| Hotline: 0983.970.780

Vật lộn sinh tồn cùng đàn cá ngừ đại dương nơi biển xa

Thứ Bảy 18/06/2016 , 06:30 (GMT+7)

Phú Yên là nơi khai sinh ra nghề đánh cá ngừ đại dương trên đất nước này, nên làng ngư dân sát biển của Tuy Hòa đây dĩ nhiên là “Thủ phủ” của nghề.  “Cá ngừ đại dương” họ gọi là cá Bò gù - đơn giản chỉ thứ cá ngừ khổng lồ bắt được ngoài trùng khơi mênh mông của đại dương kia, thế thôi.

Ngư dân Phi Danh Hùng ở làng đánh cá phường 6, thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, lật ngay tờ giấy trước mặt, lấy bút vẽ vòng một cái từ kinh tuyến 7 đến kinh tuyến 117 độ, và bảo: dân “Đi bạn” tụi tôi hoạt động trong một không gian rộng lớn như thế đó.

Nghĩa là trong suốt ba tuần trên một chuyến đi khơi, đồng nghiệp “Đi bạn” - cùng nhau đi đánh cá xa bờ - đi xa 80 - 150 - 200 - 300 hải lý, lênh đênh mặt đại dương hun hút, từ gần vịnh Thái Lan lên đến phía Bắc quần đảo Hoàng Sa, có khi ra cả hải phận quốc tế...

Phú Yên là nơi khai sinh ra nghề đánh cá ngừ đại dương trên đất nước này, nên làng ngư dân sát biển của Tuy Hòa đây dĩ nhiên là “Thủ phủ” của nghề. “Cá ngừ đại dương” họ gọi là cá Bò gù - đơn giản chỉ thứ cá ngừ khổng lồ bắt được ngoài trùng khơi mênh mông của đại dương kia, thế thôi. Thế thì trong sinh cuộc trên biển dã kia, săn Bò gù đích thị là đỉnh điểm của cái nghĩa “vật lộn sinh tồn”.

Mỗi chuyến đi chủ tàu đổ ra độ 150 -200 triệu đồng, lo mọi thứ thiết yếu sinh hoạt trên tàu. Khi về, kiếm được 50 - 150 con cá ngừ đại dương, bán được bao nhiêu không biết, nhưng trước hết cứ cưa ra 1/3 cho chi phí đầu tư cho chuyến tàu, 1/3 cho chủ tàu, còn lại 1/3 chia đều cho 10 người “đi bạn” trên tàu. Mỗi một người “đi bạn” là cơ hội, nguồn sữa chính để nuôi cả gia đình ở bờ, với 9 -15 triệu đồng là số tiền họ chia được sau một chuyến bể khơi.

Nghiệp biển, kẻ nào cũng muốn đóng được một tàu cá riêng, nhưng chỉ có chừng 5% ngư dân đủ điều kiện tài lực, bởi 800 triệu đồng – 2 tỉ đồng cho một chiếc tàu là số tiền khủng khiếp với họ. Tàu gỗ ấy đã là mơ tưởng cả đời với phần đông ngư dân, huống chi tàu vỏ thép, 8-12 tỉ đồng cho một chiếc.

Thế nên, số đông theo phận “đi bạn”. Nhưng chữ nghĩa “đi bạn” cũng nói lên một tình yêu thương, sẻ chia, cảm thông của những người chung kiếp sống trên biển dã, sinh tử bất kỳ và chỉ có ở họ.

Ở làng này, người “đi bạn” duy nhất lại làm nhiệm vụ trong bờ là anh chàng Phan Tấn Thịnh, và đây cũng là người có trình độ học vấn cao nhất. Thịnh học Đại học Ngân hàng ra, nhưng lại không bứt ra khỏi biển được, nên về làng làm cái việc “dự báo thời tiết” cho những anh em ra khơi xa.

Dự báo thời tiết của Thịnh lấy thông tin hải dương từ hệ thống của các cơ quan mạnh nhất về khoa học thời tiết gồm Hải quân Mỹ, Nhật, Đài Loan, tham khảo thêm Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia của VN qua đài Truyền hình VN, và từ đó tổng hợp, phân tích, đánh giá, dự liệu, rồi cung cấp từng giờ cho “bạn” ngoài biển kia. Nên bản dự báo thời tiết từ anh là bản được người “đi bạn” ngoài trùng khơi “chốt lại”, sử dụng làm “quyết định” cuối cùng rằng nên ở biển hay vào bờ, ra khơi hay phải tiếp tục ở đất liền.

Đi tìm luồng nước nóng trong đại dương

Đại dương vào những ngày gió biển lộng là cả một không gian sinh tồn tàn khốc. Nghiệt thay, chính lúc này mới có cá. Còn con cá Bò gù, nó to lắm, nặng 50-150kg. Để câu thứ sinh vật “khủng” thế không phải đơn giản.


Đánh bắt cá ngừ đại dương không hề đơn giản

 

Giống cá này di chuyển theo dòng nước ấm trong đại dương, di cư xa, tốc độ nhanh, nằm ở độ sâu lớn. Dân “đi bạn” là phải tìm cho ra dòng nước ấm ấy. Đơn giản vì con cá ngừ đại dương chỉ xuất hiện, chạy, ở thời tiết này. “Chim chết vì... ná. Cá chết vì... nước” là chỗ này.

Đánh cá là nghề thiên nhiên dạy, trời cao đất rộng bày ra, mở mắt mở đầu óc mà nạp vào, chứ chả ai và trường học nào có thể dạy. Chả có ông giáo sư đánh cá, hay tiến sĩ, viện sĩ đánh cá nào trên đất nước này đâu. Họ đi “nghiên cứu” người đánh cá chứ không thể làm “Người đánh cá” nổi.

Nên “đi bạn” càng thâm niên, mỗi ngư dân khơi xa này là một bộ não khủng khiếp về biển. Họ “đọc” được sao trên trời, nào sao hôm, sao mai, bắc đẩu, nam tào, hướng gió, hướng nắng. Và nghe được “hơi thở” từ con nước, dòng hải lưu đang ra sao, thủy văn, hướng nước, xu hướng nóng lạnh... Họ nhận ra trong đại dương qui luật cứ 9 ngày có một “con nước”, kể từ ngày 5 của tháng.

Và,... Tất nhiên giữa thời buổi tiên tiến này, họ còn trang bị thêm máy định vị toàn cầu GPS, bộ đàm tầm xa Icom, đài radio, tấm hải đồ khu vực, máy phát điện Dianamô 20-30Kw, máy kéo câu bằng điện, và cả máy tầm ngư...

Cứ thế, khi đã chất lên tàu 1.200 cây đá lạnh, mang theo 6.000 lít dầu là phải ra đến ngư trường nào đó. Thả chiếc thuyền thúng xuống để câu mực làm mồi móc câu, là bắt đầu một cuộc kiếm tìm Bò gù. Nếu không câu mực thì thả lưới để bắt cá chuồn làm mồi. Kiếm mồi câu, lúc “làm” việc này họ xem là “được nghỉ”, thư giãn. Cá Bò gù mê thích hai loại mồi này.

Giữa đại dương, họ bủa ra một giàn câu dài cả 20 cây số, với 500 -1.000 lưỡi câu như thế. Câu nổi thì độ võng vàng câu sâu 50m, câu đầm thì sâu 200-300m. Cứ 1-4 giờ sáng là cử bủa hừng đông, và 15-17 giờ chiều là cử bủa sẩm. Giữa những lúc đó là lo việc hậu cần cho phương tiện câu, ướp cá, muối cá...

Gần như họ không nghỉ ngơi bao giờ, bởi ngay cả những lúc gỡ cá dính câu, để duy trì năng lượng chung không đứt người ta cũng chia ra mà thức với ngủ, luân phiên mỗi “ca” chỉ được 2 người chợp mắt, còn 8 người phải làm. Luật “đi bạn” nghiêm và thực hiện rốt ráo hơn giới luật trong Chùa và luật nhà binh: không được uống rượu. “Đạo đức” ở đây rất thật, giản dị: “Nếu uống vào sẽ yếu sức, làm biếng - không chịu nổi với biển dã”.

Hồn treo cột buồm

Bước lên các tàu cá, la cà vào các nhà ngư dân, tôi nhận ra là chẳng bao giờ có nữ trong nghề câu cá Bò gù. Con trai thì 13 tuổi đã đi biển rồi. Năm này tháng nọ, những người đàn ông “đi bạn” cứ thế cùng nhau lênh đênh trên biển, lớn lên trên biển. Gặp bão dữ thì cuống cuồng lao chạy trốn tránh, vào bờ, vào đảo. Trốn tránh không xong thì “chết” luôn trên biển, tan trong biển.

Nghề đi biển, khoảng cách sống chết cách nhau một tấm ván, mà độ dày của tấm ván ai chẳng thấy nó chỉ hơn hai centimét. Thật đúng như những người phụ nữ ở phường 6 kia hay tâm tư: “Lấy chồng đi biển hồn treo cột buồm!”.

Mọi thứ diễn ra trong lặng thầm là chính, vì biển dã mênh mông, kiếp ngư phủ lặng lẽ. Vào bờ khi đầy cá, cần phải bán. Tiện thể, dịp thế này nghỉ được 4-5 ngày, rồi thì “đi” lại. Cứ thế, họ lặp lại vòng quay liên tục với biển của mình...

Bây giờ tai họa nhiều quá

Câu vàng là kiểu câu đặc trưng, hòa thuận dựa vào tự nhiên của ngư dân miền Trung VN, làm ra cá để bán sang Nhật, Mỹ, Đài Loan. Nhưng những năm gần đây, có thương nhân Trung Quốc tự dưng xuất hiện, và mua cá Bò gù với giá cao, đến 170 ngàn đồng/kg.


Kiểm tra chất lượng cá trước khi xuất bán

 

Sau đó họ âm thầm khuyên bà con nên chuyển sang đánh bắt bằng kỹ thuật đèn cao áp để tiết kiệm chi phí, công sức, nhưng có năng suất cao hơn, gấp đôi. Kỹ thuật “câu đèn” này là lắp đèn cao áp 1500- 2500w dày đặt hai bên thân tàu cá, chỉa thẳng xuống biển, làm sáng rực cả vùng biển.

Cá Bò gù tụ về, cứ thế thả câu xuống mà câu, được cá nhanh và nhiều. Mỗi dàn đèn như thế đầu tư 100 triệu đồng, và thương nhân Trung Quốc cũng chính là người bán dàn đèn kia, đưa từ Trung Quốc sang. Có người thống kê từ Bình Định vào đến Khánh Hòa vài ngàn tàu đã chuyển sang câu đèn.

Cá đánh từ kỹ thuật này duy nhất bán cho thị trường Trung Quốc, vì thịt cá đen, dễ phân hủy thịt, tức là phẩm cấp không đạt để bán sang Nhật. Thế rồi, đùng một phát, những thương nhân Trung Quốc đó hạ giá bán xuống chỉ còn 65 ngàn đồng/kg.

Với giá mua tàn bạo đó, ngư dân kêu không xuể vì thu lỗ, sau đó nữa thì họ cũng biến mất luôn, không còn ai mua nữa. Thế là bỏ tàu, không ra biển nữa, nằm đó để “thấm đòn”.

Ông Phan Thuẫn - Chủ tịch nghiệp đoàn nghề cá phường 6 gọi đây là kỹ thuật: ...“Giết nghề cùng thương hiệu cá ngừ VN”. Quốc gia lân bang có truyền thống xa xưa du mục hơn đi biển bỗng một thời kỳ đẩy đưa của lịch sử có thể “đầu độc” ngành thủy sản nước tôi. Từ giữa trùng khơi, ngư dân bỗng một ngày cũng sớm nhận ra sự hiểm ác kia. Chủ tàu nào kiếm được vốn thì quay lại với kỹ thuật câu vàng, chậm mà tử tế, không hủy diệt sinh thái, cá tươi ngon, cứ 180 ngàn đồng/kg, bán cho Nhật, Mỹ.

Ngư trường truyền thống của ngư dân Phú Yên nói riêng và miền Trung nói chung là vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa. Tôi hỏi một ngư dân khác, anh Nguyễn Văn Hùng, đi biển ngán gì nhất? Hùng rằng tai họa từ thiên nhiên thì có qui luật, hiểu, liệu tính và ứng phó được, còn thứ tai họa gần đây - kể từ năm 2008 - là sự rượt đuổi của Trung Quốc thì không có qui luật.

Trước đây không hề có tình cảnh này. Cảnh tàu các anh bị đâm húc, quấy nhiễu, xua đuổi là thường xuyên. Đây đó đồng nghiệp của anh bị Trung Quốc phá lưới, phá câu, khống chế tàu, tịch thu đồ đạc, lẫn cá đánh được. Anh không lý giải được cơ sự sâu xa nào dẫn đến tình trạng này, chỉ biết “biển nhà” nhưng giờ ra khơi là cứ nghĩ đến phải đụng nó.

Ai bảo “không ngán, không ngại” là nói dối, cách nói tự trấn an, chứ làm người mà trước cái ác cái dữ khó lường đến mức đó vẫn tỉnh queo, bình thường và không “sợ” được.

“Nó” - từ họ chỉ thái độ, hành vi, ứng xử của chính quyền cũng như mọi lực lượng Trung Quốc trên biển Đông - đã thành ứng xử của ma quỉ, mà mình cứ nghĩ nó là con người là trật, dại rồi - mình sẽ chịu khổ và thua thiệt. Mà “lãnh nạn” trước hết là chúng tôi đây, ngư dân”, Hùng tâm sự.

Theo anh, chừng mười năm trước, các anh còn đi lại tự do trên biển quê hương. Nay nó như bị “rào” lại! Hùng cho rằng, đó là lý do để những người “đi bạn” như tụi anh đi tụt xuống tận vịnh Thái Lan, lang thang ở vùng biển Malaysia, Brunei, Indonesia... để tìm cá Bò gù. Ngư trường của mình bỗng một ngày tự nhiên bị “teo” lại, trong khi cơn mê say cá Bò gù cứ lớn dần thì làm sao không xâm phạm vùng biển các nước bạn Asean được, tránh khỏi bị bắt, phạt.

Bờ ơi, có thật thương kẻ ở trùng khơi!?

Tôi biết, khi mưu sinh là ngư dân đang khẳng định chủ quyền của tổ quốc trên biển của quê hương mình. Họ là những người bảo vệ lãnh thổ bằng tấm thân, duy nhất chỉ có tấm thân da thịt cháy nắng hải hương đó. Phận đời trần gian của họ đã gắn tự nhiên với cái sứ phận thiêng liêng ấy.

Ngư dân Trần Tá bảo những năm trước đi đánh cá ở Hoàng Sa, gặp bão thì tàu nào của ngư dân Việt Nam ta vô đảo Nhật Trụ, Đá Bắc mà trú. Nay thì dù bão cũng tránh xa, vô đó “nó” hành hạ, thậm chí làm gỏi cả người lẫn tàu. Tôi nhớ mãi lời lão ngư Hồ Ấu vào buổi trưa của một ngày biển lặng cùng ông bên cảng cá Tuy Hòa nhìn ra ngoài kia, ông trầm ngâm: “Coi vậy đó, mà không bình yên!”.

Ông lo cho bầy con trai ông đang “đi bạn” ngoài kia, cùng thằng rể quê Thanh Hóa vốn là đi bộ đội đóng quân ở đây bỗng một ngày yêu con gái dân chài rồi cũng thành “ngư phủ” luôn. Kiếp người ở biển, từ chỗ theo thiên nhiên, hiểu biển dã để tìm cái sống, nay chuyển sang đấu tranh sinh tồn thực sự, thứ “đấu tranh” mà vũ trụ không tạo ra, nhưng khốc liệt, kỳ quái và man trá, xảo quyệt.

Tôi nhìn ánh mắt quá mông lung của lão ngư mà chợt nghĩ: Phàm một lời đấu tranh bảo vệ lãnh thổ được phát biểu quyết liệt trên bàn ngoại giao có thể cứu, hoặc làm giảm được bao nhiêu là áp lực hiểm nguy cho ngư dân đang ngoài trùng khơi kia.

(Kiến thức gia đình số 23)

Xem thêm
Đề xuất tăng chi ngân sách cho giáo dục, y tế

Nếu thực hiện tự chủ, các bệnh viện và trường đại học công lập có thể tăng viện phí hoặc học phí lên cao, khiến người bệnh, người học phải chi trả nhiều tiền hơn.

Tìm nguyên nhân khiến ngành chè 'ngại đổi mới'

'Cây chè là cây truyền thống và từng được bao cấp một cách triệt để về doanh nghiệp và đầu ra. Như vậy, đây có phải là nguyên nhân khiến ngành chè ngại đổi mới?' - nguyên Thứ trưởng Lê Quốc Doanh trăn trở.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Gia Lai: Học sinh tử vong khi băng qua đường

Khi băng qua đường, em Đ.V.T (học sinh lớp 4 của Trường Tiểu học Nguyễn Đình Chiểu (xã Đông, huyện Kbang) bị xe khách tông và tử vong tại chỗ.