Vụ xuân 2023, sản xuất nông nghiệp của Nghệ An có thể nói thắng lợi toàn diện ở tất cả các loại cây trồng như lúa, ngô, sắn, mía, lạc… Trong đó có 2 cây trồng là lúa và lạc vừa là cây trồng truyền thống, vừa là cây trồng có thế mạnh của Nghệ An đều thắng lợi cao nhất từ trước lại nay.
Lúa xuân năng suất cao nhất từ trước tới nay
Vụ lúa xuân năm nay Nghệ An gieo cấy hơn 91.000ha lúa, đến nay cơ bản đã thu hoạch xong. Năng suất bước đầu do UBND các huyện, thành, thị báo cáo về ước đạt bình quân 68 tạ/ha, cao hơn vụ lúa xuân năm 2022 là 1,63 tạ/ha. Như vậy, vụ lúa xuân năm 2023 là vụ lúa đạt được năng suất cao kỷ lục từ xưa lại nay.
Riêng vùng lúa các huyện Diễn Châu, Yên Thành và Quỳnh Lưu (gọi chung là vùng Diễn - Yên - Quỳnh) vụ lúa xuân này gieo cấy gần 29.300ha, năng suất lúa đạt bình quân 73,36 tạ/ha - cao nhất trong lịch sử nông nghiệp Nghệ An. Tại huyện Yên Thành, năng suất lúa đạt bình quân 71,56 tạ/ha, cao nhất từ trước lại nay, nhiều xã như Long Thành, Nhân Thành, Thọ Thành, Hồng Thành, Khánh Thành… năng suất lúa đạt bình quân từ 80 - 82 tạ/ha.
Ông Nguyễn Văn Đề, Chủ tịch UBND xã Long Thành (huyện Yên Thành) quá phấn khởi nói với chúng tôi: "Long Thành là xã đồng chiêm trũng, nông dân có tập quán gieo cấy sớm để cho thu hoạch sớm, sau đó gieo cấy tiếp vụ lúa hè thu chạy lụt. Vụ xuân năm nay toàn xã gieo cấy 572ha lúa, chủ yếu là các giống lúa Thái xuyên 111, VT 404, TBR 225, Thiên ưu 8…, năng suất đạt bình quân 81 - 82 tạ/ha, hầu như không có gia đình nào năng suất lúa đạt dưới 4 tạ/sào (80 tạ/ha), lại bán được với giá 7.000 đồng/kg thóc khô, cao hơn vụ xuân năm ngoái 1.000 đồng/kg nên bà con vô cùng phấn khởi".
Tại huyện Diễn Châu, ông Lê Thế Hiếu, Trưởng phòng NN-PTNT huyện cho biết năng suất lúa đạt bình quân 74,5 tạ/ha, cao hơn vụ xuân năm 2022 là 2 tạ/ha. Đặc biệt vụ lúa xuân năm nay năng suất lúa cao đồng đều ở tất cả các xã, không có xã nào năng suất lúa dưới 70 tạ/ha. Một số xã còn đạt năng suất lúa từ 80 - 81 tạ/ha như Diễn Nguyên, Diễn Cát, Diễn Tân, Diễn Liên, Diễn Xuân… "Nông dân không những vui sướng lúa được mùa mà còn vì giá lúa cao (7.000 đồng/kg lúa khô), trừ hết chi phí, bà con lãi từ 30 - 32 triệu đồng/ha", ông Hiếu cho biết.
Ở huyện Quỳnh Lưu, vụ lúa xuân năm nay có thể nói năng suất cao chưa từng có với năng suất bình quân 74,6 tạ/ha, cao nhất từ trước lại nay và có thể cao nhất tỉnh.
"Vụ xuân này gieo cấy 6 sào lúa, hầu như không bị sâu bệnh, đầu tư thâm canh không hơn gì năm ngoái, khi lúa trổ thời tiết tốt, có nắng, không gặp mưa, năng suất lúa đạt bình quân 4,2 tạ/sào (84 tạ/ha). Đặc biệt lúa xuân vụ này hầu như không có lép lửng, tuyệt vời!", bà Bùi Thị Lan ở xã Quỳnh Hồng phấn khởi.
Lạc được mùa, trúng giá "xưa nay hiếm"
Hiện toàn bộ diện 9.200ha lạc vụ xuân của Nghệ An đã thu hoạch xong. Vụ lạc xuân năm nay, nông dân các huyện Diễn Châu, Quỳnh Lưu và Nghi Lộc vô cùng phấn khởi vì lạc được mùa, thu hoạch đến đâu bán hết đến đó với giá rất cao.
Tại huyện Quỳnh Lưu, những ngày qua trên các cánh đồng lạc thuộc các xã Quỳnh Thọ, Quỳnh Bảng, Quỳnh Thuận, Quỳnh Diễn… tấp nập người ra đồng khẩn trương thu hoạch lạc.
Ông Nguyễn Trường Sơn, cán bộ nông nghiệp xã Quỳnh Thọ cho biết, Quỳnh Thọ là xã ven biển và là địa phương có truyền thống trồng lạc. Vụ xuân năm nay, toàn xã gieo trồng 70ha lạc, tất cả diện tích khi trồng có phủ ni lông và nhờ thời tiết thuận lợi, nhất là thời kỳ lạc ra hoa đất đủ ẩm, có nắng nhẹ nên năng suất bình quân từ 29,5 - 30 tạ lạc khô/ha, cao hơn vụ lạc xuân năm ngoái gần 3 tạ/ha. Quỳnh Bảng là xã có diện tích lạc lớn nhất huyện Quỳnh Lưu với diện tích 127ha, năng suất lạc đạt bình quân từ 32 - 33 tạ/ha, cao nhất từ xưa lại nay. Với giá bán lạc khô tại chỗ 37.000 đồng/kg (lạc tươi bán tại ruộng đầu vụ 17.000 đồng/kg), nông dân ở đây thu nhập không dưới 100 triệu đồng/ha.
