Long An là tỉnh thứ 12 tại ĐBSCL có dịch tả lợn Châu Phi |
Được biết, tổng đàn heo gia đình bà Bảy 41 con gồm: 2 con heo rừng; 4 con heo nái; 22 con heo con theo mẹ (2 bầy); 9 con heo choai 3 tháng tuổi; 4 con heo thịt hơn 50kg.
Bà Bảy cho biết, ngày 5/6, một con heo nái đang nuôi con bỏ ăn. Đến ngày 8/6, một con heo nái và 11 con heo theo mẹ chết. Tiếp theo ngày 12/6, một con heo choai 3 tháng chết; sáng ngày 14/6, có thêm 2 con heo choai chết.
Đến chiều 14/6, bà Bảy báo với chính quyền địa phương. Cơ quan chức năng thực hiện test nhanh 2/2 mẫu dương tính với test nhanh DTLCP; tiến hành lấy mẫu, gửi mẫu; đồng thời, tiêu hủy toàn bộ số heo còn lại. Và qua kết quả xét nghiệm số mẫu đã gửi đều dương tính với bệnh DTHCP.
Theo bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh, có khả năng đây không phải là ổ dịch đầu tiên xảy ra trên địa bàn xã. Dịch bệnh sẽ lây lan nhanh nếu không phát hiện và xử lý kịp thời. Hiện các xã giáp ranh ổ dịch có tổng đàn heo lớn, Sở NN-PTNT đề nghị địa phương tiến hành rà soát, nắm lại chính xác tổng đàn/từng hộ trên toàn địa bàn huyện Đức Hòa và thành lập ngay Ban chỉ đạo phòng chống dịch cấp xã. Tăng cường giám sát dịch bệnh trong vòng 3 km quanh ổ dịch.
Trường hợp phát hiện heo có dấu hiệu nghi bệnh, lập tức tiêu hủy; đồng thời, tăng cường công tác truyền thông về dịch bệnh, thông báo đường dây nóng báo cáo dịch bệnh trên các phương tiện truyền thông.
Đối với các xã không có thú y hoặc không có người phụ trách công tác thú y, các địa phương cử người phụ trách công tác giám sát về dịch bệnh tại địa bàn; tăng cường giám sát tại các điểm nguy cơ và thực hiện tiêu độc khử trùng từ các xã đang bị dịch uy hiếp vào trong vùng dịch.
Tính đến thời điểm hiện nay tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tỉnh Long An là tỉnh thứ 12 xảy ra dịch và Bến Tre là tỉnh duy nhất chưa có dịch.