Không chỉ đang canh cánh nỗi lo về thiếu nguyên liệu sản xuất, các nhà máy chế biến dăm gỗ XK ở Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn khác trong thời gian tới có thể dẫn ngành này vào “cửa tử” nếu không tìm được cách vượt qua.
Nhiều rủi ro rình rập
Do thiếu trầm trọng nguyên liệu SX nên hiện nay, nhiều nhà máy chế biến dăm gỗ XK áp dụng chính sách thu mua gỗ rừng trồng theo kiểu “mua tất tần tật”, cả rừng chưa đúng tuổi cũng thu mua nốt. Thậm chí, nếu cạnh tranh căng thẳng quá, để có nguyên liệu duy trì hoạt động cho nhà máy, nhiều DN sẵn sàng nâng giá thu mua vô tội vạ. Trong khi đó, trong khoảng 3 triệu ha rừng trồng hiện nay tại Việt Nam, 50% là thuộc quyền sở hữu của 1,4 triệu hộ gia đình. Đa số hộ gia đình tham gia trồng rừng luôn thiếu vốn.
Thiếu vốn đầu tư cho SX, thiếu tiền cho những sinh hoạt của gia đình. Do đó, nếu có ai đặt vấn đề mua rừng non họ liền bán ngay, dù biết bán rừng chưa đúng tuổi năng suất sẽ bị sụt giảm. “Mặc dù rừng chưa đến chu kỳ khai thác nhưng nếu ai đến mua với giá cao tui sẽ bán ngay. Bởi hiện nay hầu hết rừng trồng của bà con sử dụng giống có chất lượng không cao, không có khả năng kéo dài chu kỳ cây. Vả lại, bán sớm cầm được đồng tiền “tươi” để chi phí cho con cái ăn học, lại không phải lo gió bão đốn ngã rừng”, anh Nguyễn Hai, một chủ rừng ở thị trấn Vân Canh, huyện Vân Canh (Bình Định), bộc bạch.
Gỗ nguyên liệu được đưa vào nhà máy
Theo ông Trần Lê Huy, Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và lâm sản Bình Định, hiện chu kỳ của gỗ rừng trồng là từ 5-7 năm. Tuy nhiên, có khoảng hơn 80% chủ rừng là hộ gia đình bán rừng trước khi rừng được 5 năm tuổi. Thậm chí có nhiều chủ rừng lợi dụng nhu cầu về nguyên liệu của các nhà máy chế biến tăng cao mà nguồn cung khan hiếm nên nảy ra chiêu “tăng cân” cho gỗ bằng cách tưới nước tăng độ ẩm trước khi chở đến nhà máy hoặc lèn cả cành nhánh vào để bán. Do đó, chất lượng dăm ngày càng sụt giảm, làm mất uy tín đối với các thị trường tiêu thụ lớn.
“Để phát triển bền vừng ngành dăm gỗ trong nhưng năm tới, Nhà nước cần có chính sách tín dụng ưu đãi với chu kỳ dài theo chu kỳ phát triển của cây trồng để các chủ rừng có điều kiện chăm sóc, tránh nạn bán rừng non. Giống và chất lượng cây giống cũng cần được các nhà khoa học quan tâm để nâng cao năng suất rừng trồng. Vai trò của các Hiệp hội Gỗ cũng cần phải được nâng cao nhằm tạo ra mối liên kết giữa các DN, hạn chế cạnh tranh không lành mạnh về nguyên liệu”, ông Nguyễn An Điềm, Chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản Bình Định. |
Theo TS Tô Xuân Phúc, Tổ chức Forest Trends, các nhà nhập khẩu gỗ dăm ở nước ngoài nắm rất chắc chu kỳ khai thác gỗ rừng trồng ở Việt Nam, họ lấy đó làm cơ sở để kiểm soát giá cả có lợi cho mình. “Điển hình như trong 2 năm 2009 và 2012, giá cả và sản lượng dăm gỗ của Việt Nam XK vào thị trường Trung Quốc đột ngột giảm mạnh từ 20-30% so bình thường. Thậm chí có một số đối tác ngưng nhập hàng. Trong khi đó, thị trường tiêu thụ của các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan yêu cầu về chất lượng sản phẩm rất cao nên các nhà máy chế biến dăm gỗ của Việt Nam tồn đọng hàng số lượng lớn kéo theo sự thua lỗ trầm trọng.
Thêm vào đó, trong thời gian tới, mặt hàng dăm gỗ XK sẽ phải gánh mức thuế từ 5-10%. Theo tính toán của các DN chế biến dăm gỗ XK, nếu phải chịu mức thuế nói trên mà khoản chi phí SX và giá XK không thay đổi thì các đơn vị thu mua XK sẽ bị lỗ từ gần 38.000đ-gần 109.000đ/m3.
Đâu là lối thoát
Bàn về lối thoát cho ngành chế biến dăm gỗ XK hiện nay, ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản VN, nói ngay: “Trước mắt, các địa phương cần thôi ngay tính dễ dãi trong việc cấp giấy phép cho nhà máy mới để giảm bớt áp lực rủi ro của ngành này. Bởi theo chúng tôi được biết, hiện vẫn có một số nhà máy đang xin giấy phép tiếp tục xây dựng tại một số địa phương”.
Còn theo ông Nguyễn An Điềm, Chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản Bình Định, muốn mở lối thoát cho ngành chế biến dăm gỗ cần phải mở rộng thêm thị trường XK ổn định như Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan; chứ không chỉ lệ thuộc phần lớn vào thị trường Trung Quốc mà trong những năm qua đã có những biểu hiện không ổn định về giá cả và sản lượng nhập khẩu. Muốn được vậy, chất lượng nguồn nguyên liệu gỗ rừng trồng chế biến dăm phải được bảo đảm, nhất là về chu kỳ khai thác. Việc khai thác rừng non phải được khống chế bằng các chế tài hẳn hoi. Bên cạnh đó, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải được thực hiện đồng bộ để các chủ rừng có bước đệm tiến đến chứng chỉ FSC, cở sở tiên quyết để sản phẩm dăm gỗ của Việt Nam tiến mạnh vào các thị trường khó tính về việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm từ gỗ rừng trồng...