Bà Vũ Thị Bích Hằng, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Quỳnh Lưu cho biết, vụ lạc xuân 2023, toàn huyện có 846ha lạc, năng suất ước đạt bình quân chung từ 30 - 31 tạ/ha, cao nhất từ trước lại nay. Vụ xuân năm nay ở Quỳnh Lưu không những được mùa lúa chưa từng có, còn được cả mùa lạc xưa nay hiếm.
Tại huyện Diễn Châu, vụ lạc xuân 2023 toàn huyện gieo trồng được 3.000ha, năng suất ước đạt bình quân 29,5 tạ/ha, cao hơn vụ xuân 2022 là 1,5 tạ/ha, bà con thu nhập trên 100 triệu đồng/ha sau khi trừ hết chi phí.
Một số kinh nghiệm rút ra
Không phải ngẫu nhiên sản xuất nông nghiệp vụ xuân năm nay của Nghệ An lại thắng lợi lớn, toàn diện "xưa nay hiếm". Qua theo dõi và ý kiến đánh giá, nhận xét của nhiều cán bộ quản lý, chỉ đạo, kỹ thuật và bà con nông dân nhiều vùng miền ở Nghệ An cho rằng, thắng lợi lớn sản xuất vụ xuân 2023 có thể gói gọn mấy nguyên nhân sau đây:
Thứ nhất: Có sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên của các cấp uỷ Đảng và chính quyền từ tỉnh đến huyện, xã; bám sát cơ sở sản xuất, đồng hành cùng bà con nông dân thực hiện tốt chủ trương sản xuất và quy trình kỹ thuật đề ra, nhất là trong giai đoạn đầu vụ gieo cấy gặp thời tiết bất thường, rét đậm, rét hại tuy không quá cực đoan nhưng cũng không để lại thiệt hại.
Thứ hai: Sau rét đậm, rét hại ở giai đoạn gieo cấy đầu vụ, thời tiết trở lại bình thường và cơ bản thuận lợi. Sản xuất vụ xuân năm nay nhờ có thời tiết thuận lợi, không hạn hán khốc liệt, không mưa to gió lớn gây ngập úng trong tiết Tiểu mãn, rất ít sâu bệnh, thời kỳ lúa trổ trời nắng đẹp, lúa rất ít bị lép lửng…
Thứ ba: Cơ cấu giống lúa do Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh đề ra hợp lý, trên cơ sở có điều tra, tổng kết kết quả qua các vụ xuân trước đây. Từ đó rút ra nên cơ cấu giống gì, ở vùng nào và mỗi cơ sở sản xuất chỉ nên gieo cấy 2 - 3 giống theo khuyến cáo của Sở NN-PTNT trước khi chuẩn bị vào vụ sản xuất.
Qua kết quả điều tra, tổng kết về cơ cấu giống lúa trong vụ xuân hàng năm của Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh, Sở NN-PTNT đã chính thức đưa vào cơ cấu giống chủ lực vụ lúa xuân 2023 gồm: Nhóm các giống lúa thuần (VNR20, TBR225, Bắc Thịnh, Thiên ưu 8, ADI 168, VTN A6, HDI 11); nhóm các giống lúa lai (Thái Xuyên 111, Phú Ưu 987, VT 404, Long Hương 8117…).
Mỗi huyện, xã, HTX trên cơ sở đất đai tốt, xấu, khả năng đầu tư thâm canh và tham khảo ý kiến của bà con nông dân tại địa phương chỉ đưa vào 1 - 3 giống lúa phù hợp nhất ở địa phương theo khuyến cáo của Sở NN-PTNT.
Thứ tư: Bón đủ phân, bón hợp lý, bón cân đối, nhất là phân kali. Qua khảo sát ở những nơi có năng suất lúa xuân cao ở vụ xuân năm nay, đều có chung việc sử dụng phân bón đủ, bón hợp lý, bón cân đối theo quy trình do ngành nông nghiệp đề ra. Mặt khác qua theo dõi và trao đổi với bà con nông dân cho thấy, trong sản xuất lúa hiện nay, hầu như nông dân nào cũng tập trung đầu tư nhiều phân kali.
Kali được bà con bón trung bình từ 5 - 6kg/sào (500m2), trong đó bón lót 1 - 2kg/sào, còn lại bón khi lúa đứng cái làm đòng từ 4 - 5kg/sào. Theo ý kiến nhận xét của bà con nông dân thì bón đủ phân kali lúa vừa cứng cây, ít đổ, ít bị sâu bệnh, bông lúa nhiều hạt và nhất là tỉ lệ lúa bị lép rất ít.
Hiện nay, nông dân ở Nghệ An đã rút được nhiều kinh nghiệm và tuân thủ khuyến cáo của ngành nông nghiệp về mật độ gieo cấy. Theo đó, bà con chỉ cấy ở mật độ 38 - 40 khóm/m2, mỗi khóm cây 1 - 2 dảnh, trung bình nếu gieo mạ để cấy chỉ hết 1,2kg lúa giống/sào (500m2), cả dự phòng chỉ hết tối đa 1,5kg giống/sào. Ngành nông nghiệp cũng khuyến cáo nếu gieo sạ, bà con chỉ nên gieo từ 2,5 - 3kg hạt giống/sào (500m2). Gieo dày, cấy dày vừa mất nhiều giống, vừa không có năng suất cao và làm tăng chi phí sản xuất không cần thiết.