| Hotline: 0983.970.780

Lớp học của chú Ninh

Thứ Sáu 06/01/2017 , 13:35 (GMT+7)

Bị tật nguyền, miệng co dúm, nói không rõ tiếng, cuộc sống khốn khó nhưng anh Trần Phước Ninh (SN 1972) ở thôn Xuyên Đông 2, thị trấn Nam Phước (huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) vẫn mở lớp học dạy tiếng Anh miễn phí cho hàng trăm trẻ em nghèo.

Lá rách ít đùm lá rách nhiều

Anh Ninh kể, ngày chào đời, anh thiếu vắng tình cảm chăm sóc của người cha. Anh lớn lên trong tình yêu thương của người mẹ. Cũng như bao đứa trẻ khác, Ninh được đến trường học tập. Ở đó thầy cô, bạn bè nể phục Ninh học giỏi. Nhiều lần tham dự các kỳ thi môn văn, Ninh đoạt nhiều giải cao.

10-38-02_nh-1
Bị tật nguyền nhưng hàng ngày anh Trần Phước Ninh cố gắng bán cà phê
 

“Lúc 17 tuổi thì tai họa ập đến. Mình bị trúng gió và biến chứng, chân tay bại liệt, khuôn mặt méo mó, gia đình đưa đi khắp nơi chữa trị nhưng bất thành. Những ấp ủ của cậu học trò lớp 11 bị vùi tắt từ đấy”, anh Ninh buồn bã nhắc lại.

Ngày qua ngày Ninh nằm một chỗ đến bữa cơm nhờ người khác cho ăn, đi vệ sinh cần người giúp đỡ… Anh cố gắng tập luyện trong thời gian dài và dần dần đi lại được mà không cần sự hỗ trợ của người thân.

Cuối năm 1993, Ninh bắt xe vào Sài Gòn kiếm kế sinh nhai. Đặt chân đến “miền đất hứa” khi trong túi vỏn vẹn còn 200.000 ngàn đồng. Giữa chốn Sài Thành hoa lệ cái gì cũng đắt đỏ, số tiền đó sống được vài ngày đã hết sạch. Nhưng may mắn đến với anh khi gặp được một nhà sư, sau đó đưa anh về cho ăn ở.

Chốn ăn nghỉ đã có, Ninh tìm đến đại lý mua vé số bán kiếm lời. Hàng ngày, Ninh lê bước khắp nơi mời chào người mua. “Chân tay bị tật nguyền, không chạy nhảy được nên nhiều lúc bị cướp giật hết vé số. Mỗi lần như vậy chỉ biết gào thét nhưng không một ai quay lại”, anh Ninh kể.

Năm 2007, khi nghe tin mẹ thường xuyên đau ốm, một mình cui cút trông ngóng người con trai. Thương mẹ, Ninh trở lại quê nhà. Ở đó, anh biến mặt tiền của ngôi nhà đặt mấy cái bàn bán cà phê, còn phòng khách dùng để hàng tạp hóa buôn bán. Mỗi ngày, anh thu lời được vài chục ngàn, số tiền đó hai mẹ con chi tiêu qua ngày.

Đặc biệt hơn, thấy hoàn cảnh hai mẹ con anh Ninh khốn khó, nhiều mạnh thường quân giúp đỡ. Thế nhưng, người ta cho bao nhiêu, anh đem đi cho những hoàn cảnh thương tâm khác. Càng đi giúp nhiều người, anh thấy mình còn may hơn họ bởi anh còn buôn bán kiếm sống, trong khi nhiều người mắc bệnh nằm một chỗ, không làm được việc gì. “Xuất phát từ đó mình đứng ra lập quỹ “từ thiện kiểu Trần Phước Ninh” để mang niềm vui đến cho những người cơ cực, trẻ em nghèo khổ hiếu học”, anh Ninh chia sẻ.

Tôi hỏi rằng, anh đã giúp đỡ được nhiều người chưa? Anh cười: “Nhiều lắm rồi, mình không nhớ hết. Ngoài việc tự đi kêu gọi thì nhiều người trong làng cũng nhập cuộc gây quỹ, đến nay nhóm từ thiện có thêm 4 thành viên. Mỗi lúc đi phát quà, mình không còn thuê xe ôm mà có các cộng sự giúp đỡ”.

10-38-02_nh-4
Anh Trần Phước Ninh (giữa) trong một lần đi trao quà cho người có hoàn cảnh khó khăn.

 

Lớp học miễn phí

Không chỉ giúp đỡ những hoàn cảnh éo le, nhận thấy ở làng Đông Xuyên 2, nhiều đứa trẻ có vốn kiến thức tiếng Anh chưa được tốt, trong khi gia đình không có điều kiện cho đi học thêm nên anh nảy ý định mở lớp tiếng Anh miễn phí, bồi dưỡng thêm kiến thức cho trẻ em nghèo. Nhưng giáo viên lấy đâu ra? Tiền để xây dựng khá tốn kém.

10-38-02_nh-2
Đầu buổi học, anh Ninh phát bút, vở cho các em học sinh

 

Cuối cùng, anh đứng ra kêu gọi mọi người chung tay. Ban đầu anh chị em và người thân trong gia đình. Xa hơn nữa kêu gọi mọi người chung sức. Sau một thời gian, anh huy động được 30 triệu đồng mua vật liệu xây dựng lớp học, còn ngày công mọi người giúp đỡ. Có lớp học, bàn ghế, anh Ninh viết thư ngỏ gửi đến các giáo viên đang dạy tiếng Anh ở các trường trên địa bàn. Thấy được việc làm có ý nghĩa, rất nhiều giáo viên đăng ký đứng lớp.

Đúng ngày 9/10/2016, một phòng học rộng chừng 30m2, bàn ghế đầy đủ ra đời. “Hiện có hơn 215 học sinh từ lớp 3 đến 12 theo học. Số học sinh này thuộc diện nghèo khó. Hầu hết các em không có điều kiện đi học thêm. Giờ mình mong muốn có sức khỏe để thực hiện ước mơ đang còn dang dở”, anh Ninh bày tỏ.

10-38-02_nh-3
Lớp học tiếng Anh miễn phí các em đến đầy đủ

 

Học sinh đông, nhiều cấp học do đó anh Ninh sắp xếp lịch học cho phù hợp. Một ngày 3 lớp, được chia ra sáng, trưa và chiều tối. Đầu buổi học anh Ninh sẽ điểm danh, nếu học sinh nào vắng học thì gọi điện về gia đình để biết lý do. Việc làm này tránh để các em lừa dối ba mẹ đi học nhưng thực chất đi chơi game…

Anh Ninh tâm sự, lớp học tiếng Anh là bước đầu của ước mơ anh thực hiện. Hiện tạm thời đã ổn định, sắp tới anh huy động kinh phí và xây một phòng học để mở thêm học toán, lý, hóa miễn phí. “Chắc mình sẽ kêu gọi mọi người giúp đỡ, cứ ít thành nhiều, đến lúc nào đủ tiền sẽ mở lớp. Nhưng trước mắt, sẽ kiếm được ít tiền mua hai màn hình tivi và loa để phục vụ việc học tiếng Anh. Bởi khi các giáo viên dạy cần chiếu các hình ảnh và những cuộc giao tiếp. Hiện đang thiếu những thứ này nên chất lượng lớp học chưa được tốt lắm”, anh Ninh bộc bạch.

10-38-02_nh-5
Trong buổi học, thỉnh thoảng anh Ninh ra lớp kiểm tra

 

Em Nguyễn Thị Thùy Linh, học sinh lớp 6 đang theo học lớp tiếng Anh miễn phí bày tỏ, nhờ có chú Ninh mà em có thêm nhiều kiến thức. Thầy cô dạy bài rất dễ hiểu, cái gì mà chưa rõ thì hỏi thầy cô tại lớp. Thầy cô dạy đi dạy lại rất kỹ, đến lúc nào học sinh hiểu thì mới chuyển qua bài mới.

“Gia đình em không được khá giả, trong khi đi học thêm một tháng hết gần 400.000 đồng nên ba mẹ không có tiền chu cấp. Từ ngày có lớp học, em đến học miễn phí. Hết bút, vở chú Ninh cho. Những buổi đi học đến sớm thì qua phòng đọc sách miễn phí, chú Ninh sưu tập rất nhiều sách nâng cao kiến thức để tìm đọc rất bổ ích”, em Linh cho hay.

10-38-02_nh-6
Điểm danh các em vắng học để thông báo cho gia đình

 

+ Vốn là học sinh giỏi văn, nhiều năm qua anh Trần Phước Ninh cho ra đời mấy trăm bài thơ. Trong đó đã xuất bản tập thơ “Tạ lỗi cùng quê” và “Tình thơ”. Đặc biệt có nhiều bài hát phổ nhạc từ thơ anh sáng tác. Nguồn tiền này anh dùng làm từ thiện, phần nữa thông qua bạn bè thơ ca, anh kêu gọi mọi người chung tay giúp đỡ các hoàn thành khó khăn.

+ Ngoài việc mở lớp học, ấp ủ bấy lâu nay anh Trần Phước Ninh đã thực hiện được một thư viện tại gia. Có trên 8.000 cuốn sách được anh sưu tầm và biến ngôi nhà của mình thành phòng đọc sách. Mỗi ngày có nhiều học sinh ghé đến thư viện tìm kiếm kiến thức.

 

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm