đã được cán bộ kỹ thuật của Sở NN-PTNT Bình Định cùng chuyên gia Nhật chuyển giao công nghệ đánh bắt, xử lý, bảo quản cá ngừ, nhưng đa số ngư dân chưa chấp hành tốt, còn “nhảy cóc” khi thực hiện các công đoạn nên chất lượng cá chưa đạt theo yêu cầu. Mặt khác, hầm bảo quản cá trên tàu của ngư dân quá nhỏ, đánh bắt nhiều loại cá, cá ngừ được bảo quản chung với các loại cá khác cũng làm ảnh hưởng đến chất lượng cá ngừ.

07-59-24_nh-1
Cá ngừ đại dương cập bờ tại cảng cá Quy Nhơn (Bình Định)

 

Cũng theo bà Lan, hậu cần nghề cá không đảm bảo cũng là nguyên nhân khiến chất lượng cá ngừ đại dương chưa được nâng cao. “Khi đến mùa trăng, tất cả các tàu đánh bắt cá đều cập bờ cùng lúc, trong đó có tàu câu cá ngừ đại dương. Bến cảng thì quá chật chội, nhiều khi đã vào bờ rồi nhưng cá ngừ còn phải nằm ngoài nắng nhiều ngày vì tàu không cập vào cầu cảng được. Rồi khi đưa được lên bờ thì không có nhà dù che nắng, cá lại phải tiếp tục bị "rang nắng". Để nâng cao chất lượng, cá ngừ đại dương cần phải có cảng cá chuyên dụng”, bà Lan đề nghị.

Để gỡ khó cho cá ngừ, theo ông Nguyễn Ngọc Oai, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Chính phủ cần giao cho Bộ NN-PTNT xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ nhằm khuyến khích doanh nghiệp và ngư dân thực hiện liên kết SX theo chuỗi giá trị trong khai thác hải sản, trong đó có chuỗi giá trị cá ngừ; ưu tiên bố trí vốn đầu tư trung tâm nghề cá tại Khánh Hòa và các cảng cá ngừ chuyên dụng tại Bình Định và Phú Yên; nghiên cứu các giải pháp ứng dụng công nghệ tiên tiến trong dự báo ngư trường, khai thác, xử lý, bảo quản cá ngừ đại dương phù hợp với điều kiện thực tiễn của tàu cá và ngư dân; ưu tiên bố trí kinh phí cho các mô hình SX thử nghiệm hầm bảo quản, bể hạ nhiệt, thiết bị gây sốc, thiết bị chuyển tải cá để chuyển giao đến ngư dân.

Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám, trong triển khai Đề án “Thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ”, các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa đã có nhiều nỗ lực. Đặc biệt tại Bình Định, không chỉ ngành chức năng mà cả hệ thống chính trị từ cấp tỉnh đến cấp huyện đều vào cuộc quyết liệt và có nhiều sáng tạo trong thực hiện đề án này. Tuy nhiên, đến nay các mô hình liên kết chuỗi cá ngừ vẫn còn loay hoay, cần phải quyết tâm, kiên trì hơn nữa để đưa chuỗi liên kết đi đến thành công.

Thứ trưởng đặc biệt quan tâm đến vấn đề các doanh nghiệp chế biến tham gia vào mô hình và đề nghị các địa phương cần tổ chức mô hình không chỉ có doanh nghiệp mà có cả nậu vựa chuyên thu mua hải sản tham gia để rút kinh nghiệm.

“Chúng ta cần nghiên cứu, làm rõ lợi ích của các mối liên kết trong chuỗi để chia sẻ rủi ro nếu có xảy ra thì mới mong chuỗi liên kết thành công. Điều cần làm trước mắt là tiếp tục hiện đại hóa lực lượng tàu cá, hoàn thiện dịch vụ hậu cần nghề cá tại các địa phương gắn với chợ cá.

Kho lạnh tại đảo Đá Tây thuộc quần đảo Trường Sa chậm nhất là tháng 6/2017 sẽ hoàn thành. Khi kho lạnh này đi vào hoạt động sẽ giải quyết được vấn đề chất lượng cho cá ngừ đại dương vì sẽ được bảo quản ngay sau khi đánh bắt.

Tại cuộc họp tới đây của Ban chỉ đạo thực hiện đề án, chúng tôi sẽ có đề xuất những chính sách hỗ trợ nhằm tạo động lực cho các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi. Ngoài ra sẽ tiếp tục xây dựng thương hiệu cá ngừ trên thị trường quốc tế, tiếp tục hợp tác với Nhật Bản trong chuyển giao công nghệ mới về đánh bắt cá ngừ để triển khai rộng rãi”, Thứ trưởng Vũ Văn Tám.

 

Xem thêm
Giá thanh long Bình Thuận tăng mạnh

Do nguồn cung khan hiếm vì cuối vụ chong đèn, cộng với thị trường Trung Quốc tiêu thụ ổn định nên giá thanh long Bình Thuận tăng mạnh.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Chọn nhân sự ‘dám nghĩ, biết làm’, Dabaco đặt kế hoạch lợi nhuận 729 tỷ đồng

Trong bối cảnh chính trị, kinh tế thế giới và trong nước nhiều biến động khó lường, cùng mục xuyên suốt là 3F, năm 2024 Dabaco sẽ chọn lựa nhân sự ‘dám nghĩ, biết làm'.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm