| Hotline: 0983.970.780

Lời thề với rừng xanh

Thứ Sáu 16/07/2010 , 15:30 (GMT+7)

“Ăn của rừng rưng rưng nước mắt”, ông Tư Gấu đã lấy của rừng quá nhiều, không chỉ mình ông mà các con ông cũng lấy của rừng. Cho đến một ngày kia, tai hoạ ập xuống đầu gia đình ông, khi đó ông mới ngộ ra rằng: Rừng là kho vàng lộ thiên, nhưng không phải là vô chủ..."

Ông tư Gấu và những cán bộ kiểm lâm Văn Yên
“Ăn của rừng rưng rưng nước mắt”, ông Tư Gấu đã lấy của rừng quá nhiều, không chỉ mình ông mà các con ông cũng lấy của rừng. Cho đến một ngày kia, tai hoạ ập xuống đầu gia đình ông, khi đó ông mới ngộ ra rằng: Rừng là kho vàng lộ thiên, nhưng không phải là vô chủ. Lấy của rừng bao nhiêu thì rừng đòi lại bấy nhiêu, đời ông không trả được thì đời con cháu ông phải trả nợ thay…

>> Chuyện về người săn gấu trên núi Voi

Tôi cùng ông Tư Gấu uống rượu tại nhà Đặng Phúc Tiến là con rể ông, ông bảo: Sớm nay thằng Tiến và thằng Triệu Văn Thanh con trai tôi cùng đoàn cán bộ kiểm lâm đi kiểm tra rừng rồi, đến tối chúng mới về...

Trên đường vào làng Khay tôi thấy nhiều đứa trẻ áo quần rách tả tơi, rách đến nỗi không thể rách được nữa. Dẫu sao, chúng còn có “quần áo” khoác lên tấm thân gày còm, đen nhẻm hơn khối đứa có quần mà không có áo hoặc chả có manh vải nào, cứ trần như nhộng. Tất nhiên trong lũ trẻ ấy nhiều đứa là cháu của ông Tư Gấu. Chả cần hỏi ai, cứ nhìn những ngôi nhà lụp xụp vách thưng bằng nứa dại trống huếch trống hoác đủ hiểu dân làng Khay nghèo lắm. Nhà ông Tư Gấu to nhất thôn, ngoài hai chiếc tủ gỗ dán 3 buồng và bộ bàn ghế gỗ tiện đã xuống màu tôi chả thấy gì đáng giá. Trong bếp, những đứa trẻ đang lục sục nướng ngô, khói mù mịt.

Cuộc đời của ông Tư Gấu gắn bó với rừng, rừng không chỉ là nguồn sống của gia đình ông mà của cả trên năm mươi nóc nhà thôn làng Khay. Khi những đứa con ông lớn lên, ông dạy cho chúng cách đặt cạm bẫy, cầm súng bắn lũ thú rừng. Năm đứa con trai ông đứa nào cũng biết săn bắt, chúng không giỏi như ông, nhưng không một con thú nào chạy thoát khi lọt vào khe ngắm của chúng. Ông bảo:

- Tôi giết quá nhiều thú rừng rồi anh ạ, rất ít con thoát khỏi tay tôi. Số tôi sát gấu, lợn rừng, hươu nai…còn hổ thì chưa đụng lần nào, căng, khỉ, vượn đen chỉ bắn được vài con. Không chỉ tôi, mà nhiều người dân sống quanh núi Voi đều săn bắt thú rừng nên số lượng thú rừng giảm đi nhanh lắm. Người Mông ở Lang Thíp, Lương Sơn không chỉ săn bắn, họ còn đặt bẫy. Những chiếc bẫy làm bằng thép và lõi phanh xe máy, nhiều con thú dính bẫy chạy thoát để lại chân tay hoặc cả mảng da trong bẫy. Vì thế chúng sợ con người lắm, trước đây đi một lúc là thấy thú rừng, còn bây giờ đi cả ngày hoặc cả tuần chưa thấy con nào. Cứ nhìn dấu móng chân cào lên cây, núi Voi không còn nhiều gấu đâu. Mới đây tôi phát hiện hai con gấu, một con bị thương ở tay vì dính bẫy của người Mông.

Lũ căng, khỉ còn ít thôi, chúng ở tít trong những khu rừng già, không mấy khi dám mon men ra ngoài, có lần tôi nhìn thấy một con căng dính bẫy bị cụt một cánh tay, nó cứ chìa cánh tay cụt ra trước mắt tôi kêu choe choé như oán giận con người, nom sợ lắm. Mình bắn nó chết rồi thì không ghê, nhưng nhìn thấy con thú cứ chìa cánh tay cụt ra trước mắt mình, khiến tôi ghê quá không dám nhìn nữa. Khỉ lông vàng, khỉ lông đen, khỉ bạc má, vượn đen thì to lớn, chúng di chuyển trên cây bằng cách quăng mình từ cành này sang cành kia. Đám con non lúc đầu lông vàng, khi lớn lên lông chuyển dần sang mầu đen. Thịt khỉ hôi, tôi chẳng bắn mấy.

Rừng trên núi Voi trước đây nhiều căng, khỉ, vượn đen vì bị săn bắn quá nhiều chúng sợ hãi bỏ chạy gần hết. Cứ theo dấu chân của chúng mà tôi nhìn thấy, thì chúng di chuyển sang các khu rừng phía Bắc, có thể là dãy núi Hoàng Liên hoặc sang tận Bắc Kạn, nơi ấy còn nhiều rừng gỗ lớn…

Tôi thắc mắc:

- Làm sao lũ khỉ và vượn đen vượt qua được sông Chảy nước xiết?

- Được chứ, chúng di chuyển về mùa nước cạn. Loài thú tinh lắm, chúng biết đâu có rừng để đi tới, rừng là ngôi nhà của chúng mà…

Ông Tư Gấu chợt im lặng, nhấc chén rượu lên rồi lại đặt xuống, gương mặt trở nên thẫn thờ ngó mông lung ra cánh rừng trước mặt, giọng ông buồn bã:

- Tôi lấy của rừng nhiều quá, các loài thú rừng bị tôi giết chắc là oán giận tôi lắm. Có lẽ vì số tôi cao nên chúng không làm được gì, mặc dù một lần con lợn rừng gần hai tạ và một lần con gấu trên tám mươi cân sau khi trúng đạn đã lao vào tôi cắn xé, nhưng tôi tránh được, chỉ bị xây xát nhẹ. Số tôi cao tránh được sự trả thù của rừng, con tôi thì không tránh được, chúng phải trả nợ thay cho tôi. Đó là thằng Triệu Kim Tài anh ạ…

Câu chuyện ông Tư Gấu kể cho tôi được tóm tắt như thế này: Tối ấy hai đứa con trai ông là Triệu Kim Tài và Triệu Kim Và rủ nhau vào rừng săn gấu, mỗi đứa đi một ngả. Nhưng chẳng hiểu vì sao hai thằng cùng tới khu rừng Đá Sạt. Thằng anh và thằng em cùng chĩa súng vào nhau mà ngỡ rằng đó là con gấu hay con hoẵng mà chúng đang rình bắn. Thằng em Triệu Kim Và nổ súng trước, sau tiếng nổ thằng anh Triệu Kim Tài đổ vật xuống kêu thất thanh: Mày bắn trúng anh rồi…

Ông Tư Gấu kể lại câu chuyện hai đứa con ông bắn nhầm vào nhau, đôi mắt ông ngấn đỏ, ông lắc đầu:

- Rừng đòi mạng tôi bằng chính mạng đứa con mình đấy anh ạ. Trước đó ít lâu, tôi nằm mơ thấy mình hôm đó bắn một con lợn rừng to lắm, nó bị thương ra rất nhiều máu, cứ theo vết máu tôi đi về phía rừng Lang Thíp, qua làng Bùn đến hang gấu rồi lạc vào ngôi nhà gỗ rất to mở ba cửa trước. Trong nhà có một ông cụ già mặc quần áo nâu đang địu đứa con trai, đứa con trai của ông đang bị ốm. Ông già đó bảo tôi: Hôm trước, tao có một đứa con gái đang làm nương trên khu rừng núi Đá Sạt, gặp một con nhím đen, nó quay lưng bắn một mũi tên trúng con gái tao. Nó bị thương không chữa được, rồi đứa con trai này nữa, nó cũng bị con nhím ấy bắn, chắc cũng không sống được. Tao phải giết bằng được con nhím ấy, nếu để nó sống thì không ổn với nó đâu…

Giấc mơ ấy cứ bám lấy tôi, nhiều đêm tôi vẫn mơ thấy ông già mặc áo nâu cõng đứa con trai bị thương, ông bảo: Tao phải giết bằng được con nhím ấy…Ít ngày sau thì hai đứa con tôi bắn chết nhau trên rừng núi Đá Sạt, đó là năm 1984. Tôi đi xem bói, người ta bảo: Đó là lời oán giận của Thần rừng. Ông đã lấy của rừng nhiều quá, rừng đòi nợ ông đấy. Số ông cao không bị thú rừng quật chết thì con ông phải trả nợ thay. Vâng, từ đó tôi gác súng không đi săn nữa.

Ông Tư Gấu gác súng, những đứa con ông cũng gác súng theo. Mặc dù vậy, nhưng nỗi nhớ rừng vẫn không nguôi trong ông. Những năm trước khi còn khoẻ, mỗi năm hai ba lần ông đi lang thang một mình khắp các khu rừng trên núi Voi, khu Bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu, rồi sang tận Bắc Cạn, lên núi Hoàng Liên…bàn chân ông đặt lên nhiều khu rừng. Là khắc tinh của những loài thú, nhìn thấy bóng ông là chúng bỏ chạy tán loạn. Ông nhìn chúng thầm thì: Đừng sợ, tao chẳng làm hại chúng mày nữa đâu…

- Anh ạ, khi có lệnh thu giữ súng hoả mai, tôi lên tận công an huyện nói với huyện trưởng: Tôi xin các anh cho tôi được giữ khẩu súng này, khẩu súng đã gắn bó với cuộc đời săn bắn của tôi, nên cho phép tôi giữ làm kỷ niệm. Tôi thề không đi săn bắn thú rừng nữa, lời thề của tôi có rừng xanh chứng giám. Tôi dặn con cháu, khi nào tôi chết thì các con tôi mang khẩu súng này ra bắn lên trời mấy phát để báo với tổ tiên rằng tôi đã về với đất, báo với lũ thú rừng mà tôi đã giết hại, rằng tôi cũng đã theo chúng về với đất…

Giọng ông Tư Gấu trở nên xúc động, ông lặng lẽ đi vào trong buồng lấy ra khẩu súng kíp đen bóng mồ hôi, ông vỗ tay vào chiếc bao da gấu phủ lên bộ phận cò súng: Đây là da con gấu tôi bắn được trên núi Voi, tại khu rừng Đá Sạt, nó to lắm phải bốn người mới khiêng về được …

Vợ ông đứng phía sau đang cõng trên lưng đứa cháu nhỏ, tấm lưng còng của bà càng như còng xuống thấp hơn. Tôi hơi rùng mình, bởi một sự liên tưởng chẳng đâu vào đâu, nom bà như dáng một con gấu. Phải chăng nỗi oán hận của lũ thú rừng ám cả vào vợ ông? Mặc dù ông Tư Gấu giết hàng chục con gấu, có hàng chục chiếc mật gấu nhưng không chữa nổi cái lưng còng của vợ?

Trở lại bàn uống nước, ông Tư Gấu bảo tôi:

- Bây giờ tôi yếu rồi, không còn leo rừng được nữa. Nhiều năm trước tôi tham gia tổ bảo vệ rừng, bây giờ thì giao lại cho các con. Tôi bảo chúng nó: Bố lấy của rừng nhiều của cải để nuôi các con, bây giờ các con phải thay bố trả nợ cho rừng. Tôi dặn các con tôi như thế anh ạ…(Hết)

Xem thêm
Sống lại ký ức hào hùng trên tuyến đường 1C huyền thoại

KIÊN GIANG Tuyến đường 1C nối đường Hồ Chí Minh trên bộ nhằm vận chuyển hàng hóa, vũ khí, thuốc cứu thương, nhu yếu phẩm và đưa rước cán bộ chi viện cho chiến trường miền Nam.

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị: Điều tra, xử lý nghiêm hành vi gây cháy rừng

Ngày 28/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Quốc Trị đã có buổi làm việc với tỉnh Hà Giang về tình hình sản xuất nông nghiệp và công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Ùn tắc bến phà ra đảo Cát Bà dịp 30/4 và 1/5

HẢI PHÒNG Ngày 28/4, hàng nghìn người đã ùn ùn đổ về bến phà Đồng Bài để ra đảo Cát Bà khiến giao thông tắc nghẽn.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm