| Hotline: 0983.970.780

Lũ lụt ở miền Trung: Nhân tai "kích hoạt" thiên tai

Thứ Ba 15/11/2011 , 09:52 (GMT+7)

Trong những tổn thất to lớn mà người dân ở đây phải gánh chịu, người ta đã ngộ ra rằng, mọi chuyện không chỉ là do thiên tai.

Miền Trung, đoạn giữa chiếc “đòn gánh” nhô ra biển Đông là vùng đất thường xuyên phải hứng chịu thiên tai. Nhìn lại những năm gần đây, lũ lụt xảy ra trên vùng đất này ngày càng dữ dội, khắc nghiệt. Trong những tổn thất to lớn mà người dân ở đây phải gánh chịu, người ta đã ngộ ra rằng, mọi chuyện không chỉ là do thiên tai.

Ngày càng ác liệt

Theo ghi chép chưa đầy đủ, từ năm 1964 trở lại đây, miền Trung đã phải gánh chịu nhiều cơn lũ lớn xảy ra. Mưa gây lũ lụt ở thượng lưu và vùng đồng bằng với số lần ngày càng tăng trong năm, cường độ mưa ngày càng lớn và diễn biến hết sức phức tạp.

Lũ lụt trên địa bàn miền Trung ngày càng ác liệt

Khủng khiếp nhất là vào năm 1999, những trận mưa liên tục kéo dài ròng rã 1 tháng đã đẩy mực nước các sông lớn ở miền Trung dâng nhanh chưa từng thấy. Lượng mưa từ ngày 2 đến ngày 3/11 tại Huế đạt kỷ lục 1.384mm, là lượng mưa ngày lớn thứ 2 thế giới, chỉ đứng sau kỷ lục 1.870mm đo được tại Cilaos trên đảo Reunion (Pháp). Tiếp đến là các trận mưa lớn từ ngày 1 đến ngày 7/12 làm “nũng” cả đất Quảng Nam, Quảng Ngãi với tổng lượng mưa 2.192mm trên thượng lưu sông Tam Kỳ (Quảng Nam) và 2.011mm tại Ba Tơ (Quảng Ngãi).

Đến năm 2009, 10 năm sau khi xảy ra “cơn lũ kinh hoàng”, dải đất nghèo miền Trung tiếp tục đón 11 cơn bão, 4 cơn ATNĐ gây 4 trận lũ, trong đó có cơn lũ lớn đi theo bão số 9 được xem là cơn lũ lịch sử. Năm 2010, có đến 6 cơn bão và 5 cơn ATNĐ ráo riết ập xuống địa bàn các tỉnh miền Trung kéo dài từ tháng 7 đến tháng 10.

Tiến sỹ Phạm Xuân Sử- Chủ tịch Hội Tưới tiêu VN cho biết, từ năm 2005 đến năm 2010, tại miền Trung, thiên tai đã làm gần 1.859 người thiệt mạng, trong đó 1.640 người chết và 219 người mất tích. Mới đây, như NNVN đã đưa tin, đầu tháng 11/2011, miền Trung lại bị chìm trong lũ lớn khiến hàng chục ngàn người dân lâm cảnh màn trời chiếu đất. Mưa lũ đã làm 27 người chết (trong đó Quảng Nam 19, Quảng Ngãi 3, Đà Nẵng 3, TT- Huế 1, Bình Định 1, Phú Yên 1) và 1 người mất tích, thiệt hại về vật chất lên đến hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng.

Rừng bị khai tử

GS.TS Vũ Trọng Hồng,Chủ tịch Hội Thủy lợi VN cho rằng, trong thời gian gần đây, lũ quét, lũ kép thường xuyên xảy ra trên địa bàn miền Trung là do nhiều cánh rừng nơi này đã bị “bóc trọc”, làm mất đi thảm thực vật.

“Chúng ta cần phân biệt tác dụng của độ che phủ và lớp thảm thực vật đối với sự hình thành lũ. Giữ rừng để bảo vệ nước, phải bảo vệ được thảm thực vật để tạo ra dòng thấm nhằm làm giảm hệ số tập trung nước không gây xói mòn các mái dốc tạo nên cường độ lũ lớn. Ấy vậy mà hiện nay nhiều người vẫn cho rằng để bảo vệ rừng chỉ cần đảm bảo độ che phủ, nên không đắn đo khi phê duyệt những dự án phá đi những cánh rừng phòng hộ để trồng rừng SX”, GS.TS Vũ Trọng Hồng phân tích.

Những cánh rừng bị tàn phá tại Hoài Ân-Bình Định

Nhiều nghiên cứu khác cho thấy, mặt đệm của lưu vực (thảm thực vật) ảnh hưởng rất quan trọng đến sự hình thành dòng chảy và chế độ thủy văn của các sông. Một nghiên cứu của các nhà khoa học phương Tây đã chỉ ra rằng, với 1.000 ha rừng đầu nguồn của lưu vực sông nếu được bảo vệ nghiêm ngặt sẽ có vai trò điều tiết tương đương với 1 hồ chứa có dung tích 1 triệu m3 nước.

Vậy mà những cánh rừng ở miền Trung không ngừng bị xâm hại. Có nhiều nơi, nạn phá rừng gia tăng không kiểm soát nổi như thượng nguồn hệ thống thủy lợi Thạch Nham (Quảng Ngãi), sông Ba (Gia Lai), các sông Vu Gia, Thu Bồn (Quảng Nam)...

Tại Quảng Ngãi có 234.799 ha rừng thì chỉ có 104.522 ha rừng tự nhiên. Diện tích rừng phòng hộ có 101.161 ha thì rừng tự nhiên chỉ có 81.969 ha. Thế nhưng đó chỉ là những con số “trên giấy”, thực tế hiện những cánh rừng đầu nguồn nói trên đã bị tàn phá nghiêm trọng. Tại Phú Yên, chỉ mấy năm gần đây đã có đến gần 9.000 ha rừng bị tàn phá để trồng sắn, trong đó có cả rừng đặc dụng, rừng tự nhiên, thậm chí cả rừng trong chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng.

Còn ở Bình Định, chỉ nói riêng tại huyện Hoài Ân, trong vòng 3 năm từ năm 2008 đến nay, trên địa bàn huyện này đã có gần 300 ha rừng bị tàn phá. Nạn phá rừng ở Hoài Ân ngày càng tăng tốc, tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2011 đã có 123 ha rừng bị khai tử.

Thủy điện“tiếp tay”

Do đặc điểm có hệ thống sông suối dày, độ dốc lớn nên miền Trung là “vùng đất hứa” để xây dựng các công trình thủy điện (TĐ). Chưa nói đến chuyện để có mỗi MW điện, chúng ta phải khai tử hàng chục ha rừng, mà chỉ đề cập đến chuyện thay đổi dòng chảy hệ thống sông suối đã thấy những ẩn họa lớn từ việc tràn lan xây dựng thủy điện.

Cứu đói dân vùng lũ tại Tuy Phước-Bình Định

Các thủy điện tại miền Trung phần lớn có quy mô công suất lắp máy nhỏ. Tỉnh Quảng Nam có 75%, Quảng Ngãi có 92%, Bình Định có 83% số lượng công trình có công suất nhỏ hơn 30MW. Mà đã là công trình nhỏ thì chủ yếu khai thác cột nước địa hình để phát điện, các hồ chứa chỉ làm nhiệm vụ điều tiết nước ngày đêm nên có quy mô nhỏ, thường dung tích chỉ vài nghìn m3. Do vậy, chúng không có tác dụng cắt giảm lũ cho hạ lưu khi xảy ra lũ lớn.

Với công trình thủy điện nhỏ là vậy, còn những công trình lớn thì thế nào? Rà soát qua có thể thấy, ở Quảng Nam như TĐ A Vương, hồ chứa có dung tích 343,5 triệu m3 mà chỉ có 30,5 triệu m3 dung tích phòng lũ; TĐ Đắc My 4 có 320 triệu m3, chỉ có 38,7 triệu m3 phòng lũ; TĐ Sông Tranh 2 có dung tích 729 triệu m3, chỉ có 89 triệu m3 phòng lũ. Trên lưu vực sông Ba, TĐ sông Ba Hạ có dung tích 350 triệu m3 nhưng chỉ có 90 triệu m3 phòng lũ; TĐ Sông Hinh 363 triệu m3, chỉ có 73 triệu m3 phòng lũ; TĐ KrongH’năng có 172 triệu m3, chỉ có 29 triệu m3 phòng lũ; TĐ Ayum Hạ có 253 triệu m3, chỉ có 33 triệu m3 phòng lũ; TĐ An Khê-Ka Nat có 314 m3, chỉ có 38 triệu m3 phòng lũ...

Những con số trên cho thấy, 3 hồ chứa thủy điện lớn trên lưu vực sông Vu Gia- Thu Bồn chỉ có tổng dung tích phòng lũ là 158,2 triệu m3, trong khi đó theo tính toán dung tích cắt lũ hiệu quả cho lưu vực này cần tối thiểu 1,2 tỷ m3. Với lưu vực sông Ba, tổng dung tích phòng lũ của 5 hồ thủy điện lớn trên lưu vực là 263 triệu m3, quá nhỏ so với lưu vực 13.900km2.

Rõ ràng, các thủy điện trên địa bàn miền Trung chỉ mới có giải pháp “phòng lũ” cho công trình chứ không màng đến việc phòng lũ cho các vùng hạ lưu. Đó là chưa kể đến việc vận hành xả lũ giữa các hồ chứa trên cùng hệ thống gây ra những đợt “lũ nhân tạo” dữ dội.

“Nhiều trường hợp lũ chưa đến nhưng vì sợ công trình bị ảnh hưởng nên nhiều thủy điện xả lũ sớm, gây hậu quả ngập lụt lâu hơn. Trước đây, thời gian ngập lũ thường chỉ 1 ngày, nay kéo dài cả tuần nên gây thiệt hại lớn cho SX, tài sản và cả tính mạng người dân hạ lưu ”- GS.TS Vũ Trọng Hồng, Chủ tịch Hội Thủy lợi VN nhận định.

Kỹ sư cao cấp (KSCC) Giả Kim Hùng, Chi hội trưởng Chi hội Thủy lợi miền Trung chua chát: “Các công trình thủy điện không có lỗi, lỗi là những sai lầm, thiếu sót trong quy hoạch, thiết kế, xây dựng và cả trong quản lý vận hành”. Rồi ông Hùng đưa ra minh chứng: “Đợt xả lũ đầu mùa lũ năm 2010 (ngày 3/11), thủy điện sông Ba Hạ đã xả 7.000m3/giây đã nhấn chìm khu vực hạ lưu trong đó có TP Tuy Hòa của tỉnh Phú Yên”.

Hay như mới đây, từ ngày 7/11/2011, một loạt các thủy điện ở miền Trung như thuỷ điện Bình Điền, Hương Điền (Thừa Thiên – Huế); A Vương, sông Tranh 2 (Quảng Nam); thủy điện Sông Hinh, Sông Ba Hạ (Phú Yên) đồng loạt xả lũ với lưu lượng lớn. Mưa to cùng với nước xả lũ của các công trình thủy điện đã nhấn chìm hàng chục ngàn hộ dân miền Trung trong lũ dữ.

Tại hội thảo đánh giá tình hình lũ lụt tại miền Trung được tổ chức mới đây tại Bình Định, các chuyên gia, nhiều nhà khoa học đã đưa ra những kiến giải để giúp người dân miền Trung ứng phó, thích nghi với bão lũ. Tuy nhiên, hết hội nghị rồi đến hội thảo, ai cũng hiểu rằng, mọi chuyện sẽ chẳng đi đến đâu khi những mối họa "nhân tai" nói trên vẫn chưa được hạn chế, giải quyết.

Xem thêm
4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm